7 điều hạnh phúc nhất mà đạo Phật mang lại cho con người

Thứ bảy - 16/07/2016 09:08
Kim chỉ nam mà đạo Phật hướng đến chính là sự giải thoát. Giải thoát sự ham muốn, vô minh để đạt được trí tuệ sáng suốt và có một cuộc sống tự tại không ràng buộc. Dưới đây là 7 điều hạnh phúc nhất mà đạo Phật mang lại cho con người
7 điều hạnh phúc nhất mà đạo Phật mang lại cho con người
Sự bình đẳng

Sinh ra trong thời đại giai cấp phân chia rõ ràng, Đức Phật đã tuyên bố “Không có một tầng lớp, một giai cấp nào khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng vị mặn”. Đạo Phật tôn trọng bình đẳng nghĩa là tôn trọng giá trị tuyệt đối của con người. Chính sự bình đẳng là cách để đạo Phật đến gần với mọi tầng lớp trong xã hội và đem ánh sáng đạo mầu để xóa đi những khổ đau của con người. Sự bình đẳng này cũng giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận đạo Phật, thấm nhuần chân lý sâu xa và con đường hướng thiện theo lời dạy của bậc giác ngộ.

Phật giáo có thể khiến cho người ta đạt được nhân sinh quan chính xác

Phật giáo không phải là một loại tôn giáo không có tinh thần trách nhiệm. Đầu tiên Phật giáo muốn chúng ta nhận thức nhân sinh ấy là thứ nhân sinh khổ não. Sau đó tiến thêm một bước, phân tích những thứ khổ não ấy của nhân sinh, đều là do vô tri tham dục của chính bản thân con người gây ra và mọi người đều có thể tự mình khắc phục những thứ khổ não ấy. Sau cùng chỉ ra con đường hạnh phúc của nhân sinh, mong muốn chúng ta phải tiết chế dục vọng của mình, vì người khác mà phục vụ. Phật giáo tin chắc rằng : Mình muốn an lạc thì nhất định không thể thiết lập sự an lạc đó trên đau khổ của kẻ khác. Chỉ khi nào toàn thể chúng sinh đều được hạnh phúc an lạc, cá nhân mình mới có hạnh phúc, an lạc chân chính.

Phật giáo có thể khiến cho người ta tích cực hướng thượng

Giới luật của Phật giáo, đối với hành vi của con người không phải là trói buộc cứng nhắc, mà là cổ vũ sinh động. Về phương diện tiêu cực có thể dừng ác phòng ngừa tội lỗi, về phương diện tích cực có thể khuyến khích cứu nhân độ thế. Chẳng hạn như giới “không sát sinh”, mục đích và tinh thần chân chính của nó, không phải ở chỗ bản thân mình không giết mà còn phải khuyên người khác giữ giới sát nữa. Một người lập chí học Bồ tát đạo, tự mình sát sinh vốn là phá giới, nếu thấy người sắp chết mà không cứu cũng phạm giới. Những giới luật khác cũng như vậy, không phải chỉ tự mình không nên “trộm cắp”, “nói dối” mà còn phải khuyên người không nên trộm cắp, nói dối, hết lòng khuyên bảo người cải tà quy chính.

Thoát khỏi vô minh bằng trí tuệ

Đức Phật nói “Cuộc đời là bể khổ”, tham ái là nguyên nhân của cái khổ. Nhiều người vẫn cho rằng đạo Phật làm con người trở nên bi quan. Nhưng đó là do họ không nhận diện cái khổ đang tồn tại xung quanh và chấp nhận điều đó. Hơn 2.500 năm tồn tại thế gian, đạo Phật đã giữ được giá trị của một tôn giáo chân chính là nhờ vào những sự thật mà bằng nhãn quang, Đức Bổn Sư đã thấy được, từ đó có cách chuyển hóa cũng như tạo một lối sống đúng đắn.

Tự tin ở chính mình

Đức Phật không cho rằng Người là Thượng Đế, có đầy đủ quyền năng để ban phước giáng họa cho con người mà chỉ là một vị đạo sư, bằng trí tuệ sáng suốt sẽ dẫn dắt cho con người thoát khỏi sự khổ đau của thế gian và sự luân hồi. “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Đó là câu nói khẳng định rằng khả năng của con người có thể làm được những điều vĩ đại nhất. Chứ không phải là con người chúng ta phải được chăn dắt bởi các vị thần thánh.

Hoàn thiện nhân cách

Đạo Phật dạy chúng ta về lòng từ bi, yêu thương và hiếu thảo, biết cách ứng xử trong mọi tình huống bằng trí tuệ sáng suốt để không gây phiền não cho mình và cho người. Mang đến một sự an lạc, bình yên – Đó là điều hạnh phúc mà chúng ta muốn đạt được.

Con đường đi đúng đắn

Giữa vô vàn sự cám dỗ của cuộc sống, Bát Chánh Đạo của Đức Phật là phương pháp đúng đắn để chúng ta không bị lầm đường lạc lối và bị cuốn hút vào vòng quay hối hả của cuộc sống mà làm mất đi bản thân mình.

Nguồn tin: Vedepphatphap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây