Tiền không thể mua được hạnh phúc

Thứ hai - 31/08/2009 11:10
Đây là những gì mà anh Danai Chanchaochai tin và tự anh đã thay đổi đời sống của mình bằng cách đưa hạnh phúc lên hàng đầu trong mục đích sống của anh ta. Trong sảnh đường có một sự im lặng tuyệt đối. Cảnh tượng này dường như là không thể tìm thấy ở trung tâm thành phố Bangkokvào lúc 5:30 tối mỗi ngày. Vẫn còn mặc nguyên y phục của sở làm, nhưng mọi người đã bắt đầu tụ hội tại nơi đây để nghe những lời dạy của Thầy Mitsuo Gavesako vang dội từ máy ghi âm.

Có một sự tĩnh lặng và an lành rất lạ lẫm bao trùm cái sảnh đường Bodhgya, nơi đón tiếp mọi người từ khắp các nẽo đường của cuộc sống vào ngày thứ Ba và thứ Tư mỗi tuần. Hội trường này có khoảng 170 chỗ ngồi cho những ai mong muốn “nghỉ ngơi” sau giờ làm việc để tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn thông qua thiền tập và những lời Phật dạy.

‘Tuy nhiên, đôi khi có thể lên đến cả 800 người tham dự buổi thuyết trình và những văn phòng kế bên phải mở cửa ra để cho mọi người có chỗ để ngồi và thiền tập’. Anh Danai Chanchaochai nói như thế; anh năm nay 42 tuổi, và là chuyên viên tư vấn cao cấp của công ty DC, cũng là một Phật tử rất có tín tâm đối với Phật Pháp.

Sảnh đường này nằm ở lầu thứ 22 của Tòa nhà cao tầng Amarin ở Chidlom. Thật không đúng với cái tên gọi “văn phòng” vì nơi đây không mang lại một tí lợi tức tiền bạc nào cả.

Anh Danai thì lại nghĩ khác. Bên cạnh cái thiền đường rộng rãi này, văn phòng của anh ta còn có một tiệm sách rất ấm cúng dễ thương. Hầu hết những quyển sách trong đây đều được in từ nhà xuất bản sách DMG của anh.

Một số sách in ra được để giá bán, nữa còn lại thì chỉ phân phát miễn phí. Và số tiền có được từ việc bán sách cũng sẽ dành cho công tác từ thiện.

Việc đầu tiên mà tất cả nhân viên trong văn phòng của anh làm mỗi sáng không phải là bấm giờ vào thẻ ID mà là thỉnh cầu giữ các giới.

Bên cạnh việc dành thời gian đôn đốc nhân viên tại sở làm, Anh Danai cũng bỏ nhiều thì giờ để đem lời Phật dạy đến với các sinh viên và các công nhân văn phòng trên toàn quốc. Mỗi năm, anh đi thuyết giảng cho hơn 1000 tổ chức thiện nguyện.

Điều này nghe có vẻ hơi ‘lạ lẫm’ đối với một số người. Vâng, nhưng đối với anh Danai, đây là những gì anh mong muốn làm được, đó là có một cuộc sống mà anh đang định hướng cho chính mình.

Trước đây, anh Danai cho rằng tiền bạc rất là quan trọng, Nhưng ngày nay anh có cái nhìn khác về tiền bạc; nó chỉ là một nhân tố làm cho đời sống dễ dàng hơn và giúp cho con người sống một đời sống khá tiện nghi. Chỉ có thế thôi. ‘Tiền không thể quan trọng hơn các thứ khác trong cuộc sống được … thật như vậy, tôi chưa khi nào thấy bất cứ một nhà triệu phú nào mà có được hạnh phúc thật sự trong đời sống của họ’

Thật ra anh không muốn ý tưởng của anh có vẻ nghe giống như một lời sáo ngữ, nhưng cái ngày mà anh ta nhận ra được rằng hạnh phúc là ưu tiên hàng đầu thì đời sống của anh cũng bắt đầu thay đổi từ đó.

Cái ngày làm thay đổi đời sống của anh đã đến khi anh đang là cậu sinh viên năm thứ nhất tại trường đại học Assumption. Sinh ra trong một gia đình giàu có, nên thật dễ dàng để anh có được một đời sống xa hoa tại trường đại học, với một căn nhà đẹp và một chiếc xe tân trang. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi mà kinh tế gia đình anh lâm cảnh phá sản nên anh bị bỏ chơi vơi không một đồng thu nhập.

Tất cả mọi thứ anh có cũng lần hồi được bán đi hay đem ra cầm đổi lấy tiền.

‘Có những kinh nghiệm cũng rất vui tại tiệm cầm đồ, một ngày nọ tôi nhớ lại là mình thậm chí đã đem cây viết ra đưa cho người cầm đồ để đổi lấy một ít tiền lẻ’, anh hồi tưởng lại, cười xòa.

Mọi thứ trở nên rất khó khăn nhưng cuộc sống vẫn trôi chảy bình thường thôi, cả đến việc trả tiền học phí. Một hôm anh Danai quyết định đến thăm một người bạn cũ - một chàng tỉ phú với tất cả mọi giàu sang phú quý mà Danai không còn nữa.

‘Tôi vẫn còn nhớ cái ngày ấy rất rõ ràng. Khi tôi bước vào phòng anh ta, tôi thấy anh ấy đang ngồi trên chiếc ghế, vẽ mặt buồn bã và đang rất lo lắng liệu có đòi lại được tiền từ một người bạn đã từng mắc nợ anh ta’.

‘Nhìn thấy cảnh đó tự nhiên tôi bị tác động rất dữ dội. Tên này có cả tỉ đồng trong tay mà vẫn không có vẻ gì hạnh phúc hết. Cho nên, tiền bạc thật sự không làm cho con người hạnh phúc. Có lẽ, bạn càng có nhiều tiền chừng nào thì bạn lại càng khó có thể hạnh phúc chừng nấy’. Anh kết luận như vậy.

Mục đích trong đời sống của anh ta đã thay đổi từ đó – từ ý hướng làm sao kiếm cho thật nhiều tiền đổi thành việc đi tìm hạnh phúc chân thật trong cuộc sống. Anh đã quyết định đầu tư vào việc học hành của chính mình bằng cách chuyển việc học ban ngày thành chương trình học vào buổi tối và bắt đầu đi làm việc nguyên ngày. Cuối cùng, anh đã tìm được con đường đi cho chính bản thân mình.

Anh nói ‘con người thường bị tiền ám ảnh quá nhiều’. Chúng ta tạo ra những điều kiện sống cho chính mình để có thật nhiều tiền. Và khi chúng ta trở nên quá lệ thuộc vào một cái gì đó, chúng ta thường không được hạnh phúc cho lắm vì chúng ta cứ muốn có thêm, chẳng bao giờ cảm thấy đủ, và chúng ta dễ bị đau khổ khi mất nó. Cái vòng lẫn quẫn không bao giờ chấm dứt. Do đó, tiền đã sai sử chúng ta chứ không phải là chúng ta đang xài nó.

Anh ta không hề có ý tưởng chống lại việc mọi người kiếm tiền sinh nhai, hay là gợi ý biểu người khác bỏ cung vàng điện ngọc sống đời lữ khách, hay là vào chùa xuất gia đi tu. Ở đây, anh ta chỉ khuyên mọi người đừng nên ôm giữ các sở hữu vật chất quá chặt chẽ. Chính anh ta cũng đã xài tiền, biết tiết kiệm và đầu tư. Chẳng hạn như một căn nhà, một căn hộ, đất đai, một cái bảo hiểm nhân thọ hay một vài nguồn dự trữ khác. Anh tiết lộ như vậy. Nhưng tất cả số tiền còn lại, thường được đem ra bố thí cúng dường.

Anh rất tin tưởng trong việc đầu tư bằng nhiều dạng khác nhau. Nếu chỉ bám víu vào một loại đầu tư nào đó thì thật sự là quá mạo hiểm. Phải khôn khéo trong việc quản lý những mạo hiểm trong ngành thương nghiệp thị trường.

‘Tôi không đầu tư tiền vào thị trường chứng khoán. Điều này quá mạo hiểm. Và tôi cũng không tin vào câu nói ‘càng liều lĩnh, càng lợi lạc’ - đó chỉ có nghĩa là tham vọng.’

Hiện nay có rất nhiều người phải chịu đau khổ về việc mất giảm tài sản do sự suy thoái kinh tế và sự sụp đổ của các thị trường cổ phần trên toàn thế giới. ‘Điều này xảy ra bởi vì hầu như mọi người dấn thân quá mức vào đó. Tuy nhiên, mọi sự vật luôn thay đổi không ngừng; con người thường không chấp nhận đổi thay dễ dàng tí nào. Vì vậy nên họ không được hạnh phúc.

Thay vì nắm chặt tiền bạc và lúc nào cũng chú tâm vào việc làm cho mình giàu hơn, anh Danai đề nghị mọi người hãy xây dựng “sự giàu có” từ bên trong. Sự đầu tư hữu hiệu nhất là đầu tư trong tâm của chúng ta. “Cái mà mọi người cần quản lý và theo dõi kỹ lưỡng không phải là tài sản của họ mà là trái tim và khối óc của họ. Đó chính là con đường duy nhất đưa đến hạnh phúc chân thật’.

Tác giả bài viết: Tâm Hải dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây