Cha mẹ là ‘những vị thầy đầu đời’ của con cái. Đức Phật dùng thuật ngữ papa
nivarenti để nói đến bổn phận của cha mẹ là phải can ngăn con cái khỏi những
hành động bất thiện. Papa có nghĩa là bất cứ hành động bất thiện nào được
thể hiện qua lời nói, hành động và ý nghĩ. Nivarenti muốn nói đến nỗ lực
để tránh xa hành động bất thiện này. Giúp con cái tránh xa những hành
động xấu ác là một phần trong việc giáo dục con cái của cha mẹ.
Cha mẹ có những biện pháp nào để ngăn cản những hoàn cảnh có thể lôi kéo con
cái họ vào những hành động bất thiện? Đức Phật không tin rằng một phương
pháp mạnh, như trừng phạt, đánh đập sẽ giúp cho các bậc cha mẹ đạt được mục
đích này. Đức Phật đã từng nói, “Tất cả mọi người đều bị sự trừng phạt đe
dọa, ám ảnh”, và Ngài bác bỏ bất cứ hình thức trừng phạt nào[2] . Không
thể tìm thấy trong bộ tạng kinh Pitaka, bất cứ điều gì để chứng tỏ rằng sự
trừng phạt là một phương cách hữu hiệu để rèn luyện nhân cách cho trẻ.
Trái với sự suy nghĩ rằng “không đánh thì con hư”, Đức Phật từ bi đã đề nghị
những phương cách tốt hơn để giúp rèn luyện nhân cách cho trẻ –những phương
cách này sẽ được nói đến sau đây.
Đức Phật không bao giờ khuyến khích việc sử dụng những lời chửi mắng như là một
phương cách hữu hiệu để giúp con trẻ loại bỏ những hành vi bất thiện. Đức
Phật dạy rằng một phản ứng giận dữ chắc chắn đưa tới kết quả của việc sử dụng
những lời nói nặng nề, xúc phạm.[3] Trong một đoạn kinh, Đức Phật
đã nói những lời cộc cằn, thô lỗ, chỉ có thể đưa đến sự bực tức, khổ đau cho
người nói. Dựa trên quan điểm này, ta thấy rằng việc chửi mắng, thóa mạ
cũng giống như việc trừng phạt con cái bằng cách đánh đập, sẽ không giúp ích gì
cho cha mẹ trong việc khuyên bảo con cái họ tránh xa những hành động bất thiện.
Khuyên nhủ là một phương cách hữu hiệu để giúp con cái không đi theo những cách
sống tai hại. Nhưng trước hết, chính cha mẹ phải là những người gương
mẫu: “Trước khi giáo huấn ai, phải tự xét lại mình. Có thể người nói mới
không phạm sai lầm”.[4] Muốn cho con cái nghe lời mình, trước hết
cha mẹ phải thực hành những lời dạy của chính mình. Khi chính cha mẹ cũng
kiềm chế không làm những hành động xấu ác, thì họ sẽ dễ dàng thuyết phục con
cái mình tránh xa khỏi những điều tương tự.
Giúp trẻ tránh xa những người bạn không có đạo đức hay xấu ác, theo Đức Phật,
là một phương cách khác để giúp con cái tránh thói quen có những hành động bất
thiện.
Những lời khuyên của Đức Phật đối với Sigala -một đứa trẻ vừa mất cha, và đang
ở trong một trạng thái tâm bối rối, phải đối mặt với bao trở ngại ở phía trước
-cho ta thấy rằng Ngài sẽ khuyên các bậc cha mẹ phải dẫn dắt con cái họ như thế
.[5] Đức Phật khuyên Sigala, quan trọng nhất là không nên giao lưu
thân thiết với những kẻ không có đạo đức, vì những mối liên hệ đó sẽ làm hỏng
tương lai của người trai trẻ. Khuyên con tránh xa người xấu ác, sẽ giúp
con không coi thường những hành vi xấu ác.
Tóm lại, theo Đức Phật, có những phương cách để giúp con cái không trở thành
xấu ác, vô đạo đức, là một bổn phận tiên quyết của các bậc làm cha mẹ.
Thay vì giao bổn phận đó cho các thầy cô giáo, hay các nhà tôn giáo, chính cha
mẹ cũng phải cho con cái thấy sự quan tâm của họ và có bổn phận giúp con cái họ
không học theo những thói quen xấu của cá nhân hay xã hội.
2. Dạy Con Hành Động Thiện.
Bên cạnh việc có những phương pháp giúp con cái tránh xa các hành động bất thiện,
bổn phận của cha mẹ còn bao gồm cả việc dẫn dắt con cái hướng đến những hành
động thiện. Đức Phật đã dùng thuật ngữ Pali, kalyane nivesenti, để nói về
điều đó. Kalyane có nghĩa là “những hành động tốt đẹp, dễ thương và đạo
đức”. Nivesenti có nghĩa là “thiết lập”, hay “là nguyên nhân của”.
Hành vi thiện ý chỉ những lời nói, hành động và ý nghĩ xuất phát từ lòng từ bi,
bác ái và trí tuệ. Do đó các yếu tố của hành vi đạo đức là sự thực
hành bố thí (dana), gìn giữ giới luật (sila), và phát triển tâm trí
(bhavana). Đức Phật khuyến khích cha mẹ ươm trồng những tư tưởng và hành
động này cho con cái họ. Với sự tận tâm dạy bảo của cha mẹ, con cái sẽ có
thể có được những đức tính này.
Hơn nữa, cha mẹ phải tuân giữ chánh mạng, nghĩa là kiếm sống một cách chánh đáng
để cho con cái họ có thể chọn lựa một con đường tương tự. Kế tiếp, họ
phải quan tâm đến ai là những người bạn thân thiết của con họ. Đức Phật
luôn nhấn mạnh rằng việc giao tiếp với thiện tri thức (pandita), sẽ bổ sung
thêm cho cá tính của ta; do đó cha mẹ cần phải thuyết phục con cái họ kết bạn
với những người bạn như thế. Lần nữa, Đức Phật nhấn mạnh đến việc dùng ái
ngữ, như là một phương cách hữu hiệu để những người có trách nhiệm gieo trồng
các hành vi thiện cho người khác. Các bậc cha mẹ muốn giáo huấn, hướng
dẫn con đến cái thiện, cũng phải làm như thế.
Tuy nhiên, Đức Phật cũng thấy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đem
lại hạnh phúc tức thì cho người mà ta đang cố gắng dìu dắt họ hướng đến các
hành động thiện. Nhất là các bậc cha mẹ, họ sẽ cảm thấy khó làm vừa lòng
con cái với những lời khuyên nhủ, dạy dỗ chân chánh. Con cái thì thích
làm bất cứ điều gì đem lại cho chúng những sự thõa mản tức thì hơn là những ích
lợi dài lâu. Chúng có thể cảm thấy rất bực bội khi nghe những lời cha mẹ
khuyên dạy, không giống với những điều chúng muốn làm.
Vào những trường hợp như thế, Đức Phật khuyên cha mẹ phải cứng rắn bảo vệ những
giá trị của lời mình dạy, chứ không nên chìu con. Khi cha mẹ biết rằng
mình đang sử dụng những phương cách chánh đáng vì sự phát triển nhân cách của
con cái, họ phải cương quyết đi đến cùng chứ không thể chùn bước.
Thài tử Abhaya, người đang bồng con trong tay, hỏi Đức Phật rằng ông có nên dùng
những lời lẽ cứng rắn để rèn luyện cách cư xử của ai đó không.[6]
Để trả lời, Đức Phật nói rằng Ngài sẽ chỉ dùng những lời dịu dàng, vào thời
điểm thích hợp. Tuy nhiên Đức Phật cũng nói rằng khi Ngài biết một phương
pháp gì đó là đúng, thì Ngài chẳng bao giờ do dự khi phải thực hiện
nó.
Đức Phật tiếp, “Giả dụ nếu có vật gì đó dính mắc trong cổ đứa bé, thì người sẽ
làm gì?” Thái tử Abhaya trả lời rằng, ông sẽ lấy nó ra. “Như thế sẽ
làm cho đứa bé chảy máu và đau đớn thì sao?”, Đức Phật hỏi. Thái tử Abhaya
thưa rằng ông sẽ không quan tâm, vì điều cần giải quyết ngay trước mắt là phải
cứu sống đứa trẻ. Theo Đức Phật, có những biện pháp, hành động mà các bậc
cha mẹ phải chọn lựa, nếu muốn dẫn dắt con cái họ đi theo con đường chân chánh,
mặc dầu những hành động đó trước mắt có thể không làm con cái họ vui
lòng. Theo giả dụ trên, ta thấy rằng, trong nỗ lực hướng dẫn con cái đền
những hành động thiện, cha mẹ có thể phải sử dụng những lời nói nghiêm khắc,
chứ không phải thô lỗ, cộc cằn, và phải có những biện pháp cứng rắn, mặc dầu
con cái họ không vui lòng nghe theo.
Chính cuộc đời của Đức Phật đã cho chúng ta một trong những thí dụ hoàn hảo nhất
về việc người cha phải làm thế nào để vung trồng tánh thiện trong tâm hồn một
đứa trẻ. Rahula, con trai Đức Phật, mới chỉ bảy tuổi khi Đức Phật hứa với
con rằng sẽ cho con một “món quà tốt đẹp nhất của một người cha”. Đức
Phật đã cho phép Rahula được gia nhập tăng đoàn, và đã hết lòng dạy dỗ để giúp
Rahula phát triển nhân cách toàn vẹn. Trong kinh tạng (Pitaka) có nhiều
đoạn cho ta thấy Đức Phật rất quan tâm đến việc Rahula có được những đức tính
thiện và sự phát triển nhân cách không.
Thay vì ra lệnh, Đức Phật thường khêu gợi trí phán đoán của con. “Rahula,
mục đích của cái gương là để làm gì?”, Đức Phật đã có lần hỏi đứa con trai nhỏ
của mình như thế. “Dạ, để nhìn thấy sự phản chiếu của mình”, Rahula trả
lời. “Cũng thế Rahula, tâm của ta là để phản chiếu hành động của chúng
ta”, Đức Phật tiếp lời. “Con cần phải đánh giá hành động của mình dựa
trên những hậu quả của chúng. Bất cứ điều gì mang đến hậu quả xấu cho bản
thân và cho người khác, thì con nên tránh làm những điều đó. Nếu chúng
đem đến những kết quả tốt, thì con có thể thực hiện chúng”[7] . Đây là
một thí dụ về những phương cách hữu hiệu mà bậc cha mẹ có thể áp dụng để vung
trồng phẩm hạnh trong tâm đứa trẻ. Sự dạy dỗ, dìu dắt của Đức Phật quá
toàn hảo đến nỗi Rahula có danh hiệu là “người luôn sẳn sàng học hỏi, tu sửa”.
Bằng lời nói và hành động, Đức Phật đã gửi gắm thông điệp rằng cha mẹ cần hướng
dẫn con cái đến những điều thiện mỹ. Bổn phận của cha mẹ là khuyến khích
con cái họ nói, làm và suy nghĩ những điều thiện. Sự dạy dỗ, dìu dắt này
phải là mục đích chính của cha mẹ, không phải là một vấn đế phụ thuộc.
3. Giáo Dục Hướng Nghiệp Cho Con
Cái.
Bổn
phận kế tiếp của cha mẹ, theo kinh Sigalovada, là tạo điều kiện để con được
giáo dục hướng đến một nghề nghiệp thích hợp. Nhu cầu này được gọi là
sippam sikkhapeti. Sippa có nghĩa là ‘tri thức và khả năng cần thiết cho
một nghề nghiệp’; sikkbapeti có nghĩa là “dạy dỗ, rèn luyện”. Về
điều này, cha mẹ có thể trực tiếp dạy con cái họ, mà cũng có thể nhờ đến sự
giúp đở của những người có khả năng.
Bổn
phận này cho ta thấy rằng cha mẹ cần có những phương cách để làm cho cuộc sống
của con cái được tốt hơn, bên cạnh việc giúp con cái họ phát triển nhân
cách. Trong kinh Mangala, Đức Phật đã dạy, “có tri thức rộng, có kỷ năng,
kỷ luật và ái ngữ là những ân sủng”[8] . ‘Kỷ luật’ và ‘ái ngữ’ thuộc về
sự phát triển nhân cách; ‘tri thức rộng’ và ‘khả năng’, là những chuẩn mực
trong nghề nghiệp. Con cái cần sự giúp đở của cha mẹ trong cả hai lãnh
vực này.
Cha mẹ trong thời Đức Phật còn tại thế không có nhiều lựa chọn trong việc chuẩn
bị cho con cái họ có một nghề nghiệp. Họ có thể trực tiếp trao truyền lại
cho con cái sự hiểu biết riêng của mình hoặc họ có thể gửi con cái đến học với
những người có khả năng. Các gia đình khá giả gửi con đến những nơi như
là Taxila, thủ đô của Gandhara, nơi có trường đại học nổi tiếng đầu tiên trên
thế giới. Trái lại, ngày nay cha mẹ có nhiều lựa chọn hơn trong việc giúp
đở con cái trong lãnh vực giáo dục. Gửi con cái đi học ở các trường, theo
dõi, và lo giúp đở chi phí học hành, là một số cách cha mẹ làm để chuẩn bị cho
con cái có một nghề nghiệp.
Ba bổn phận của cha mẹ vừa được kể trên cho thấy rằng mục tiêu của người làm
cha mẹ là để hướng dẫn con cái trở nên một người hoàn thiện. Chuyển hóa
nhân cách, tri thức và sự phát triển khả năng, là biểu hiện của sự hoàn
hảo. Cụ thể hơn, lánh xa những hành động bất thiện, và học tập những đức
tính cao thượng để làm tốt hơn sự phát triển nội tâm của đứa trẻ. Sau đó
đào sâu thêm về tri thức và khả năng giúp cho đứa trẻ trở nên là một người có
khả năng nghề nghiệp. Đức Phật khuyên các bậc cha mẹ phải có một sự tự
nguyện nỗ lực hướng con cái đến mục đích đó.
4. Giúp Con Cái Chọn Bạn Đời.
Trong thời Đức Phật, sự tham gia của cha mẹ vào việc tìm người phối ngẫu cho con
cái mình có vẻ rất thích hợp. Một phần vì trước đây ở Ấn Độ không có một
hệ thống giáo dục cho tất cả, thế hệ trẻ không có sự lựa chọn người phối ngẫu
một cách khôn ngoan. Mặt khác, vì không có những luật lệ về hôn nhân cố
định, nhiều người sau khi lập gia đình thường bỏ nhau mà không có những bổn
phận đối với con cái hay người họ bỏ rơi. Trong hoàn cảnh xã hội đó, Đức
Phật đã khuyên cha mẹ nên giúp con cái họ chọn lựa những người bạn phối ngẫu
thích hợp.
Ngày nay, chúng ta có thể lý luận rằng bổn phận này của cha mẹ không còn quan
trọng, rằng cha mẹ cần phải để cho con cái tự chọn người bạn đời của
mình. Tuy nhiên, sự hướng dẫn của cha mẹ vẫn có thể là một đóng góp ích
lợi cho con cái trong việc chọn lựa bạn đời. Vì không từng trải, những
người trẻ tuổi có thể vội vàng kết luận rằng, vẻ bề ngoài quyển rũ của một ai
đó có thể là tiêu chuẩn duy nhất để chọn lựa làm người phối ngẫu. Nhưng
chẳng lâu sau họ có thể nhận ra rằng họ đã mù quáng như thế nào. Lúc đó
họ mới biết có những yếu tố khác quan trọng hơn, như là cách cư xử, sự trưởng
thành trong tình cảm, do đó họ cần có sự chọn lựa kỹ càng trước khi quyết định
cưới nhau.
Sự hướng dẫn của cha mẹ có thể giúp những người trẻ tuổi chọn lựa bạn đời một cách
khôn ngoan, do đó giảm bớt những xung đột trong mối liên hệ vợ chồng. Đời
sống gia đình của chính các bậc cha mẹ cũng có thể đã dạy cho con cái của họ
những bài học quan trọng. Họ biết rằng sự trưởng thành trong nhân cách
của mỗi thành viên đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cho mối liên hệ
của họ được tốt đẹp. Cha mẹ có thể truyền cho con cái sự hiểu biết quan
trọng này. Không cần phải lựa chọn bạn đời cho con, nhưng cha mẹ vẫn có
thể giúp con hiểu rõ hơn về một sự chọn lựa đứng đắn.
Hôn nhân là một bước quan trọng nhất trong cuộc đời của một người bạn
trẻ. Sự hướng dẫn của cha mẹ có thể làm phong phú thêm sự hiểu biết của
con cái về việc chọn lựa một người bạn đời thích hợp. Nhờ thế cha mẹ có
lý do để hãnh diện khi họ có thể giúp con cái ở bước ngoặt quan trọng này –và
lời khuyên của Đức Phật dường như vẫn rất thực tế, ngay cả ở thời đại bây giờ.
5. Trao Của Thừa Tự Cho Con Đúng
Thời Điểm.
Cuối cùng Đức Phật khuyên cha mẹ nên giao lại tài sản gia đình cho con
cái. Dĩ nhiên Đức Phật không bảo cha mẹ phải giao hết tất cả tài sản gia đình
cho con cái họ, để trở thành người vô gia cư vào lúc cuối đời. Thay vào
đó, Đức Phật khuyên họ nên chuyến giao một phần tài sản gia đình cho con cái ở
một thời điểm thích hợp. Hãy quán niệm những lời dạy của Đức Phật, chúng
ta sẽ hiểu rõ hơn điều này. Đức Phật dùng thuật ngữ dayajjam để chỉ phần
tài sản gia đình mà người con có quyền được hưởng. Dayajjam có nghĩa là
‘một phần tài sản được coi như là món quà của cha mẹ dành cho con cái’.
Một từ ngữ khác samaye có nghĩa là ‘thời điểm thích hợp’.
Đây là điều cuối cùng mà bậc cha mẹ phải làm để hoàn thành trách nhiệm của mình.
Đã là một nguồn hướng dẫn phong phú đối với sự phát triển nhân cách và sự thành
công về vật chất của con cái, cha mẹ giờ có thể được coi như là đã hoàn thành
nghĩa vụ của họ một cách viên mãn. Họ giao lại tài sản cho con cái với
một số lượng thích hợp. Sau khi đã viết xong di chúc cuối cùng, các bậc
cha mẹ có thể sống một cuộc sống thoải mái, tự tại vì nghĩ rằng. ‘Chúng ta đã
làm đầy đủ bổn phận và đã đạt được thành công tốt đẹp trong vai trò làm cha mẹ
của mình’.
Tóm Tắt
Đức Phật đã hướng dẫn các cư sĩ tại gia để họ có thể trở thành những bậc cha mẹ
hạnh phúc và tự tại của những đứa con đầy nhân cách. Họ đã dạy dỗ để
chúng phát triển nhân cách và giáo dục. Họ bổ sung sự hiểu biết của con
cái về hôn nhân và đời sống gia đình. Cuối cùng họ trao một phần tài sản
gia đình cho con cái ở thời điểm thích hợp. Khi nghĩ về sự thành công của
mình trong vai trò làm cha mẹ, người ta có quyền được hảnh diện vì điều
đó. Những nghĩa vụ này góp phần thắt chặt thêm mối liên hệ giữa cha mẹ và
con cái. Đức Phật nhắc nhở con cái cần bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ
khi cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ của họ. Kết quả tích cực này cho ta
thấy bổn phận của người làm cha mẹ có ý nghĩa thật lớn lao.
Diệu Liên Lý Thu Linh (dịch từ Being Proud Parents, trích trong The Buddha’s Teachings on Prosperity,
NXB Wisdom Publications)
[1]
Trường Bộ Kinh III: 31: Sigalovada; 451-469
[2] Pháp Cú: Câu 129
[3] Pháp Cú: Câu 133
[4] Pháp Cú: Câu 158
[5] Trường Bộ Kinh III:31:Sigalovada, 461-469
[6] Trung Bộ Kinh II: 58: Abhaya Rajakumara: 498-501
[7] Trung Bộ Kinh II:61: Ambalatthika Rahulovada; 523-526
[8] Kinh Nipata: Culla Vagga.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự