Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh

Thứ tư - 11/03/2009 07:27
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh – Thế danh Nguyễn Phú Chỉnh, Pháp húy Phúc Nghiêm, Đạo hiệu Nhu Hòa, viên tịch vào hồi 8h45 ngày 9/3/2009, trụ thế 91 năm, hạ lạp 70 năm. Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh - Phó Thư ký HĐCM TW GHPGVN; Chứng minh BTS Thành hội PG Hà Nội; Nguyên trưởng BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội, thế danh Nguyễn Phú Chỉnh.








GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
THÀNH HỘI PHẬT GIÁO HÀ NỘI

TIỂU SỬ

CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THANH CHỈNH

PHÓ THƯ KÝ HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH TRUNG ƯƠNG GHPGVN

CHỨNG MINH BAN TRỊ SỰ THÀNH HỘI PHẬT GIÁO TP. HÀ NỘI

NGUYÊN TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ THÀNH HỘI PHẬT GIÁO TP. HÀ NỘI.

I.THÂN THẾ

Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh - Phó Thư ký HĐCM TW GHPGVN; Chứng minh BTS Thành hội PG Hà Nội; Nguyên trưởng BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội, thế danh Nguyễn Phú Chỉnh. Sinh năm 1919 tại thôn Nguyệt Áng – xã Đại Áng - huyện Thanh Trì – Tp. Hà Nội. Ngài sinh trưởng trong một gia đình nề nếp Nho phong, nhưng giàu lòng kính tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phú Khả, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thìn, ngài là người con thứ 3 trong một gia đình có 7 anh chị em (6 trai 1 gái).

Lúc thiếu thời, Hoà thượng luôn là người con ngoan, hiếu thảo trong gia đình nên từ nhỏ đã được song thân cho theo học chữ Nho với cự Cử trong làng và thường cho Ngài đi theo cùng lễ Phật ở các chốn Tổ đình lớn trong vùng. Do nhân duyên đó Ngài đã sớm khởi tâm mến mộ đạo Phật.

II. SỰ NGHIỆP

1. Nhân duyên xuất gia

Nhờ những thiện duyên do song thân vun đắp, lại sẵn có tâm Bồ đề, nên Hoà thượng đã sớm có chí nguyện xuất gia cầu đạo.

Do đó đến năm 1932, khi vừa tròn 13 tuổi, song thân đã đưa Ngài đến đỉnh lễ Tổ Thích Thanh Soạn - Trụ trì Tổ đình Hoa Lâm – thôn Khê Hồi – xã Hà Hồi huyện Thường Tín – Hà Nội xin xuất gia và được Tổ hoan hỷ hứa khả thâu nhận, ban cho Pháp danh là Thanh Chỉnh.

Thế là duyên lành hội đủ, Bát Nhã hoa khai, từ đó Hoà thượng sớm tối chuyên cần hầu Thầy chấp lao phục dịch, duy trì thời khoá, giữ gìn quy củ Thiền môn.

2. Bước đường tu học và trưởng thành

Trải qua một thời gian chấp lao phục dịch, nỗ lực tinh cần tu học Phật Pháp không mệt mỏi, đến năm 16 tuổi (năm 1935), Hoà thượng Tôn sự nhận thấy Ngài có thể trở thành bậc Long Tượng của Phật Pháp về sau, nên đã cho phép đăng đàn cầu giới Sa Di tại Giới đàn Hoa Lâm nhân dịp giỗ tổ đệ lục ngày 20/3 Âm lịch. Sau khi thụ giới Sa Di, Ngài được Tôn sư và các bậc Tôn túc trong sơn môn trực tiếp dạy bảo tại Tổ đình Hoa Lâm.

Đến năm 21 tuổi (năm 1940), tại Giới đàn Tổ đình Hoa Lâm do Tổ Thanh Chỉnh - Viện chủ chùa Thầy Quy, Pháp chủ sơn môn làm Đàn đầu Hoà thượng, Ngài được Hoà thượng Tôn sư cho đăng đàn thụ giới Tỷ khiêu.

Từ đây giới châu viên mãn, Ngài chính thức dự vào hàng Tăng bảo. Với tâm niệm phải chuyên tâm tu học, trau dồi Giới - Định - Tuệ để ngõ hầu “Trên đầu đáp bốn trọng ân, dưới cứu vớt ba đường khổ“, mới không hổ danh là “Như Lai sứ giả”. Cho nên Ngài từ biệt Thầy Tổ, huynh đệ để sám phương học đạo, khi thì ở chốn Tổ Linh Quang – Bà Đá, lúc thì đến Tùng lâm Quán Sứ, ở đâu Ngài cũng đều được thầy mến bạn yêu vì đức hanh “chăm học chăm làm”  và luôn được các bậc cao Tăng thạc đức như Tổ Huệ Tạng, Hoà thượng Tố Liên v.vv ân cần dạy bảo.

Đến năm 1969, Trung ương Hội Phật giáo thống nhất mở khoá đào tạo Tăng Ni tại Tổ đình Quảng Bá, Ngài cũng tham gia học tập dưới sự giảng dạy của Hòa thượng Trí Độ, Hoà thượng Tâm An, Hoà thượng Đức Nhuận, Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám vvv...

3. Hoằng dương Phật Pháp

- Công tác kế thế trụ trì

Trải qua một thời gian tinh cần tu học, được sự tin tưởng của Hoà thượng Tôn sư nên đến năm 1946 (27 tuổi), chùa Khánh Phúc – xã Duyên Hà - huyện Thanh Trì thuộc sơn môn thiếu người trông nom, Hoà thượng đã được Tôn sư chỉ định vừa sam học vừa trụ trì chùa để duy trì nề nếp, phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân - Phật tử địa phương.

Đến năm 1950, Ngài về trụ trì chùa Vạn Phúc cũng thuộc sơn môn.

Năm 1954, khi Hoà thượng Tôn sư viên tịch, Ngài trở về Tổ đình Hoa Lâm - Khê Hồi lo việc tang lễ, thờ thầy phụng Phật, nối Phát tự đời thứ 8 tổ đình Hoa Lâm. Tại đây, hàng năm Ngài đều mở các khoá An cư kết hạ cho Tăng Ni sơn môn về tu học. Trong các khoá An cư này, Ngài đều được Tăng sai làm Chánh Duy Na để duy trì kỷ cương, phép tắc của nhà Hạ.

Trong suốt quãng thời gian kế thế trụ trì, dù ở đâu Hoà thượng cũng đều miệt mài xả thân tác phúc để sửa sang chùa cảnh, làm tròn trách nhiệm : “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”.

- Truyền trì mạng mạch Phật pháp

Hàng năm, tại các Giới đàn do Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức, với giới đức kiên ưu, Hoà thượng luôn luôn được thỉnh làm Giới sư, trong ngôi Đàn đầu Hoà thượng để trao truyền giới châu - tuệ mệnh cho hàng hậu học tiến đạo nghiêm thân. Ngoài ra Hoà thượng còn làm Thầy truyền giáo Tam quy, Ngũ giới cho các Phật tử Thủ đô.

- Trọng trách đối với Giáo hội và Dân tộc

Hoà thượng không chỉ thực hiện trách nhiệm kế thế trụ trì, mà Ngài còn tham gia các công tác Phật sự, đoàn kết hoà hợp cùng chư Tôn đức gánh vác và xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội với chủ trương "Đạo pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Năm 1947, Ngài giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Phật giáo cứu quốc huyện Thanh Trì do Hoà thượng chùa Việt Yên làm Chủ tịch.

Năm 1958, Thành hội Phật giáo được thành lập do Hoà thượng Thích Mật Ứng làm Trưởng ban, Ngài được bổ nhiệm làm Chánh Ban Đại diện Phật giáo huyện Thanh Trì. Trên cương vị đó, Ngài luôn quan tâm thăm hỏi các chùa, động viên Tăng Ni - Phật tử trong phong trào “Phụng đạo yêu nước”, tích cực tham gia sảm xuất góp phần ổn định kinh tế của nhà chùa và xã hội.

Từ năm 1971 đến năm 1992, Hoà thượng được BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội suy cử giữ chức Chánh Thư ký BTS. Cũng trong thời gian, này, Ngài được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội khoá VIII (1981-1985) và là Uỷ viên ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội khoá IX.

Năm 1981, tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Toàn quốc, Hoà thượng được bầu làm Uỷ viên Hội đồng Trị sự kiêm Uỷ viên Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.

Năm 1987, tại Đại hội kỳ II – GHPGVN, Ngài được bầu làm Ban Thường trực HĐTS kiêm Phó Ban tài chính Kinh tế Trung ương.

Năm1992, Ngài đã cùng đoàn Đại biểu Tăng Ni Thủ đô dự Đại hội kỳ III - GHPGVN, tại Đại hội này, Ngài được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hoà thượng.

Tháng 8 năm 1997, tại Đại hội kỳ IV – Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội, Hoà thượng được suy cử giữ chức vụ Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni của Thành hội. Cũng trong năm này, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IV, Hoà thượng được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh TW GHPGVN.

Tháng 8 năm 2002, Thành hội Phật giáo TP. Hà Nội tổ chức Đại hội kỳ V, Hoà thượng được suy cử giữ chức vụ Trưởng BTS kiệm trưởng Ban Hoằng pháp Thành hội; Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Đến tháng 12 năm 2008, tại nghị hợp nhất Thành hội Phật giáo Hà Nội và tỉnh hội Phật giáo Hà Tây theo sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội và Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hoà thượng được suy tôn vào Ban Chứng minh BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội mới.

Với những công lao to lớn đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, Hoà thượng đã được tặng thưởng nhiều Huân – Huy chương và Bằng khen như:

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì do Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Namtặng ngày 16/12/1985.

- Huân chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Namtặng ngày 25/12/1990.

- Bằng khen do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tặng ngày 10/11/1973

- Bằng khen đã có thành tích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Quốc gia.

III. NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI CÙNG

Những năm tháng cuối cùng, tuy tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần còn minh mẫn, ngời sáng tinh thần Từ - Bi –Hỷ - Xả, Hoà thượng vẫn nhiệt tình giảng dạy cho Tăng Ni sinh Trường Trung cấp cũng như tại các khoá An cư kết hạ, vẫn đều đặn tham gia, chứng minh các cuộc họp của Ban trị sự Thành hội.

Nhưng sinh tử sự nhiên, việc hoá duyên đã viên mãn, thuận lý vô thường, đến đi tự tại Hoà thượng thâu thần thị tịch vào hồi 8h 45 phút ngày 09 tháng 03 năm 2009. (Tức ngày 13 tháng 02 năm Kỷ Sửu). Trụ thế 90 năm, trải qua 70 mùa An cư kết hạ.

Cả cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng tô thắm thêm trang sử vàng của Phật giáo Việt Namnói chung, Phật giáo Hà Nội nói riêng về đức hạnh khiêm ưu, sự tận tuỵ trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phổ độ chúng sinh.

Sự ra đi của Ngài đã để lại cho môn đồ tứ chúng niềm tiếc thương vô hạn. Tấm gương sáng của Ngài mãi mãi được khắc ghi trong lòng Tăng Ni - Phật tử Thủ đô.

NAM MÔ TRANG NGHIÊM THÁP MA HA TỶ KHIÊU GIỚI
PHÁP HUÝ THƯỢNG THANH HẠ CHỈNH - HIỆU PHÚC NGHIÊM - TỰ NHU HOÀ

 

Nguồn tin: theo Phật Tử Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây