Đáp: Sự sai lệch về mặt văn tự chắc chắn không sao tránh
khỏi. Nhưng thật nghĩa yếu lý trong kinh điển thì không thể nào sai lệch được.
Vì kinh Phật, nói cho đủ là khế lý và khế cơ. Khế lý là hợp với lẽ thật muôn đời
bất di bất dịch.
Khế cơ là phù hợp thích nghi với mọi căn cơ trình độ của chúng
sanh. Nói rộng ra là phải thích nghi theo mỗi căn cơ thời đại. Đủ hai nghĩa
trên mới gọi là kinh. Thế nên, kinh điển là chân lý do những lời Phật nói, thì
làm sao sai trái được.
Tuy nhiên, như Phật tử đã biết, việc in ấn hay sao chép
kinh điển trải qua nhiều đời hay nhiều lần, thì thật khó tránh khỏi sự sai sót ở
nơi văn bản. Người ta thường nói, tam sao thì thất bổn là vậy. Nghĩa là một văn
bản mà sao đi chép lại nhiều lần, tất nhiên, sẽ khó mà giữ được tính chất
nguyên thủy của nó.
Tuy nhiên, sự sai sót về mặt văn tự, tuy cũng quan trọng,
nhưng không đáng kể lắm. Vì dẫu sao người đọc cũng còn có thể nhận hiểu được. Điều
quan trọng, là sai về phần tôn chỉ yếu lý nội dung của kinh. Đó mới là điều
quan trọng đáng nói.
Lý do tại sao có sự sai lệch về phần nội dung nầy? Sự sai
lệch nầy không phải là do Phật Tổ nói, mà do người ta đánh lừa tráo trở lộng giả
thành chơn. Với mục đích là người ta lợi dụng nhãn hiệu Phật Tổ để truyền bá tà
thuyết ngoại đạo của họ.
Đa số người Phật tử chúng ta, vì chưa có trình độ Phật
học căn bản vững chắc, nên khó phân biệt đâu là kinh Phật chính do Phật nói, và
đâu là kinh ngoại đạo chính do họ ngụy tạo. Thường hễ thấy ngoài bìa đề là chữ Kinh,
bên trong có chữ Phật, chữ Tổ, thì ngưòi Phật tử liền vội kính tin cho đó là
kinh Phật nói. Tin một cách tuyệt đối mà không cần phải suy nghĩ tìm hiểu
phân biệt trong đó nói gì.
Đó là điều thật rất nguy hiểm tai hại. Chúng ta phải hết
sức thận trọng khi đọc một quyển kinh hay một quyển sách. Trước tiên, ta phải biết
rõ nội dung của quyển kinh sách đó nói gì. Có đúng với chân lý mà Phật Tổ chỉ dạy
hay không? Muốn đánh giá có phải kinh Phật nói hay không, thì chúng ta phải y cứ
vào đâu? Tất nhiên, chúng ta phải y cứ vào “Tam pháp ấn” hay “Tứ Pháp ấn” hoặc
“Nhứt thật tướng ấn”.
Tam pháp ấn đó là: “chư hành vô thường, chư pháp vô
ngã và Niết bàn tịch tịnh”. Còn Tứ pháp ấn là: “Khổ, không, vô thường, và vô
ngã”. Nhứt thật tướng ấn ( còn gọi là vô tướng ) là pháp bất sanh bất diệt, tức
chỉ cho bản thể chơn như. Nói cách khác là bản tâm thanh tịnh sáng suốt sẵn có
trong mỗi người chúng ta.
Chữ ấn có nghĩa là in. Như chúng ta in cái mộc xuống
tờ giấy trắng, thì nó sẽ hiện rõ những gì đã khắc trong cái mộc đó. Nếu những lời
dạy nào không nằm trong những cái ấn đó, tất nhiên, đó không phải là những lời
Phật nói, mà đó là ma nói thuộc tà giáo ngoại đạo.
Cho nên, người Phật tử phải cẩn thận khi cầm quyển
kinh hay quyển sách lên xem. Trước hết, phải đọc cho thật kỹ nội dung của kinh
hay sách đó nói gì. Có phù hợp với những chân lý nói trên hay không. Hay là những
lời giả trá bịa đặt, không phù hợp với chân lý. Việc lộng giả thành chơn, ở đời
mạt pháp nầy nhiều lắm.
Ma vương lộng hành đem truyền bá những thứ kinh sách
ngoại đạo mà họ cũng mệnh danh là Phật Tổ nói. Khổ nổi, người Phật tử không chịu
tìm hiểu kỹ càng, chỉ cần thấy có chữ Phật là đinh ninh kinh Phật nói. Thế là
đem in rồi phổ biến truyền nhau mà đọc. Đó là vô tình Phật tử lại tiếp tay truyền
bá kinh sách ngoại đạo rồi.
Thật là tội lỗi biết ngần nào! Thế nên, Phật Tổ thường
khuyên bảo Phật tử chúng ta phải nên cố gắng nghiên tầm học hỏi giáo lý. Có chịu
khó học hỏi, thì người Phật tử mới có thể biện biệt đâu chánh, đâu tà, đâu
chơn, đâu ngụy. Không nên tin càng, tin vội, tin đại, tin đùa, khi mà chúng ta
chưa tìm hiểu cặn kẽ rõ ràng.
Đó là điều mà người Phật tử cần nên ý thức dè dặt
cẩn thận. Điều gì chưa rõ, nên tìm những vị thông giỏi giáo lý mà thưa hỏi.
Không nên vội vả chưa chi mà lại phổ biến truyền nhau xem, thì thật là đắc tội
với Phật pháp lắm vậy! Xin mọi người hãy lưu ý quan tâm cho vấn đề nầy.
Tác giả bài viết: TK Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự