Những điều cần biết để không phải sợ bệnh lao phổi

Thứ bảy - 08/10/2016 22:35
Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh bệnh lao do vi trùng Mycobacterim tuberculosis còn gọi là trực khuẩn Koch gây ra. Bệnh truyền từ người này sang người khác và hoàn toàn không di truyền.
Những điều cần biết để không phải sợ bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi và con đường lây nhiễm
Ngày xưa, bệnh lao là một trong tứ chứng nan y, một khi đã mắc bệnh này là chỉ có chờ chết. Người ta đồn đại nhiều điều khủng khiếp về bệnh lao, thậm chí họ còn nói bệnh lao có thể di truyền từ đời này sang đời khác.

Gia đình nào có người mắc bệnh lao sẽ bị mọi người kỳ thị, cô lập. Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh bệnh lao do vi trùng Mycobacterim tuberculosis còn gọi là trực khuẩn Koch gây ra. Bệnh truyền từ người này sang người khác và hoàn toàn không di truyền.

Vi trùng lao lây chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người mắc lao phổi nói, ho hoặc hắt hơi, từ miệng, mũi họ sẽ bắn ra vô vàn những hạt dịch lỏng nhỏ chứa vi trùng lao. Số lượng các hạt dịch lỏng nhỏ xíu này lên đến 3.500 hạt khi ho và 1.000.000 hạt khi hắt hơi. Khi phát tán trong không khí, những hạt nhỏ này sẽ khô dần đi và trở thành những hạt rất nhẹ lơ lửng trong không khí một thời gian.

Ở nơi tù hãm, những hạt này còn lơ lửng trong không khí rất lâu và các vi trùng có thể sống nhiều giờ trong bóng tối. Nguy cơ lây nhiễm càng cao khi mật độ vi trùng lao trong không khí mà họ hít thở tăng lên.Chính vì vậy, những người ở gần bệnh nhân lao rất dễ lây bệnh.

Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, ẩm ướt, nhiều khi uế khí, tiếp xúc nhiều với người mang bệnh lao hoặc tiếp xúc với chất thải có chứa vi khuẩn lao như nước bọt, đờm, dãi,… sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, vật nuôi nhiễm lao,… cũng là nguyên nhân gây bệnh lao ở phổi.

Tuy vậy, vi trùng lao rất dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời. Do đó, một môi trường thông thoáng, tràn ngập ánh sáng không phải là nơi gây nguy cơ lây nhiễm bệnh lao.

Một khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, người bị nhiễm không nhất thiết phát bệnh lao. Vi khuẩn lao vẫn cứ tồn tại, sinh sôi nảy nở và phát tán đi khắp cơ thể và bị khống chế số lượng bởi hệ thống miễn dịch. Hiện tượng này được gọi là nhiễm lao.

Một khi sức khỏe yếu đi, hệ miễn dịch suy giảm, vi khuẩn lao bùng phát và gây ra bệnh lao. Thực tế mỗi người mắc vi khuẩn lao phát bệnh không giống nhau. Có người phát lao ở hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao ruột, lao xương khớp, lao hệ sinh dục - tiết niệu... nhưng có đến 80% phát lao tại phổi.
Những dấu hiệu mắc lao phổi

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh lao phổi, tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được để phát hiện bệnh kịp thời. Vì vậy, đại đa số bệnh nhân mắc bệnh lao phổi chỉ phát hiện bệnh khi đã diễn biến nặng. Những dấu hiệu dưới đây là biểu hiện sớm của bệnh lao phổi:

- Ho là triệu chứng của mọi bệnh phổi. Nhưng bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho, bạn phải nghĩ đến bệnh lao phổi.

- Ra nhiều đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi, phế quản bị dị ứng hoặc có tổn thương tại phổi, phế quản. Nhưng nếu sau khi đã dùng thuốc kháng sinh, đờm trong phổi không giảm và kéo dài trên 3 tuần thì người bệnh phải nghĩ đến bệnh lao phổi.

- Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp.

- Đau trong lồng ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi ta bị bệnh lao phổi. Ho nhiều sẽ gây ra ức chế lên phế quản, gây ra tình trạng khó thở, đau ngực.

- Người bị lao phổi thường sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều.

- Người bị lao phổi cũng hay bị ra mồ hôi trộm. Đây là tình trạng tiết mồ hôi do rối loạn thần kinh thực vật vì lao phổi gây ra.

- Người mắc lao thường chán ăn, mệt mỏi cũng là một dấu hiệu của người mắc bệnh lao.

- Gầy, sụt cân là triệu chứng đặc trưng thường gặp nhất ở người lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân và có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới lao phổi.

Cách xử lý khi phát hiện mắc bệnh lao phổi
Khi nghi ngờ mắc lao phổi, bạn nên ngay lập tức có các biện pháp tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh và đi khám, làm các xét nghiệm tại bệnh viện. Chúng ta nên lưu ý rằng vi khuẩn lao phổi rất khó bị tiêu diệt hoàn toàn, rất dễ kháng thuốc nên bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Có nhiều người sau một thời gian điều trị, thấy ăn ngon tăng cân, hết ho, hết sốt… nên cứ tưởng đã khỏi bệnh và không tái khám kiểm tra. Thực tế thì vi khuẩn lao trong cơ thể họ mới bị suy yếu, khi không bị tấn công bởi thuốc, vi khuẩn phát triển trở lại và kháng thuốc khiến bệnh vô cùng khó chữa.

Khi vi khuẩn lao tấn công ở phổi gây tổn thương như nám phổi, đau ngực, ngoài điều trị theo phác đồ của Tây y, các bệnh nhân cũng nên kết hợp dùng các phương thuốc chữa các bệnh về phổi từ dân gian.  

Bài thuốc từ cây bình bát giúp bình phục phổi trong bài viết bên là một ví dụ rất cụ thể. Tuy nhiên, để chắc chắn bệnh lao không quay trở lại, bệnh nhân vẫn cần đến bệnh viện làm các xét nghiệm. Nếu thấy không còn vi khuẩn Koch, thì ta mới có thể kết luận là đã thoát khỏi bệnh lao hoàn toàn.

(Theo Tuổi trẻ & Đời sống)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây