Áo sạch cho những mảnh đời lấm lem
Nằm cách hồ Hoàn Kiếm chừng vài trăm mét, phố Quán Sứ (Hà Nội) lại tập trung rất nhiều bệnh nhân, người lao động phổ thông, người buôn thúng bán mẹt từ tứ xứ đổ về.
Cũng không có gì lạ, bởi nằm trên con phố này là Bệnh viện K Trung ương, nơi hàng ngày đón nghìn người, vạn người đau đớn, méo xẹo do trọng bệnh.
Không khó để bắt gặp cảnh bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngồi la liệt ở vỉa hè, gương mặt toát lên sự mệt mỏi và chán chường. Lẽ cố nhiên, họ chả thiết tha gì tới lời mời chào của cánh bán hàng rong. Vậy là, gánh hàng rong cũng buồn chán đến tê lòng.
Những ngày này, Hà Nội hanh hao, nắng nhưng vẫn rét khiến cho những khuôn mặt vốn nhăn nhúm lại có thêm phần tê tái, khô khốc. Vì thế, nụ cười rạng rỡ của chị buôn đồng nát mà chúng tôi bắt gặp vào chiều ngày cuối năm 2016 khiến bất cứ ai cũng cảm thấy một chút ấm lòng và xen lẫn cả tò mò.
Người dân đến lựa chọn đồ tại tủ quần áo từ thiện
Điều gì đã mang lại cho chị niềm hạnh phúc bất chợt ấy? Sự tò mò kéo chúng tôi đến với tủ quần áo đặt trên vỉa hè, trước cửa hàng số 14 Quán Sứ, nơi chị đồng nát vừa mới rời đi với chiếc áo khoác màu nâu.
Có khá nhiều quần áo đủ loại được treo cẩn thận trên kệ, chúng đều đã cũ nhưng không rách, không vá víu và đặc biệt rất sạch sẽ. Ngoài chị đồng nát đã nói ở trên, rất nhiều người dáng vẻ tương đối nghèo nàn cũng đang lựa chọn quần áo phù hợp với bản thân mình.
Họ lựa chọn một cách trật tự, không huyên náo. Nếu ưng món đồ nào đó, họ có thể lấy mà không ai ngăn cản. Tất nhiên, chúng tôi cũng để ý sự có mặt của một vài tình nguyện viên để nhắc nhở những ai thiếu ý thức, hoặc đơn giản là các tình nguyện viên này lặng lẽ nhặt những chiếc quần áo bị vứt lộn xộn xếp lên kệ cho người đến sau chọn lựa.
Qua tìm hiểu, được biết, tủ quần áo trên là hành động thiện nguyện của một nhóm có tên “Quần áo từ thiện” do anh Nguyễn Thế Cường (SN 1981, kỹ sư) khởi xướng. Với khẩu hiệu “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy” đã giúp cho những người có tấm lòng thơm thảo và những hoàn cảnh khó khăn gặp nhau.
Họ cùng nhau san sẻ, vượt qua nỗi lo toan trong cuộc sống. Đây cũng là cầu nối để cho mọi người cùng giúp đỡ các hoàn cảnh khốn khổ, để ngày qua ngày những yêu thương lại tiếp tục được đong đầy.
Nói về ý tưởng hình thành tủ quần áo miễn phí trên đường Quán Sứ và một điểm khác tại 99 Nguyễn Chí Thanh, anh Nguyễn Thế Cường tâm sự: “Cùng với nhóm bạn, tôi luôn tham gia các hoạt động tình nguyện, mang những bộ quần áo đến với bà con vùng sâu vùng xa để chia sẻ những khó khăn với đồng bào miền núi.
Trong những lần như thế, nhóm tôi gom được rất nhiều đồ, toàn quần áo lành lặn. Sau đó, mọi người đem giặt sạch, rồi ủi cho phẳng phiu, gấp gọn để khi nào có dịp là đi từ thiện. Qua tivi, báo mạng, tôi và mọi người trong nhóm thấy ở Sài Gòn họ sử dụng tủ quần áo mini để làm từ thiện cho người nghèo.
Tôi cùng các bạn thấy ở Hà Nội cũng có nhiều hoàn cảnh, mùa đông thiếu áo mặc nên mọi người đã nảy ra ý định thành lập tủ quần áo để cung cấp cho những người khó khăn, thiếu thốn”.
Quần áo do các nhà hảo tâm đóng góp được đóng gói, phân loại và giặt sạch sẽ trước khi đến với tủ quần áo từ thiện
Để thực hiện ý tưởng đó, anh Cường cùng nhóm bạn đã mua tôn, ốc vít và vật dụng để đóng thành chiếc tủ. Chi phí mua đồ và tiền công vận chuyển mất khoảng 2.500.000 đồng. Sau đó, anh cùng mọi người trong nhóm làm khẩu hiệu, quy định… rồi lên mạng xã hội chia sẻ ý tưởng để mọi người biết đến nhận và ủng hộ.
Anh Cường bộc bạch: “Hầu hết mọi người trong nhóm đều là các bạn trẻ và đã đi làm nên chỉ tranh thủ lúc buổi chiều đi làm về, mọi người đến lấy quần áo từ nhà hảo tâm.
Sau đó nhóm phân loại cái nào tốt, đẹp thì mang giặt rồi gấp gọn cho vào tủ để người nào cần đến lấy. Để cho công bằng, nhóm quy định mỗi người chỉ được nhận tối đa 2 bộ quần áo. Cái nào lấy ra xem, không vừa, mọi người gấp gọn để vào chỗ cũ cho những người đến sau”.
Không chỉ là tấm áo, vấn đề là sự sẻ chia
Trở lại với tủ quần áo từ thiện tại phố Quán Sứ, sau một hồi quan sát, chúng tôi phát hiện một người phụ nữ luôn để mắt quán xuyến mọi thứ. Chị đôn đáo các tình nguyện viên sắp xếp quần áo lên kệ, đồng thời tiếp nhận quần áo đóng góp của những nhà hảo tâm.
Chị làm việc bằng một sự tận tình, tỉ mỉ đến mức chúng tôi ngỡ rằng công việc từ thiện này là lẽ sống của chị. Sau khi tỉ tê bắt chuyện, chúng tôi biết được người phụ nữ ấy là Đỗ Thị Tuyết Mai (SN 1982), chủ cửa hàng số 14 Quán Sứ.
Là một thành viên của nhóm “Quần áo từ thiện”, chị Tuyết Mai đã tạo điều kiện để nhóm đặt tủ quần áo trước cửa hàng, đồng thời đề nghị các nhân viên trong cửa hàng hỗ trợ những người có nhu cầu lựa chọn quần áo.
Nói về công việc thiện nguyện của mình, chị Tuyết Mai nhỏ nhẹ cho biết: “Từ trước đây, tôi đã nghĩ đến chuyện cung cấp quần áo miễn phí cho những người vô gia cư, các bệnh nhân hoặc người lao động nghèo.
Nhưng sức mình có hạn, chưa biết làm thế nào. Thật tình cờ, mới đây tôi quen biết với anh Cường (tức anh Nguyễn Thế Cường - PV) và rất hứng thú với ý tưởng lập tủ quần áo từ thiện dành cho những ai cần.
Đấy là một ý tưởng tuyệt vời, dù nhiều thách thức. Vì vấn đề tự giác của người dân đôi lúc còn chưa cao, hoặc địa điểm, nhân sự để triển khai tủ quần áo thiện nguyện cũng không hề dễ dàng”.
Chị Tuyết Mai chia sẻ về ý nghĩa của tủ quần áo từ thiện
Khi tủ quần áo thiện nguyện mới đi vào hoạt động, ngoài những nụ cười hạnh phúc, chị Tuyết Mai cũng dở khóc dở cười với nhiều trường hợp hành động một cách “vô ý”.
Chị Tuyết Mai nêu ví dụ: “Không ít người chọn quần áo xong, nếu không ưng ý là họ vứt ngay xuống vỉa hè. Thậm chí, có người lấy quần áo, rồi lấy luôn cả móc áo. Đối với những trường hợp như thế, mình cũng tự dặn lòng là phải hoan hỉ. Họ vứt quần áo xuống thì mình nhặt lên, phủi sạch sẽ và treo lên kệ. Họ lấy móc áo thì mình mua thêm. Không sao cả!”.
Dần dà, ý thức của mọi người dường như thay đổi theo hướng tích cực khi chứng kiến việc làm của chị Tuyết Mai và các tình nguyện viên. Họ càng lúc càng giữ trật tự và nhường nhịn nhau.
Thêm nữa, sự lan tỏa của hành động ý nghĩa này cũng lôi kéo rất nhiều người hiến tặng quần áo cũ. Chị Tuyết Mai xúc động nói: “Cái được của tủ quần áo từ thiện không đơn giản chỉ là những chiếc áo, chiếc quần cho những người kém điều kiện.
Hơn nữa, ý thức sẻ chia của cộng đồng tăng lên cũng góp phần xây dựng một xã hội nhân văn hơn, yêu thương nhiều hơn. Đó là điều khiến tôi và nhóm “Quần áo từ thiện” vô cùng hạnh phúc”.
Nguồn tin: Tuổi trẻ & Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự