Ấm áp lễ Hằng thuận cho ba đôi uyên ương tại chùa Nhiễu Long - Hà Tĩnh

Chủ nhật - 06/04/2014 15:55
Sáng ngày 5/4/2014 (ngày 6/3 âm lịch), Tại chùa Nhiễu Long, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh đã tổ chức đám cưới theo nghi thức Phật giáo cho 3 đôi uyên ương. Dưới chân Tam Bảo, trong sự chứng minh của thầy trụ trì, cha mẹ, họ hàng đôi bên và những Phật tử tại chùa, lễ Hằng Thuận của các cô dâu chú rể đã diễn ra trang nghiêm và đầm ấm.

- Chú rể Hồ Sỹ Hiến (thôn An Tiên, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh); Cô dâu Nguyễn Thị Trúc Giang (Khố 6, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn).

- Chú rể Nguyễn Huy Hải (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) ; Cô dâu Hoàng Thị Huyền Trang (Khối 1, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn).

- Chú rể Nguyễn Duy Thành (thành phố Vinh - Nghệ An); Cô dâu Nguyễn Thị Thương Huyền (Khối 9, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn).

Cũng như lễ “bông hồng cài áo”, nghi lễ đặc biệt này chỉ có trong các nghi thức Phật giáo ở Việt Nam. Người khởi xướng ra nghi lễ Hằng Thuận là Ông Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940). Ông vốn là một nhà Nho, sau đó bén duyên với Phật pháp và trở thành một trong những người tích cực cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo. Tổ chức kết hôn tại nhà chùa là một trong những ý tưởng của ông trong việc đưa đạo Phật dấn thân và hòa hợp vào quần chúng. Năm 1930, đám cưới theo nghi lễ Phật giáo lần đầu tiên được cử hành tại chùa Từ Đàm - Huế và đến năm 1971, Hoà Thượng Thiện Hoa đã đặt tên cho nghi lễ này là “Hằng Thuận”.


Đại đức Thích Tâm Phương trụ trì chùa Nhiễu Long truyền trao Tam Quy - Ngũ giới cho các bạn trẻ

Với ý nghĩa chúc đôi tân duyên luôn luôn (hằng) hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống (thuận), đám cưới theo nghi lễ Phật giáo hướng những người tham dự đến ý thức về tầm quan trọng của hôn nhân trên nền tảng đạo đức, tâm linh để xây dựng đời sống hôn nhân thật sự an lạc, hạnh phúc. Lễ Hằng Thuận dạy đôi vợ chồng mới cưới phải hết lòng yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau, luôn luôn hòa thuận, cùng hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống.

Trong buỗi lễ các bạn trẻ và gia đình còn được đọc bài Kinh bảy loại người vợ mà Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi Bộ, chương 7 pháp.

Hình ảnh của buổi lễ BBT Vườn hoa Phật giáo ghi nhận:


Cung nghinh Chư tôn đức chúng minh


Chư tôn đức Niêm hương bạch Phật

Trong buổi lễ Đại đức Thích Tâm Phương cũng đã phân tích rõ hơn cho hiện tọa đạo tràng tham dự về bài kinh "bảy loại vợ" và ý nghĩa sâu xa của 2 chiếc nhẫn mà các bạn trẻ trao cho nhau, Khi đã đeo chiếc nhẫn ấy rồi thì Phải biết nhẫn nhịn, cảm thông và tha thứ để đời sống hôn nhân được hạnh phúc.


Các bạn trẻ dâng lời phát nguyện trước sự chứng minh của Tam bảo


Tặng hoa cho các bậc sanh thành


Tặng giấy chứng nhận "Lễ hằng thuận"

KINH BẢY LOẠI VỢ

1. Người vợ có tâm địa ác, có ý xấu, không có lòng thương, bỏ rơi chồng mình, yêu những người đàn ông khác, một dâm nữ, chỉ muốn làm phiền lòng người. Ðó là loại vợ sát nhân.
2. Người vợ hay hoang phí của cải tài vật, dù là ít do chồng làm ăn kiếm được, nhờ cày ruộng, buôn bán hay lao động khéo tay. Đó là loại vợ ăn trộm.
3. Người vợ lười biếng, không muốn làm gì hết, lại tham ăn, ác độc, thô bạo, thích nói lời ác, lấn át người chồng siêng năn cần mẫn. Ðó là loại vợ như chủ nhân.
4. Người vợ trìu mến, thân ái bảo vệ chồng như mẹ bảo vệ con, giữ gìn tài sản của chồng. Đó là loại vợ như mẹ.
5. Người vợ kính trọng chồng, như em gái đối với anh cả, khiêm tốn, sống chiều đúng theo ý chồng. Ðó là loại vợ như em út.
6. Người vợ sung sướng khi thấy chồng, như gặp người bạn cũ sau bao năm xa cách, thuộc giòng quý tộc, có đạo đức, sống thanh tịnh. Ðó là loại vợ như bạn bè.
7. Người vợ dù là bị đối đãi không tốt, nhưng không giận hờn, vẫn bình tĩnh, chịu đựng mọi hành vi của chồng với lòng từ mẫn, tâm không biết giận, sống chiều đúng theo ý chồng. Ðó là loại vợ như người phục vụ.

Nguồn tin: Vuonhoaphatgiao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây