Du khách đổ về chùa Trấn Quốc. (Ảnh: Thế Cường)
Ở chùa Trấn Quốc, từ cổng chùa đã được trang hoàng đẹp rực rỡ mà vẫn tôn nghiêm. Các tăng ni, phật tử trung tuổi kính cẩn mua đồ lễ vào chùa. Nhiều cặp bố mẹ trẻ đưa cả con lên chùa lễ Phật. Các đối uyên ương cũng tranh thủ đầu năm đi lễ cầu mong trời phật phù hộ cho tình yêu được trọn vẹn.
“Năm nào tôi cũng lên chùa Trấn Quốc lễ Phật cầu bình an cho cả gia đình vào đầu năm mới. Năm nay, tôi đưa cả con dâu mới đi lễ chùa để cháu quen dần sau này có đi lễ một mình con biết cách sắp đồ lễ bái”, bác Nguyễn Thị Huệ, Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là một điểm hút khách du lịch ngày đầu năm. (Ảnh: Thế Cường)
Đặc biệt, rất nhiều du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú được hòa mình vào dòng người đi lễ tại chùa Trấn Quốc ngày đầu năm. Mỗi khi nghe người hướng dẫn viên nói đến một đoạn phong tục truyền thống của người Việt và giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, mọi người lại òa lên thú vị.
Anh John Mikery - du khách người Đức - thích thú cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Thật đặc biệt khi hôm nay tôi được đến một ngôi chùa vào đúng ngày đầu năm và được chứng kiến người Việt Namlên chùa để cầu may cho cả gia đình trong năm mới. Văn hóa truyền thống của Việt Namthật thú vị.”
Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những điểm khai xuân hút khách nhất tại thủ đô. Hàng ngàn người dân cũng những du khách quốc tế đổ về khu Khuê Văn Các, khu Văn bia tiến sĩ để cầu tài, cầu lộc...
Nhiều ông bố bà mẹ đưa con mình đến Văn Miếu để mong muốn sau này con mình sẽ học hành tấn tới, đỗ đạt cao. Các bạn trẻ đặc biệt hào hứng với Văn Miếu bởi không gian thoáng đãng, nhiều cảnh đẹp để tạo dáng chụp ảnh và cầu cho các kỳ thi sắp tới sẽ suôn sẻ.
Thành tâm cầu an trong Văn Miếu. (Ảnh: Thế Cường)
Bạn Ngô Phương Oanh, sinh viên Đại học Văn Hóa Hà Nội, chia sẻ: “Em đến Văn Miếu ngày đầu năm để cầu may cho em gái ở quê em năm tới sẽ đỗ trong kỳ thi đại học. Năm nay em cũng chuẩn bị tốt nghiệp nên cũng mong muốn các kỳ thi trôi chảy, đường học tập không bị gặp nhiều trắc trở”.
Bên cạnh đó, những điểm vui chơi giải trí như Vườn thủ Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất, Bảo tàng Dân tộc học… khá thưa vắng khách bởi ai cũng muốn “trốn” rét bằng một bữa cơm thật ấm cúng bên cạnh gia đình và người thân để mong cho một năm mới an lành và hạnh phúc.
Tại miền Trung, mưa phùn, giá lạnh bao trùm ngày đầu năm. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đền Củi (Hà Tĩnh), đền Ông Hoàng Mười, đền thờ Vua Quang Trung, rồi ngược đường ven sông Lam lên quê Bác... (Nghệ An) để thắp hương, cầu bình an cho ngày đầu năm. Tại Đền Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), hàng trăm du khách từ thành phố Vinh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến mua sớ, ghi danh để cầu bình an cho ngày đầu năm.
Hàng trăm du khách đến Đền Củi ở Hà Tĩnh - cách thành phố Vinh khoảng 15km để cầu bình an cho ngày đầu năm 2012. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Anh Ngô Văn Toàn Bằng, một du khách đến từ TP Vinh, tâm sự: “Năm nay thời tiết lạnh quá, hôm nay lại mưa phùn nữa nên cái lạnh càng thấm. Gia đình chúng tôi năm nào cũng ăn tết Tây cho nên ngày đầu năm 2012 này phải đi chùa cầu bình an, cầu mong con cái được học hành thành đạt và cũng chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán được sung túc hơn.”
Ngày đầu năm mới 2012, dòng người đổ về các khu đền ở Nghệ An khá đông đúc, cầu bình an cho năm mới được phát đạt, gặp nhiều may mắn.
Đền thờ Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An) không kém phần nhộn nhịp du khách đến xin ơn. Đền Ông Hoàng Mười được xem là ngôi đền thiêng ở Nghệ An, thu hút hàng ngàn người đổ về xin ơn.
Trong khi đó, không khí ngày đầu năm 2012 tại thành phố Vinh nhộn nhịp hẳn lên. Các nhà hàng, ngõ phố, cửa hàng, shop thời trang, siêu thị... cũng khá đông người.
Nguồn tin: Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự