Tình người sau bão lũ

Thứ ba - 13/10/2009 08:37
Đến nay, sau hơn hai tuần cơn bão Ketsana (bão số 9) đổ bộ vào miền Trung và Tây nguyên thì ở những nơi chịu ảnh hưởng của bão lũ vẫn còn ngổn ngang. Dù đã được sự chung tay của cả nước và sự góp sức của một số nước nhưng màu tang tóc vẫn còn đâu đó trên hầu khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Con số mà các tỉnh cập nhật về Trung ương đến nay đã lên đến gần 200 người chết và mất tích, hàng vạn ngôi nhà tốc mái, sập hoàn toàn làm cho chừng ấy hộ dân có nguy cơ rơi vào cảnh màn trời chiếu đất!.

 

Trẻ em đi mót củ sau khi bị lũ cuốn trôi vườn hoa màu

của gia đình ven sông Vu Gia (Quảng Nam) - ảnh: TN

Sau bão, lũ là những nỗi lo dồn về như đói, khát, thiếu sách vở đến trường, mất phương tiện sản xuất… Tất cả những nỗi lo ấy là có thật bởi sau bão rất nhiều gia đình chỉ còn lại một đống xà bần, bão lũ đã cuốn phăng đi tài sản mà họ phải ki cóp lắm mới dành dụm, sắm được. Ban Từ thiện xã hội của Báo Giác Ngộ cũng đã mời gọi lòng từ của bạn đọc mở ra đón lấy những nỗi đau còn đang hoành hành nơi miền Trung và Tây Nguyên ruột thịt. Các chùa trong thành phố cũng đã xuất hiện những thùng quyên góp, những thông bạch mang nghĩa tình, thấm đẫm lòng nhân ái giữa người và người.

Có những em nhỏ tôi bắt gặp trên trang báo, các em mang con heo đất mà mình yêu quý, “nuôi dưỡng” trong suốt hai năm trời để gửi cho đồng bào miền Trung, Tây Nguyên. Hẳn các em đã cảm được nỗi đau của đồng loại nơi mảnh đất quanh năm nắng gió, thiên tai? Sự sẻ chia đó thật đáng trân quý, cha mẹ các em dạy cho các em sự bao dung, san sẻ ấy cũng thật đáng ngợi ca.

Và cả những bạn trẻ trong những ngày này cũng đang theo tiếng gọi của Đoàn, Hội đến tận nơi giúp dân dọn bùn rác, sửa sang nhà cửa, trường học. Có nhóm tình nguyện còn kêu gọi sự chung tay giúp sức của nhiều bạn trẻ như mình để tổ chức những chuyến từ thiện về miền Trung. Đầu tuần này người viết nhận được điện thoại của ĐĐ.Thích Phước Huệ, thầy cho biết CLB Hoằng Pháp Trẻ sẽ về miền Trung vào trung tuần tháng 10 để chia sẻ với bà con vùng bão lũ. Thật ấm lòng !


Nhiều ngày qua không có hạt cơm vào bụng, em A Ten

(Đăk Glei, Kontum) ăn củ mì non cho đỡ đói - Ảnh: Bá Dũng

Những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như nghệ sĩ, ca sĩ cũng đang lên chương trình, tổ chức những đêm diễn mang thông điệp “Thương về miền Trung” để kêu gọi quyên góp cho đồng bào vùng bão lũ. Nhiều người sẽ đến tham dự và sẻ chia, trong đó chắc chắn có những doanh nghiệp trích những phần tiền là một ngày lương cán bộ công nhân viên để chia sẻ. Một sự lan tỏa làm ấm lòng người sau cơn bão và toát lên vẻ đẹp được truyền thừa từ bao đời nay của người dân Việt - đó là tinh thần tương thân, tương ái. Tục ngữ có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” để biểu trưng cho tình đồng loại, tình người. Do đó, trước những nỗi đau của đồng loại, đồng bào và đồng đạo mà người Phật tử chúng ta vô cảm, thờ ơ làm sao được? Sự chung tay hôm nay của xã hội đã nói lên một điều: Lòng trắc ẩn của con người không bao giờ cạn, nó luôn được khơi lên trước những bi kịch thiên tai và nỗi đau của con người.

Và những ngày qua, tôi biết có nhiều người không ngủ yên, nhiều người đã thở và mỉm cười, niệm Bụt để gửi năng lượng chánh niệm, yêu thương cho nhiều nơi trên thế giới đang bị động đất, sóng thần, mưa bão… như Indonesia, Philippines, Ý, Ấn Độ cũng như đâu đó trên quê hương Việt Nam đang có những nỗi khổ, niềm đau!.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây