Phật giáo và việc bảo vệ môi trường

Thứ năm - 15/04/2010 19:58
Mới nghe chủ đề này, nhiều người cảm thấy hơi lạ và thắc mắc rằng trong kinh điển Phật giáo có đề cập đến vấn đề này hay không. Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này cách xa chúng ta hơn 2500 năm, nhưng lời dạy của Ngài về cách sống tốt đẹp cho người xuất gia cũng như cho toàn thể nhân loại vẫn còn thích hợp với thời đại chúng ta ngày nay.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng khi triển khai tinh ba của Phật dạy ở lãnh vực nào của xã hội, chúng ta cũng thấy đều nằm trong Phật pháp. Vì vậy, đối với vấn đề bảo vệ môi trường, ngày nay loài người mới đặt ra, trong khi đó Đức Phật đã quy định cách sống để bảo vệ môi trường từ hơn hai ngàn năm trước. 

Nhân loại có nhiều nền văn hóa và triết học khác nhau, nhưng thông thường, người ta chia ra triết học Đông phương và triết học Tây phương. Triết học Tây phương phần nhiều chịu ảnh hưởng nền văn minh cổ của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Còn Đông phương thì nổi bật hai nền triết học lớn của Trung Hoa và Ấn Độ. 

Triết học Tây phương nhằm hướng dẫn con người chinh phục thiên nhiên và xã hội, nghĩa là người Tây phương có khuynh hướng buộc xã hội phải theo con người, buộc thiên nhiên phải tuân theo sự sắp xếp của mình. Vì vậy, chúng ta thấy tất cả những nghiên cứu của phương Tây dẫn đến nền khoa học hiện đại ngày nay đều nhằm mục tiêu khám phá thiên nhiên để chinh phục vũ trụ.

Nhưng trên thực tế thì thân phận con người quá nhỏ bé, cho nên việc chinh phục vũ trụ từ trước đến nay chưa ai thực hiện được một cách trọn vẹn, hay có chinh phục được chăng nữa cũng chỉ có giá trị tạm thời mà thôi. Chính vì vậy mà cuối cùng con người cũng bị xã hội bao vây và bị định luật thiên nhiên chi phối, không thoát khỏi được. 

Dưới Phật nhãn, những gì mà người Tây phương và triết học của họ đưa ra, Đức Phật đã thấy rất chính xác; nhưng theo Ngài, chúng ta chinh phục thiên nhiên và vũ trụ bằng cái gì. Chinh phục vũ trụ bằng công cụ khoa học có được hay không. Thực tế cho thấy tất cả những phát minh được coi là văn minh của con người thì cuối cùng các nền văn minh đều tự tiêu diệt nhau. 

Đức Phật dạy rằng con người mang tham vọng chinh phục xã hội và thiên nhiên, nhưng sau cùng người ta lại bị xã hội và thiên nhiên đánh ngã. Tuy nhiên, theo Phật, chúng ta vẫn có thể chinh phục ngoại giới và nội giới, nếu thực hành đúng giáo pháp của Ngài.

Nhà triết học Ấn Độ là Viện trưởng sáng lập Đại học Delhi nói rằng con người xứng đáng với danh nghĩa con người là người đó chinh phục được ngoại giới và nội giới. Chinh phục ngoại giới rất khó, mà chinh phục nội giới còn khó hơn nhiều. Hiểu được định luật chi phối các hành tinh là điều rất hay, nhưng hiểu được định luật chi phối con người thì càng khó hơn. 

Đức Phật là người hiểu và vận dụng được định luật chi phối tình cảm con người, chi phối cuộc sống con người và hiểu rõ cả định luật chi phối thiên nhiên. Việc chinh phục con người được Đức Phật giảng rõ trong tất cả kinh điển và chinh phục được thiên nhiên ở đỉnh cao được Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm. Con người sinh ra trong trời đất, nhưng chinh phục được trời đất.

Đức Phật dạy rằng con người khổ đau chỉ vì tham vọng. Vì vậy, nếu chúng ta dẹp bớt được một phần tham vọng, hay đoạn trừ được một phần lòng ganh tức, thù hận, thì chúng ta sẽ bớt được một phần khổ đau. Nếu chúng ta đoạn tất cả kiến hoặc và phiền não, nói cách khác, đoạn được tình cảm xấu ác của con người là hết khổ đau, vì chỉ có tình cảm trong sáng mới không khổ. 

Lịch sử cho thấy các nhà chinh lược phương Tây luôn nghĩ cách khơi dậy lòng ham muốn, tập họp những người ham muốn và kích động họ tham gia công cuộc chinh lược từ bộ lạc này đến bộ lạc khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ liên minh này đến liên minh khác.

Điều đó thể hiện lòng tham vọng chinh phục con người, mà cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn gọi là tình thương giả dối của loại người làm chính trị thường tìm cách tập họp mọi người để đi chinh lược người khác. Trong khi tình thương của Đức Phật hoàn toàn khác hẳn. Ông nói rằng tình thương của Phật đã được các vua triều Lý thể hiện trong việc trị nước an dân, đó là tình thương chân thật được kết hợp bằng tâm từ bi; cho nên các vua Lý rất thương người, thương dân. Chính nhờ chịu ảnh hưởng đạo Phật mà các vua Lý đã xây dựng được triều đại thịnh trị tốt đẹp như vậy. 

Tinh thần Phật dạy rất cao, Ngài chinh phục được nội giới, hoàn toàn không có bất cứ sự chi phối nào của tham vọng, của lòng thù hận, bực tức; từ đó, tất cả những lời nói và việc làm của Đức Phật chỉ thể hiện tâm từ bi. Và sống với tâm thuần từ bi như vậy, cho nên những ai nghe hoặc thấy Phật, tâm họ đều được an lạc.

Điều này thể hiện rõ nét Đức Phật đã chinh phục được tâm Ngài theo hướng trong sáng, nên Ngài chi phối cả mọi người, chi phối xã hội một cách thuần thiện. Người tốt gặp Phật, họ phát tâm Bồ đề, làm căn lành họ phát triển; nhưng người xấu đến hại Phật thì tâm xấu của họ chạm phải tâm từ bi của Phật sẽ chuyển hóa được lòng thù hận của họ trở thành hiền lương. 

Chinh phục được con người như thế, Đức Phật vẽ ra cho chúng ta quá trình quán sát sự vật. Trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài dạy rằng tất cả các Đức Phật đều có mười loại hình khác nhau, không phải chỉ có một thân hình. Mười thân này biến ra hằng hà sa số Phật. Chúng ta tưởng chỉ có một Phật Thích Ca, nhưng Phật nói Ngài có thiên bá ức hóa thân; đó là điều quan trọng mà Phật đã phát hiện và sử dụng được. 

Và trong một hóa Phật có vô số hóa Bồ tát tu trong chánh pháp của Ngài và vô số hóa Bồ tát này cũng phát xuất từ một gốc là thân ngũ uẩn mà ra. Vì vậy, tu hành chuyển hóa ngũ uẩn thân gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức là pháp căn bản của đạo Phật; cho nên, có thể thấy rằng kinh Hoa Nghiêm cao tột, nhưng cũng phát xuất từ kinh Phật giáo Nguyên thủy. 

Theo tinh thần Hoa Nghiêm, thân ngũ uẩn của con người cũng gắn liền với cả vũ trụ bao la. Vì thế, chinh phục được thân này là chinh phục được cả vũ trụ. Chinh phục được tình cảm của chúng ta là chinh phục được tình cảm của xã hội. Vì vạn vật đồng nhất thể, nhưng loài người do vô minh ngăn che, do hiểu lầm, nghĩ mình có thể chinh phục người này, người khác, nghĩ mình có thể thay đổi được quốc gia cho đến vũ trụ theo ý mình; đó là sự sai lầm trầm trọng. 

Trong thân thể chúng ta nếu có một phần bị thương thì chúng ta sẽ bị đau toàn thân và đau cả tâm hồn. Cũng vậy, ngũ ấm thân có mối liên kết chặt chẽ với vũ trụ. Vì vậy, nếu chúng ta phát triển thân tâm mình theo chiều hướng xấu ác, khiến thân tâm mất thăng bằng, thì sẽ tác động làm cho xã hội mất thăng bằng, bị loạn động và cũng sẽ làm đảo loạn vũ trụ.

Chính vì mối tương quan cộng tồn rất mật thiết giữa muôn sự muôn vật, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, vũ trụ, mà Phật dạy rằng “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia”, cho nên một cái mất thăng bằng sẽ ảnh hưởng xấu đến những cái khác. Nhận thức như vậy, chúng ta phải bảo tồn các loài khác, người khác, bảo tồn xã hội, bảo tồn thiên nhiên thì đó là bảo tồn chính chúng ta. 

Thử nghĩ xem một người quá giàu trong xã hội quá nghèo, chắc chắn khó tồn tại được. Thực tế cho thấy biết bao chế độ sụp đổ do sự mất thăng bằng xã hội, nói cho dễ hiểu là có sự chênh lệch lớn giữa người quá giàu và người quá nghèo. Phải hướng dẫn người giàu để họ nhận thấy được tinh thần bao dung rất cao quý, thể hiện qua những việc làm nâng cao đời sống vật chất và tri thức cho người nghèo; đó là điều vô cùng cần thiết cho xã hội, trong đó có họ được yên ổn, được phát triển. 

Để tạo dựng sự thăng bằng cho xã hội, Đức Phật dạy Bồ tát hành đạo là đem nguồn vui cho người nghèo, đem lại sự ấm no cho người nghèo, như vậy là làm cho Phật hoan hỷ. Làm chúng sinh đau khổ, làm xã hội mất thăng bằng không phải là đệ tử Phật. 

Khi chúng ta biết thương và giúp đỡ nhau, xã hội này chắc chắn được an lạc. Đừng bao giờ làm một thành phần bị sụp đổ; vì ngũ uẩn của chúng ta là thể thống nhất chung của muôn loài, của xã hội, của vũ trụ, của con người. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói rằng từ ngũ uẩn hiện ra quốc độ và chúng sinh. 

Quốc độ là gì ? Quốc độ là thế giới, là chỗ cho chúng sinh nương tựa, tồn tại. Không có quốc độ, chúng sinh không tồn tại được. Từ ngũ uẩn hiện ra quốc độ, cho nên Phật coi quốc độ và ngũ uẩn đều là thân của Phật. Hiểu như vậy, chúng ta coi sơn hà đại địa là thân của chúng ta. Cho nên, bảo vệ môi trường sống cũng là bảo vệ Phật, vì môi trường sống chính là sinh mệnh của Phật và sinh mệnh của chúng ta cũng nhờ đây mà tồn tại. 

Có thể nói bảo bệ quốc độ, hay bảo vệ trái đất này là bảo vệ sự tồn tại của tất cả chúng sinh. Có bao nhiêu chúng sinh, có bao nhiêu chủng loại ? Có rất nhiều, nhưng Đức Phật gộp lại có tứ sanh lục đạo.

Tứ sanh gồm có loài đẻ trứng, loài đẻ con, loài sống dưới nước, loài sống trong hư không. Sự sống của tất cả các loài này được cân bằng với nhau thì tất cả cùng tồn tại. Loài người do vô minh không nhận thấy lý này, nhưng ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học đã mở ra cho chúng ta thấy sự cân bằng thiết yếu này của môi sinh. Nếu trong hư không, chúng ta xả những chất độc hại vào, chúng ta sẽ chết vì thiếu không khí trong lành.

Trong nước cũng vậy, nếu làm ô nhiễm dòng nước, bệnh tật và tử vong sẽ đến với con người. Một khi tất cả các loài sống trong không khí, trong nước, trên mặt đất bị chết, chắc chắn chúng ta cũng không sống được. Vì vậy, bảo vệ tất cả các loài sống trên mặt đất, sống trong không khí, sống trong nước là bảo vệ sự sống của chính con người. 

Muốn cho loài người và muôn loài cùng môi sinh được tồn tại, phải phát triển trí tuệ theo Như Lai, trước nhất là cần dẹp bỏ tham vọng, thấy được sự cân bằng và tạo môi trường cân bằng, ngày nay gọi là bảo vệ sinh thái. Trước mắt là bảo vệ màu xanh của cây cỏ, của núi rừng và bảo vệ tất cả các loài đang sống trên trái đất này, để con người và muôn loài đều cộng hưởng, cộng tồn. Như đã nói đó là mối tương quan mật thiết giữa loài người và các loài khác theo lý Duyên sinh mà Phật dạy rằng cái này có thì cái kia có. 

Cũng nằm trong lý Duyên sinh, làm dòng nước, không khí và mặt đất trong sạch, thanh tịnh, thì đó là Tịnh độ. Tịnh độ khác với uế độ ở sự trong sạch. Cực lạc của Phật Di Đà có ba thứ trong sạch hoàn toàn là nước sạch, không khí sạch và đất sạch, vì tâm của cư dân nơi đó thuần sạch, tiêu biểu cho thế giới văn minh tột đỉnh. Đức Phật Di Đà dùng công đức để trang nghiêm Tịnh độ của Ngài như thế. Trong khi thế giới địa ngục cũng do chúng sinh tạo ra từ tham vọng đến mức trở thành mù quáng, mới làm những việc tội lỗi dẫn đến tù tội, khổ đau cùng cực. 

Ngũ uẩn tuy là một, nhưng nếu có Phật và Bồ tát ra đời, thì có thể phát triển, chuyển hóa thành thiên đường, hay Cực lạc. Còn dùng tham vọng để chinh phục chẳng những không được, mà còn tiêu diệt hạnh phúc của mọi người. Điển hình như nhà chinh lược Hitler muốn đưa nước Đức lên tận trời xanh, nhưng ông đã dìm nước Đức xuống tận địa ngục và tạo ra cảnh tang thương chết chóc cho quá nhiều người. Đó là do tham vọng chỉ đạo ông mà từ đó kết hợp những người ác tạo thành thế giới khổ đau. 

Xây dựng ngũ uẩn trở thành Cực lạc, hay thiên đường bằng cách nào? Đức Phật dạy chuyển đổi ngũ uẩn thân thành Pháp thân qua trung gian là tâm. Nói cách khác, điều chỉnh ngũ uẩn thân để chuyển thành ngũ phần tâm và ngũ phần tâm biến thành Pháp thân Bồ tát ngang qua Pháp thân Phật, chúng ta có Niết bàn. 

Trong ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cái nào dễ thấy được, chúng ta chuyển đổi trước. Sắc uẩn là những gì thuộc vật chất, hình thức bên ngoài dễ thấy, chúng ta điều chỉnh trước. Đầu tiên thấy được thân chúng ta tốt hay xấu, khỏe mạnh hay ốm đau, v.v… Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và sức khỏe tuyệt vời, thông minh tột đỉnh. Đó là do Phật tu được giới đức.

Thân người tuy giống nhau, nhưng nếu biết điều chỉnh, chúng ta sẽ trở thành người đức hạnh và dùng đức hạnh để cảm hóa được người khác. Còn dùng thủ đoạn thì không lâu bền, chỉ được tạm bợ thôi. Trong khi dùng đạo đức có kết quả vĩnh viễn, vì nếu ta làm được nhiều việc tốt, thì những cái tốt này sẽ gắn liền với cuộc sống chúng ta và nối kết mãi với xã hội mà chúng ta sống. 

Vì vậy, phải thấy được giới đức là cần thiết cho cuộc sống chúng ta và Phật dạy để thành tựu giới đức, quan trọng là không được sát, đạo, dâm, vọng; nghĩa là con người đức hạnh thì không làm tổn hại sự sống của các loài, không gian tham trộm cướp, không lường gạt và không nói dối. 

Chúng ta tu theo Phật, chính mình phải tự thực hiện trước nhất những điều này. Khi thành tựu được đức hạnh là chúng ta có được một phần Pháp thân và điều tốt này ảnh hưởng tốt vào thiên nhiên, vào xã hội chúng ta sống.

Đức Phật là bậc đức hạnh đệ nhất và Ngài dùng đức hạnh để cảm hóa mọi người, cho nên ai trông thấy Ngài cũng sanh tâm kính trọng và ảnh hưởng của đức hạnh vô cùng ấy vẫn còn ảnh hưởng mãnh liệt đến nhân loại ngày nay trên khắp năm châu bốn biển trải qua hơn 25 thế kỷ. Không ai nói xấu được Phật là vậy.

Phật dạy rằng người xấu hại người tốt là tự hại họ; cho nên nếu bị nói xấu, ta không nên phản ứng. Nếu ta tốt thật sự và được nhiều người thương quý, họ sẽ bảo vệ ta và xúc phạm đến ta thì sẽ bị xã hội chống lại. Thể hiện tinh thần này, Phật đã một mình một bóng đến tu viện của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp.

Bấy giờ, thế lực của ông là quốc sư, có 500 đồ chúng tu tại đây và có cả người tại gia. Đức Phật biết rõ ông và đệ tử không thể hại Ngài, vì Phật không có lỗi lầm và được xã hội kính trọng. Quả tình Phật đã cảm hóa được ông, ông trở thành đệ tử Phật, làm tăng thêm số đệ tử theo Ngài là một ngàn người. Như vậy có nghĩa là giới đức của Phật đã có sức cảm hóa một ngàn người. 

Ngoài Giới đức, tâm thứ hai là Định cũng rất quan trọng. Khi tâm chúng ta được an định, tập trung một chỗ sẽ giúp chúng ta thấy chính xác, là Huệ. Giới, định và huệ là ba điều căn bản của đạo Phật và còn thêm phần Giải thoát, là ta không lệ thuộc thiên nhiên và xã hội. Sau cùng, chúng ta thấy đúng như thật tất cả mọi việc là giải thoát tri kiến. Như vậy, từ ngũ uẩn thân đã chuyển hóa thành Pháp thân. Ngài Huyền Giác nói rằng ngũ uẩn sanh thân tức Pháp thân. 

Khéo tu Bồ tát đạo, chuyển ngũ uẩn thân thành Pháp thân, nhưng quan trọng là giải thoát và giải thoát tri kiến; đừng chuyển thành ma chướng. Tu sai nghĩ rằng tại sao người chống đối mình, hại mình. Vì chỉ có nghiệp và sai lầm của mình hại được mình mà thôi. Người không ác xấu, nhưng mình hiểu lầm họ xấu ác, cuối cùng họ cũng bỏ mình.

Chúng ta chuyển đổi ngũ uẩn thân trở thành tốt, là thành thiên đường; chuyển thành xấu là thành địa ngục, cũng do chúng ta, chứ không ai khác. Trên bước đường tu, ứng dụng pháp chuyển đổi này để bảo vệ môi trường sống cho tất cả mọi loài chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. 

Từ ngũ uẩn gắn liền với quốc độ và quốc độ này là thân của Tỳ Lô Giá Na, của ta, nên ta chuyển đổi được. Cho nên, bảo vệ và dìu dắt chúng sinh tu hành trong chánh pháp là làm cho mình an lành. Điều này dễ nhận ra vì trên thực tế, nếu người xung quanh bất an thì làm sao chúng ta an được. Người xung quanh đói khát, làm sao chúng ta ăn ngon ngủ yên được. 

Đức Phật nói muốn bảo vệ chúng sinh, quốc độ và ngũ uẩn, phải có tinh thần vị tha vô ngã. Sa môn thân là người tu thể hiện cuộc sống vị tha vô ngã, vì Sa môn không giữ tài sản, bởi lẽ tài sản luôn là mối tranh chấp của con người. Sa môn chỉ có tài sản là Tam bảo dùng làm phúc lợi cho mọi người.

Nhờ sống vị tha vô ngã, Sa môn làm cho xã hội được an lành; nhưng nếu sai lầm, chỉ lo cho chùa mà để chúng sinh đói thì chùa khó tồn tại. Thể hiện tinh thần này, sinh hoạt của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được phát triển đến ngày nay, một phần lớn là do những việc làm từ thiện xã hội. Giới Phật giáo tuy không giàu có, nhưng năm nay đã hỗ trợ cho đồng bào trên 300 tỷ đồng.

Điều này chứng minh rằng làm cho chúng sinh là làm cho chúng ta tồn tại, làm cho an sinh xã hội tốt đẹp là làm cho Phật pháp hưng thịnh. Nếu phạm sai lầm, gom tài sản chung làm của riêng mình làm xã hội băng hoại, làm Phật giáo suy đồi. Do chúng ta làm nhiều việc tốt cho xã hội, công đức sinh ra, mới có ngôi nhà truyền thống Phổ Quang và giảng đường khang trang rộng lớn này.

Thiết nghĩ bằng mọi cách, phải hình thành được Sa môn thân, vì không có người xuất gia sống vị tha, thể hiện tình thương cho mọi người, thì xã hội này dễ băng hoại. Ai cũng sống ích kỷ, làm sao giúp cho người kém may mắn vươn lên, tạo thế cân bằng trong xã hội được. Phải nói Sa môn rất cần cho xã hội.

Đức Phật xưa kia đi tu cũng để giúp cho mọi người thức tỉnh khỏi cuộc sống tệ ác, sẵn sàng sát hại lẫn nhau; nói cách khác, Phật đã tạo thế cân bằng trong xã hội. Sa môn thân là người tu xuất gia sống ngoại vật, không làm chính trị, không kinh doanh, thể hiện thân giải thoát. Đó là thân thứ tư của Phật. 

Từ cuộc sống Sa môn nâng lên, tạo được phước đức để san sẻ cho mọi người là hiện thân thứ năm của Phật là Bồ tát thân đi vào đời làm lợi ích cho xã hội. Bồ tát giúp người nghèo thoát cảnh nghèo đói và phát triển được cuộc sống bằng cách hướng dẫn người giàu phát tâm bố thí, san sẻ cho người kém may mắn vươn lên như họ. Đó chính là Bồ tát tạo sự cân bằng cho xã hội. 

Và khi tu tạo Bồ tát thân viên mãn, trở thành Như Lai thân. Như Lai thân lấy trí tuệ làm chuẩn, nghĩa là không có thân, chỉ có trí tuệ, nên lấy trí làm thân gọi là Trí thân. Dùng Trí thân chi phối tất cả các pháp, biến thành Phật pháp, là Pháp thân. Và cuối cùng thành Tỳ Lô Giá Na thân là đỉnh cao nhất của Phật chi phối cả nội giới và ngoại giới. 

Tóm lại, mười thân Phật gồm ngũ uẩn thân, chúng sinh thân, quốc độ thân, Thanh văn thân, Duyên giác thân, Bồ tát thân, Như Lai thân, Trí thân, Pháp thân và Tỳ Lô Giá Na thân. Hay đó là con đường mà Đức Phật đã vẽ ra cho tất cả mọi người cùng tiến bước, để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, xây dựng xã hội an lạc, thịnh vượng và xây dựng thế giới hòa bình, hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, phát triển. Đó chính là xây dựng Tịnh độ ngay tại nhân gian này và làm được như vậy theo Phật giáo chính là bảo vệ môi sinh của nhân loại ở mức độ hoàn hảo nhất./.

Tác giả bài viết: HT Thích Trí Quảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây