Nghề nấu rượu và quan điểm Chánh mạng

Thứ năm - 24/06/2010 08:25
Hỏi: Tôi có một người bạn đồng nghiệp, chị ấy có nghề nghiệp ổn định hẵn hoi nhưng bên cạnh nghề nghiệp chính lại có thêm nghề “kháp rượu”. Mặc dù biết nghề này không thích hợp lắm với cương vị hiện tại của mình (Phật tử), nhưng cô ấy vẫn cương quyết thực hành.

Tôi đã nhiều lần khuyên cô ấy nhưng chị ta chả mấy quan tâm và bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của tôi. Thoảng có lúc, chị bảo rằng: “tôi đem tiền lời đi làm phước, bố thí thì bù lại mấy hồi”. Tôi đành ngậm ngùi không trả lời được vì vốn kiến thức Phật học nông cạn của mình. Xin cho tôi một lời khuyên để giúp tôi hiểu rõ thêm về đạo Phật và giúp cô bạn của mình sống đúng với tinh thần của một người Phật tử.

Đáp:

Qua thư của chị, chúng tôi thật sự xúc cảm trước những ưu tư và tấm lòng quan tâm đến bằng hữu của mình. Nơi đây, xin có vài điều gọi là cùng chia sẽ với chị những nỗi ưu tư đó.

Hơn ai hết, chị đã từng ý thức hết sức rõ ràng: để sống ổn định và phát triển trong cuộc đời này, con người đã có những cách mưu sinh khác nhau. Tùy theo khả năng và điều kiện của từng người mà có thể lựa chọn cho mình một nghề thích hợp nào đó. Lẽ dĩ nhiên, xét ở phương diện cống hiến cho xã hội thì mỗi nghề đều có những giá trị riêng, nhưng dựa trên phương diện đạo đức thì có nhiều vấn đề cần phải luận bàn.

Căn cứ vào lý thuyết Chánh mạng của Phật giáo thì có những phương thức mưu sinh thánh thiện, thăng hoa nhưng cũng có những nghề có khuynh hướng dẫn đời sống con người đi vào trong cạm bẩy, đau khổ ở đời này cũng như nhiều đời về sau. 

Có lẽ, thực tế sinh động của cuộc sống là một minh chứng rõ ràng cho những quan điểm vừa nêu. Vì nếu như, ai đó đảm nhận một cách thức kiếm sống đầy hiểm nguy như sản xuất ma túy, buôn bán vũ khí...thì không những người đó đang sống trong nguy hiểm mà còn gây ra bao mối hiểm họa cho người.

Ở đây, trong việc hành nghề “kháp rượu” của người bạn của chị, mặc dù cấp độ chưa phải là nghiêm trọng nhưng nếu nhìn xa hơn, ta sẽ thấy ẩn tàng đâu đó những mối hiểm nguy đang rình rập mà ta là kẻ đang vô tình gieo rắc. Hình ảnh những anh chàng say xỉn vật vờ, sống báo hại gia đình, vợ con; những ca cấp cứu tai nạn giao thông có nguyên nhân xa là do ma men đưa lối nên “không làm chủ tốc độ”...đã phần nào phản ánh một cách sinh động những tác hại từ  rượu, bia mà các chất gây nghiện.

Không phải không có lý do khi các cơ quan hữu quan đánh thuế thật nặng vào những mặt hàng này và càng hơn thế nữa, ở một số nước phát triển người ta xây dựng những dự luật phạt thật nặng những người sử dụng thuốc lá, rựợu, bia trong khi làm việc. Đành rằng xét trên phương diện y học, tự bản thân các sản phẩm kể trên nếu sử dụng theo chỉ định với liều lượng vừa phải thì có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Thế nhưng, có mấy ai sử dụng đúng theo chỉ định đó, nhất là đối với những đệ tử “chân truyền” của ma men?! Cho nên việc hạn chế và thậm chí không sản xuất hay sản xuất có kế hoạch các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá là một xu hướng đang chiếm phần ưu thế trong thời đại hôm nay.

Và ngay đây, người bạn của chị có lẽ sẽ thấy rõ những điều nên hay không nên khi đảm nhận ngành nghề này. Theo chúng tôi, có lẽ chị ấy khá may mắn vì đây chỉ là một nghề “tay trái” mà thôi. Hy vọng rằng, việc quay trở lại, tập trung vào nghề nghiệp chuyên môn là một một dự kiến không xa dành cho người bạn của chị.

Việc thứ hai, người bạn của chị quả là có một lối suy nghĩ ngược đời – nếu không nói là ấu trĩ - khi trả lời câu hỏi của bạn. Thật đáng tiếc vì suy nghĩ đó trong thực tế vẫn còn tồn tại ở một số người. Trong trường hợp này, bạn cần phải hiểu rõ một vài tính chất của nguyên lý nhân quả để minh giải cho nhận thức sai lầm ấy. Theo nguyên lý nhân quả, một khi đã gây tạo ra một chánh nhân không tốt, thì dù không mong muốn, nhưng quả khổ kéo đến là một hệ quả không bao giờ sai chạy.

Cũng trong nguyên lý nhân quả, mặc dù gieo nhân nào thì phải gặt quả tương ứng. Thế nhưng có một yếu tố khá quan trọng là duyên. Ở đây, duyên là những điều kiện phụ thuộc, là những yếu tố đóng vai trò phụ, cùng với chánh nhân để tạo nên một kết quả nào đó. Ngoài chánh nhân ra, việc hình thành nên kết quả cũng phụ thuộc ít nhiều đến yếu tố duyên.

Tùy theo điều kiện, tùy theo qui mô và mức độ của duyên mà có sự ảnh hưởng khác nhau đến kết quả cuối cùng. Nơi đây, có một điều cần phải lưu ý, duyên chỉ đóng vai trò là một yếu tố phụ mà thôi.

Như vậy, một khi đã gây tạo ra một nhân bất thiện, nhưng nếu bằng mọi nỗ lực chuyển hoá, đóng góp cho chánh nhân với những thiện duyên, thì sẽ có một sự chuyển biến khả quan đến sự hình thành kết quả.

Chính điều này cho thấy nguyên lý nhân quả của Phật giáo khác xa quan điểm số mệnh hay định mệnh. Mặt khác, như đã nói ở trên, với sự cố ý tạo ra một chánh nhân bất thiện và vận dụng các hình thức khác như làm phước bố thí... hòng giảm nhẹ tội thì thực chất là một hành động không thể được.

Lập luận đó ấu trĩ như: để trở thành người tốt nên đành phải chấp nhận việc hại người!! Cần phải thấy rằng, phẩm vật vốn dĩ được tạo ra bằng một nguyên nhân không trong sáng thì không thể có được một kết quả tốt đẹp. Dù rằng, bố thí, cúng dường làm phước theo Phật giáo là những việc làm đáng khuyến khích, vì chúng vốn là những yếu tố đóng vai trò là tăng thượng duyên, có khả năng chi phối ít nhiều đến sự hình thành thiện quả.

Thế nhưng với dụng tâm không trong sáng, cộng với những phẩm vật  ấy được tạo ra bằng phương tiện không trong sáng thì chúng tôi quyết chắc rằng sẽ không có một kết quả tích cực nào chờ đón cả.

Nguồn tin: tuvangiacngo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây