Dùng rắc rối để phát triển Bồ đề tâm và
để diệt trừ lòng vị kỷ
Những
rắc rối rất có lợi vì tạo cơ hội cho ta luyện tâm bồ đề, khiến ta cảm thấy rất
khó chịu khi chúng sinh khổ. Tu tập tâm bồ đề, đổi địa vị mình với người
khác, và tự quên mình để nghĩ đến kẻ khác và thương người hơn thương thân.
Trong Bồ Tát hạnh, bồ tát Shantideva dạy rằng nếu bạn không đổi địa vị mình với
người thì bạn không thể giác ngộ, và trong vòng luân hồi sinh tử bạn cũng không
thể có hạnh phúc. Không kể những đời sau, ngay trong đời này ta cũng
không thể thành công cả trong hoạt động thế tục. Dù rất mong muốn được hạnh
phúc trong đời sống hàng ngày, bạn không thể hưởng được hạnh phúc ấy nếu bạn
không có lòng tốt. Không trải tình thương đến mọi người thì cuộc đời bạn
sẽ không bao giờ được an vui.
Tu tập tâm bồ đề không chỉ là việc làm của những người đi tìm chân lý hoặc mong
muốn được hạnh phúc mai sau; tu tâm còn là việc làm của những người không biết
hoặc không chấp nhận tái sinh và nghiệp báo. Sống theo đạo đức là được
hạnh phúc, vô đạo đức là phải chịu khổ đau. Khi còn mong muốn được hạnh
phúc và không muốn bị đau khổ, thì cả đến những người thế tục chỉ mong được
hạnh phúc cho bản thân trong đời này – cũng phải có lòng tốt, tâm bồ đề.
Điều này có nghĩa là xem người như mình; quên mình để thương yêu người khác.
Mặc dù một bồ tát cũng có thể gặp khổ do ác nghiệp quá khứ, bồ tát chịu nỗi khổ
ấy vì tất cả hữu tình, nên những rắc rối chẳng những không thành vấn đề mà còn
đem lại cho bồ tát niềm vui; nghịch cảnh lại hoá ra duyên lành, chẳng những
không làm cho đời bồ tát khốn đốn mà còn khiến nó thêm hương vị. Nếu tập
quên mình vì người, thì khi gặp rắc rối ta có thể vì người mà chịu đựng mọi
đắng cay. Như vậy cuộc đời bạn hoá ra lại hạnh phúc. Những thăng
trầm không làm bạn phiền não mà còn giúp bạn thực thi con đường tuần tự đến
giác ngộ.
Muốn đạt giác ngộ vì lợi ích hữu tình, bạn phải tiêu diệt kẻ thù trong chính
mình là tư tưởng ngã ái vị kỷ, kẻ thù lớn nhất cản trở bước tiến của bạn và của
mọi hữu tình. ao lâu tư tưởng vị kỷ còn ngự trị trong tâm bạn, thì tâm
bồ đề không thể phát sinh, và cũng không có cách nào đạt giác ngộ để hướng dẫn
hữu tình một cách hoàn hảo.
Sống theo thói ích kỷ ta chỉ rước lấy toàn rắc rối thất bại và bất hòa. Tâm ích kỷ càng lớn, thì hỉ nộ ái ố và bất mãn nơi ta càng tăng, và trong cuộc
sống hàng ngày ta càng chuốc thêm vào mình hết xui xẻo này đến rủi ro khác.
Tâm chấp ngã luôn muốn mình phải là người số một, muốn mình được nổi tiếng
nhất, giàu có nhất, người khác phải nghèo hơn thấp kém hơn. Nó muốn mình
phải xếp sòng mọi người; mình phải thành công người phải thất bại. Tuy
nhiên, khi những mong đợi của cái tâm vị kỷ không được thoả mãn, thì ganh ghét,
phẫn nộ, ác ý bám víu và những vọng tưởng khác nổi lên. Bị khống chế bởi
những tư tưởng bất thiện ấy bạn tạo vô số ác hạnh và tích chứa ác nghiệp. Hậu quả chẳng những hiện tại thế lạc ta cũng không có được, mà đời sau còn phải
gặp toàn là khổ.
Không tập chịu khổ thay người khác, tâm ích kỷ nơi ta càng lớn thì ta càng thấy
mọi người và vật chỉ gây phiền hà cho ta. Càng thương mình, băn khoăn về
hạnh phúc của mình bao nhiêu, như nghĩ rằng “Tôi cứ bị hết chuyện này đến
chuyện nọ, đến bao giờ tôi mới được an?” thì ta càng gặp nhiều bực bội,
và càng biến chúng thành vấn đề.
Mỗi khi gặp rắc rối, điều cốt yếu là tức khắc nhận ra nó đến từ tâm chấp ngã
của mình, rằng chính tư tưởng ngã ái đã đem nó lại cho ta. Mỗi khi gặp
việc ta phải cố nhận ra ngay tiến trình ấy. Nếu cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh
thì ta không thể nào an vui. Kỳ thực mọi khó khăn trên đời này đều đến từ
tư tưởng chấp ngã.
Tất cả rắc rối đều là hậu quả của ác nghiệp tích luỹ
trong quá khứ do tâm chấp ngã gây nên. Vì chấp ngã mà nổi phiền não, rồi
phiền não lại khởi động ác nghiệp. Mọi khó khăn ta gặp trên đời đều liên
hệ không những đến ác nghiệp tích luỹ trong quá khứ do tâm vị kỷ gây ra, mà còn
đến tâm chấp ngã trong kiếp này.
Điều quan trọng nhất trong năm năng lực đề cập trong Luyện Tâm gồm bảy điểm là
qui mọi lỗi lầm cho ngã ái. Nhờ vậy ta phát triển tâm chán ghét đối với tư
tưởng ngã ái, xem nó như kẻ thù. Thay vì đồng hoá mình với tư tưởng ấy,
ta nên tách khỏi nó, thì khi ấy mọi hoạt động thường ngày của ta đều trở thành
Pháp thuần tuý.
Dù gặp bất cứ trường hợp khó khăn nào cũng nên qui lỗi cho tư tưởng ngã ái.
Hãy nghĩ mọi khó khăn là lỗi của ngã ái. Hãy trả lại cho tư tưởng ngã ái
mọi rắc rối và khó chịu mà chính nó đã đem đến cho bạn. Hãy dùng những
rắc rối làm vũ khí tiêu diệt ngã ái. Nếu gặp việc gì bạn cũng dùng nó để tiêu
diệt ngã ái, nhất là việc không thể tránh, thì nó thực sự biết thành pháp tu.
Chịu khó khăn thay cho người, đổi địa vị mình với họ, chính là luyện bồ đề tâm.
Đây chắc chắn là phương pháp hữu hiệu nhất và nhanh nhất để tích lũy công đức,
là sự tịnh hoá lớn lao nhất. Nhưng nếu không làm được vậy, thì khi gặp
nỗi bất bình gì xảy đến, bạn hãy trả nó về cho tư tưởng ngã ái để tiêu diệt
nó.
Như vậy mọi chướng ngại đều trở thành toàn là Pháp tu. Sự trải
nghiệm các chướng ngại trở thành diệu dược chữa trị ngã ái, pháp tu tốt
nhất. Vận dụng những khó khăn trong đời mình như vậy trở thành tu
Giới. Ngay cả người không quy y Phật, Pháp, Tăng, không tin giáo lý về
nghiệp, mà biết dùng những rắc rối mình gặp để tiêu diệt thói ích kỷ, thì chính
là họ đang tu tập Pháp thuần tuý.
Hãy qui mọi lỗi cho tư tưởng ngã ái. Thay vì nghĩ: “Đây là khó khăn của
tôi” hãy nghĩ đó là khó khăn của ngã ái nơi mình, rồi tiêu diệt ngã ái bằng
cách tặng lại cho nó cái rắc rối ấy. Điều hay nhất là hãy dùng ngay những nỗi
lo sợ như sợ mang tiếng xấu, sợ bị chê trách, để phá trừ ngã ái. Được thế thì
không thể xảy ra những lo sợ khủng hoảng đến nỗi điên loạn. Đây là phương
pháp tâm lý sâu xa thiết yếu để đánh bại được tư tưởng ngã ái vốn là nguồn gốc
của mọi vấn đề làm nó hoá thành không.
Ở đời có quá nhiều chướng ngại mà bạn phải đối phó, phải đương đầu dài dài,
hoặc tập sống chung với chúng: bệnh hoạn, tổn thương tinh thần, giác quan bất
toàn, v.v Cách tốt nhất là nghĩ rằng: “Tất cả khổ đau này đều do thói ngã ái
của ta mang lại.” Hãy qui những khổ đau ấy vào tư tưởng ngã ái. Rồi hãy
quyết định lãnh chịu những rắc rối ấy thay cho người khác. Đây là cách tu
tập can đảm và hữu hiệu nhất mà bạn có thể làm.
Hãy nghĩ: “Sở dĩ ta chưa thoát khỏi những đau khổ này là do từ vô thuỷ kiếp đến
nay ta chỉ tự thương mình, để ai chết mặc ai. Từ nay trở đi, ta chỉ sống
bằng tâm bồ đề. Ta sẽ thương yêu tất cả vì đó mới là nguồn gốc của hạnh phúc.”
Nếu chuyển thương mình thành thương người, thì mọi đau khổ sẽ chấm dứt.
Mọi rắc rối sẽ biến mất nhờ ta thay đổi lối sống. Cách tu tập đổi địa vị
mình với người chấm dứt mọi rắc rối và khổ đau trên đời.
Cho và nhận
Khi
gặp rắc rối, hãy áp dụng pháp chuyển tâm tonglen (cho và nhận) trong giáo lý
Đại thừa. Hãy rước lấy tất cả mọi khổ đau của người khác vào tâm, và cho
họ tất cả - thân, tài sản, hạnh phúc, công đức của mình. Có rất nhiều
người khác gặp cùng một khó khăn như ta, vậy ta nên phát tâm chịu thay cho họ
nỗi khổ ấy, cũng như khổ và nguyên nhân khổ của tất cả mọi người. Bằng
cách ấy, ta vì người mà chịu đựng nổi khổ mình đang gặp phải.
Khi nghĩ mình đang chịu thay khổ cho người khác, bạn biến kinh nghiệm khổ thành
pháp môn tu tập. Vì bạn đang chịu thay nổi khổ cho những người đồng cảnh
ngộ, hoặc những khổ khác nữa, sự cảm thọ khổ nơi bạn trở thành một cuộc tịnh
hoá lớn lao, một phương tiện thiện xảo để tô bồi công đức. Vì số lương
những người đau khổ để bạn chịu thay là không thể kể xiết, nên công đức bạn
tích lũy cũng thành vô lượng.
Chuyển bệnh thành pháp tu
Một giáo lý luyện tâm khác dạy: “Bệnh tật là chổi quét sạch nghiệp chướng.” Bạn
sẽ thấy vui mừng khi bị đau ốm do nghĩ như sau: “Ác nghiệp tôi đã tích luỹ
trong quá khứ, mà tôi chắc chắn phải chịu quả báo nay đã chín mùi nơi thân tôi
trong kiếp này. Nếu nó chưa chín ngay bây giờ thì tôi sẽ còn phải lãnh
quả báo ác nghiệp trong vô lượng kiếp ở các cõi xấu.” Nghĩ như thế sẽ
khiến bạn thư thái, vui vẻ. Bạn không bị thất vọng hoặc phiền não về bất
cứ chuyện gì. Vì tâm thư thái nên ngoại cảnh không làm bạn rối trí và bạn
có thể tiếp tục tu tập Pháp.
Lại nên nghĩ: “Trong quá khứ ta đã từng phát nguyện chịu thay khổ cho kẻ khác
cống hiến thân mạng, tài sản, hạnh phúc và công đức của mình cho người.
Nay ta đã nhận vào những khổ đau, ác nghiệp và chướng ngại thay cho kẻ
khác. Vậy là ta đã thành công mãn nguyện.” Suy nghĩ như thế khiến
hạnh phúc phát sinh.
Pabongka Dechen Nyingpo khuyên rằng khi bệnh tình ngày càng tồi tệ, bạn nên
nghĩ: “Thế có nghĩa là tôi đã thành công trong pháp chịu thay. Do dùng những
rắc rối để thực hành hạnh cho và nhận, tôi đã tích lũy công đức khôn lường,
nguyên nhân của hạnh phúc, và thanh lọc rất nhiều nghiệp xấu.
Nếu không
bị chướng ngại này, tôi sẽ đâm ra lười biếng, không hành một pháp tịnh hóa sám
hối nào, không tích lũy được chút công đức nào”. Như đã nói trên, nên nghĩ
không những nỗi khổ riêng của người nào, mà tất cả các khổ đau của mọi người
điều quy tụ nơi mình.
“Tôi đang chịu đau thay cho mọi nỗi đau của tất cả
chúng sinh hiện tại và tương lai cho đến cùng tận chu kỳ sinh tử” Trijang
Rinpoche cũng dạy ta nên nghĩ “Thật tốt biết bao khi ta thật sự có thể chịu khổ
thay cho mọi hữu tình ngay lúc này”. Hãy tư duy như vậy để cảm thấy hoan hỷ, hạnh
phúc. Tu tập pháp chịu thay, hoàn toàn quên mình vì chúng sinh như vậy ta
có thể thấy hạnh phúc.
Khi nhập thất để tu miên mật pháp chuyển hóa này, trong lúc xả hơi giữa các
thời thiền quán, bạn nên xin khẩn cầu bậc thầy và Tam Bảo gia trì cho mình có
thể vận dụng khổ đau để tu tập đạo Đại thừa. Khi tu tập đã có đôi chút
tiến bộ, hãy cúng dường Tam Bảo, các thiện thần ác thần, để nguyện xin cho mọi
người hạnh phúc.
Một giáo lý luyện tâm giải thích: “Những ám chướng của quỷ thần chính là những
thần biến của Phật. Khổ là một hiện tướng của tánh không.”
Dù vọng tưởng sinh khởi một cách vô trật tự, hoặc dù bạn đã tạo nghiệp xấu như
phạm giới, trái lời thầy khuyên, vẫn sử dụng pháp chuyển tâm, nghĩ: “Khi tu tập
chịu thay, ta đã nguyện rước lấy mọi kinh nghiệm khó chịu thay cho người
khác.
Thế là nay lời cầu xin của ta đã được đáp ứng. Ta đang chịu thay họ
những tình huống đáng ghét”. Rồi lập nguyện: “Mong sao ác nghiệp này là
ác nghiệp của mọi người đã vi phạm cả ba loại giới đoạn dứt đường giải thoát và
của mọi người trái lời khuyên của bậc thầy. Mong cho ác nghiệp này thành
tất cả những gì mà mọi chúng sinh đều chán ghét.
Xin cho chỉ có mình con
gieo nhân và gặp quả khổ, xin cho mọi người được thoát khỏi ác nghiệp này và
hậu quả của nó.
Vì dụ như bạn không ngồi thiền như đã định, thì hãy áp dụng pháp chuyển tâm như
sau: “Xin cho ác nghiệp này sẽ thay cho tất cả rắc rối của mọi người. Xin
cho tôi thay họ mà kinh qua ác nghiệp ấy.” Hãy thay cho mọi hữu tình mà
kinh qua mọi việc không đáng muốn như vậy.
Nguồn tin: Sách: Chuyển họa thành phúc
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự