13 tháng trong bụng mẹ mới chịu chào đời
Tôi đến thăm sư thầy trong một buổi chiều đông khi thầy đang ngồi lặng lẽ tháo từng đường chỉ của những câu đối. Hỏi cụ tỉ mẩn như vậy làm gì, cụ giải thích: “Những câu đối người ta vứt đi, tôi xin về may chăn cho người nghèo”. Cuốn theo câu chuyện của sư thầy về cuộc đời truân chuyên, người ta cứ ngỡ đang lạc vào thế giới của chuyện cổ tích thần kỳ.
“Tôi sinh ra vốn là một cục thịt tím đen”, sư thầy chậm rãi, “không giống những đứa trẻ bình thường khác chín tháng 10 ngày là cất tiếng khóc chào đời. Tôi thì nằm trong bụng mẹ những 13 tháng. Mẹ sinh tôi rất khó khăn: Sinh ra một cục thịt tròn vo. Bà ngoại tôi quả quyết tôi là đứa “con âm”. Thế là bà hàng xóm sang bóc cái bọc ra. Tôi suýt chết ngạt không chỉ vì cái vỏ bọc kia, mà còn vì nhau thai cứ quấn chặt quanh cổ nên không cất được tiếng khóc chào đời”, sư thầy kể.
Sư thầy tiếp lời: “Tôi vốn là đứa con được “cầu tự” ở chùa Hương. Thế nên bà ngoại tôi nói: “Không được mang chiếu rải võng ra cho nó. Chiếu để đít người ta ngồi, phải đi tìm thợ mua gỗ đóng cho nó cỗ ván con con chứ”. Kỳ lạ thay, ván vừa đóng xong, tôi đang tím đen liền đỏ hỏn. Ông thợ mộc nhanh miệng gọi: “Nó đỏ rồi, nó không đen như lúc nãy nữa”. Thế là bà ngoại chạy ra và lúc này tôi mới đạp, giãy và cất tiếng khóc chào đời!. Khi chào đời cũng là lần đầu tiên tôi chết hụt”.
Thời thơ ấu, sư thầy đã sống đi chết nhiều lần và mỗi lần như thế những chuyện lạ lùng lại xảy ra. Đến bây giờ cụ vẫn không sao lý giải nổi về chính cuộc đời mình.
Nhìn xa xăm, cụ nhớ về thời thơ ấu: “Ông ngoại tôi bảo cháu khó nuôi nhưng mà quý tôi lắm. Ông thường cho tôi vào trong nách để ủ ấm mỗi khi mặc áo ba đờ xuy bên ngoài. Ấm và ngột quá khiến có lần tôi bị chết ngạt. Thấy thế, bà ngoại tôi liền đi nắm chín nắm cơm, luộc trứng gà. Bà bày lễ lên mâm, đặt bên này chín nắm cơm, bên kia chín miếng trứng, ở giữa đốt nắm hương rồi trao cháu lắc lư sang hai bên. Ngay lập tức tôi lại cựa quậy, khóc thé lên và sống lại lần thứ hai!”.
Sư thầy vốn sinh ra trong một gia đình sùng đạo Phật ở Bắc Giang. Tên ngày nhỏ của sư thầy là bé Đỏ, tên đầy đủ là Đào Thị Đỏ. Khi cô bé Đỏ vẫn còn đỏ hỏn, bé được đón về nhà ông bà nội. “Ông bà nội rất giàu nhưng lại kiệt. Tôi lại bú khỏe nên mẹ tôi đói, mới sáng sớm đã thường mò sang nhà bà ngoại ăn cơm nguội.
Ngày ấy, tôi mà chưa muốn dậy thì ai bế dậy dù đánh cũng không thức, đặt xuống lại ngủ tiếp. Nhưng khi đã muốn dậy mà không cho dậy, thì tôi khóc đến sùi bọt mép. Có hôm mẹ mải mò đi kiếm miếng ăn nên mãi chưa về, tôi tỉnh dậy khóc đến gần tắt thở.
Biết chuyện, người làng nói ra nói vào rằng “gia đình nhà giàu có lại để con dâu sang nhà ngoại ăn chực” nên bà nội xui bố tôi đánh mẹ. Đánh nhau chán, bố mẹ tranh cướp tôi trên tay tuột hết áo, tã lót. Bà hàng xóm thấy vậy liền bế tôi sang bên ngoại. Vậy là tôi được cứu sống lần thứ ba”.
14 tháng tuổi đã ăn chay?
Việc cô bé Đỏ sinh ra đã khác lạ với người thường xôn xao cả một vùng thời ấy. Kể từ khi bố mẹ giận nhau, mẹ giận bố nên bỏ đi ở vú em, bé Đỏ từ ấy sống với bà ngoại. Có những đêm bé Đỏ khát sữa, bà ngoại quặn lòng thương nên bế cháu đi khắp xóm làng xin sữa.
Nhưng lạ một điều, dù đói và khát sữa nhưng cô bé thà chịu nhịn đói chứ nhất định không bú chực. Cứ định cho bú nhờ là bé lại oằn mình, ưỡn người ra đạp, nhất định không bú, kể cả dì ruột cũng “không thèm”. Bà ngoại của bé chỉ biết chẻ mía ra đun lấy nước ngọt cho cháu uống. Rồi khi cháu không ăn cháo, bà nhai gạo sống trong nước mắt để mớm cho đứa bé vừa sinh ra đã phải xa cha mẹ.
Khác với những đứa trẻ bình thường, cô bé không ăn được “đồ mặn” ngay từ khi lọt lòng mẹ. Cứ ăn cháo với thịt, cá, hoặc trứng là bé Đỏ ngay lập tức ốm sốt miên man. Thấy cháu ốm, ông bà ngoại càng “cháy lòng cháy dạ” tìm mua đồ đắt tiền, nào cua bể, nào tôm he ... nhưng ai ngờ cháu càng ốm nặng hơn. Mời các thầy lang đến chữa trị, thầy nào cũng lắc đầu ra về.
Không còn cách nào khác, bà ngoại sang mời hòa thượng ở chùa làng sang xem. Khi hòa thượng xoa đầu bé gái, điều lạ là bé đang sốt miên man bỗng nhoẻn miệng cười khúc khích. Bà ngoại sợ hãi liền bế cháu lên chùa và những căn bệnh biến mất từ đấy dù đồ ăn ở chùa hàng ngày chỉ là cháo trắng với nước cơm. Cô bé ăn chay từ ngày ấy.
Về mẹ của bé Đỏ, bà đi ở vú em rồi khi dành dụm được ít tiền thì xoay ra đi buôn. Chưa đi thì còn vốn, buôn rồi tay trắng trở về. Năm lên 5 tuổi, mẹ bé mang con lên Lạng Sơn cho vào ở một nhà địa chủ.
“Những ngày ấy tôi nhớ bà ngoại đến cháy lòng. Cứ chiều về, tôi lại ra phía đầu ngõ ngóng, chỉ mong được về với bà. Nhà ấy là địa chủ giàu lắm, nhưng ăn bẩn. Tôi ăn chay sạch sẽ mà nó độc ác không chịu cho tôi ăn, nó đem dao quắm ra dọa chém, tôi khiếp vía vì sợ hãi”, nhớ đến đây sư thầy nghẹn giọng dụi khóe mắt, đôi mắt cụ như còn muốn nói nhiều hơn thế.
Không cam chịu cảnh ở nhà người, cô bé quyết tâm chạy trốn. Bé Đỏ vốn thông minh, nhanh nhẹn, trong một lần người ta chở mía xuống Bắc Giang bán, bé Đỏ nhảy lên xe trốn sau một đống mía. “Tôi cứ nấp sau đống mía, đến lúc gần về nhà bà ngoại thì lại tình cờ gặp bà hàng xóm cứu tôi năm nào đưa tôi về”.
Tuổi thơ oan ức
Sống với bà được ít ngày, vị hòa thượng năm xưa cứu sống bé Đỏ nay nhận đỡ đầu, cũng vì một phần “một thầy tướng khuyên bà nên cho cháu đi tu thì mới khoẻ mạnh được. Thương cháu nhưng bà đành phải cho gửi tôi vào nương nhờ nơi cửa Phật”, sư thầy thuật lại. Bé Đỏ lúc này được các hòa thượng thụ giới, trở thành tiểu Thích Đàm Ánh tu ở một ngôi chùa tại Bắc Giang. Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, những ngày dài đói triền miên.
Có lần đứng trước tượng Phật, tiểu Thích Đàm Ánh ngây thơ khấn Phật chỉ để ước được ăn một bát cơm trắng, không phải độn sắn, độn ngô. Khổ sở nhưng tiểu Đàm Ánh thông minh vô cùng. Những ngày được học bình dân học vụ hay học Phật giáo, cô bé Đỏ toàn đỗ thủ khoa.
Trong những tháng ngày tu hành ở ngôi chùa đầu tiên, tiểu Đàm Ánh đã uất nghẹn chịu bao oan ức. Ở cái tuổi đáng lẽ được bao bọc trong vòng tay mẹ cha, nay phải nương nhờ cửa Phật còn bị người ta lại gắn ngay cái tội lấy cắp đồ thờ tự trong chùa. Bị đuổi ra khỏi chùa nhưng duyên kiếp với nhà Phật chẳng thể dứt, tiểu Ánh xin sang tạm trú ở một chùa khác. Rồi lại bị đuổi, tiểu Ánh xin sang một chùa xa hơn để nương nhờ.
Trong lúc cơ khổ nhất, tiểu Ánh đã từng bị người ta chửi rủa rằng: “Cái ngữ mày thì tu với hành cái gì”. Nhưng tiểu Ánh chỉ ngậm đắng nuốt cay và khóc thầm một mình. Hai năm sống trong oan ức, buồn khổ, một ngày tiểu Ánh được minh oan: Đồ thờ tự bỗng nhiên quay về, những tên trộm ngày nào giờ sợ hãi nhận tội. Thế mà tiểu Ánh cũng không nhận được một lời xin lỗi mà phải tự quay về xin hòa thượng nhận lại.
Một thời gian sau, sư thầy Thích Đàm Ánh về chùa Lủ (Kim Giang, Hà Nội) giữ chùa. Rồi vào những năm 1950, sư thầy Thích Đàm Ánh về gắn bó cùng chùa Phụng Thánh. Từ ngày ấy đến nay, cụ đã nuôi dạy hơn 40 sư thầy, hầu hết đều đã thành đạt và trụ trì các chùa lớn ở Hà Nội. Bất cứ trận lũ lụt nào, chưa bao giờ vắng cụ đi làm từ thiện.
“Đến nay cụ đã hơn 87 tuổi, dù đã yếu nhưng cụ vẫn ngồi ô tô vào đến tận những tỉnh miền Trung. Không phải vì danh tiếng đâu, mà đó là tâm nguyện suốt một đời tuân theo của sư thầy vì người nghèo, vì những số phận thiệt thòi trong cuộc đời”, một Phật tử của chùa nói.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự