Trong
các chuyện cổ tích, luôn luôn chúng ta muốn một kết thúc có hậu: kẻ ác phải
thua, người tốt phải thắng, công chúa thì không thể lấy một kẻ gian thần bạc
ác, mà phải lấy một hoàng tử anh hùng trung chánh, “cứu vật vật trả ơn” chứ
không phải cứu vật vật trả oán, Bụt thì giúp cô Tấm chứ không giúp cô Cám… Tất
cả chuyện cổ tích trên thế giới đều như thế: Cái thiện phải thắng cái ác.
Trong
trí óc ngây thơ hồn nhiên, chúng ta vẫn mong đợi một sự công bình trong trận
chiến giữa thiện và ác, và nếu có những giọt nước mắt tuổi thơ thì chúng ta
khóc cho người thiện bị chà đạp, bị đọa đày, chứ không khóc cho người ác. Chúng
ta luôn luôn có khuynh hướng yêu thích cái thiện.
Và
cũng từ thưở nhỏ, chúng ta biết đem lại sự bằng lòng, niềm vui cho cha mẹ,
không muốn cho cha mẹ buồn. Chúng ta biết thế nào là niềm vui, một chút hạnh
phúc khi cứu một con vật bị nạn, khi cho bạn một viên kẹo, cho bạn chơi chung
một món đồ chơi, biết yêu thích những đức tính tốt đẹp của cha mẹ, thầy cô, anh
em, bạn bè.
Biết
thiện ác, biết thích cái thiện, ghét cái ác như một bản năng trong mỗi người
chúng ta. Càng lớn lên, với giáo dục, với văn hóa, sự phân biệt thiện ác, cái
tốt đẹp và cái xấu xa càng rõ ràng và tạo nên sự phán đoán giá trị của con
người. Người bình thường chúng ta không ai khen Hitler về những trại tập trung
và lò hơi ngạt, không ai khen Pôn Pốt về việc giết hàng triệu người Campuchia.
Và chúng ta đều khen ngợi trí thông minh, lòng nhân ái của Einstein, sự kiên
cường vì tự do cho nhân dân mình của Nelson Mandela… Tóm lại, chúng ta không
thể nào ca ngợi những tính xấu của con người, và chính những đức tính tốt đẹp
của một số người đã đưa họ lên hàng những vĩ nhân.
Không
nghi ngờ gì, con người được phân biệt với các loài khác vì sự biết phân biệt
thiện ác, tốt xấu, biết việc gì nên làm và không nên làm. Cuộc đời làm người
chính là sự loại bỏ cái xấu, cái ác và trồng thêm, làm tăng trưởng những đức
tính tốt, thiện. Hai câu kết của chuyện Kiều:
Thiện
căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Cuộc
đời người, sự tiến hóa của con người là cái tâm phải đầy dẫy những thiện căn.
Với Phật giáo, biết phân biệt thiện ác không chỉ là một đặc trưng xác nhận tính
chất con người, mà hơn nữa, nó là điều kiện tất yếu để một chúng sinh có thể
tái sinh làm người.
Lịch
sử loài người, lịch sử của từng con người, là cuộc tranh đấu đầy gian khổ, có
khi đau đớn, để cái thiện cái tốt chiến thắng cái ác cái xấu, cái chân cái đúng
chiến thắng cái giả cái sai, cái đẹp chiến thắng cái xấu. Thế nên trên đỉnh cao
nhân loại, những con người đã hoàn thành phần nào cuộc chiến thắng ấy luôn luôn
được tôn vinh. Thế nên Đức Phật có danh hiệu là Người Chinh Phục, Người Chiến
Thắng (The Conqueror, The Victorious One).
Con
người là loài có ưu thế vì bằng ý thức của mình biết hướng đến Chân Thiện Mỹ và
là loài có khả năng đạt đến Chân Thiện Mỹ. Lịch sử loài người, sự tiến hóa của
con người không gì khác hơn là hướng tới Chân Thiện Mỹ trong mọi mặt của cuộc
sống, thoát khỏi những xiềng xích của cái đối nghịch với Chân Thiện Mỹ vẫn cầm
tù mình, và cuối cùng đạt đến Chân Thiện Mỹ hoàn toàn.
Không
có một ngành học thuật, nghiên cứu nào, một hoạt động nào của con người mà
không hướng đến ít nhất một trong ba cái đó. Không có người nào mong muốn mình
và xã hội càng ngày càng xấu ác hơn, càng ngày càng giả dối sai lầm hơn, càng
ngày càng xấu xí hơn. Chính vì hướng đến Chân Thiện Mỹ, thực hiện Chân Thiện Mỹ
mà loài người có văn hóa và văn minh. Và càng hướng đến và thực hiện Chân Thiện
Mỹ thì con người càng trở nên có văn hóa và văn minh.
Cái
thiện bao trùm toàn bộ cuộc sống con người, có mặt ở mọi ngóc ngách của đời
sống. Ở đây chúng ta chỉ nói về sự cho. Cho là một điều thiện và cái đối nghịch
với nó, trộm cướp là cái xấu, cái ác. Thế nên việc cho được gọi là việc từ
thiện.
Ngay
từ nhỏ chúng ta biết đến niềm vui của sự thiện, của lòng tốt, của sự cho. Mới
sinh ra được vài tháng, người nào đến với ta bằng thiện cảm, vuốt má ta, cười
với ta, chúng ta cười lại dù chưa biết nói, chưa biết nghe. Ở tiểu học, nghe
lời cha mẹ cầm một lon gạo đưa cho người đi xin, cứu con chim bị thương, thả
một con bướm bị nhốt trong phòng cứ đâm đầu vào ngọn đèn, cho con mèo ăn… chúng
ta thấy vui. (Tiếc thay khi lớn lên, trong một xã hội tranh giành, ít người còn
nhớ thời thơ ấu chúng ta đã từng là một Bồ-tát nhỏ như thế nào).
Làm
một việc thiện nhỏ, chúng ta thấy vui. Có ai tự ý làm một việc thiện mà thấy
khổ chưa? Thế thì nếu thiện căn phát triển nơi con người chúng ta, nơi thân
khẩu ý chúng ta, hẳn là có hạnh phúc. Và đương nhiên, nếu thiện căn, sự thiện,
lòng tốt hoàn toàn đầy dẫy, tràn ngập thân tâm chúng ta, hẳn là hạnh phúc càng
bao la sâu thẳm.
Chúng
ta có thể định nghĩa thiện là làm tốt, làm lành cho mình và cho người khác vật
khác và ác là làm xấu, làm hại cho mình và cho người khác vật khác. Thiện là
khuynh hướng tự nhiên của con người, là bản năng của con người. (Chữ căn trong
thiện căn có thể dịch thành bản năng, một chữ thông dụng của phương Tây).
Sống
theo bản năng thiện ấy, chúng ta cảm nhận niềm vui, hạnh phúc. Nhưng chúng ta
vẫn thấy có sự lúng túng, khó khăn: cho mà đôi khi tiếc, đôi khi đau khổ. Làm
việc thiện mà đôi khi dằn vặt, khổ nhọc. Nói lời êm dịu làm vui lòng người thì
khó hơn là chỉ trích, gây thương tổn cho họ.
Cái
gì ngăn cản chúng ta làm điều thiện? Cái gì ngăn cản ta cảm nhận niềm vui và
hạnh phúc? Đó là ‘cái ta’ và đi liền theo nó là ‘cái của ta’. Tất cả mọi cái ác
suy cho cùng đều bắt nguồn từ cái ta và cái của ta. Tất cả mọi tội ác trộm
cướp, tham nhũng, hại người, làm và bán đồ giả, chế biến thực phẩm có hại cho
sức khỏe, gây tai nạn giao thông… tất cả và tất cả đều đến từ cái ta và những
lực lượng hùng hậu của nó là tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ… Hóa ra cái ác
chính là cái ta, một cái ta tự hiểu sai mình, tách lìa với mọi sự và đứng lên
trên mọi sự. Đã thế, còn được trang bị bằng rất nhiều cái xấu ác.
Ở
một mức độ cao hơn của nhận thức, chúng ta thấy cái ta là nguyên nhân của mọi
cái ác. Suốt ngày tất cả ý đều xoay quanh cái ta, tất cả khẩu (lời nói) đều lấy
cái ta làm điểm quy chiếu duy nhất, tất cả hoạt động của thân đều vì cái ta.
Đời sống rốt lại chỉ là sự quanh quẩn trong một vòng vây của cái ta, ngoài ta
ra không có gì hết. Cái ta làm chúng ta cô lập với thế giới, với người khác,
với toàn bộ đời sống.
Thấy
một cái gì, nghe một cái gì, nghĩ một điều gì… cái ta tức khắc nhảy vào, gom
mọi sự về nó, cho chỉ mình nó thôi. Con người bình thường chúng ta bị nhốt vào,
bị giam cầm trong sự thống trị tuyệt đối của cái ta rất nhỏ hẹp nhưng nó tự cho
nó là tất cả vũ trụ. Người khác và thế giới không còn hiện hữu; nếu hiện hữu là
hiện hữu qua sự nhuộm màu của cái ta.
Bị
giam cầm, ở tù chung thân trong cái ta ấy, chúng ta có khổ đau, mà cô đơn là
một thành phần. Đó là tình cảnh con người, qua những nhân vật vô danh của
Kafka, qua Roquentin trong Buồn Nôn (La Nausée) của J.P. Sartre, qua Meursault
trong Người Xa Lạ (L’Etranger) của Albert Camus, và qua những nhân vật phân
mảnh của văn học hậu hiện đại.
Cái
ta của chúng ta chỉ là một phần của cuộc sống chúng ta, một phương tiện của đời
sống thực sự bao la của chúng ta. Chẳng có ai cho rằng một móng tay mình là tất
cả vũ trụ, rồi cả đời ôm ấp hôn hít nó, thậm chí vì nó mà làm điều ác, họa
chăng chỉ có trẻ nít hoặc người điên. Người trưởng thành về tinh thần, về tâm
linh thì không làm thế. Họ vẫn có cái ta, sử dụng cái ta như một phần cuộc sống
của họ ở đời, nhưng cái ta đó chỉ là một hạt cát trong số cát sông Hằng là tất
cả chúng sanh không thể đếm hết mà thôi.
Ở
một mức độ cao hơn của nhận thức con người, nếu hoàn toàn chấp vào cái ta thì
cái ta đó là kẻ thủ ác. Và ngược lại, cái thiện là sự nới lỏng, sự giải phóng
khỏi cái ta. Cái thiện là sự thoát khỏi xiềng xích của cái ta và đặt cái ta vào
đúng vị trí của nó: một bọt biển trong đại dương chứ chẳng phải là tất cả đại
dương. Và như đã nói ở trên, cái thiện là hạnh phúc thì không cái thiện nào
bằng, không hạnh phúc nào bằng sự giải phóng khỏi cái ta: như Tôn Ngộ Không bay
vọt lên trời cao tự do khi đã thoát khỏi sự đè nặng của năm quả núi ngũ uẩn
chịu đựng từ bao kiếp đến nay.
Từ
đó chúng ta có cái thiện thật sự và hạnh phúc thật sự. Dĩ nhiên, không ai không
có hạnh phúc mà có thể cho người khác hạnh phúc.
Phật
giáo là con đường của sự thiện, từ những sự thiện có thể tìm thấy ở bất cứ nơi
đâu đến sự thiện tối hậu. Đó là con đường của sự thiện, nghĩa là con đường của
hạnh phúc. Hạnh phúc vừa tự thân đồng thời hạnh phúc cho người khác. Hạnh phúc
của Phật giáo không phải là một hạnh phúc tĩnh tại, không hành động. Nhưng làm
sao có thể vừa hành động vừa giải thoát? Hành động là karma, là nghiệp. Dù là
hành động tốt, nghiệp tốt, vẫn là sự trói buộc.
Làm
thế nào để hành động, nghĩa là tạo ra nghiệp, mà vẫn giải thoát khỏi ‘cái ta
đang hành động tốt’, vẫn tự do và hạnh phúc? Làm thế nào để có được sự đồng
thời hạnh phúc của chính mình và của người khác? Chẳng phải cái gì chúng ta cho
đi thì cái ấy mất mát nơi chúng ta sao? Có thể nào có thứ hạnh phúc mà càng cho
đi thì càng có nhiều thêm? Nhưng với Phật giáo, hạnh phúc thật sự thì phải như
vậy. Như thế mới nói đến chuyện lợi mình lợi người và đồng thời hạnh phúc cho
cả hai bên.
Vấn
đề này là một trong nhiều chủ đề của Kinh Kim Cương. Ở đây chúng ta chỉ trích
ra một đoạn để học tập, để sống theo:
“Bồ-tát
hãy không có chỗ trụ mà cho. Nghĩa là chẳng trụ sắc mà cho, chẳng trụ thanh,
hương, vị, xúc, pháp mà cho. Này Tu Bồ Đề! Bồ-tát nên cho như thế, chẳng trụ
nơi tướng. Nếu Bồ-tát không trụ vào tướng mà cho, thì phước đức ấy (hạnh phúc
ấy) là không thể suy nghĩ, không thể đo lường”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự