Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng quê yên bình của huyện Chương Mỹ, cậu bé Phùng Văn Trường ngày ấy không thể phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Vì hiếu học, anh Trường vẫn chống nạng đi học cùng các bạn, thế nhưng đến năm lớp 8, cơ thể yếu đi, anh buộc phải nghỉ học.
Năm 2010, bố mẹ dựng cho anh một gian nhà tạm bợ ở gần mặt đường và mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ bán vài thứ hàng lặt vặt như: Gói mì tôm, gói bim bim hay cái bánh mì... Bà con trong xóm thấy anh tật nguyền mà lại có ý chí nên thường hay qua cửa hàng của anh mua đồ. Cuộc sống nông thôn vất vả, có nhiều người mua hàng mua hàng chịu chờ khi đến mùa, có lúa bán đi mới có tiền mang trả.
Thế mà, anh lại không viết được chữ vì cánh tay liệt, chỉ nhớ trong đầu sợ nhầm lẫn rồi lại mất lòng bà con. Lúc này, ý định học viết chữ đã bắt đầu nhen nhóm trong đầu anh. Muốn viết chữ lắm nhưng lấy gì cầm bút bây giờ? Tay yếu không cầm được thứ gì, đôi chân không cử động được?
Là anh cả trong gia đình có năm anh em, anh Trường bị tàn tật nên ở nhà trông và dạy các cháu con nhà em gái học bài. Anh dạy chúng những phép toán rồi luyện những con chữ. Thế mà, chữ anh không viết được thì không thể viết mẫu cho các cháu. Và rồi... anh chợt nghĩ, sẽ thử ngậm bút bằng miệng viết chữ.
Những ngày đầu ngậm bút bằng miệng mà viết chữ khó khăn vô cùng, cứ ngậm bút là buồn nôn, rồi điều khiển chiếc bút bằng cổ nhiều khi toàn thân tê cứng vì mỏi. Thế nhưng, anh vẫn cố gắng...cố gắng... Khát khao có thể viết chữ cuối cùng cũng đã chiến thắng.
Anh tập viết hơn một tháng là có thể viết được. Sau đó, anh thấy chữ chưa đẹp lắm nên lại cố luyện cho chữ đẹp hơn. 'Miệng dạy các cháu viết cho đẹp mà mình không viết được đẹp thì không làm gương được. Vì thế, tôi đã cố sức tập viết những nét chữ đẹp nhất có thể', anh Trường nói.
Sau đó, thấy các cháu chăm ngoan, học tiến bộ, bà con hàng xóm cũng mang con tới nhà anh Trường gửi và nhờ kèm giúp. Ban đầu chỉ có 2-3 cháu, rồi học sinh mỗi lúc một đông.
Bây giờ, lớp học của anh Trường có từ 5-10 học sinh, chủ yếu là các học sinh trong làng, không phân biệt độ tuổi. Anh mở lớp học với một ý nghĩ duy nhất là "sống có ích cho đời", chính vì thế mà thời gian đầu anh dạy học miễn phí cho tất cả học sinh.
Trời thương, có một người phụ nữ cảm thương trước số phận và nghị lực sống của anh Trường nên đầu năm 2012 đã cùng anh xây dựng một tổ ấm thuộc về riêng họ. Sau đó, gia đình nhỏ có thêm một cậu con trai, anh đặt tên cậu bé là Phùng Thiên Trường Quảng, trong đó "Trường Quảng nghĩa là dài rộng", anh mong cuộc đời cậu bé sau này sẽ giống như cái tên.
Anh dạy các cháu hoàn toàn miễn phí nhưng các phụ huynh thương hoàn cảnh gia đình anh nên tự nguyện đóng góp tiền học cho con, mỗi tháng vài ba chục nghìn. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ về cậu con trai.
Hỏi về lớp học "nhân ái" thì người dân làng Nhân Mỹ ai ai cũng biết. Lớp học của anh Trường chẳng có phấn trắng và bảng đen mà chỉ vẻn vẹn vài quyển sách đã sờn bìa, những dòng chữ cũng đã bạc dần đi theo màu thời gian. Các cháu tới nhà anh học không phân biệt thời gian, độ tuổi. Lúc nào rảnh rỗi chạy sang nhờ dạy là anh sẵn sàng chỉ bảo.
Hầu hết các học sinh đến lớp học của anh đều có lực học trung bình yếu, chủ yếu anh rèn chữ và hướng dẫn các cháu học bảng cửu chương, làm các con tính đơn giản. Nhìn hàng chục đứa trẻ đang chăm chú, nắn nót từng con chữ dưới sự chỉ bảo của người thầy đặc biệt dùng miệng viết chữ tôi thấy ánh lên một ngày mai tươi sáng của những đứa trẻ nơi miền quê nghèo.
Với sĩ số khoảng 20 em, học sinh của anh chủ yếu là các em từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp học không đồng đều nhưng trật tự và quy củ. Lớp học của anh cũng không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ có một chiếc sọt nhựa đựng sách giáo khoa và vở viết. Các em học sinh có thể đến học bất cứ lúc nào và bao lâu tùy thích.
"Bọn trẻ thấy tôi viết chữ đẹp bằng miệng thì thích lắm. Mình mà viết xấu thì không hướng dẫn chúng được. Có khi bọn trẻ lại bảo, bác còn chẳng viết được mà lại bắt cháu viết đẹp", anh Trường nói.
Vượt lên tất cả, dù không lấy mình là tấm gương cho các cháu học sinh noi theo, nhưng trong mỗi bài học, anh đều cố gắng truyền nhiệt huyết, lòng ham mê, ý chí vượt khó cho học trò. Mỗi khi có học sinh chểnh mảng bài vở, học hành, anh lại nhẹ nhàng: “Các cháu sinh ra may mắn hơn bác và hơn nhiều người. Các cháu được đầy đủ nên phải gắng học hành cho tốt, viết chữ phải đẹp, học hành phải chăm ngoan hơn. Bác viết chữ bằng miệng mà đẹp như thế này, các cháu đầy đủ chân tay mà viết chữ xấu thế kia. Các cháu phải cố gắng. Bác làm được như thế này là nhờ vào nghị lực của bác, không phải tự nhiên mà có...”.
Với tâm nguyện muốn dạy cái chữ cho các cháu nhỏ, thầy Trường không thu tiền học phí. Về sau, nhiều phụ huynh thương thầy, góp nhau chút ít để thầy thêm tiền thuốc men.
Hiện nay, công việc dạy học chiếm phần lớn thời gian của anh. Ngoài hướng dẫn các cháu học, anh còn tranh thủ bán hàng kiếm thêm thu nhập để vun vén cho gia đình nhỏ bé của mình.
Có một điều vô cùng trân quý ở anh, dù không may bị tật nguyền từ bé, nhưng anh luôn quan niệm phải sống thật tốt và có ích cho xã hội: “Tôi thấy mình vẫn may mắn hơn những người cùng số phận là được đi học. Đến giờ, tôi có thể truyền thụ được những kiến thức nhỏ nhoi mình học được cho những đứa trẻ trong thôn, trong xóm. Tôi mong mình sẽ là tấm gương tốt để chúng noi theo”.
Chuyện lạ mà có thật về một chàng trai có thể viết chữ bằng miệng khiến nhiều người dân trong làng vô cùng khâm phục. Các em nhỏ vì yêu quý mà tìm đến nhà chú Trường nhờ rèn chữ. Gần chục năm qua, căn phòng khách với 4 chiếc bàn nhỏ là nơi anh tình nguyện dạy học miễn phí cho đám trẻ.
Những nỗi buồn được khỏa lấp bởi niềm vui. Những giọt nước mắt được thay thế bằng nụ cười con trẻ. Hơn lúc nào hết, anh Trường thấy mình sống có ích.
Thu Hằng tổng hợp
Nguồn tin: Phununews
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự