Giang san dời đổi, tánh nết khó dời

Thứ ba - 07/09/2010 08:02
Hỏi: Kính thưa thầy, câu nói giang sơn còn dời đổi, chớ tánh nết thì khó dời. Ý nghĩa của câu nói nầy như thế nào? Con chưa hiểu rõ lắm. Kính xin thầy hoan hỷ giải thích cho con được rõ thêm.

Ðáp: Câu nói trên, ta thấy gồm có hai vế đối nhau. “Giang sơn còn dời đổi” đối lại với “tánh nết thì khó dời”. Vế đầu, nói về sự vô thường thay đổi của những hiện tượng ngoại cảnh. Vế sau, một phần nói lên cái tánh bên trong và đồng thời cũng diễn tả cái nết hiện tướng bên ngoài. Năm chữ giang sơn còn dời đổi, thì quá rõ nghĩa, ai cũng có thể hiểu được hết. Ðiều nầy, khỏi phải luận bàn thêm. Còn năm chữ “tánh nết thì khó dời”, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên tìm hiểu kỹ hơn.

Trước tiên, chúng ta cần minh định rõ về chữ tánh. Chữ tánh nói ở đây, xin chớ vội lầm nhận là tánh thể hay bản thể hằng hữu của chúng sanh. Nếu hiểu chữ tánh đó là sai. Mà chữ tánh nầy cổ nhân muốn ám chỉ là cái tánh do sự huân tập lâu ngày thành một thói quen.

Như có người nói tánh của tôi sao hay nóng nảy quá! Vậy thì tánh nóng nảy nầy do đâu mà có? Có phải là do huân tập ở những môi trường sống chung quanh mà tạo nên không? Hay chính do con người huân tập lâu ngày thành thói quen, rồi chính thói quen đó người ta gọi là tánh. Tánh nầy còn có những tên gọi khác như: tập khí, chủng tử,  phiền não và nghiệp.

Nếu phân tách rõ hơn, ta thấy tánh nầy trong kinh thường nêu có hai loại: bản hữu và tân huân. Bản hữu là những thứ chủng tử có sẵn từ vô thỉ. Chúng được huân tập hình thành trong kho tàng thức lâu đời. Như những thứ hạt giống phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi v.v… Ðây là những thứ tập khí thật khó trừ khó đoạn.

Nói khó thôi, chớ không phải là không đoạn trừ được. Còn những thứ tân huân thành tánh hiện đời nầy, thì dễ trừ bỏ hơn. Như những tật tánh: hút thuốc lá, xì ke ma túy, cờ bạc, rượu chè, ca hát, nói nhiều v.v… Những thứ nầy vì mới huân tập thành tánh nết thói quen, nhưng nếu ta cương quyết thì cũng có thể trừ bỏ được. Vì những thứ nầy nó mới huân vào thành thói quen cạn cợt, giống như những rễ bàng ăn trên mặt đất vậy.

Như vậy, nói tu tức là chuyển đổi cái tật tánh hay tập khí xấu ác nầy. Nếu tánh hay tập khí nầy mà không chuyển đổi được, thì thử hỏi chúng ta tu hành để làm gì? Nên nói, tu là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp không chuyển được thì làm sao thành Phật tác Tổ? Nhờ sức huân tu già dặn miên mật của chúng ta, nên mới chuyển đổi từ những tánh xấu trở thành những tánh tốt thánh thiện.

Tuy nhiên, nói tánh nết khó dời, đây là cổ nhân muốn nói đến những con người cố chấp và không biết tu niệm. Họ là hạng người mang nặng thành kiến bảo thủ. Những gì họ suy nghĩ, nói năng hay hành động, dù rằng những điều đó sai trái có hại cho bản thân, gia đình và xã hội, nhưng họ vẫn cố chấp quyết định không từ bỏ. Cho nên người ta gọi hạng người nầy tánh nào tật nấy là thế.

Ðó là do họ bảo thủ cố chấp trở thành con người mang nặng  kiến thủ mà thôi. Chớ không phải cái tật tánh đó không thay đổi được. Nói khó dời là đối với hạng người nầy. Ngược lại, đối với những người cầu tiến khéo biết cải thiện chuyển đổi thì không thể nói như thế. Cho nên, lời nói nầy không thể hiểu một chiều cố định được.

Ðã nói đến tánh, tất nhiên là có tánh tốt và tánh xấu. Nói cách khác trong kho A lại da thức của mỗi người chúng ta đều có sẵn hai loại hạt giống thiện và ác. Người tu hành, Phật Tổ dạy chúng ta là nên tiêu diệt những hạt giống ác. Nói theo tinh thần của giáo nghĩa Ðại thừa thì phải nói là chuyển hóa.

Chúng ta nên chuyển hóa những hạt giống ác thành những hạt giống thiện. Ðồng thời nên nuôi dưỡng và phát triển những hạt giống lành. Nếu người nào tu cao khá hơn thì, chúng ta nên chuyển hóa cả hai. Nghĩa là không còn tánh dữ và cũng không còn tánh lành. Lành và dữ là hai phạm trù đối nghịch với nhau.

Không còn thấy có hai ( nhị biên ), tất nhiên là ta đã vượt ra ngoài phạm trù đối đãi nhị nguyên. Nếu hành giả nào nhận và sống được với thể tánh viên minh nầy, thì gọi người đó là người ngộ đạo hay chứng đạo vậy.

Nói tóm lại, tánh và nết, ta có thể sửa đổi được. Vì nó không có một thực thể cố định. Một khi đã sửa đổi tánh rồi, tất nhiên cái nết cũng theo đó mà được trang nghiêm tốt đẹp theo. Vì cái nết nó hệ thuộc vào cái tánh.

Nết thì hiện ra hình dáng bên ngoài. Ðối với phái nữ người ta rất chú trọng đến cái nết. Người có thái độ cử chỉ đúng đắng, nói năng lễ độ đàng hoàng, thì người ta cho rằng người đó có nết na đoan trang thùy mỵ dễ thương. Ngược lại, người con gái không thùy mỵ đoan trang đúng đắn đàng hoàng, thì người ta cho là thứ đồ con gái hư thân mất nết.

Như vậy, tánh nết ta có thể sửa được. Như trước kia người đó có tánh lao chao lóc chóc, ngồi đứng không yên, luôn luôn trạo cử, nay biết tu hành sửa đổi lại tâm tánh hiền hòa điềm đạm và thân không còn dao động trạo cử như xưa.

Như vậy, từ tánh nết xấu sửa đổi thành tánh nết tốt. Cũng con người đó, ngày xưa hung dữ ác độc ai trông thấy cũng ghê tởm ghét sợ, nhưng khi sửa đổi lại thành tánh tình hiền hòa không còn hung dữ nữa. Bấy giờ ai trông thấy họ cũng sanh tâm cảm tình thương mến. Thế thì, tại sao nói tánh nết khó dời? Khó dời là đối với những hạng người bảo thủ cố chấp không biết cải thiện.

Chớ đối với những người biết tu hành cải thiện thì làm sao nói khó dời cho được? Thế nên, câu nói đó chúng ta không nên hiểu cố định một chiều. Nếu như không chuyển đổi được thì kẻ xấu phải xấu hoài, họ không bao giờ trở nên con người hoàn thiện. Nhưng ở đời đâu phải ai cũng như thế mãi.

Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật kia mà! Bằng chứng như chư Phật Tổ và các vị Bồ tát. Nếu các Ngài không chuyển hóa những vô minh phiền não, thì sao các Ngài thành Phật tác Tổ? Chỉ cần chúng ta có ý chí cương quyết là không có gì mà không sửa đổi được. Vì tánh đó phải nói ngược lại là hay dời đổi vô thường vậy.

Tác giả bài viết: Thích Phước Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây