Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường - Niềm hy vọng của bệnh nhân nghèo

Thứ hai - 02/11/2009 10:15
Mới hơn 7 giờ sáng, trước phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường (trực thuộc Cơ sở từ thiện Phật giáo chùa Kỳ Quang II) đã chật kín người. Gần 200 người, hầu hết là từ các tỉnh thành tìm đến khám bệnh, hốt thuốc, người ngồi người đứng xếp hàng trước phòng nhận bệnh.

Chị Bùi Thị Thu Thủy (47 tuổi) ngụ tại thị xã Lagi (Bình Thuận) cho biết, chị rời khỏi nhà từ lúc 2 giờ sáng, đón xe vào TPHCM cho kịp giờ khám bệnh. Chị nói: “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Tôi bị mắc chứng bệnh thoát vị đĩa đệm, không đủ tiền uống thuốc và đi điều trị ở bệnh viện. May có người quen giới thiệu phòng khám từ thiện này, vừa khám chữa bệnh tận tình lại không mất tiền tôi mừng quá...!”.

 

Lương y Nguyễn Viết Xô, Trưởng phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường đang kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Đỗ Cẩm

Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường thành lập vào tháng 2-2000, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận từ 300 đến 400 lượt bệnh nhân, đa phần là bệnh nhân nghèo, đến khám bệnh, được chữa bệnh và bốc miễn phí hơn 2.000 thang thuốc. Tính đến đầu tháng 10-2009, đã có hơn 30.000 lượt người đến khám chữa bệnh, số lượng thuốc được cấp cho bệnh nhân là 2.430kg, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, từ nguồn đóng góp của các cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Ngoài ra, được sự quan tâm giúp đỡ của Sở Y tế TPHCM, Trung tâm y tế, Hội Bảo trợ xã hội và Hội Đông y quận Gò Vấp, cuối năm 2003, Văn phòng tư vấn và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trực thuộc phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường đã được thành lập. Không chỉ đơn thuần làm chức năng tư vấn, các lương y, dược tá giỏi của phòng khám, đứng đầu là lương y trưởng phòng Nguyễn Viết Xô, đã xây dựng đề án nghiên cứu việc sử dụng các loại thảo dược quý của Việt Nam vào công tác điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân nhiễm, giúp họ nâng cao sức đề kháng, ức chế một số chứng bệnh cơ hội đang xâm nhập vào cơ thể.

“Hầu hết bệnh nhân đến đây đều có hoàn cảnh khó khăn, mang trong mình nhiều chứng bệnh, thậm chí là bệnh ung thư. Biết mình có bệnh nhưng vì nghèo họ không có điều kiện chữa trị. Hiểu và cảm thông với họ nên chúng tôi không chỉ khám và bốc thuốc mà còn chú trọng đến tâm lý trị liệu như chia sẻ, an ủi, động viên tinh thần bệnh nhân, giúp họ có niềm tin, sức mạnh để vượt qua bệnh tật” - lương y Nguyễn Viết Xô, tâm sự.

Đại đức Thích Quang Hạnh, Phó ban quản lý Cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang II cho biết thêm, một vườn thảo dược rộng 30ha tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đang được xây dựng nhằm mục tiêu vừa tạo nguồn thuốc dồi dào phục vụ cho bệnh nhân nghèo, đồng thời cũng nhằm thiết lập nên một vườn sinh thái thực nghiệm phong phú các chủng loại cây thuốc giúp sinh viên ngành Y - Dược có thêm điều kiện đến tham quan thực tế, xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học.

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây