Về phía tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo báo cáo, sau khi nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 748 ngày 3/6/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác lập Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thành lập Ban Chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh; UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT là cơ quan lập quy hoạch và lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Qua quá trình đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng tầm nhìn, mục tiêu chủ yếu và các định hướng ưu tiên…, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, giữ vững quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc;…
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm thời kỳ 2021-2030 đạt 8-9%; thu nhập đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng; thu nội địa thời kỳ 2021-2030 tăng 9 - 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 340 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2-3%/năm, đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% vào năm 2030;… Phấn đấu đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số;…
Để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá.
Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh nêu rõ: Dự thảo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi hoàn thành đã lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố và các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, UBND tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đã tổ chức Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Kết quả đã có 22/22 bộ, ngành Trung ương; 14/14 tỉnh; 31/31 sở, ban, ngành tỉnh và 11/11 huyện, thành phố tham gia ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh; đã có trên 1.000 ý kiến góp ý được tiếp thu, giải trình. Dự thảo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn sau khi chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến góp ý đã được Ban Chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thông qua. Đồng thời, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định và thông qua ngày 15/9/2023.
Đến thời điểm hiện tại, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đã hoàn thành đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu một số nội dung liên quan tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nhận xét về Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo). Trong đó, các ý kiến của các chuyên gia – Ủy viên thẩm định quy hoạch đều cho rằng Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đã đánh giá tổng quát về kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém giai đoạn vừa qua, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; các quan điểm, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch; các định hướng lớn về bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; các vùng trọng điểm, các hành lang kinh tế…
Chuyên gia - Ủy viên thẩm định quy hoạch phát biểu một số nội dung liên quan tại hội nghị.
Bên cạnh đó, một số ý kiến của các chuyên gia cho rằng tỉnh Lạng Sơn cần xem xét bổ sung vào quy hoạch về hệ thống giao thông, trong đó, ngoài hệ thống đường bộ cần xem xét về hệ thống đường sắt; nghiên cứu xây dựng quy hoạch tỉnh Lạng Sơn theo hướng liên kết vùng; bổ sung vào quy hoạch những tổ hợp logistics trong Khu Kinh tế cửa khẩu; nghiên cứu về quy hoạch phát triển lĩnh vực năng lượng, phát triển lĩnh vực du lịch;…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch nêu rõ: Qua thảo luận và biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn, Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.
Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia phản biện. Trong đó, làm rõ vị trí, vai trò của tỉnh là cửa ngõ quan trọng của vùng trung du miền núi phía Bắc trong kết nối với Quảng Tây (Trung Quốc); rà soát, xem xét lại các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn; xác định rõ các ngành ưu tiên, định hướng mới, tạo đột phá phát triển;…