Ðáp: Khi đọc tụng kinh điển Ðại Thừa, chúng ta nên lưu
ý cẩn thận về những cách nói mang tính ẩn dụ hay ngụ ngôn. Nghĩa là ý nghĩa
không nằm trong lời nói ( ý tại ngôn ngoại). Nếu chúng ta chỉ một bề căn cứ vào
lời nói mà giải thích, không khéo thì rất dễ sai lệnh ý kinh. Có khi phạm vào
cái lỗi hiểu sai lời Phật dạy và như thế là oan cho ba đời chư Phật.
Khi tụng đọc
hay tìm hiểu kinh điển Ðại Thừa, ta phải lưu tâm cẩn trọng qua hai phương diện:
“Sự và Lý hay Tánh và Tướng”. Thường kinh điển Phật dạy, lúc nào sự và lý cũng
phải viên dung. Ngay Sự tức Lý hay ngay Lý hiển Sự. Người học không nên hiểu hoặc
chấp nê một chiều.
Nếu nhận hiểu thiên lệch như thế, thì chúng ta không làm sao
hiểu được trọn vẹn ý kinh. Nêu ra như thế, để chúng ta thấy rằng, trường hợp của
câu nầy không phải chỉ nói về phần sự tướng không thôi. Chẳng qua Cổ Ðức muốn
mượn những hình ảnh sự tướng cụ thể để diễn tả cái thâm ý sâu xa ẩn chứa bên
trong.
Thử hỏi trên đời nầy làm gì có hoa sen hồng mọc trên
lưỡi và lại có thêm hào quang phóng ra từ cái lưỡi? Nếu chỉ hiểu trên mặt văn tự
như vậy, thì làm sao cắt nghĩa câu nầy? Nên nhớ đây là bài kệ không phải do
Phật nói mà là người sau khen ngợi những lời Phật nói trong kinh. Bởi Kinh Pháp
Hoa là bộ kinh thuộc liễu nghĩa Ðại Thừa viên đốn, Phật chỉ bày đến chỗ giác ngộ
cùng tột cho chúng sanh.
Tất cả ý kinh Phật đều nhắm vào một mục đích duy nhất
là chỉ bày “Tri Kiến Phật” cho hết thảy chúng sanh. Do đó, nên mỗi lời mỗi câu
đều chứa đựng vô biên nghĩa mầu, khác nào như nước cam lồ rịn nhuần, như chất đề
hồ nhỏ mát, và như răng ngọc trắng tuôn xá lợi v.v…
Ðó là Cổ Ðức mượn những hình ảnh để tán thán ca ngợi
những lời Phật nói ra nhằm mang lại lợi ích cao tột cho tất cả chúng sanh. Nói
trên lưỡi sen hồng phóng hào quang, cũng như những câu kia trong bài kệ, tất cả
đều mang một ý nghĩa tượng trưng thôi. Vì khi phát ra lời nói cần phải sử dụng
đến cái lưỡi.
Sen hồng là biểu trưng cho đức tánh cao quý thanh tịnh, không nhiễm
ô. Hào quang là tượng trưng cho trí huệ Bát Nhã. Ý nói, những lời Phật dạy đều
là những lời vàng ngọc thanh tịnh sáng suốt giống như hào quang soi sáng trùm
khắp cả pháp giới. Lời dạy có tác dụng cao đẹp hướng chúng sanh đến chỗ thanh tịnh
sáng suốt giải thoát hoàn toàn. Ðó là những lời thuộc Thánh giáo lượng hay là
Chơn thiệt ngữ.
Do đó, khi tụng đọc kinh điển Phật dạy, chúng ta phải nên hết
lòng tin kính phụng trì. Có thế, thì sự tụng đọc của chúng ta mới được lợi ích
thiết thực vậy.
Câu nầy ngoài việc khen ngợi kinh văn ra, các bậc Cổ Ðức
còn hàm ý muốn khuyến nhắc chúng ta nên lấy đó để áp dụng vào đời sống thực tế hằng
ngày. Là người Phật tử, mỗi lời nói của chúng ta thốt ra, phải là những lời
trong sạch cao đẹp thanh khiết có giá trị như hoa sen và phải có chánh niệm
sáng suốt như hào quang chói sáng. Khi giao tiếp xử thế, chúng ta nên dùng những
lời ái ngữ, hòa nhã, êm dịu… không nên dùng những lời quái ác ngữ làm đau khổ
cho tha nhân. Có thế thì lời nói của chúng ta mới thực sự có uy tín và mới thực
sự đem lại lợi ích cho mọi người. Lời nói của chúng ta phải là:
Lời nói ra phải là lời chân thật
Lời nói ra như Phật phóng quang
Lời nói ra phải ái ngữ dịu dàng
Như sen nở giữa mùa hè nóng bức
Lời nói ra không gây thù bực tức
Lời nói ra phải dụng lực của từ bi
Lời nói ra không mê tối ngu si
Không gây khổ, dứt nghi, trừ độc hại.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự