Chuyện người phụ nữ từng giàu có nhất nhì trong vùng Thanh Oai - Hà Đông một thời, bỗng nhiên bỏ cửa bỏ nhà, bỏ chồng con đi tu đã gây lên nhiều xôn xao. Người chân tu ấy là cụ Nguyễn Thị Hào, trụ trì chùa Cảnh Linh Tự, với pháp danh là Thích Đàm Hương, sinh năm 1928.
Vào những năm 1970, trong vùng Thanh Oai – Hà Đông, (Hà Tây cũ) nhiều người biết tiếng bà Nguyễn Thị Hào, một người giàu có. Bà là người đầu tiên trong vùng buôn đồng nát, lập trạm thu gom hàng cho hàng trăm người làm nghề này. Cả vùng Thanh Oai và ngoại vi Hà Đông khi đó có rất nhiều chị em đủ mọi lứa tuổi làm nghề mua đồng nát, sáng sớm đạp xe đi, chiều tối mang hàng về đổ cho đại lý thu gom của bà.
Làm đại lý thu gom đồng nát, bà đã giúp cho bao người có công ăn việc làm, tạo điều kiện cho nhiều gia đình thoát cảnh khó khăn, nhất là ở thời bao cấp. Và cũng nhờ đó mà gia đình bà đã có của ăn của để, rồi giàu lên, thậm chí thuộc vào hàng giàu có nhất nhì trong vùng.
Thời bao cấp khó khăn là thế mà gia đình bà đã làm được 7 gian nhà xây kiên cố, khang trang nhất khoảnh, tiền bạc trong két cũng rất nhiều. Công việc của bà hoàn toàn chân chính, chỉ kiếm chút lãi nhỏ rồi gộp lại thành lãi to mà thôi.
Thế rồi, đùng một cái, công việc làm ăn đang phát đạt thì bà đổ bệnh, đầu óc quay cuồng, người cứ mê mê tỉnh tỉnh, lúc tỉnh lúc điên. Chồng con, họ hàng hết sức giúp đỡ nhưng không khỏi bệnh, bao nhiêu thuốc thang cũng chẳng ăn thua gì. Đêm đêm, trong cơn mê sảng, bà thấy Phật hiện về khuyên bà phải đi tu vì căn quả ngày càng nặng.
Phật còn chỉ cho bà biết nơi bà phải đến tu hành là ngôi chùa cũ đổ nát hiện chỉ còn một cây gạo và 4 ông tượng bị gẫy tay. Đây chính là ngôi chùa ở chợ Mai Lĩnh, có tên Cảnh Linh Tự, hiện thuộc địa phận tổ dân cư số 7 khu Y Sơn, phường Đồng Mai, quận Hà Đông (Hà Nội).
Năm 1977, được sự đồng ý của chồng con và gia đình, bà Hào quyết định xuất gia. Làm theo lời chỉ dẫn của Phật hiện trong giấc mơ, bà lấy vải mưa buộc vào thân cây gạo kéo chéo ra dựng thành lều che mưa nắng cho 4 pho tượng đá gẫy tay và làm nơi tá túc của mình.
Bà ngồi trong lều này tụng kinh niệm phật suốt ngày đêm, khi nào mệt quá thì ngủ thiếp đi. Đầu óc thông thái nên đọc tới đâu nhớ tới đó, học là thấm, càng đọc kinh đầu bà càng sáng láng ra và căn bệnh quái ác dần dần biến mất mà chẳng phải uống một viên thuốc nào.
Vậy là số phận người đàn bà một thời buôn bán nổi danh giàu có đã ngoặt sang một hướng khác, bao nhiêu tiền, vàng tích cóp được bà mang ra phục dựng lại chùa, cứu khổ cứu nạn.
Thiếu gia nức tiếng Sài Gòn xuống tóc quy y
Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội truyền nhau về thông tin một vị thiếu gia trẻ tuổi có khối tài sản khó có ai có thể mơ ước được. Thế nhưng, cậu thiếu gia này đã từ bỏ tất cả những địa vị, danh vọng đó để quy y nơi cửa phật. Với pháp danh “Thiện Duyên”, hiện vị thiếu gia này đang tu dưỡng, khổ luyện tại một ngôi chùa ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Theo lời kể, sư có tên tục thế là Lâm Dung K. (SN 1982), trong một gia đình có cha mẹ là những thương gia lớn ở thành phố Vinh, (Nghệ An). Thuở thiếu thời, K. đã có cuộc sống sung túc. Là đứa con đầu lòng, K. đã được bố mẹ cho thừa hưởng nhiều khối tài sản lớn có giá trị trong nhà như nhà lầu, xe hơi, nhưng chưa bao giờ K. ỷ lại vào địa vị và danh vọng đó. Thời còn đi học, K. là một trong những học sinh giỏi của trường.
Sau khi kết thúc thời học sinh, K. lên học ở Học viện Biên phòng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Việt Nam, K. tiếp tục đi du học nước ngoài. Khi ra trường, K. được giữ lại làm việc ở nước ngoài, suy nghĩ dằn vặt mãi, cuối cùng K. quyết định từ chối trở về Việt Nam phụ giúp bố mẹ công việc kinh doanh.
Để thành thạo hơn trong việc quản lý, K. sang Trung Quốc tiếp tục theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Xong khóa học, anh quay về nước phụ công việc cùng bố mẹ. Với những kiến thức mình học hỏi ở nhiều nước khác nhau, K. đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cho việc kinh doanh và anh đã vạch ra cho mình kế hoạch cụ thể để chí hướng làm ăn, từ đó anh ngày càng thành công trong công việc, công ty ăn nên làm ra như diều gặp gió.
Thời nhỏ, sư có đam mê muốn được ngồi trên những chiếc xe phân khối lớn, lúc trước sư cũng thuộc tay “chơi” có số ở Vinh. Nhưng những chiếc xe của sư dùng cũng chưa đạt cấp độ gọi là siêu xe… điện thoại xịn… đều là của bố mẹ sư sắm cả. Sau này không đam mê nữa, sư nhường khối tài sản đó cho bố mẹ mình.
Chưa từng gặp phải bất cứ biến cố hay trở ngại gì trong cuộc sống để rồi xuống tóc như mọi người đồn đoán. Phải chăng đó là sự ngộ đạo, sự bình tâm để loại bỏ được cái gọi là danh vọng, để rồi trở thành con người tục thế.
Sư “Thiện Duyên” chia sẻ, quyết định vào cửa thiền của mình khổ luyện tuy cha mẹ không đồng ý, nhưng cũng không cấm cản sư làm điều này. Bố mẹ là người mộ đạo và am hiểu những quy tắc tu tập của hệ phái Phật giáo nguyên thủy Nam Tông nên muốn cho sư có những trải nghiệm.
Đại gia nhựa Ấn Độ bỏ trăm triệu xuống tóc đi tu
"Vua nhựa" Ấn Độ trước và sau khi đi tu.
Được mệnh danh là “ông vua” nhựa của Ấn Độ, ông Bhanwarlal Raghunath Doshi vừa từ bỏ cơ ngơi hàng trăm triệu USD để xuống tóc đi tu.
Lễ xuống tóc của ông Bhanwarlal Raghunath Doshi có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tu sĩ Jaina giáo Shri Gunratna Surishwarji Maharaj và các nhà công nghiệp hàng đầu của tỉnh Amedabad, bang Gujarat, nơi ông cư trú. Ông Doshi là trường hợp duy nhất quyết định xuống tóc đi tu khi ông đã kết hôn, đang có nhiều của cải và một địa vị xã hội nhất định.
Diksha Daneshwari Gunratna Surishwarji Maharaj - một tu sĩ Jain, người đã chấp nhận Doshi làm đệ tử thứ 108, cho biết: “Xuống tóc không phải một điều dễ dàng. Cuộc sống của một tu sĩ Jain giống như vỏ ốc xà cừ. Vỏ ốc này không được sơn bởi bất kì màu sắc nào khác”.
Ông Doshi đã xây dựng một đế chế kinh doanh nguyên liệu nhựa trị giá 100 triệu USD ở Ấn Độ. Quyết định từ bỏ sự nghiệp hàng trăm triệu USD mà ông đã kỳ công gây dựng từ năm 1982 đã khiến không ít người khỏi bất ngờ.
Lễ xuống tóc của ông Doshi được thực hiện với một đám rước dài 7 km với sự tháp tùng của 1.000 tu sĩ, 12 xe ngựa, 9 con voi, 9 con lạc đà cùng đoàn nhạc sĩ. Chi phí tổng cộng cho buổi lễ là 16 triệu USD. Nhiều tiền mặt, đồng xu bằng vàng và chìa khóa xe hơi đã được ném vào đám đông người tham dự.
Phát biểu trước quyết định này của cha mình, ông Rohit cho biết, gia đình đã mất 3 năm thuyết phục nhưng không cản được ông xuống tóc đi tu. Trước khi đi tu, cha ông cũng đã dành một phần lớn tài sản của mình cho quỹ từ thiện.
Tờ thời báo Ấn Độ tiết lộ, ông Doshi đã đặt 500 phòng khách sạn để đãi khách và chuẩn bị đồ ăn cho tất cả người tham dự buổi lễ xuống tóc của ông kéo dài trong 3 ngày. Ước tính có tới 150.000 người tham dự buổi lễ trọng đại này của ông vua nhựa Ấn Độ.
Đại gia Trung Quốc coi nhẹ hồng trần xuống tóc xuất gia
Ngày 6/8 vừa qua, trang mạng Yifeng đưa tin, sau 2 năm sống ẩn dật, ẩn sĩ núi Chung Nam Lưu Cảnh Tông cuối cùng cũng đã xuất gia. Từ núi Chung Nam ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) ông tới chùa Bao Thiền ở thành phố Mã An Sơn, tỉnh An Huy để xuống tóc.
Ông Lưu năm nay 39 tuổi, quê gốc ở huyện Tân Hưng tỉnh Quảng Đông, đã từng là tổng giám đốc của một doanh nghiệp lớn ở Phật Sơn. Trước đây ông sống cuộc đời giàu có của đại gia với khoản thu nhập mỗi năm khoảng 160.000 USD.
Tuy nhiên, hai năm trước, sau một tai nạn xe hơi, đại gia này trở nên chán nản với cuộc sống xa hoa chốn đô thị nên đã quyết định đi ở ẩn. Ông Lưu đã từ bỏ mọi chức vụ đang nắm giữ đồng thời thanh lý toàn bộ tài sản trước khi chuyển tới một khu vực hẻo lánh thuộc núi Chung Nam để tĩnh tâm.
Từ khi sống cuộc đời ẩn dật ông Lưu luôn có một nguyện vọng là tìm được một nơi thích hợp để xuất gia. Cuối cùng, 3 tháng trước ông cũng đã tìm được vị sư phụ như ý nguyện - hòa thượng Thiệu Vân, trụ trì chùa Bao Thiền.
Sư phụ Thiệu Vân đã đổi pháp danh cho ông Lưu thành Diên Định, hiệu Kế Tuệ. Sau lễ xuống tóc, ông Lưu được khoác lên người bộ tăng phục mới màu xám và giờ đây mọi người sẽ gọi ông với cái tên Diên Định.
Ngày 3/8 vừa qua là ngày xuống tóc của ông. Ông cho biết, đây cũng là ước nguyện đã lâu của ông. “Cơ duyên đã tới, ngay khi gặp được sư phụ Thiệu Vân tôi đã cảm nhận được đây chính là người sư phụ mình tìm kiếm bấy lâu nay”.
Sau khi xuất gia, với khả năng nấu nướng của mình, ông Lưu được mọi người tín nhiệm giao cho phụ trách việc nấu nướng cho chùa.
Tuy đã quy y của Phật nhưng ông Lưu khẳng định anh không có ý định sống khép kín mà vẫn giao tiếp với những người xung quanh.
"Thực tế là tôi sẽ rất vui nếu mọi người đến thăm tôi. Tôi cũng thích được quen biết thêm nhiều người để học hỏi được nhiều hơn và có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân", ông chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự