Ðáp: Hai chữ “hoạnh tử” là từ Hán Việt. Ðúng ra phải
nói là hoành tử. Vì chữ hoành có nghĩa là ngang. Theo quyển Hán Việt Tự Ðiển của
cụ Thiều Chửu, thì chữ “hoành” có ba âm đọc: hoành, hoạnh và quáng. Chữ quáng
có nghĩa là hăng hái. Trong quyển Hán Việt Từ Ðiển của cụ Ðào Duy Anh giải
nghĩa: hoạnh tử có nghĩa là cái chết không chính đáng.
Trong quyển Từ Ðiển Hán Việt Từ Nguyên của ông Bửu Kế,
ông giải thích: hoành là ngang; tử là chết. Hoành tử hay hoạnh tử có nghĩa là không
phải chết bình thường do già cả, bệnh tật mà chết bất ngờ ( chết đuối, bị sét
đánh ).
Ðó là chúng tôi dẫn chứng 3 quyển từ điển giải thích về
hai chữ hoạnh tử. Còn trong quyển Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang tập 4, trang 2968,
giải thích hai chữ hoạnh tử như sau:
“Hoạnh tử còn gọi là Phi thời tử, Bất lự tử, Sự cố tử.
Chết oan, do gặp phải tai họa ngoài ý muốn mà chết. Hoạnh tử gồm có 9 thứ:
1, Bệnh mà không có thầy thuốc rồi chết.
2, Bị Luật Vua tru lục mà chết.
3, Phi nhân đoạt tinh khí mà chết.
4, Lửa cháy mà chết.
5, Nước nhận chìm mà chết.
6, Ác thú ăn thịt mà chết.
7, Té xuống sườn núi mà chết.
8, Bị thuốc độc, bùa chú mà chết.
9, Ðói khát ép ngặt mà chết.
Trên đây là chúng tôi y cứ vào các quyển từ điển để chứng
minh nói về hai chữ hoạnh tử. Nếu Phật tử muốn biết rõ hơn về chín thứ hoạnh tử
nầy, thì nên tìm đọc Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Ðức ở phần đầu, số trang 62
do chùa Quang Minh ấn tống.
Nói chung, hoạnh tử là những cái chết bị oan ức ngang
trái không bình thường. Những cách chết nầy, theo Phật giáo thì thật khó siêu thoát
theo ý muốn. Bởi vì cái chết xảy ra quá đột ngột bất ngờ làm cho người chết rất
sợ hãi hoang mang. Ðồng thời không có người trợ niệm giúp sức để cho người chết
có được chánh niệm bình an. Do đó, nên gọi là hoạnh tử.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự