Tiếng ru vẳng tiếng chuông chùa

Thứ bảy - 14/01/2012 08:23
Sương sớm chớm đông, Phật lịch 2055 (Tân Mão, 2011). Cánh cửa hông chùa Bồ Đề kẹt mở. Dáng người hiền từ, một tay ẵm đứa trẻ chợt tỉnh giấc đang ngằn ngặt khóc, sư thầy Thích Đàm Lan mở cửa đón khách. Vừa nựng nịu, sư thầy vừa cất tiếng “à ơi” ru nhẹ…

Người mẹ đặc biệt 

Khi tiếng khóc của em nhỏ dứt được một lúc, sư  thầy Thích Đàm Lan – trụ trì chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) mới lặng lẽ khoác chiếc tu hành, đôi mắt nửa dưới thâm quầng nhưng thẳm sâu lật giở  từng trang kinh. Tiếng mõ tụng kinh sáng vang lên. 

“Đến nhiều ngôi chùa thì chùa chùa Bồ Đề kỳ lạ nhất. Cái thanh u, tĩnh mịch thì chùa nào cũng có nhưng chùa Bồ  Đề ban ngày như một ngôi nhà đông đúc tiếng cười nói trẻ con, tiếng yêu thương của các cụ già. Thích nhất là trong tiếng tụng kinh, niệm Phật có cả tiếng ru yêu thương trong đó”, bác Phạm Phú Tăng, quê Bắc Ninh, đi lễ chùa sớm, nói.

Bác Tăng bảo tuần nào cũng về chùa Bồ Đề ít nhất một lần và lần nào cũng có cơ hội được nghe sư thầy Thích Đàm Lan ru trẻ ngủ. Còn sư thầy Thích Đàm Lan nói biết ru và dỗ trẻ từ 22 năm trước: “Mới đầu thì ngượng ngịu nhưng cái gì lâu cũng thành quen”. 

Trong ký ức của sư thầy hiện lên một đêm mưa năm 1989, sư thầy bị đánh thức bởi tiếng khóc trẻ sơ sinh ở cổng chùa. Một đứa trẻ tím tái, lạnh ngắt đặt trong chiếc làn. Sư thầy xót xa ôm sinh linh đó vào lòng, đốt lửa sưởi, bón từng thìa nước đường ấm. Bé gái cất tiếng khóc nhẹ. Sư thầy cất tiếng ru và quyết tâm nuôi dưỡng sinh linh đó. 

Bé  gái đầu tiên nương tựa mái ấm nơi cửa thiền, lớn lên nhờ tiếng ru của sư thầy - Kiều Thu Hường - nay đã 22 tuổi. Tiếng ru giờ vẫn còn nhưng sư thầy đã bao lâu rồi chưa được ngủ một đêm yên giấc. Điều lạ là cả những cụ già được chăm sóc tại chùa Bồ Đề cứ nghe thấy tiếng ru của sư thầy là dừng mọi câu chuyện.

“Để nghe thấy mình ấm áp như hồi trẻ dại”, cụ Nguyễn Thanh Hải, đang nương tựa nơi đây, tâm sự. 

Bao nhiêu bậc phù đồ?

Câu chuyện về chùa Bồ Đề, về sư thầy Thích Đàm Lan – “người không con mà có trăm con” - bấy lâu nay đã có nhiều người biết. Nhưng câu chuyện của một lái buôn vải dệt Nam Định sùng đạo Phật đến thăm chùa đối đáp với sư thầy chắc hẳn ít người biết.  

Người lái buôn kia đi chùa đã nhiều, đi công đức cũng đã khắp nơi nên rành rẽ đạo Phật, đến chùa Bồ Đề thấy sư thầy Thích Đàm Lan chăm sóc cô nhi, dưỡng bồi phụ lão trong hoàn cảnh khốn khó mới đặt câu hỏi: “Thưa thầy, cái câu ''''Dẫu xây chín bậc phù đồ (*)/Không bằng làm phúc cứu cho một người'''' là đúng, thì quả là thầy đã xây được hàng ngàn bậc phù đồ rồi”.  

Rồi người lái buôn lẩm bẩm tính: “Cả trẻ nhỏ  lẫn cụ già mà thầy nuôi từ năm 1989 đến nay là gần 200 người. Một người là chín bậc phù đồ. Vậy là thầy đã xây được gần 2.000 bậc phù đồ rồi”. 

Nghe người lái buôn nói, sư thầy thoáng mỉm cười. Biết người lái buôn đến cầu phúc cho mẹ mình ngày lễ Vu Lan, sư thầy không lòng vòng giải thích hay triết lý sâu xa: “Thí chủ có nghe mẹ mình nuôi mấy đứa con vất vả như thế nào và lúc nhắm mắt xuôi tay có nói là xây được bao nhiêu bậc phù đồ không?”. Rồi thầy tiếp: “Cái lẽ của đời, cái tính của tâm không thể đem ra tính toán. Chẳng phải tính toán như thí chủ thì tôi cũng có thể đi buôn sao?”. 

Người lái buôn nghe thế, không biết vì xấu hổ hay hối hận mà không dám nói gì, chỉ lặng lẽ đứng bên cổng chùa đến tận tối mới hớt hải bắt xe về Nam Định. 

Một tình nguyện viên nhóm FGC (nhóm sinh viên yêu thích guitar Hà Nội) đến chơi với các em nhỏ - “những đứa con” chùa Bồ Đề - vô tình chứng kiến câu chuyện kể lại. 

“Đến chùa Bồ Đề nhiều lần, lần nào cũng gặp thầy Thích Đàm Lan cười. Nhưng có lẽ nụ cười rạng rỡ nhất là lúc thầy quệt mồ hôi trên trán, tự tay bón từng miếng cơm cho những em nhỏ thiệt thòi, hay đợi từng ấm nước nóng để các cụ già được tắm ấm khỏi bị phong hàn”. Tình nguyện viên này cũng quả quyết rằng rất hiếm khi gặp thầy có nụ cười như lúc thầy gặp người lái buôn kia.

* Phù đồ theo phiên âm từ tiếng Phạn "Stûpa" nghĩa là tháp Phật, tháp thờ Phật hoặc tháp thờ xá lợi của Phật.

“Sư thầy Thích Đàm Lan quê gốc Hải Dương, sinh năm 1956 trong một gia đình nho giáo, cả 5 anh chị em khác cũng đều xuất gia. Năm 1972, sư thầy Thích Đàm Lan đến tu tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội. Với nhiều đóng góp cho Đạo và Đời, sư thầy được vinh danh là một trong mười “Công dân thủ đô ưu tú năm 2011”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây