Tập nhìn mọi vấn đề theo cách khác

Thứ bảy - 12/09/2009 06:28
Trong thời gian mạt pháp, con người chịu vô vàn thống khổ, gặp đủ thứ mọi rắc rối bất hạnh. Đây chính là do tâm nhu nhược của họ không nhận chân được lợi ích của những rủi ro mình gặp, không thể xem chúng là nguyên nhân đưa đến hạnh phúc. Người ta thường không thấy được điều này, và không chịu luyện tâm để nhận thức được như vậy.

Thay vì đau khổ trước mọi tổn hại do hữu tình và vô tình gây nên, bạn nên phát khởi thói quen xem chúng là những trợ duyên hữu ích, đưa đến hạnh phúc. Trước hết hãy tập nhận ra lợi lạc trong những thiệt hại nhỏ, rồi dần dần khi đã thành thói quen, bạn có thể thấy được lợi ích, thú vị ngay cả trong những vấn đề trầm trọng, vì chúng cần thiết cho hạnh phúc của mình.  Thói thường là xem những rắc rối thật tai hại khó ưa, nhưng khi luyện tâm, ta sẽ thấy rắc rối là bình thường.

Tập chuyển tâm, không cốt để hết bị rắc rối, mà cốt để sử dụng những rắc rối ta gặp phải, ngõ hầu tu tâm trên đường giác ngộ.  Không phải rằng đã tu tâm thì từ đây về sau bạn không còn kẻ thù và bịnh tật; chỉ có điều những thứ ấy không thể quấy nhiễu bạn, không thể ngăn bạn tu hành, đạt thực chứng trên đường giác ngộ.  Thật thế, những rắc rối không những không hại bạn được, mà còn thực sự giúp bạn tiến bộ trên đường phát triển tâm linh.

Bằng cách nào? Bạn phải hướng tâm theo hai ý: trước hết là chấm dứt thái độ thù ghét rắc rối, kế đến là phát khởi ý nghĩ thích thú mỗi khi gặp vấn đề.  Khi luyện tâm được như vậy, và thực sự thấy vui chứ không bực bội khi phải đối phó, thì rắc rối sẽ không còn là chướng ngại cho bạn trên đường giác ngộ.

Lỗi lầm do chỉ thấy chướng ngại

Tất cả chúng ta đều chịu thiệt hại đến từ hữu tình (như người khác) và vô tình, như bốn đại, đất, nước, gió, lửa.  Khi quen thói xem những kinh nghiệm này là trở ngại, thì ta chỉ thấy càng ngày càng nhiều chướng ngại đến từ bên ngoài, như chúng sinh khác và ngoại cảnh. Những chuyện vô nghĩa, tầm thường nhất cũng đủ khiến tâm ta bực bội kinh khủng, và ta dễ nổi cáu. Căn nguyên của vấn đề là tâm vị kỷ quá to lớn của ta.

Tâm vị kỷ thì bất cứ chuyện gì cũng thành vấn đề.  Ngay cả khi phải ăn món gì hơi nguội, bạn cũng thấy khó chịu.  Bạn rầu rĩ khi thấy người nào mặc cái áo hơi kỳ cục, hoặc có dáng vẻ hơi khác người thường, hoặc làm chuyện gì hơi trái ý mình.  Bạn nổi quạu quá đáng khi có người hoặc con vật nào làm ồn ban đêm khiến bạn thức giấc.  Suốt hôm sau bạn than thở: “Ồ, suốt đêm qua tôi không sao chợp mắt được, vì thế này thế nọ”.  Không được đầy giấc trở nên một vấn đề trọng đại, một nổi khổ to lớn.

Nếu một chúng sinh bé nhỏ như con rệp chẳng hạn bò vào đùi cắn một phát khi bạn đang ngon giấc hoặc đang ngồi thiền, thì chuyện đó trở thành vô cùng khốn khổ.  Đã có nhiều người tây phương tốn cả ngàn Mỹ kim để đến Kathmandu tu tiền, nhưng chỉ mới trải qua một đêm đã chịu không nổi sự thiếu tiện nghi ở đấy, bèn cuốn gói trở về ngay hôm sau.

Bản chất của tâm là thói quen nhìn sự vật theo một lề lối nhất định.  Do thường xem mỗi chuyện trái ý nhỏ nhặt là vấn đề, bạn xé chuyện bé ra to.  Ngay cả một nổi khổ tầm thường, nếu thấy thành ra một chuyện ghê gớm để điên lên vì nó, bạn sẽ không ngừng bị cái tâm nặng nề, bất an đè nặng.  Lúc đó bạn sẽ khó mà chịu nổi bất cứ vấn đề gì.  Mọi sự sẽ thành kẻ thù của bạn.  Bất cứ gì va chạm giác quan cũng làm bạn khó chịu; bất cứ cái gì bạn nghe, thấy, nếm, ngửi, hoặc sờ đều làm bạn bực mình.  Tâm bạn sẽ thổi phồng các vấn đề của bạn, và đời sống của bạn đầy ấp những phẫn nộ, chán chường, căng thẳng và suy sụp tinh thần.  Bạn luôn bị cái tâm bất an chế ngự, và khó mà có được một ngày, hay ngay cả một giờ hạnh phúc.

Nếu không có gì làm ta thích thú, không gì làm ta thỏa mãn, thì ta chẳng còn cơ hội nào nếm được hạnh phúc trên đời.  Dù làm bất cứ việc gì, đi đến bất cứ nơi đâu, ta cũng đều cảm thấy thất vọng. 

Không nhận ra đó chính là lỗi của mình, do tâm mình đã quen thói, bạn lại cho chính ngoại cảnh - người khác hay thời tiết – là nguyên nhân của mọi vấn đề.  Càng nghĩ những rắc rối của mình đến từ bên ngoài, từ các vật hữu tình và vô tình, bạn càng nổi sân.  Như ngọn lửa đang cháy mà bạn lại tưới thêm dầu vào, sân càng lớn thì nghiệp càng tệ; sân si càng vô lý thì nghiệp xấu càng tăng.  Bạn nổi sân với tất cả mọi sự xuất hiện trước mắt: nhà ở và những người xung quanh.  Đây chính là “Mọi hiện tượng đều thành kẻ thù”.

Người ta bảo, Milarepa thường để bàn tay phải lên mang tai như đang nghe ngóng, có nghĩa chuyện gì xảy ra đối với ngài cũng là một lời khuyên, một bài học.  Thay vì xem mọi chuyện là kẻ thù, bậc tu hành ngược lai xem chuyện gì cũng tốt, cũng đều là bạn hữu. Cái gì xảy đến cũng giúp ích, cũng lợi lạc cho mình một cách nào đó.  Với các đại ẩn sĩ, chuyện gì cũng là hạnh phúc, chuyện gì cũng là chân không.

Thấy lợi lạc trong mọi vấn đề rắc rối

Khi gặp rắc rối, nếu bạn nhớ đến lợi ích của nó, rồi phối hợp nó với sự thực tập chuyển tâm trong Đại thừa, thì mọi vấn đề sẽ trở nên đáng muốn, chẳng những không tệ mà còn tốt và có ích.

Dù bao nhiêu rắc rối xảy ra, thật vô ích nếu để chúng quấy nhiễu tâm bạn, làm bạn bực mình.  Khi gặp tình huống xui xẻo đáng ghét, cần nhất là đừng xem nó là vấn đề, đừng đổ quạu.  Việc này chả có lợi gì.  Chỉ cốt bạn đừng lấy đó làm điều bạn phải khổ sở?

Có vài tình huống bạn có thể dàn xếp, vài tình huống chỉ có nước ráng chịu.  Thí dụ, dù bạn có bực mình vì cái nhà của mình không phải bằng vàng, bạn cũng không sao biến gạch thành vàng được.  Và dù bạn có khổ nỗi tại sao bầu trời không là mặt đất, thì cũng chẳng thể nào biến bầu trời thành mặt đất được.  Lo nghĩ những chuyện như thế thật vô lý.  Dù bạn có bực mình về một vấn đề, hoặc bực tức vì một chuyện nhỏ liên hệ đến một người nào, bạn cũng chẳng làm gì được.

Như Shantideva giải thích trong Bồ Tát hạnh – Bodhicaryavatara, nếu vấn đề bạn gặp phải có thể giải quyết được, thì không cần gì phải lo lắng.  Chẳng có gì phải phiển não, xuống tinh thần.  Và nếu vần đề thuộc loại không còn cách nào khác, thì cũng không ích gì để cảm thấy bất hạnh hay chán ghét.  Dù bất cứ gì xảy đến, nổi quạu hay buồn phiền thực là vô lối.

Khi gặp bất cứ một sự cố nào, hãy luôn nghĩ: “ Chuyện bình thường” Thí dụ, khi người nào bị rắn cắn, thì việc cắt bỏ khối thịt quanh vết thương được xem là việc tốt, dù nạn nhân có đau đớn.  Việc này không bị xem là tác hại, mà lợi ích, vì nó bảo vệ mạng sống người ấy.  Theo y học Tây Tạng, khi một căn bệnh hoành hành bên trong cơ thể có dấu hiệu phát ra ngoài, điều ấy có nghĩa người bệnh đã khá hơn.  Bệnh phát tác ra ngoài cơ thể được xem là điều tốt, thay vì cứ ở trong nội tạng, bành trướng và kéo dài.  Mặc dù đau đớn, ung nhọt phát tác ra bên ngoài vẫn được xem là tốt.

Sự “Lấy làm điều” những thương tổn do các loại hữu tình và vô tình gây ra có nhiều tai hại lớn.  Hãy suy gẫm đến mọi sự cố mà bạn đã trãi qua trong đời, và nghĩ đến hậu quả đã ra sao khi bạn quan trọng hoá những chuyện ấy.  Hãy quyết định mạnh mẽ như sau: “Từ này trở đi dù có đối đầu với bất cứ rắc rối nào, tôi cũng sẽ không bực mình vì chúng. Tôi sẽ không xem chúng là vấn đề mà còn thấy được khía cạnh hữu ích của chúng.” Thái độ dũng cảm, quyết định ấy vô cùng cần thiết.

Với động lực mạnh mẽ này, hãy cố gắng đào luyện tâm bạn cho đến khi bạn trở nên một kỵ sĩ tài ba.  Dù khi lơ đễnh, bạn vẫn có thể điều khiển con ngựa của mình, không cần nỗ lực, và dù ngựa có nổi chứng, bạn cũng không bị té hoặc bị nguy hiểm đến tính mạng.  Bạn có thể xoay sở được nhờ đã quen chứng con ngựa của mình.  Cũng vậy, mỗi khi gặp khó khăn trở ngại, bạn nên lập tức công nhận chúng là tốt, một cách không gắng gượng.  Ý nghĩ thích đối phó vấn đề sẽ khởi lên một cách tự nhiên, không cần xét lý do.

Khi gặp chuyện không đáng ưa, nếu ngay tức khắc bạn xem chúng là tốt, bạn sẽ sung sướng.  Dù gặp những lúc bị chỉ trích, nghèo đói, thất bại, ốm đau hoặc cả đến cái chết, chẳng có gì quấy động tâm bạn được.  Bạn sẽ vui vẻ dài dài.  Không cần dụng công nổ lực, bạn sẽ ý thức được lợi ích của mọi vấn đề một cách tự nhiên.  Và càng thấy bình thường khi gặp nghịch cảnh trên đường đời.

Do luyện tâm và tạo thói quen không xem nghịch cảnh là vấn đề, ngay cả những vấn đề trọng đại xảy đến cho tâm và thân cũng sẽ trở nên dể chịu đến nỗi bạn chẳng còn gặp khó khăn nào khi đương đầu với chúng.  Những rắc rối trở nên thành thú vị, nhẹ và mềm như bông.

Xem nghịch cảnh như trò đùa

Bạn cần chuẩn bị kỹ mới có thể đương đầu với những cảnh ngộ tang thương, vì thật khó mà hội nhập ngay những nghịch cảnh vào sự tu tập.  Nhờ đã tập luyện, nên khi một sự cố nghiêm trọng xảy ra, bạn có thể áp dụng pháp thiền Lam-rim hoặc pháp chuyển tâm mà bạn đã quen thuộc.

Muốn chuyển nghịch cảnh thành an vui thì xem nghịch cảnh giúp cho mình luyện tâm cũng chưa đủ, bạn còn phải xem chúng là điều kiện cần thiết để tu hành, và bạn nên rút từ nơi chúng một hạnh phúc thường hằng, bền bỉ.

Khi gặp khó khăn, hãy nghĩ rằng những rắc rối làm lợi cho bạn rất nhiều, vì nhờ chúng bạn được hạnh phúc tạm thời trong đời này và các đời sau, được giải thoát, giác ngộ.  Dù các vấn đề có rắc rối, khó chịu đến đâu, chúng vẫn là những yếu tố làm lợi cho bạn.

Đừng ghét những nghịch cảnh nữa, mà hãy khởi sự thích chúng để tâm được an vui.  Như thế, bạn mới có thể tiếp tục tu tập mà không hề nản chí hoặc thất vọng.  Cứ tiếp tục nghĩ như vậy để luyện tâm; hãy biến tâm thành an lạc.

Rồi, do hoàn toàn tin rằng có trải qua các rắc rối mới thấy được an vui, nên khi đối diện nghịch cảnh, bạn bèn coi chúng như pha.  Chúng không làm bạn rối trí, do đó bạn sẽ dễ dàng chấp nhận chúng.  Đây là cách đối phó với cuộc đời đầy bất trắc và chướng ngại, như phải đối phó với kẻ thù hoặc những hung thần mà bạn nghĩ là đang phá rối hạnh phúc hoặc sự tu tập của mình.  Bạn sẽ vượt qua tất cả.  Dù còn tiếp tục bị quấy rối, tâm bạn vẫn an nhiên tự tại.

Khi bạn xem trọng một chuyện gì và bị nó quấy nhiễu, tức là vấn đề đó đã hoàn toàn thao túng bạn.  Trong lúc nổi khổ ấy diễn ra, bạn khó có thể đem tâm Đại Thừa mà chuyển hoá nó.  Khi bạn có thể lợi dụng khổ đau làm đường lối tu tập, thì những khó khăn sẽ khiến bạn phát triển thiện nghiệp, và chúng trở thành nguyên nhân đưa đến hạnh phúc.  Tuy nhiên, điều này phải do kinh nghiệm bản thân của chính bạn.

Đương nhiên, bạn không thể nào bỗng dưng có khả năng đối diện các vấn đề trọng đại và chuyển chúng thành đề mục tu tập được.  Tuỳ theo khả năng, hãy tập chuyển hoá những nổi khổ nhỏ thì khi gặp sự cố trầm trọng hay những thảm hoạ to tát hơn – ngay cả chuyện đáng sợ nhất là cái chết - bạn sẽ đối phó được nhờ áp dụng phương pháp chuyển hoá của Đại thừa.

Tóm lại, hãy tập nhìn khía cạnh tốt của mọi vấn đề.  Khi gặp nghịch cảnh, đừng chú ý những cái khó chịu mà chỉ thấy khía cạnh tốt và lợi ích.  Cuộc đời có sung sướng hay không là do lối cảm nhận và giải thích của tâm ta.  Bạn có thể đặt tên một kinh nghiệm là “may mắn” hay “xui xẻo”, điều ấy tuỳ thuộc hoàn toàn vào tâm bạn, vào sự suy luận của bạn.

Nếu bạn thay đổi đường lối suy nghĩ, thì chắc chắn những gì bạn kinh nghiệm sẽ mang một ý nghĩa khác hẳn.  Nhiều năm về trước, ở động Lawudo, trước khi giảng đến bài thứ sáu trong Khoá Thiền Kopan, tôi đã đọc được một bản văn tên là Mở Cửa Pháp: Trạng thái Nguyên thuỷ của sự Đào luyện Tâm trên con đường thứ lớp đến Giác Ngộ. Đây là một trong nhiều bản chép tay khái quát về các pháp nhập môn của phái Nyingma và các pháp quán chư thần mật tông.

Khi đọc bài văn ấy, tôi đã nghiền ngẫm rất nhiều về cái tệ hại của tâm bất thiện trước tám ngọn gió đời (là tám hoàn cảnh thuận nghịch trên đời: lợi, hại, khen, chê, vinh, nhục, còn, mất).  Về sau, mỗi khi người địa phương cho tôi một cái gì - chẳng hạn một dĩa bắp trộn cơm với một ít tiền đặt trên dĩa, mà theo phong tục của họ, được gọi là mandala – tôi sợ vô cùng vì thấy cái nguy hiểm khi nhận của cúng dường.  Tôi sợ nhận sự cung kính và sợ bị nổi tiếng.  Tôi sợ hãi nhiều thứ.  Lúc ấy tôi đang nỗ lực tu tập Pháp – còn bây giờ thì tôi hoàn toàn chìm đắm trong vũng lầy của pháp thế gian!.

Nguồn tin: Sách Chuyển họa thành phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây