Dạy
học chính là chia lửa! Nếu dạy học chỉ là trao truyền kiến thức không thôi thì
kiến thức sẽ rất mau… lỗi thời, rất mau cạn kiệt, nhất là trong một xã
hội thông tin vô tận như hôm nay!
Nhưng
để có thể chia lửa thì trước hết phải có… lửa! Muốn có lửa thì phải… tự đốt
mình lên và phải có nguồn nhiên liệu bất tận nơi trái tim mình. Người thầy băng
giá thì chỉ có thể truyền lạnh lẽo, giá băng. Người thầy máy móc chỉ có thể
truyền những động tác. Còn người thầy truyền lửa thì lửa đôi khi có thể bốc
cháy nhưng thường khi chỉ ngun ngún, âm ỉ, đợi một cơn gío bùng lên. André
Maurois, viện sĩ Hàn lâm Pháp nói đến kỹ năng “nhóm lửa” cho người bạn trẻ
trong cuốn “Lettres ouvertes à un jeun homme” (Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi,
Nguyễn Hiến Lê dịch): đó là hãy bắt đầu với những bùi nhùi, mạt cưa, những cành
khô nho nhỏ, sau đó, khi ngọn lửa đã ngún rồi thì mới có thể nhen dần vào những
thân cây to, nhờ đó mà giữ hơi nóng bền lâu, không bị tắt ngúm!
Ai
cũng có những người thầy trong đời mình, đã nhen cho mình ngọn lửa ấm nồng,
cách này hay cách khác. Người thầy đó không nhứt thiết dạy mình trên ghế nhà
trường, trên bục giảng đường. Miễn là có một tần số để nhận ra ngọn lửa truyền
trao, và nhen nhóm. Đến một lúc nào đó ta bỗng nhận ra “bán tự vi sư”- nửa chữ
cũng thầy!
Khi
còn là một nhóc con 11-12 tuổi ở một tỉnh lẻ, mỗi lần đau ốm, tôi đều một mình
đến bác Hai Cương, một thầy thuốc Bắc nổi tiếng. Gặp bác là tôi thấy nhẹ bệnh
hết một nửa rồi! Bác lớn tuổi lắm rồi, vậy mà ân cần hỏi han tôi, mời tôi ngồi,
chậm rãi bắt mạch, chăm chú, có khi chưa yên tâm còn vào tủ sách lấy một
quyển to đùng ra đọc, nghiền ngẫm kỹ trước khi biên toa. Lúc hốt thuốc, còn cho
tôi vài trái táo, một nhúm cam thảo, căn dặn cách sắc, cách uống! Khi tôi đậu
vào “Y khoa Đại học đường Saigon”, còn nhớ ngày tựu trường, giáo sư khoa
trưởng, bác sĩ Phạm Biểu Tâm đã ân cần nhắc nhở các tân sinh viên: Nghể y là
một nghề cao qúy nếu ta muốn cao qúy, cũng là một nghề thấp hèn nếu ta muốn
thấp hèn. Ngừơi thầy thuốc phải là người sinh viên suốt đời. Trong khi hành nghề
ta có thể đôi lần ân hận nhưng đừng bao giờ để phải hối hận! Cũng gần nửa thế
kỷ rồi đó, vậy mà bọn học trò chúng tôi gặp nhau còn nhắc lời thầy!
Các
ngành nghề khác cũng vậy thôi. Cái còn lại chính là ngọn lửa đã đựơc thầy
truyền trao, chia sẻ, ngọn lửa đã được tiếp nối từ ngọn đuốc của thầy. Lòng yêu
nghề. Đạo đức nghề nghiệp. Tinh thần tự học…
Ngọn
lửa không cần nói nhiều, không cần phải là những bài giảng hùng biện, bác học.
Nhiều khi chỉ là sự “dung thông” giữa thầy và trò. Tần số có thể bắt được, một
cách nào đó. Không cần kỹ thuật truyền thông hiện đại.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự