Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).
Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các bộ, ngành trung ương đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ chung và 1/8 nhiệm vụ cụ thể. Việc triển khai thực hiện đề án đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và là nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành về thực hiện các nhiệm vụ của đề án; tập trung rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh triển khai thực hiện 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Đến nay, đã tích hợp được 1.396 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh…
Tại hội nghị, các đại biểu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án; chia sẻ những kinh nghiệm hay của đơn vị, địa phương; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Từ khi Đề án 06 được phê duyệt, Tổ công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc.
Kết quả đạt được cho thấy, triển khai thực hiện Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án 06 trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực thực hiện đề án và công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.