Nơi nương tựa an toàn

Thứ hai - 16/11/2009 14:56
Trên trời dưới đất không một ai có thể giúp cho con người sống đời an toàn và hạnh phục, bằng tâm biết buông bỏ những tư dục, những tư kiến và biết quay về nương tựa tính giác nơi chính họ. Tính giác là nơi nương tựa an toàn nhất của thế giới con người.

Cơn bão số 09, tên là Ketsana thổi vào miền Trung Việt nam, ngày 29/9/09, đã gây thiệt hại nhiều mặt cho dân chúng từ Nghệ an cho đến Phú yên và ngay cả cao nguyên như Gia lai và Kontum nữa.

Thiệt hại vật chất cho các vùng nầy là không thể kể xiết. Cây cối gãy đổ, nghiêng ngã, nhà cửa bị tróc mái, nhất là những vùng tâm bão đi qua. Có những vùng sâu, nước ngập đến mái nhà, lương thực bị hư hại nặng nề,…

Thiệt hại về nhân mạng, theo tài liệu tổng kết kể từ 21 giờ ngày 02 tháng 10 năm 2009 của từ Văn phòng Ban Chỉ Đạo phòng chống lụt bão Trung ương gồm: Chết 122 người, mất tích 12 người và bị thương 522 người, và thiệt hai tài sản có thể kiểm tra tổng quát theo các báo chí cho biết khoảng hơn hai ngàn tỷ đồng Việt nam.

Với cơn bão nầy, tại chùa Phước Duyên, cây Nhãn và cây Sến 60 tuổi bị bứng bay gốc và một cây Nhãn 70 tuổi bị xé nửa cây, cây Mít ở cạnh Tàng kinh các, bị gió bẻ quẹo lại, rồi gãy nửa cây, và những cây mít lâu năm khác cũng bị bứng gốc,… gió thổi vèo vèo, rít lên từng hùn, nghe thật khủng khiếp!

Cơn bão đi qua đã làm cho cây cối gãy đổ ngỗn ngang, tâm trạng của con người nhiều nơi bàng hoàng lo sợ, nhưng chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, tôi ngồi ở Tàng kinh các, nhìn ra sân, thấy những chú bướm tung cánh bay liệng nhỡn nhơ, như không có bất cứ một biến động nào xảy ra cho chú cả.

Tôi hỏi chú điệu: “Con có biết, những chú bướm ấy, trước đó một giờ chúng núp bão ở đâu không, mà bây giờ chúng lại bay ra một cách thoải mái như vậy?”.

Chú ấy thưa: Dạ con không biết. Tôi nói với chú ấy rằng: “Muôn vật đều có khả năng tự bảo vệ mình, trước những nguy hiểm. Những chú bướm ấy, núp vào nơi tính giác của chính nó”.

Tính giác ở nơi mỗi loài rất tinh anh và bén nhạy. Không những các loài hữu tình có khả năng ấy, mà các loài vô tình cũng có khả năng ấy nữa. Những năm không có bão, bụi tre ở cạnh Tàng kinh các, măng mọc ra ở bên ngoài thoải mái, nhưng những năm có bão, thì chúng lại mọc gần cây tre mẹ hay mọc ngay ở giữa bụi, lại được nhiều cây tre bao bọc lại chung quanh.

Như vậy, nếu ta tinh mắt nhìn vào cách mọc của những bụi măng là ta cũng có thể đoán được thời tiết lụt bão của những năm tháng sắp tới.

Vì vậy, ta biết rằng, dù cho loài hữu tình nhỏ nhặt, có đời sống yếu đuối và mỏng manh nhất, cho đến cả loài vô tình, tất cả chúng đều có khả năng tiên liệu trước những nguy hiểm sắp xảy ra đối với chúng và chúng có khả năng tự phòng hộ và bảo vệ cho chính nó.

Sự tiên liệu của con người đối với những gì nguy hiểm sẽ xảy ra cho chính mình có thể bén nhạy và sâu sắc hơn, và lại có khả năng phòng hộ có hiệu quả hơn, vì sao? Vì con người là loài sống có trí năng cao cấp và đầy kinh nghiệm.

Trí năng cao cấp của con người phần nhiều bị hủy diệt là do con người chạy theo ngũ dục và khai thác ngũ dục để hưởng thụ khoái lạc nhất thời, do đó mà trí năng của con người bị thương tổn và hủy diệt.

Và mỗi khi trí năng của con người bị thương tổn và hủy diệt, thì khả năng tiên liệu sự nguy hiểm và bảo vệ sự sống còn của nó cũng bị thương tổn và hủy diệt theo.

Con người ngày nay biết nương tựa vào những dụng cụ khoa học để bảo vệ mình, nhưng khổ nỗi, những dụng cụ khoa học lại là những vật vô tri, chúng là những công cụ của trí năng và hoàn toàn lệ thuộc vào những tác động của tư duy con người.

Trí năng lại được tác động từ những tư duy của con người, nhưng con người ngày nay phần nhiều lại lười tư duy hay là tư duy nông nổi, một chiều, khiến cho trí năng của con người chỉ hoạt động theo bản năng hay theo một chiều hướng nhất định. Và một khi trí năng của con người rơi vào bản năng, thì đời sống con người biến thành thấp kém thua cả thú vật. Hay con người tư duy một chiều, sẽ tự biến mình trở thành một loài vật cuồng tín, cố chấp, hung dữ và tồi tệ, mà đời sống của nó có hại cho chính nó, cho muôn vật và thiên nhiên.

Vì vậy, con người đừng đem sinh mệnh của mình phó mặc cho thần linh, cho tư kiến của mình hay khoa học, mà hãy quay về nương tựa nơi giác tính của chình mình, và làm cho giác tính ấy lưu hiện ra trong đời sống, để cho con người là nơi nương tựa, phát triển và điều khiển khoa học một cách hữu hiệu; và con người là nơi có đủ mọi điều kiện để phát triển linh tính của mình đến chỗ toàn hảo, chứ không phải con người sinh ra để nương tựa hay phủ phục thần linh, làm nô lệ cho tư kiến và khoa học

Con người chỉ có khả năng bảo vệ sự an toàn cho chính nó và đồng loại, cũng như có khả năng che chở cho những loài thấp kém thua nó, khi nào nó biết tư duy, biết buông bỏ tư dục, buông bỏ tư kiến, biết quay trở về sống với giác tính ở nơi chính nó và biết làm cho giác tính ấy sáng lên mỗi ngày.

Trên trời dưới đất không một ai có thể giúp cho con người sống đời an toàn và hạnh phục, bằng tâm biết buông bỏ những tư dục, những tư kiến và biết quay về nương tựa tính giác nơi chính họ. Tính giác là nơi nương tựa an toàn nhất của thế giới con người.

Tính giác do đâu mà có? Nó là báu vật vốn có nơi tất cả chúng ta. Khi ta sinh, nó không đến từ đâu và khi ta diệt, nó cũng không đi về đâu. Ta chỉ cần sống ở trong sự tĩnh lặng của tâm ý, không cố chấp bản ngã, không chạy theo tư dục, không bám víu tư kiến, không manh tâm vọng tưởng, thì nó sẽ hiện ra cho ta và giúp ta sống đời an toàn và hạnh phúc. Nó là vậy, nên nó là nơi an toàn để cho ta quay về nương tựa. Vì vậy, nó là nơi nương tựa an toàn nhất cho ta.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây