Nô lức lên chùa hành đạo vào Đại lễ Vu Lan

Thứ tư - 02/09/2009 06:41
Chưa tới rằm tháng bảy nhưng tại các chùa lớn ở Hà Nội như Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Hà, chùa Kim Liên... lượng người tới thắp hương, làm lễ đã rất đông. Chương trình hành đạo nhân mùa “Đại lễ Vu Lan Phật lịch 2553 - Dương lịch 2009” tại chùa Quán Sứ bắt đầu từ ngày 11 - 13.7 Âm lịch (tức 30.8 - 1.9 Dương lịch). Như mọi năm, các phật tử từ khắp nơi lại tề tụ về đây để cầu an cho gia đình.

Các tăng ni, phật tử ngồi cầu kinh kín cả sân chùa. Không ít người lặn lội trên dưới trăm cây số, từ các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng để tới đây; trong đó có rất nhiều cụ ông, cụ bà đã có tuổi. Thậm chí, có cụ bà lưng đã còng, mắt kém nhưng không quản ngại đường xa, vẫn chống gậy lên chùa để làm lễ.

Tranh thủ giờ nghỉ giữa hai bài khấn, cụ bà Nguyễn Thị Khởi (65 tuổi) trú tại số nhà 46 tổ 6 phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình tâm sự với chúng tôi: “Tôi đi cùng với cô hàng xóm gần nhà. Lên xe ô tô từ lúc 5 giờ sáng, 7 giờ đã có mặt ở chùa rồi. Từ Hòa Bình lên đây, chúng tôi cũng chỉ cầu cho gia đình mạnh khỏe, may mắn...”.

Hành trang các cụ mang theo rất đơn giản, chỉ là một chai nước uống dọc đường, một tấm bạt hay tấm nilon để trải ra ngồi và một quyển kinh Phật. Ở một góc sân chùa, chúng tôi thấy dáng một cụ ông ngồi thiền yên lặng một mình. Chiếc ba lô sờn rách để bên cạnh, trước mặt cụ là một quyển cẩm nang kinh Phật. Cụ tên là Nguyễn Đức Huyền (71 tuổi), quê xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đi xe buýt lên Hà Nội từ 4 giờ sáng.

Khi được hỏi tại sao không ngồi tập trung khấn cùng các phật tử khác, cụ Huyền cho biết: “Tôi muốn ngồi một mình cho yên tĩnh, không bị phân tán bởi xung quanh để thành tâm niệm Phật. Những dịp như thế này với tôi rất quan trọng, nó là dịp để tôi cầu khấn cho các linh hồn đã khuất siêu thoát, cho con cái mạnh giỏi trăm bề”. Lặn lội hơn 80km lên Hà Nội, cụ Huyền còn cho biết: đây không phải lần đầu cụ lên chùa Quán Sứ hành đạo.

Rất nhiều bạn trẻ cũng lên chùa những ngày này. Ngồi giữa những phật tử mặc áo nâu, tóc đã lốm đốm bạc, chúng tôi còn thấy một bạn gái còn rất trẻ. Nguyễn Thị Trang quê ở Yên Minh, Ý Yên, Nam Định đang ngồi ngay ngắn trên bậc thềm, đưa đưa ngón tay dò theo từng câu chữ trong bài kinh “Sám nguyện tịnh độ”. Chỉ vào quyển “Chư kinh nhật tụng” (những bài khấn hàng ngày) mà cô vừa mua tháng trước, Trang phấn khởi nói: “Em là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Công nghiệp. Dù đợt này được nghỉ khá dài ngày nhưng em thấy đây là một đại lễ lớn, không muốn bỏ qua nên đã quyết định ở lại Hà Nội để lên chùa cầu kinh cùng mọi người. Mỗi lần lên chùa lại cảm thấy tâm mình thoải mái hơn nên em rất thích”.

Sắm lễ ngày rằm

Không có điều kiện đi lễ ở chùa, nhiều gia đình tổ chức cúng bái và làm lễ ngay tại nhà. Nhiều người quan niệm ngày 14-15 âm lịch, các chúng sinh còn bận đi chơi, đi lễ chùa nên họ thường làm rằm từ mùng 10 đến 13 Âm lịch. Mới mùng 10, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Mai (số nhà 21 ngõ 64 Lĩnh Nam) đã tổ chức cúng rằm. Chị Mai cho biết: “Ngoài làm mâm mặn để cúng gia tiên, chị còn làm mâm cúng chúng sinh ở ngoài trời. Thường đồ lễ gồm có vàng mã, gạo muối, cháo trắng, các loại bỏng, ngô khoai, chè lam, bánh đa, tùy theo mỗi gia đình. Rằm tháng 7, xá tội vong nhân thì phải cúng và khấn bái hết sức cẩn thận”.

Tuy nhiên, có gia đình lại sắm lễ rất đơn giản. Bà Nguyễn Thị Quý (ngõ 255 Cầu Giấy) tới lễ ở chùa Hà cho biết: “Gia đình tôi cũng chỉ sắm lễ đơn giản như các ngày rằm trong năm. Tôi quan niệm làm to, nhỏ không quan trọng, quan trọng là lòng thành của mình”.

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây