ƯỚC
MUỐN MÃNH LIỆT
Theo
giáo lý Phật, “Tất cả hiện hữu đều tuỳ thuộc vào sự mong muốn”. Mọi hạnh
phúc và khổ đau đều do ước muốn mà ra. Từ nỗi khổ thống thiết nhất trong
các cõi địa ngục cho đến hạnh phúc thù thắng nhất của cảnh giới thánh trí đều
phát sinh do lòng ham muốn.
Trừ
vài việc đặc biệt (lien hệ đến Phật, Pháp, Tăng), tất cả hành động về thân,
lời, ý còn vướng bận thế tục – nghĩa là mong được thứ hạnh phúc chỉ trong đời
này, đều là bất thiện, đưa đến hậu quả duy nhất là đau khổ.
Tất
cả hành động thân, lời, ý được làm với mong muốn được hạnh phúc trong các đời
sau, đều có đạo đức và làm nhân cho hạnh phúc. Nhờ những thiện nghiệp
này, ta có thể biết mình sẽ được hạnh phúc trong các đời sau. Tất cả việc
làm về thân, ngữ, ý với khát vọng giải thoát nghiệp chướng và phiền não đều là
thiện nghiệp làm nhân cho giải thoát. Và tất cả các hành động thân, lời,
ý được làm với sự khát khao giác ngộ để lợi lạc hữu tình, thì không những là
thiện, mà còn là nhân của giác ngộ. Khi đã có niềm khao khát ấy, thì ta
sẽ thực hành thiện nghiệp suốt cả ngày đêm, và những nghiệp ấy sẽ là cái nhân
để đạt đến hạnh phúc tối thượng của toàn giác.
Chính
vì lý do này mà giáo lý Phật dạy, mọi hiện hữu đều do mong muốn thúc đẩy.
Nói khác đi, là mọi sự hoàn toàn tùy thuộc vào tâm. Hạnh phúc tạm thời
hoặc vĩnh viễn, đều do nguyện vọng của bạn, nghĩa là do tâm bạn. Ước muốn
khác nhau đưa đến những hậu quả khác nhau. Mọi khổ đau đều do ước muốn đi
tìm hạnh phúc cho một đời này, thứ hạnh phúc trong sinh tử mà ta không bao giờ
gặp được. Giải thoát là do tâm muốn giải thoát. Toàn tri là do mong
muốn đạt đến toàn tri. Do vậy khổ sinh tử và vui giác ngộ đều do ước muốn
của ta, đều do tâm ta.
Nếu
nhìn lại cuộc đời mình, ta sẽ thấy bằng kinh nghiệm bản thân, rằng vui khổ đều
do tâm, nghĩa là do lối nhìn của ta, chứ không do ngoại cảnh hay người
khác. Mọi hạnh phúc hay đau khổ của ta đều do tâm ta tạo ra.
Khổ
đau và hạnh phúc đều tuỳ thuộc nơi chính tâm mình. Thí dụ, bạn có thể kinh
qua đau khổ do không kềm được cơn giận dữ, hoặc hưởng an lạc do tu tập từ bi
nhẫn nhục. Đời bạn khổ đau hay hạnh phúc, là do cách bạn đào luyện tâm
mình trong sinh hoạt hàng ngày.
Như
vậy thật rõ ràng là khổ đau hay hạnh phúc không do ai khác tạo ra, dù đó là
Chúa hay Phật. Bạn là tác nhân của hạnh phúc và khổ đau của chính mình.
HẠNH
PHÚC VÀ KHỔ ĐAU LÀ BIỂU HIỆN CỦA CHÂN KHÔNG
Do
nhận thấy được những lợi ích của khổ đau, bạn đặt tên cho chúng là tốt, thế là
chúng có vẻ tốt, vì làm cho bạn sung sướng. Sự hài lòng của bạn tuỳ thuộc
vào trình độ bạn thấy được lợi lạc từ những rắc rối, và do đó bạn đặt tên những
rắc rối ấy là “tốt”. Bạn bèn nghĩ: “Chuyện này đâu có đáng gì mà phải bực
mình, tôi vẫn được an lạc mà”. Niềm an lac này hoàn toàn do chính tâm bạn
tạo – không một sự an lạc nào tự nó có ra. Cái hạnh phúc có vẻ như đến từ
ngoài ấy, kỳ thực tuỳ thuộc vào cảm giác và ý nghĩ của bạn gán tên cho
nó. Như vậy, hạnh phúc hay an lạc là một biểu hiện của chân không.
Khổ
đau cũng thế. Khi bạn không nghĩ ra được lợi ích của những rắc rối, mà
chỉ thấy những bất lợi của chúng, thì bạn xem chúng là những chướng ngại to
tát. Do cảm thấy bực bội, bạn bèn đặt tên cho những chướng ngại này là
“phiền não”. Cái tên bạn vừa đặt ra ấy cứ lù lù hiện ra trước mắt bạn.
Bạn đã gọi cái chướng ngại ấy là phiền não, vì thế nó thật sự là phiền não của
bạn. Bởi vì phiền não chỉ tung hoành trong cái cảm giác bực bội do chính
bạn tưởng tượng ra, nên dù rắc rối dượng như có thực đi nữa, bản chất của nó
cũng hoàn toàn là không. Như vậy, khổ đau cũng phát xuất từ chân không.
Khi
bạn nhìn vào hoặc nghĩ đến cái “tôi” cái “tự ngã của tôi”, bạn cứ nghĩ là cái
tôi, cái tự ngã của tôi ấy tự nó hiện hữu. Bạn gán một hiện hữu có thật
cho cái tôi, tức là hợp thể gồm năm nhóm (ngũ uẩn). Nếu không dựa trên cơ
sở ngũ uẩn, thì dù có cái ý tưởng đặt tên tôi, cái tôi ấy cũng không hiện
hữu. Và nếu không có tư tưởng đặt tên “tôi” cho năm uẩn, thì dù năm uẩn
có hiện hữu, cũng không có cái “tôi”.
Bạn
có thể thấy rõ cái tôi là do trí tưởng tượng gán cho giả tướng của ngũ uẩn như
thế nào. Và khi ngũ uẩn hoạt động, bạn nghĩ rằng “tôi đang ngồi”, “tôi
đang nghe giảng”, “tôi đang ngồi thiền”. Tâm bạn gán ngay cái tôi vào ngũ
uẩn lúc ấy đang ngồi, đang nghe, và đang thiền hành. Thật ra thì cái tôi
hiện hữu và hoạt động là do trí tưởng tượng gán cho ngũ uẩn, chỉ có thế.
Cái cách mà “tôi” hiện hữu không là gì khác hơn.
Tuy
nhiên, dù cái tôi được trí tưởng tượng đặt ra, nó có vẻ như tự hữu. Cái
tôi có vẻ tự hữu, có vẻ “thực” chứ không chỉ do tư tưởng dán lên năm uẩn ấy, kỳ
thực hoàn toàn rỗng tuếch. Cái tôi chỉ là cái tên. Nó hoàn toàn là
ảo giác. Không có một chút thực hữu nào ở nơi cái “tôi” này, một cái chỉ
do tư tưởng gán cho năm uẩn.
Cái
tôi không tên, độc lập, hiện hữu do tự tính của nó, thì thực sự là chân
không. Trên thực tế, cái tôi có mặt trên ngũ uẩn, làm nhiều hoạt động,
kinh qua luân hồi sinh tử, và có thể giác ngộ nhờ thực hành Pháp – cái tôi ấy
không là gì khác hơn cái trí tưởng tượng gán cho năm uẩn.
Giờ
thì bạn đã thấy rõ ràng rằng cái tôi dù có mặt bất cứ kiểu nào cũng chỉ là ảo
giác. Chính cái quan niệm về “tôi” thực có ở ngoài năm uẩn, là đối tượng
mà ta cần bác bỏ.
Ngài
Trijang Rinpoche, thầy của Đức Dalai Lama, dạy rằng cái trí tưởng tượng mê tín
thường hay gán tên cho bất cứ một sự cố tốt hay xấu nào, dù sự cố ấy chỉ đơn
thuần là tập hợp của những nguyên nhân (nhân) và điều kiện (duyên) mà
thôi. Dĩ nhiên là khi đã gán tên “tốt” hay “xấu” rồi, thì sự tốt xấu ấy
có vẻ như thực hữu, song kỳ thực, không có gì là thực hữu.
Tóm
lại, dù bạn nghĩ thế nào, mọi sự vẫn không có gì tự hữu. Do đó, bám víu
hay ghét giận đều không ích gì. Bạn nên hoàn toàn từ bỏ mọi phiền não.
Nguồn tin: Sách: Chuyển họa thành phúc
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự