“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: Sống là để cho đi

Thứ ba - 14/08/2018 21:04
Trên facebook cá nhân, mỗi bài viết về chủ đề sức khỏe cộng đồng của Trần Quốc Khánh thường nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận, chia sẻ…
Bác sĩ Trần Quốc Khánh (35 tuổi) sinh ra và lớn lên ở xóm Sướn (xã Thanh Đức, Thanh Chương, Hà Tĩnh). Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội khóa 100, anh tiếp tục theo học 3 năm bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại khoa. Năm 2009, bác sĩ Khánh chuyển tới khoa Phẫu thuật cột sống bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hà Nội và công tác cho đến hiện nay.

Anh lựa chọn khoa Phẫu thuật cột sống bởi tại thời điểm đó, bởi đây là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam và ít người quan tâm đến các bệnh về cột sống. Chàng bác sĩ trẻ tuổi lúc ấy cho rằng, chọn công việc này sẽ cho anh cơ hội để tìm tòi, khám phá nhiều điều mới mẻ, giá trị.

Là một phẫu thuật viên làm việc tại một trong những bệnh viện ngoại khoa lớn của cả nước, bác sĩ Khánh đã chứng kiến và trực tiếp tham gia phẫu thuật cho rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh thực sự khó khăn, không lối thoát, trong đó có rất nhiều những trường hợp "ám ảnh" anh suốt một thời gian dài...

Bác sĩ Khánh luôn đau đáu một "giải pháp" nhằm có thể hỗ trợ được phần nào những mảnh đời không may mắn, mang đến cho bệnh nhân thêm niềm tin, có thể được hồi sinh thêm một lần nữa, khi cơ hội y học vẫn đang còn.

Thành lập Quỹ Phẫu thuật bệnh nhân nghèo từ cuối năm 2017, anh luôn mong muốn có thể làm được nhiều điều hơn nữa cho những mảnh đời chưa được may mắn, ít nhất là những người bệnh cần phẫu thuật. Với anh "Sống là để cho đi" và quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo như một cầu nối, nơi con người tìm đến với nhau vì có chung một trái tim ấm áp và tâm hồn hướng thiện.

“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 2.

Trên trang cá nhân của bác sĩ, bức ảnh hay tư vấn nào của bác sĩ cũng nhận được cả nghìn lượt like và bình luận. Vẻ ngoài bác sĩ "hot boy" hay điều gì đã giúp anh được quan tâm nhiều như vậy? 

- Tôi chỉ mới chơi Facebook được 3-4 năm trở lại đây. Lúc đầu, tôi chỉ dùng Facebook như một nơi để giải trí sau các ca mổ. Sau đó trong quá trình làm việc tại bệnh viện, tôi gặp rất nhiều trường hợp các bệnh nhân mắc bệnh thông thường, hoàn toàn có thể nhận biết sớm nhưng không ai phát hiện ra.

Ví dụ, nhiều bé trai mắc bệnh xoắn tinh hoàn, là một bệnh rất hay gặp nhưng các bà mẹ hầu như không biết. Tôi cũng gặp những bệnh nhân rất giàu có nhưng cả cuộc đời không bao giờ đi soi dạ dày, đến khi đi khám thì đã mắc bệnh ung thư với khối u rất to rồi. Nếu như bệnh nhân đi khám định kỳ, nội soi đại tràng thường xuyên thì có thể nhận biết sớm, điều trị dự phòng.

Ở các nước tiên tiến người ta ít bị trường hợp đó bởi người ta chủ động nắm tình trạng sức khoẻ của bản thân. Đó chính là y học thường thức. Tôi tự nhủ, tại sao mình không viết những kiến thức y học thường thức, chia sẻ trên mạng xã hội để mọi người đều biết? Sau đó, tôi bắt đầu viết và nhận được sự quan tâm của khá nhiều người trên mạng, có lẽ do các bài viết của tôi hữu ích đối với họ và người thân.

Ngoài ra có một yếu tố khác đó là, mặc dù viết về các kiến thức y học nhưng tôi sử dụng giọng văn tương đối hài hước, gần gũi kiểu trò chuyện với mọi người. Sau thời gian làm việc mệt mỏi, những bài viết về y học có thêm một chút hài hước, "chém gió" sẽ khiến mọi người hào hứng hơn. Tôi nghĩ đó là lí do mọi người theo dõi trang cá nhân của tôi chứ không phải vì tôi đẹp trai đâu! (cười).

“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 3.

Hiện nay, nhiều bài thuốc dân gian, gia truyền do các "bác sĩ Google, Facebook" chia sẻ tràn lan nhưng rất nhiều người tin và làm theo. Bác sĩ nhận định thế nào về những bác sĩ ảo bắt bệnh, chữa bệnh qua mạng này? 

- Tôi cũng biết đến nhiều người có những bài thuốc đặc biệt, nhưng tôi không có ý kiến về những bài thuốc đó. Bởi vì mình không đủ khả năng để thẩm định mức độ hiệu quả của nó.

Nhưng với tư cách là một bác sĩ được đào tạo bài bản, các kiến thức tôi chia sẻ, các bài viết đều dựa vào sách vở hoặc tổng hợp từ các kiến thức nước ngoài. Trên mạng xã hội, tôi chỉ chia sẻ ở kiến thức thông thường, có tính chất thường thức như lời khuyên nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tập thể dục thường xuyên, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh…

Ai hỏi sâu về bệnh tật, tôi sẽ giới thiệu các bạn bè là bác sĩ có chuyên môn hoặc đề nghị người bệnh đến bệnh viện để tôi khám trực tiếp. Tôi không đưa ra các tư vấn chuyên khoa cụ thể ở trên mạng.

Ngoài ra, tôi cố gắng sắp xếp để có thể livestream tư vấn sức khỏe cho mọi người 2 lần mỗi tháng. Những vấn đề được chia sẻ thường là điều mà ai cũng quan tâm nhưng ít người biết câu trả lời chính xác như cách phòng tránh ung thư, cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm, chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe…

“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 4.
“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 5.

Anh có hay bị stress trong công việc của mình không? 

- Trong quá khứ, tôi cũng từng cảm thấy rất mệt mỏi khi cả ngày đứng trong phòng mổ. Nhưng gần đây, tôi đã thay đổi cách suy nghĩ của mình. Tôi bắt đầu với việc xem việc phẫu thuật là một công việc mà mình phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra như biến chứng, các sai sót, ca mổ không thành công… Khi chấp nhận việc không ai hoàn hảo cả, tôi làm công việc của mình với sự thư giãn, thoải mái.

Tôi cố gắng biến mỗi ca mổ thành một niềm vui, khiến thời gian làm việc cũng là thời gian thư giãn, làm hết khả năng của mình nhưng không quá kỳ vọng vào sự hoàn hảo. Dù vậy, đôi khi tôi cũng cảm thấy bản thân hơi lạc quan quá.

“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 6.

Điều gì ám ảnh bác sĩ nhất trong khi làm nghề y? 

- Điều ám ảnh nhất với nhiều năm đi làm bác sĩ của tôi chính là người Việt Nam có kiến thức y học thường thức chưa cao, nếu không nói là rất kém. Rất nhiều bệnh nhân vào viện khi bệnh đã quá nặng do không có thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, không có kiến thức để phát hiện bệnh sớm.

Đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, khó có thể cứu chữa thì mới đi bệnh viện. Những người có đi khám sức khỏe định kỳ thì lại không hiểu biết về những loại xét nghiệm, kiểm tra cần thiết phải làm để phát hiện bệnh sớm nhất.

Các bài viết thông thường ở trên mạng có nêu ra những dấu hiệu của bệnh ung thư phổi như ho ra máu, sút cân… Nhưng thực tế, đến khi bệnh nhân có những biểu hiện đó thì bệnh đã quá nặng. Đó không phải là dấu hiệu sớm nữa mà là rất muộn rồi.

Bác sĩ giỏi không chỉ là người chữa bệnh nặng giỏi mà là giúp bệnh nhân phát hiện ra bệnh sớm, ngay từ khi bệnh mới xuất hiện với các dấu hiệu nghi ngờ chứ không phải khi nó đã phát triển thành bệnh.

Tại sao Việt Nam là một trong số các quốc gia có người dân lười tập thể dục nhất trong khi đó là yếu tố cốt lõi số 1 để có cơ thể khỏe mạnh? Vì mọi người không biết, không ý thức được. Tất cả điều đó dẫn đến hệ lụy là bệnh tật kéo đến. Các bệnh viện, bác sĩ ở Việt Nam hiện nay hầu như đang giải quyết khúc đuôi, phần cuối của con đường bệnh tật.

Việc tăng cường ý thức của cộng đồng về y học thường thức còn quan trọng hơn nhiều việc giải quyết những ca bệnh nặng riêng lẻ ở bệnh viện. Điều quan trọng là hãy nâng cao ý thức về bảo vệ sức khỏe của người dân, ngăn cho bệnh tật đừng xảy ra.

“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 7.
“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 8.

Chỉ là một bác sĩ bình thường, tại sao anh lại quyết định thành lập Quỹ Phẫu thuật bệnh nhân nghèo? 

- Tôi từng gặp trường hợp một bệnh nhân nữ 11 tuổi vào viện với tình trạng bị ngã gãy cổ và vai. Bệnh nhân chưa bị liệt và chỉ cần phẫu thuật là có khả năng phục hồi rất lớn. Thế nhưng, mặc cho bác sĩ giải thích về tình trạng lạc quan của con gái, mẹ của bệnh nhân vẫn kiên quyết đưa con về nhà bởi gia đình quá khó khăn, không thể kiếm được tiền trang trải chi phí phẫu thuật.

Lúc đó bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp đều cảm thấy rất bất lực, không thể cứu bệnh nhân khi mà cơ hội y học vẫn còn. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của phòng công tác xã hội bệnh viện và kết nối với báo chí, tôi và các đồng nghiệp cũng quyên góp được hơn 50 triệu để giúp cho bé gái được phẫu thuật thành công.

May mắn quen biết rất nhiều các doanh nhân, doanh nghiệp lớn, lãnh đạo ngân hàng, cũng muốn chia sẻ với bệnh nhân nghèo, tôi quyết định lập ra Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo như một cầu nối giữa những doanh nhân, doanh nghiệp có tấm lòng hảo tâm và những bệnh nhân nghèo khó cần tiền phẫu thuật.

“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 9.

Nghề y gắn liền với những buổi trực, ca mổ kéo dài… bác sĩ làm thế nào để vừa có thể đảm bảo làm việc chuyên môn tốt lại vừa có thời gian biên "tút" hay chia sẻ trên Facebook, đồng thời vẫn về nhà với gia đình mỗi tối? 

- Thực ra, tôi cố gắng tạo thói quen một tuần đăng 1 bài về sức khoẻ cộng đồng, 2 lần livestream mỗi tháng. Mỗi tuần có 2 ngày nghỉ, chủ nhật tôi dành hoàn toàn thời gian cho gia đình, còn các ngày khác tôi sẽ tranh thủ thời gian rảnh rỗi hay giữa các ca mổ để viết bài.

Song song với đó, tôi sẽ dậy sớm mỗi sáng để hoàn thiện các bài viết. Để livestream tôi sẽ phải chuẩn bị lâu hơn. Đôi khi phải mất đến 2, 3 tuần, ghi chú các thứ cần thiết để có thể livestream trong 1 tiếng.

May mắn là gia đình tôi cực kỳ ủng hộ. Cô dì chú bác của tôi ở xa cũng nhận thấy thấy những điều tôi chia sẻ có ích nên rất ủng hộ. Vợ tôi cũng tạo điều kiện "ưu tiên cho bố nó" bằng cách làm hết các công việc nhà để tôi có thêm thời gian viết bài hay livestream…

Thời gian dành cho gia đình của tôi cũng giống như mọi người thôi. Tôi tự nhận thấy bản thân là một người rất lạc quan, cuộc sống gia đình luôn tràn ngập tiếng cười. Thông thường, các buổi tối tôi rất ít khi ra khỏi nhà. Tôi rất thích cảm giác bấm chuông cửa và các con chạy ra đón hay lúc quay quần với gia đình. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời.

“Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh: “Sống là để cho đi” - Ảnh 10.

Theo Thu Hoài/Trí thức trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây