Kính hỏi như vậy có phạm lỗi gì không? Là Phật tử có
được niêm hương, làm chủ lễ không? Nếu đứng ra niêm hương, chủ lễ thì phải cần
có điều kiện gì? (CHÂU THANH XUÂN; chau_thanh_xuan19…@yahoo.com)
ĐÁP: Bạn Châu Thanh Xuân thân mến!
Trong các nghi lễ tụng niệm bái sám hàng ngày hay cầu
nguyện an-siêu nói chung, được một hay nhiều vị xuất gia chứng minh, chủ lễ là
niềm vinh hạnh cho gia chủ cũng như hàng Phật tử tham dự. Đối với những nơi
không có chư Tăng thì các Phật tử cũng có thể làm chủ lễ, cùng với đạo tràng
công phu tụng niệm hay cầu nguyện lễ bái.
Riêng ngôi chùa mà bạn đang nương tựa tu học, có đến hai
vị thầy là đã khá nhiều (vì còn rất nhiều chùa chưa có vị thầy nào). Dĩ nhiên,
thầy trụ trì sẽ làm chủ lễ tất cả các khóa lễ. Trong trường hợp thầy trụ trì bận
rộn Phật sự đi xa hoặc bệnh duyên thì vị thầy còn lại sẽ thay mặt thầy trụ trì
làm chủ lễ dẫn dắt đạo tràng và Phật tử lễ bái, tụng niệm.
Chỉ khi nào cả hai
thầy đều có duyên sự (bận rộn hay đau yếu) không thể làm chủ lễ được, thì lúc ấy,
quý thầy sẽ chỉ định một vị Phật tử nào đó, thường là các bác trong Ban nghi lễ,
làm chủ lễ.
Như thư của bạn trình bày, khi thầy trụ trì đi vắng, còn
vị thầy kia do tuổi già và giọng điệu tụng niệm không được hay nên các Phật tử
giỏi nghi lễ thường lên niêm hương làm chủ lễ. Theo chúng tôi, sẽ ý nghĩa và lợi
lạc hơn rất nhiều nếu các Phật tử cùng đạo tràng cung thỉnh vị thầy già kia
niêm hương bạch Phật mật niệm chứng minh cho buổi lễ.
Sau đó mời thầy xuống nghỉ
ngơi, và một Phật tử "đãi lao" cho chư Tăng bước vào vị trí chủ lễ tiếp
tục cuộc lễ. Như vậy, xét về ý nghĩa, tuy vị thầy chỉ chứng minh, niêm hương bạch
Phật trong thầm lặng nhưng buổi lễ vẫn được một Tỷ kheo gia trì, dẫn dắt. Người
cư sĩ Phật tử, dù rành rẽ khoa nghi và giọng điệu tán tụng hay đến mấy cũng
không thể sánh được với vị Tỷ kheo trong ý nghĩa dùng đạo lực và giới pháp để chứng
minh, gia trì, hộ niệm và cầu nguyện cho buổi lễ thành tựu như pháp.
Bởi giới
pháp và đức độ của vị Tỷ kheo xuất gia ly tục mới là điều cần yếu trong việc
làm nền tảng cho hiệu lực cầu nguyện. Âm thanh và sắc tướng tuy rất cần trong
nghi lễ song chúng chỉ là các yếu tố bên ngoài có tác dụng trợ duyên, đức độ mới
là nhân tố quyết định.
Nhân đây, chư vị cư sĩ cũng nên rút tỉa kinh nghiệm lấy
làm bài học cho cách ứng xử của mình trước chư Tăng trong mục tiêu mang đến cho
bốn chúng đệ tử Phật an hòa, lợi lạc. Có rất nhiều đại lễ như đàn tràng chẩn tế,
giải oan bạt độ mà vị Tăng chứng minh không hề đến đàn tràng, chỉ chứng minh từ
xa.
Dù vậy, nhưng giới đức và đạo lực của các ngài vẫn tác động đến làm cho đàn
tràng thành tựu viên mãn. Trở lại vấn đề, nếu hàng cư sĩ chuẩn bị làm lễ cầu
an, cầu siêu mà trong đạo tràng có một vị Tăng, dù vị ấy có thể có một số hạn
chế về nghi lễ (do tuổi tác hay khác biệt hệ phái, vùng miền…) nhưng hàng Phật
tử không vì thế mà không nương nhờ công đức của vị ấy, chí ít là cung thỉnh chư
Tăng chứng minh niêm hương bạch Phật.
Không vì bất cứ lý do gì, nếu chư Tăng có
mặt mà không thỉnh các ngài niêm hương chứng minh thì đó là một điều thiệt thòi
cho đạo tràng, nhất là gia chủ có duyên sự xin tác lễ.
Trong trường hợp chùa hay các địa phương chưa có chư Tăng
thì quý cư sĩ nào có đạo đức và khả năng về nghi lễ nên phát tâm làm chủ lễ để
dẫn chúng tụng niệm. Tất nhiên, vị cư sĩ thay mặt đạo tràng làm chủ lễ thì
ngoài khả năng về nghi lễ phải là những Phật tử thuần thành, mẫu mực trong việc
tu học như giữ năm giới, thực tập ăn chay, siêng năng tụng niệm…
Một người cư
sĩ làm chủ lễ cho đạo tràng phải quán sát đức hạnh của tự thân, xem việc làm của
mình có được sự đồng thuận của số đông, có mang đến hoan hỷ và an lạc cho đạo
tràng tham gia tụng niệm, nhất là phải kịp thời chuyển hóa ngay các tâm niệm tự
cao, tự ngã nếu chúng phát sinh.
Chúc bạn tinh tấn!
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự