Đáp: Câu hỏi của Phật tử có tính cách khái quát, không
nói rõ chi tiết nội tình của vấn đề, nên chúng tôi thật khó trả lời cho xác
đáng. Vả lại, trong câu hỏi nó có sự mâu thuẫn chống trái nhau. Nếu đã có sự
xung đột với mẹ chồng, thì nàng dâu làm sao giữ tròn chữ hiếu? Nếu muốn giữ
tròn chữ hiếu, thì nên tránh gây ra sự xung đột.
Đã có sự xung đột với mẹ chồng,
mà Phật tử muốn làm tròn bổn phận của một người vợ, theo tôi, thì vấn đề đó sẽ
trở nên rắc rối hơn. Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, ở đây, chúng
tôi chỉ xin được góp chút thành ý và có vài lời khuyên chung mà thôi.
Như Phật tử đã biết, ở đời không ai có thể bắt cá hai
tay. Và cũng không ai làm vừa lòng mình hết được. Vì mỗi người mỗi ý và có mỗi
cá tánh khác nhau, không ai giống ai cả. Nếu như Phật tử muốn giữ tròn chữ hiếu
với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là Phật tử nên cố giữ đừng cho sự xích mích xảy
ra. Nếu như Phật tử cảm thấy, có điều gì không hợp tánh tình hay bất đồng quan
điểm tư tưởng trong khi tiếp xúc với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là Phật tử nên
tìm cách khéo léo để khỏi phải gặp mặt tiếp xúc thường xuyên.
Đó là tránh nhân
thì sẽ không có quả. Sự tránh duyên nầy, không có nghĩa là mình thù ghét, mà chỉ
vì không muốn có việc xảy ra bất hòa mà thôi. Sự tránh duyên nầy cũng rất là
quan trọng, vì muốn bảo tồn được sự hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên, đây cũng
chỉ là hạ sách tạm thời mà thôi.
Trường hợp, vì một lý do nào đó, mà Phật tử phải tiếp
xúc với mẹ chồng, thì tôi thành thật khuyên Phật tử nên cố gắng giữ phận mình
là một người dâu hiền. Dù mẹ chồng có nặng lời rầy la quở trách, thì Phật tử
cũng nên cố gắng dằn lòng mà nhẫn nhịn cho qua chuyện. Nghĩa là đừng có gây ra
sự cãi vả tạo sự xung đột bất hòa không tốt với bà, vì dù sao bà cũng là mẹ chồng
của mình.
Mình phải có lòng kính trọng như người mẹ ruột của mình. Phật tử nên
ý thức rằng, Phật tử là người có chút ít tu học Phật pháp, thì Phật tử nên học
theo hạnh nhẫn nhục, hòa ái của các bậc Thánh Hiền. Đó là vì Phật tử muốn giữ sự
hòa khí tốt đẹp trong gia đình. Phật tử vì thương chồng con và nhất là muốn bảo
vệ hạnh phúc gia đình, thì Phật tử nên cố gắng nhẫn nại.
Người dưới nhẫn nhịn người trên, đó là thuận theo lẽ đạo
và nhất là rất hợp với nền đạo đức luân lý Việt
Ngược lại, người trên cũng phải ý thức bổn phận vai trò của mình mà
đối xử với kẻ dưới cho phải lẽ hợp đạo. Không nên ỷ quyền làm cha mẹ mà bắt
nạt rầy la con cháu. Dù đó là dâu con chúng ta cũng nên xử sự cho ôn hòa. Có thế,
thì mới xây dựng bảo đảm được hạnh phúc gia đình.
Như Phật tử đã nói, muốn làm tròn bổn phận của một người
vợ hiền, để lo cho chồng cho con. Nếu Phật tử muốn trong gia đình được êm ấm
thuận thảo hòa ái, thì Phật tử nên cố gắng tìm cách khéo léo xử sự mà nhẫn nhịn.
Người xưa nói: “Nhẫn nhứt thời chi khí, miễn bá nhựt chi ưu”. Nghĩa là, chỉ cần
cố gắng nhịn nhục trong một hơi thở thôi, thì khỏi phải lo sợ cả trăm ngày về
sau. Lời dạy nầy là cả một kinh nghiệm sống khôn ngoan thực tế của người xưa.
Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên bắt chước làm theo để bảo tồn sự hòa khí tốt
đẹp trong gia đình. Đó là Phật tử khéo biết thương chồng và muốn bảo vệ hạnh
phúc cho gia đình của mình.
Nếu như Phật tử không khéo xử sự, thì Phật tử sẽ rơi
vào trạng huống mâu thuẫn. Một bên là vẫn xung đột với mẹ chồng, một bên thì muốn
làm tròn bổn phận người vợ đối với chồng, nghĩa là không muốn cho người chồng
buồn lòng. Điều nầy, sẽ làm cho ông chồng rơi vào tình huống thật khó xử.
Một
bên là mẹ và một bên là vợ. Nếu ông là người con có hiếu, thì tình trạng nầy
không sớm thì chầy sẽ dễ gây ra sự bất hòa đổ vỡ. Chúng tôi thấy, có nhiều gia
đình không khéo xử sự nên đã rơi vào hoàn cảnh đổ vỡ nầy.
Đó là nói vấn đề chưa thực sự xảy ra. Chỉ là một sự đề
phòng, gọi là ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng, nếu trường hợp đã xảy ra có sự bất
hòa xung đột rồi thì sao ? Vấn đề nầy, theo thiển nghĩ của chúng tôi, thì chỉ
có người trong cuộc mới có thể giải quyết được vấn đề nan giải khúc mắc đó mà
thôi.
Nếu Phật tử xét thấy, sự xung đột đó, mình cũng dự phần có lỗi, thì tốt
hơn hết là nên tìm cách xin lỗi thiết lập lại truyền thông để hóa giải cụ thể vấn
đề. Đó là biện pháp hay nhất để bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Bởi vì chính
mình cột gút lại, thì cũng chính mình tìm cách khéo léo để tháo gỡ nó ra. Đó là
chúng ta thể hiện đúng theo tinh thần tự giác và sám hối của đạo Phật.
Nếu như Phật tử muốn cho gia đình êm ấm, vợ chồng hạnh
phúc, thì Phật tử nên vâng theo lời Phật dạy mà tập tánh hỷ xả bao dung tha thứ
và thông cảm. Nhất là đối với những bậc trưởng thượng ông bà cha mẹ. Phật tử
nên xét rằng, cuộc đời nầy, không có cái gì bảo đảm lâu dài, tất cả đều vô thường
giả huyễn nay còn, mai mất.
Hiện chúng ta đang ở trong một cái khám lớn Ta bà,
và mỗi người đều có tên trong bản án tử hình hết rồi. Không sớm thì muộn, quỷ
vô thường cũng đem chúng ta ra pháp trường xét xử hành quyết mà thôi ! Thế thì
hơn thua tranh chấp đấu đá với nhau để làm gì ? Hơn nhau một lời nói, chỉ để
làm khổ đau thêm cho nhau. Xét kỹ, không có lợi lạc chi cả.
Càng tranh chấp hơn thua với nhau chừng nào, thì chỉ
càng tạo thêm hố sâu chia cách tình thân ruột thịt trong gia đình chừng nấy. Tất
nhiên, người nào cũng ôm đầy một khối to « Nội kết » phiền não trong lòng.
Không ai cảm thấy vui vẻ khi đối diện với nhau. Đó là cái khổ lớn của sự « oán
ghét gặp nhau ».
Hiểu thế, thì chúng ta hãy nên buông bỏ đừng chấp nhứt ôm ấp
chi trong lòng mà thêm nhiều bi lụy phiền muộn khổ sở. Phật tử nên nhớ, càng giận
tức, ta càng chuốc khổ nặng vào thân. Mất ăn mất ngủ, cũng chỉ vì buồn giận những
chuyện vớ vẩn không đâu. Đó là chúng ta đã tự hành hạ lấy ta. Người ta nói, đa
sầu là tự sát. Xin Phật tử hãy suy xét lại, tội gì phải giận tức nguời ta cho
mình phải khổ sở ?
Đức Phật thường dạy, người Phật tử tại gia phải khéo
biết xử sự hài hòa trong tinh thần thương yêu, hòa kính, hiểu biết và cảm thông
với nhau. Có thật sự thương yêu với nhau, thì mới có thể cảm thông tật tánh với
nhau được. Bởi mỗi người do huân tập của mỗi hoàn cảnh và môi trường sống khác
nhau.
Do đó, nên mỗi người có mỗi cá tánh dị biệt, không ai giống ai cả. Nếu có
giống nhau chăng, cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi chút ít thôi. Đa phần là dị biệt.
Khác nào như những ngón tay trong bàn tay, không ngón nào giống ngón nào. Ngón
tay thì có ngón ngắn ngón dài. Tuy có ngắn dài khác nhau, nhưng chúng ta đừng
quên rằng, tất cả đều ở trong một bàn tay. Bất cứ ngón tay nào trong bàn tay bị
thương tích, thì cũng làm cho bàn tay phải chịu đau khổ cả.
Như vậy, nếu muốn bàn
tay không đau khổ, thì mỗi ngón tay phải biết thương yêu nhau và phải có trách
nhiệm bảo vệ bàn tay. Mỗi ngón tay là dụ cho mỗi thành viên con cái trong gia
đình và bàn tay là dụ cho cha mẹ hay mái ấm gia đình. Nếu những ngón tay xích mích
gây gổ làm khổ cho nhau, thì chỉ làm khổ đau và tan nát cho bàn tay mà thôi!
Ngược lại, bàn tay cũng nhờ mấy ngón tay mà được an lành.
Vì vậy, là người Phật
tử, Phật dạy, phải nên mở rộng trái tim yêu thương bao dung mà hỷ xả tha thứ
cho nhau. Vì sự sống là một sự tưong duyên quan hệ mật thiết với nhau. Người khổ
là mình khổ hay ngược lại cũng thế.
Là con người, sống trong vòng vô minh nghiệp thức,
không ai là không có lỗi. Mình phải thường xuyên tự xét lại mình, trước khi phê
bình chỉ trích người khác. Nhà mình rác rến ngập tràn không lo dọn quét, cứ thích
cầm chổi lo dọn quét nhà người. Bởi thế mà gây ra lắm chuyện thị phi phiền
toái.
Có đôi khi vì một chuyện nhỏ nhoi nào đó, mà ta không tự kềm chế được bản
năng dục vọng, làm nô lệ cho những thứ phiền não tham, sân, si sai khiến. Từ
đó, gây ra lắm cảnh xung đột, rầy rà cãi vả hoặc bạo động hành hung với nhau,
làm cho mất đi thâm tình hòa khí gia đình và nếu không khéo sẽ đưa đến tình trạng
đổ vỡ tan nát gia đình.
Đây là một thảm cảnh ly tán khổ đau đã và đang xảy ra
nhan nhãn hằng ngày. Chỉ vì một chuyện không đâu mà gây ra cảnh nồi da xáo thịt,
nhà tan cửa nát, mỗi người sống mỗi nơi. kết quả, chỉ làm khổ đau cho con cái của
chúng ta mà thôi!
Tóm lại, qua những điều trình bày trên, mong rằng Phật
tử nên suy xét lại. Việc bảo vệ hạnh phúc gia đình của Phật tử là việc hệ trọng.
Còn việc mẹ chồng, nếu mình khéo xử sự một chút và khéo biết nhịn nhục theo lời
Phật dạy, thì chắc chắn sẽ không đưa đến tình trạng rạn nứt đổ vỡ.
Vả lại, nếu
là bà mẹ chồng đã cao tuổi, thì sự sống của bà ở trên đời nầy cũng chẳng có được
bao lâu. Phật tử nên thương và cảm thông nhiều hơn. Vì người già có những tật
tánh mà người trẻ thật khó cảm thông. Xin Phật tử hãy vận dụng trí tuệ của mình
để khéo xử sự hài hòa cho vấn đề càng được tốt đẹp sáng sủa hơn.
Kính chúc Phật tử có nhiều niềm vui hạnh phúc trong cuộc
sống.
Tác giả bài viết: TK Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự