Ẩn trên núi, chơi với rắn và nghe “ma nữ” gọi tên mình
“Lên núi thì có đủ thứ để một người bình thường thấy sợ, nhưng chúng tôi không sợ gì hết, dù vẫn cảm nhận được những cái mà người ta hay sợ đó. Rắn rết nhiều, có con rắn hổ mang bành lớn ở khe đá trước thất của tôi, tôi vẫn gặp nó và sống chan hòa với nó. Nó ngóc cái cổ dài và cái bành to bóng nhẫy vảy sừng ra như chào tôi”, sư Quang Ân nói.
Có thể không phải tất cả những người chúng tôi gặp là thuộc Hệ phái Khất sỹ, nhưng cơ bản, họ đều giống nhau ở trang phục, đường tu và một niềm đau đáu muốn được yên tĩnh giữa thiên nhiên. Chỉ với hơn 70 năm hình thành, Hệ phái Khất sỹ là một trong 9 tổ chức thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hệ phái này xuất phát từ Việt Nam, chỉ Việt Nam mới có. Tổ của dòng tư này là ngài Tổ sư Minh Đăng Quang, khai sáng năm 1944. Nơi khởi phát của phái Khất sỹ là miền Tây Nam Bộ, sau năm 1975 mới có mặt ở miền Bắc. Cho nên, số lượng người “tu khổ hạnh” trên núi cao ở Vũng Tàu có tỷ lệ người ở Tây Nam Bộ đông nhất.
Họ ăn chay trường, du sơn du thủy tìm nơi thanh tịnh ẩn mình và ngồi tu. Họ không tụng kinh gõ mõ, mà thỉnh chuông. Họ chỉ ăn chay và thường đi khất thực, chúng sinh cúng đồ chay thì ăn, thường thì một ngày chỉ ăn một bữa vào lúc 12 giờ trưa. Điều này cũng giống với quy định trong giới luật từ lúc Đức Phật còn tại thế. Kinh của họ được dịch ra tiếng Việt, bằng văn vần, thường là theo thể thơ song thất lục bát cho dễ nhớ dễ thuộc. Họ cũng chủ động bỏ đi các ẩn ngữ điển tích loằng ngoằng.
Trước năm 1975, tổ sư Hệ phái Khất sỹ quy định nghiêm khắc trong giới luật: Các vị sư phái Khất sỹ thường không tu ở cảnh nào quá 3 tháng. Họ coi việc di chuyển và hàng ngày tiếp xúc với Phật tử khất thực như một cách để gần gũi, hiểu và giáo hóa chúng sinh tốt hơn.Chú thích ảnh
Một bát cơm ngàn nhà, một mình muôn dặm xa
Bây giờ, hoàn cảnh thay đổi, họ cũng tùy thời mà bỏ quy định ít nhất 3 tháng phải di chuyển một lần đi. Nhiều người “ngồi” tu trên núi Dinh, núi Thị Vải và nhiều địa danh thượng tôn thiên nhiên hoang dã khác đến cả chục năm liên tục. Điều này có thể tóm gọn trong bài kệ của Tổ sư hệ phái Khất sỹ Minh Đăng Quang, như sau:
“Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Dục cùng sanh tử lộ
Khất hóa độ xuân thu”
(Tạm dịch: Một bát cơm ngàn nhà/ Một mình muôn dặm xa/ Muốn dứt đường sanh tử/ Xin pháp, độ ngày qua).
Chúng tôi lên núi Thị Vải, hỏi thăm vị sư đã nổi tiếng ở đây là ông Thích Minh Thủy “đệ tử Năm Cam” hoàn lương, cai ma túy, giờ đi thuyết pháp trong cả các trung tâm cai nghiện để noi gương. Hầu hết các vị sư được hỏi đều không biết. Bởi họ luân chuyển liên tục, có thể ông Thủy cũng bỏ cảnh cũ mà ẩn tu nơi khác từ lâu, có thể họ cũng vừa từ nơi khác đến và lại sắp rời đi.
Đường lên núi mỗi lúc một dốc, đặc biệt là tre pheo, các dãy đá lớn liên tục án ngữ lối đi. Một vị sư già ở chùa Thượng trên núi Thị Vải thấy tôi muốn leo núi tìm các am cốc thật sự hoang vu giữa rừng với các vị sư “bôn tẩu” nay đây mai đó, thì tỏ ra rất lo lắng. Ông dặn đi dặn lại một câu: “Con nhớ là đi đâu thì đánh dấu đường mình đã đi, chụp ảnh lại càng tốt. Nhớ là đi đường nào thì về đúng đường ấy. Kẻo bị lạc đó. Ở khúc này lên núi thì không còn đường nữa. Tìm kỹ các lối mòn cỏ đang lấp dần mà đi. Vì ít người lên núi lắm”.
Nguồn tin: Tuổi trẻ và đời sống
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự