Chữ “tập” gồm có 5 nghĩa: 1. Học đi học lại, như giảng
tập. 2. Quen thạo. Như tập kiến: thấy quen; Tập văn: nghe quen. 3. Tập quen.
Phàm cái gì vì tập quen không đổi đi được đều gọi là tập. Như tập nhiễm. 4. Chim
bay vi vụt. 5. Chồng, hai lần.
Chữ “khí” gồm có 6 nghĩa: 1. Hơi thở. 2. Cái gì không
có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau được gọi là khí, như khí vận, khí tượng,
khí vị v.v… 3. Khí hậu. 4. Khí tức hơi. 5. Thể hơi. 6. Ngửi.
Như vậy hai chữ tập khí có nghĩa là những tập tánh được
huân tập vào kho A lại da thức trở thành những hạt giống ( chủng tử ) thiện ác.
Nói cách khác dễ hiểu hơn thì, tập khí có nghĩa là những kinh nghiệm, thói quen
mà do con người tích lũy được.
Trong quyển Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang tập 7 trang
6578 giải thích hai chữ tập khí như sau:
“Tập khí chính là phần tàn dư , khí còn sót lại của
phiền não, dần dần kết chặt vào tâm, trải qua thời gian lâu xa tích tập thành
tánh, rất khó phá trừ. Ví như đặt một thỏi hương vào hộp, khi lấy thỏi hương ra,
trong hộp vẫn còn mùi thơm; tức là tuy đã diệt trừ chánh thể ( chánh sử ) phiền
não nhưng vẫn còn khí phần tập quán. Trong kinh Phật có nói đến dâm tập của
ngài Nan Ðà, sân tập của ngài Xá lợi phất và Ma ha ca diếp, mạn tập của ngài Tỳ
lăng già bà bạt, khiêu hỷ tập của ngài Ma đầu ba tư tra, ngưu nghiệp tập của
ngài Kiều phạm ba đề… Chỉ có Phật là đoạn trừ vĩnh viễn chánh sử và tập khí”.
Qua đó, chúng ta thấy rằng những tập khí phiền não
như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… nói chung là những thứ căn bản phiền
não và chi mạt phiền não, thật không phải dễ trừ dễ đoạn. Bình thường ta không thấy
bọn chúng ẩn trốn trú ngụ nơi đâu, giống như không khí bàng bạc khắp nơi, không
thấy hình dạng chi cả, nhưng khi đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng thì
chúng xuất đầu lộ diện ngay.
Như có người mắng chửi ta, thì tập khí sân hận, liền
phát khởi hiện hành tức khắc. Vì thế, người tu hành sợ nhứt là lũ tập khí phiền
não nầy. Chính bọn chúng luôn luôn khuấy động làm cho tâm ta không lúc nào yên
cả. Tập khí, tùy theo sức huân tu của mỗi người mà nó có nặng nhẹ khác
nhau. Ngoài những thứ tập khí phiền não lâu đời (bản hữu chủng tử) như tham,
sân, si …ra, còn có những thứ tập khí mà chúng ta mới huân tập (tân huân
chủng tử) vào. Như những tập khí ( thói quen) nghiện ngập: cờ bạc, rượu chè,
hút thuốc, nói nhiều, chửi thề, trạo cử run đùi v.v…
Những thứ tập khí nầy, tuy mới huân tập trong hiện đời
mà chúng ta thật còn khó bỏ thay, hà tất gì những thứ tập khí lâu đời lâu kiếp.
Muốn dứt trừ chúng thật là thiên nan vạn nan. Ðòi hỏi người tu hành phải chuyên
cần tinh tấn và phải có một quyết tâm mạnh mẽ luôn hành trì già dặn miên mật lắm
mới được.
Người tu hành hơn nhau là ở chỗ khéo dẹp trừ những thứ tập khí phiền
não xấu ác. Những thứ tập khí nầy có thô tế, sâu cạn, nặng nhẹ khác nhau. Tu
hành diệt trừ được phần thô cũng đã là khá lắm rồi. Còn những thứ phiền não vi
tế, chỉ có Phật mới dứt sạch hết mà thôi. Tất cả những pháp môn Phật dạy đều nhằm
mục đích duy nhất là để đối trị, đoạn trừ hoặc chuyển hóa những thứ tập khí phiền
não nầy.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự