Vì con thấy trong chùa cũng có cho người ta xin xăm
đoán quẻ. Vậy xin hỏi việc làm của con có trái với lý nhân quả và có mang quả
báo tội lỗi không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.
Ðáp: Nếu căn cứ theo lý nhân quả Phật dạy, bất cứ việc làm nào mà không phù hợp với chân lý, thì đều rơi vào con đường tà kiến mê tín hết cả. Bói toán hay xem số tử vi v.v… đều là trái với lý nhân quả. Vì nhân quả là một chân lý phổ biến khách quan bao trùm khắp cả muôn loài vạn vật. Không một loài vật nào thoát khỏi lý nhân quả. Nhân quả rất công bằng như tiếng dội giữa không gian.
La lớn thì tiếng đáp lại lớn. La nhỏ thì âm thanh đáp lại nhỏ. Cho
nên nói, nhân quả như vang theo tiếng, như ảnh tùy hình là thế. Mọi ý nghĩ, lời
nói hay hành động của chúng ta, tất cả đều không có gì thoát ra ngoài nhân quả.
Trong câu hỏi, Phật tử có đề cập đến việc xin xăm đoán
quẻ ở trong chùa. Vấn đề nầy, chúng tôi cũng đã có giải thích trong quyển 100
câu hỏi Phật Pháp tập một, ở mục nói về chánh tín và mê tín, số trang 139. Ở
đây, chúng tôi không muốn lặp lại dài dòng. Nếu Phật tử muốn biết rõ, thì hãy
tìm đọc lại quyển sách đó. Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, thì nhân
đây, tôi cũng xin tạm giải thích đôi điều.
Trong chùa sở dĩ bày ra những việc coi ngày, coi sao
và xin xăm đoán quẻ …, phải thành thật mà nói, tất cả cũng chỉ vì muốn đáp ứng
lại cái nhu cầu tín ngưỡng, theo tập tục mê tín lâu đời của mọi người mà thôi. Thật
ra, thì việc làm nầy không đúng với chánh pháp Phật dạy. Nhất là trái hẳn với
lý nhân quả.
Nhưng vì đã trở thành một thói quen tin tưởng lâu đời rồi, nên người Phật tử cũng khó dứt khoát trừ bỏ hẳn. Chính vì lẽ đó, nên trong chùa mới bày ra đó thôi. Ðây cũng là một trong muôn ngàn phương tiện độ sanh. Vì nếu không bày ra như thế, thì Phật tử cũng vẫn đi tìm nơi khác để xem coi. Thay vì chạy đi nơi khác thì lại càng lún sâu thêm vào con đường tà kiến mê tín.
Chi bằng, tốt
hơn là trong chùa bày ra như thế để Phật tử còn có cơ duyên về chùa. Khi Phật tử
về chùa thì dù sao Phật tử cũng còn lạy Phật hoặc nghe pháp. Như thế có phải là
lợi ích hơn không? Lợi ích là vì Phật tử còn có cơ hội trau dồi học hỏi thêm Phật
pháp và đồng thời cũng gieo duyên lành với Tam Bảo. Và nhân đó, chư Tăng Ni còn
có thể giải thích cho Phật tử biết thêm về chánh lý nhân quả.
Nhờ phương tiện
bày ra đó, có nhiều Phật tử bước đầu chưa hiểu Phật pháp còn mê tín tin tưởng
theo, nhưng dần dần về sau, khi nghe chư Tăng Ni giảng pháp và tìm hiểu học hỏi
Phật pháp, rồi từ đó họ phát khởi tín tâm thâm tín vào Tam bảo và lý nhân quả. Nhờ
thế, mà người Phật tử không còn tin tưởng vào việc mê tín nầy nữa.
Ðó cũng là một
phương tiện tốt nhằm hướng dẫn những người chưa quy y Tam bảo hoặc những người
đã quy y Tam Bảo mà vẫn còn mê tín trở lại với con đường chánh lý, chánh tín vậy.
Trường hợp của Phật tử, như Phật tử đã nói nhờ học hỏi
Phật pháp và hiểu biết chút ít về lý nhân quả, nhưng việc bói toán xem tử vi,
Phật tử cũng vẫn chưa dứt khoát bỏ hẳn được. Ðiều nầy cho thấy, Phật tử tuy có
hiểu, nhưng chưa có chí quyết thật hành. Tôi rất cảm thông với Phật tử, vì bỏ một
tập khí hay định kiến, thật không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng đã mang danh là
Phật tử, tức con của đấng Giác Ngộ, mà Phật tử vẫn làm như thế thì thật là đáng
tiếc!
Dù rằng việc đó không phải là một nghề nghiệp nuôi sống, như Phật tử đã
nói. Nhưng theo lời Phật dạy, thì điều đó là một tà mạng nghiệp quả không tốt.
Nếu Phật tử cương quyết từ bỏ hẳn, thì thật là tốt biết mấy. Vì tôi chỉ sợ Phật
tử sẽ chuốc thêm nghiệp quả không hay đó thôi. Ðó là lời khuyên chân thành chí
tình của tôi. Còn bỏ hay không điều đó còn tùy ở nơi Phật tử quyết định.
Phật tử thử nghĩ xem, như Phật tử đã có học hỏi Phật
pháp và hiểu biết chút ít về lý nhân quả, mà Phật tử cũng vẫn còn chưa bỏ được
tập khí tà kiến đó, trách gì những người khác họ chưa từng học hỏi Phật pháp và
cũng chưa hiểu biết lý nhân quả là gì.
Như thế, thì thử hỏi làm sao họ không
rơi vào con đường tà kiến mê tín cho được?! Nếu như mọi người đều tin chắc lý
nhân quả Phật dạy, quyết không còn mê tín nữa, thì thử hỏi trong chùa bày ra những
thứ đó để làm gì? Vì chính quý Phật tử đã giúp cho chư Tăng Ni trong chùa có
thêm thời giờ tu học. Ðó là điều thật đáng tán thán quý kính biết bao! Nhưng rất
tiếc, đa số Phật tử chúng ta vẫn chưa có thể bỏ hẳn được.
Nói lên điều nầy,
chúng tôi không có ý kích bác hay chống đối với bất cứ ai. Nhất là đối với những
ai hiện đang tin tưởng và hành nghề bói toán. Vì chúng tôi rất tôn trọng niềm
tin và việc làm của mọi người. Ở đây, chúng tôi chỉ dựa vào lý nhân quả
Phật dạy mà phân tích đôi điều để cho Phật tử hiểu thêm thôi.
Theo như Phật tử đã nói, chuyện bói toán xem tử vi là
Phật tử muốn nối nghiệp do người cha truyền lại. Do đó, nên Phật tử chưa dám mạnh
dạn dứt khoát bỏ hẳn được. Ðiều nầy theo tôi, thì không hẳn như thế. Có thể trước
kia vì ông chưa tìm hiểu Phật pháp và cũng chưa thấu hiểu được lý nhân quả Phật
dạy, nên ông mới làm như thế thôi.
Không lẽ người trước hành sai rồi mình cũng
theo đó mà hành sai theo. Nếu thế, thì con người sẽ không bao giờ cải thiện tốt
đẹp được. Theo đạo Phật cho đó là mắc phải cái thành kiến bệnh cố chấp. Bệnh nầy
cũng rất là nguy hiểm. Là Phật tử, ta không nên cố chấp để trở thành một định
kiến tai hại như thế. Nếu thế, thì con người làm sao tu hành để trở thành những
bậc hiền thánh cho được?
Phật tử nên suy nghiệm quán chiếu lại cho thật kỹ những
gì Phật dạy. Theo lời Phật dạy, thì người Phật tử phải đặt định niềm tin đúng
theo chánh pháp. Nghĩa là niềm tin đó phải được đặt định trên cơ sở nền tảng trí
huệ. Nếu không, thì niềm tin đó sẽ trở nên lỏng lẻo và mù quáng. Ðã thế, thì
không làm sao tránh khỏi rơi vào con đường tà kiến.
Cho nên, người Phật tử khi
làm việc gì, Phật dạy chúng ta phải có chánh kiến. Có chánh kiến thì việc nhận
định quyết đoán của chúng ta mới sáng suốt không bị sai lầm. Việc đó, còn tùy
Phật tử nhận thức qua sự nghiên cứu tìm hiểu học hỏi chánh pháp mà Phật Tổ đã
chỉ dạy, rồi từ đó Phật tử sẽ tự quyết định lấy.
Còn Phật tử hỏi tôi, việc làm nầy có trái với lý nhân
quả và có mang quả báo tội lỗi hay không? Như đã nói, điều nầy hẳn nhiên là
trái với lý nhân quả và tất nhiên, không sao tránh khỏi quả báo tội lỗi. Lý do vì
sao? Vì theo lời Phật dạy, tất cả tội lỗi có ra là do động cơ phát xuất từ
ở nơi ba nghiệp: “thân, ngữ, ý”.
Thân, miệng, ý hợp tác làm việc bất chánh, tất
nhiên là có tội. Tuy nhiên, tội báo nặng, nhẹ, nó còn tùy thuộc vào cường độ của
nghiệp nhân đã gây. Trong ba nghiệp nói trên chủ động sai sử là ý nghiệp.
Khi ba nghiệp cấu kết tạo nghiệp bất thiện, thì không sao tránh khỏi quả báo khổ
đau.
Trong Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Nhứt cử nhứt động vô
phi thị tội”. Nghĩa là một cử chỉ một hành động tạo tác, thì không gì là chẳng
phải tội. Tội là vì trái với tánh giác. Mà trái với tánh giác tức là vô minh.
Bởi
do vô minh vọng động bất giác nên chúng ta gây tạo ra nhiều lỗi lầm. Một khi đã
tạo tác thành ác nghiệp rồi, tất nhiên không sao tránh khỏi cái nghiệp quả.
Nhân quả rất công bằng khác nào như vang theo tiếng và như bóng theo hình. Luật
nhân quả một mảy may không hề sai chạy. Làm lành hay làm dữ cuối cùng rồi cũng
phải trả. Chẳng qua nó đến với mình có mau hay chậm mà thôi. Kinh nói:
Giả sử bá thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ.
Nghĩa là:
Dù cho trải qua trăm ngàn kiếp
Chỗ tạo nghiệp không bao giờ mất
Khi thời tiết nhân duyên đã đến
Quả báo mình phải nhận lấy thôi.
Nói thế, để Phật tử suy nghiệm mà lượng xét. Còn việc
quyết định đó là tùy ở nơi Phật tử vậy.
Kính chúc Phật tử có đầy đủ chánh kiến và trí huệ sáng
suốt để biện biệt rõ lẽ chánh tà chân ngụy và vạn sự hanh thông kiết tường như
ý.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự