Con có điều thắc mắc xin hỏi là: Tại sao anh ta đã biết
tu hành như thế, nhưng khi đụng chuyện thì tánh tình anh ấy lại không có chút
gì thay đổi? Như vậy, có phải là do nghiệp quả đời trước hay do tập khí sâu dày
của anh ta hiện đời nầy? Kính xin thầy giải đáp cho con rõ.
Ðáp: Việc siêng năng đi chùa, tụng kinh, làm công quả
là điều rất tốt và đáng khích lệ tán dương. Tuy nhiên, nếu cho rằng việc làm đó
là thật sự tu hành thì chưa đúng hẳn. Mới nhìn qua, ai cũng nghĩ và cho đó là
tu hành. Nhưng nếu xét kỹ thì không hẳn như thế. Nếu có, cũng chỉ là một
phần rất nhỏ của việc tu hành hay nói đúng hơn là chỉ tạo thêm chút ít phước đức
mà thôi. Ðiều nầy, nếu không xét kỹ, thì người ta sẽ dễ hiểu lầm.
Như những câu
giải đáp trước, rải rác, chúng tôi cũng có đề cập đến vấn đề nầy. Ði chùa, công
quả, tụng kinh, mà không sửa đổi tu tập ở nơi ba nghiệp: thân, ngữ, ý, thì việc
làm đó chưa phải là tu. Tại sao thế? Vì những việc làm đó, chẳng qua cũng chỉ là
làm theo một thói quen mà thôi. Vậy thế nào mới gọi là tu? Muốn trả lời câu hỏi
nầy, trước hết chúng ta cần phải hiểu nghĩa của chữ tu là gì?
Tu nghĩa là sửa. Nhưng sửa cái gì và sửa ở đâu? Tất
nhiên, là phải sửa ở nơi ba nghiệp. Nghĩa là phải sửa ở nơi thân, ở nơi lời nói
và ở nơi ý nghĩ. Sửa ở nơi thân là sửa như thế nào? Nghĩa là chúng ta phải sửa
đổi những hành động sái quấy ở nơi thân.
Như trước kia, khi chưa biết tu, chúng
ta có những hành động thô bạo xấu ác như: đánh đập, sát hại sinh vật, cướp
giựt, trộm cắp và làm những điều tồi bại bất lương hãm hiếp tà dâm v.v… Nay biết
tu hành, tất nhiên chúng ta phải sửa đổi lại không có những hành động bất thiện
sái quấy đó nữa. Ðó là người khéo biết tu thân.
Còn sửa ở nơi lời nói là sao? Theo lời Phật dạy thì có
4 cách tu tập: Như trước kia chúng ta thường hay nói dối, gian xảo lường gạt, chuyện
có nói không, chuyện không nói có, và nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói
lời hung ác. Nay biết tu hành chúng ta quyết sửa đổi lại, quyết không nói những
lời thô bỉ độc ác tác hại đó nữa. Mà phải nói những lời ái ngữ, chân thật, hiền
hòa, dịu dàng v.v… Ðó là chúng ta khéo biết tu ở nơi lời nói. Nghĩa là hằng giữ
gìn cái khẩu nghiệp cho được trong sạch vậy.
Còn sửa ở nơi ý nghĩ thì sao? Trước kia, chúng ta có
tánh hay tham lam, tật đố, ganh tỵ, giận dữ, thù hằn, mê muội tối tăm… Nay biết
tu hành, thì chúng ta nên sửa đổi lại những tánh xấu ác đó. Nghĩa là khi những
tánh xấu ác đó khởi lên, thì chúng ta nên nhận diện khắc phục chuyển hóa chúng
ngay.
Chúng ta nên chuyển đổi từ tánh tham lam keo kiệt bỏn sẻn, trở thành tánh
thi ân bố thí rộng khắp cứu đời giúp người. Chuyển đổi tâm sân hận nóng nảy
thành đức tánh từ bi, hỷ xả, hiền hòa, bao dung, tha thứ, tươi mát. Ðó là chúng
ta khéo biết tu tâm. Nếu không được như thế, thì chưa phải là người thật sự biết
tu hành.
Nói tóm lại cho dễ hiểu, tu là sửa quấy thành phải, sửa
dở thành hay, sửa tà thành chánh, sửa dữ thành hiền, sửa phàm thành thánh …. Có
sửa đúng như thế mới gọi là tu. Còn đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, công quả, mà
không biết tu để chuyển hóa tốt đẹp ở nơi thân tâm, thì đó chưa phải là người
thật sự biết tu. Mà những việc làm đó khác nào như một cái máy, chỉ biết phát
ra âm thanh và biết hoạt động mà thôi. Nếu chúng ta không khéo vận dụng hiểu biết
để tu hành như thế, coi chừng chúng ta sẽ trở thành một cái máy di động khi nào
không hay biết!
Trường hợp ông xã của Phật tử, tuy ông có siêng năng
đi chùa, tụng kinh, làm công quả, nghĩa là biết làm những điều phước thiện,
nhưng luận về tu hành thì ông ta chưa có thật sự tu. Vì sao? Vì ông ấy không có
hoán cải sửa đổi ở nơi ba nghiệp. Nghĩa là tánh nào ông vẫn hoàn tật nấy. Ðụng
chuyện thì ông vẫn hành động theo bản năng phàm tình của một con người tràn đầy
dục vọng. Ông vẫn đam mê cờ bạc rượu chè say sưa… như một người bình thường
không biết tu hành.
Muốn đánh giá người có tu hay không, là chúng ta hãy
nhìn vào ba nghiệp của người đó. Mà hai nghiệp thân và miệng là biểu hiện rõ
nét nhứt. Những hành động thô bạo cũng như những thói hư tật xấu của ông ấy như
Phật tử đã nói, thì quả đó là do những tập khí lâu đời cũng như những tập khí
hiện đời của ông ta vậy.
Trong nhà Phật gọi đó là Bản hữu chủng tử và Tân huân
chủng tử. Bản hữu là cái đã sẵn có. Như những cội gốc phiền não tham, sân, si
v.v… Còn Tân huân chủng tử là những thói quen mới huân tập vào trong hiện đời.
Như tánh tình sân hận nóng nảy, chửi mắng, đánh đập, hành hung vợ con v.v… đó
là những thứ tập khí sẵn có ( bản hữu ). Còn cờ bạc, rượu chè say sưa v.v… đó
là những thói quen mới huân tập vào (tân huân).
Vì lúc mới chào đời không có ai
biết những thứ nầy. Lớn lên rồi theo môi trường sống mà huân tập thành thói
quen đắm nhiễm. Những thói quen tân huân nầy, nếu chúng ta quyết chí cải thiện
thì cũng có thể trừ bỏ được. Chỉ có những thói quen cố hữu lâu đời như tham,
sân, si… đó là những tập khí sâu dầy thật khó trừ khó đoạn. Phải là người có
công phu tu hành già dặn miên mật lắm mới có thể đoạn trừ,
Như vậy, ông xã của Phật tử tuy có siêng năng làm những
điều phúc thiện (tất nhiên là có phước) nhưng bảo ông tu thì chưa có tu. Nghĩa là
chưa có sửa đổi tánh tình một chút nào cả. Nói theo nhà Phật, thì đó cũng là một
nghiệp quả của ông ta khá sâu nặng. Tuy nhiên, nếu ông ý thức và cương quyết tu
trì thì cũng có thể giảm trừ những thói quen cũ mới nầy. Vì tu hành là có thể
chuyển được nghiệp. Nếu nghiệp lực không chuyển được thì thử hỏi tu hành làm gì?
Có người đi chùa nhưng tánh tình thì vẫn nóng nảy, giận hờn, hết nói xấu chuyện người nầy, lại bươi móc chuyện người kia, hoặc hay dòm ngó chỉ trích phê bình kẻ nầy người nọ v.v… Thử hỏi người đi chùa như thế có tu hay không? Có người đang tụng kinh, nhưng có ai làm trái ý nghịch lòng, thì ôi thôi tam bành lục tặc của họ nổi lên, cũng tía tai đỏ mặt, phùng mang trợn mắt như ai. Thậm chí, có người còn quăng luôn cả chuông mõ.
Như vậy, chứng tỏ người
đó chỉ có biết tụng kinh mà chưa có tu. Nghĩa là chỉ biết phát ra âm thanh
thành tiếng nói ở nơi cái lỗ miệng suông thôi. Có người đang làm công quả
giúp cho chùa, bỗng có ai làm trái ý, thì họ la hét lớn tiếng, tay múa chân đá,
mặt đỏ mắt trợn, làm hùm làm hổ, ai trông thấy cũng đâm ra sợ hãi phát ớn lạnh.
Như vậy, chứng tỏ họ là những người chỉ biết làm mà không biết tu. Do đó, phước
đâu không thấy mà thấy toàn là tội lỗi cả.
Tóm lại, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật hay làm công quả,
tất cả chỉ làm theo một thói quen tốt. Còn nếu bảo đó là tu thì thiết nghĩ, điều
đó thật chưa đúng nghĩa. Bởi tu là phải hằng chuyển hóa sửa đổi ở nơi thân tâm.
Cổ nhân thường dạy: “Tu tâm sửa tánh” là thế. Tu ở nơi tâm vọng và sửa ở nơi
tánh tập nhiễm.
Có tu và sửa như vậy, thì cuộc đời mới thăng hoa tiến triển tốt
đẹp và mới được an vui giải thoát. Bằng ngược lại, thì chỉ tu cho có lệ trên mặt
hình thức mà thôi. Thực chất nội dung thì trống trơn không có. Phật dạy người
Phật tử phải hằng tu ở nơi ba nghiệp. “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, thì đồng Phật
vãng Tây phương”. Ðược thế, thì mới xứng danh là người Phật tử vậy.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự