Tìm đến cà phê để tỉnh táo
Hoàng Mạnh Tiến (21 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) cho biết, bản thân sử dụng cà phê thường xuyên trong 3 tháng nay. Lý do là để duy trì tinh thần tỉnh táo trong đợt ôn tập cho kỳ thi cuối học phần.
Vì bận đi làm thêm nên thời gian ôn luyện của Tiến bắt đầu từ 22h đến 1h sáng - đây là khung giờ gây mệt mỏi buồn ngủ nhất. Chính vì vậy, Tiến uống cà phê để tránh buồn ngủ và tăng sự tập trung của mình. Hiệu quả thấy rõ nên tối nào nam sinh cũng sử dụng 1 - 2 cốc.
Uống nhiều thành thói quen, không chỉ sử dụng trong buổi tối mà khi đi làm Tiến cũng pha cà phê vào bình giữ nhiệt để mang theo uống. Những buổi tụ tập, gặp gỡ bạn bè, thay vì chọn các loại nước ép, sinh tố thì nam sinh cũng chọn cà phê làm đồ uống của mình.
Mạnh Tiến đi uống cà phê với bạn bè. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nguyễn Phương Thảo (25 tuổi, nhân viên kế toán), lựa chọn cà phê làm đồ uống “ruột” trong nhiều năm nay. Thảo cho hay, công việc kế toán áp lực và căng thẳng, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ có thể gặp sai sót. Để tập trung công việc cao độ và đạt hiệu quả, Thảo không bỏ đồ uống này một ngày nào.
“Thông thường một ngày mình sẽ sử dụng từ 2 – 3 cốc cà phê, trong công ty luôn có sẵn nên rất tiện. Mình biết cà phê có nhiều tác dụng bên cạnh đó cũng gây ra nhiều tác hại nhưng mình chưa có ý định sẽ dừng uống bởi vẫn đang thấy được những hiệu quả mà nó mang lại, cộng thêm chưa tìm được đồ uống thay thế” – Thảo nói.
Không nên lạm dụng
Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, caffeine được tìm thấy trong các loại hạt cà phê là một chất để cải thiện sự tỉnh táo… nếu tiêu thụ ở mức vừa phải sẽ an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây hại, thậm chí dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng.
Nếu sử dụng cà phê nhiều sẽ gây nghiện bởi chất caffeine dẫn đến sự phụ thuộc về tinh thần, thể chất. Nếu lạm dụng cà phê trong thời gian dài sẽ gây đau đầu, mệt mỏi, lo âu. Khi ngưng sử dụng sẽ gây ra cảm giác thèm, bồn chồn, khó chịu.
Theo bác sĩ Tuấn, tác hại của cà phê được biết đến nhiều nhất là mất ngủ. Nếu sử dụng không có chừng mực sẽ càng khó đi vào giấc ngủ, đặc biệt là những người uống muộn vì tác dụng của nó có thể kéo dài vài tiếng.
Chất lượng giấc ngủ không tốt ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, da lão hoá… Vì vậy chỉ nên sử dụng cà phê vào buổi sáng hoặc trưa, hạn chế buổi tối.
Bên cạnh đó, việc hấp thụ quá nhiều caffeine có trong cà phê có thể làm tăng nhịp tim khiến tim đập nhanh hơn. Thường xuyên uống cà phê khi bụng đói làm các tế bào trong dạ dày tăng tiết axit dẫn tới nguy cơ viêm loét, đau dạ dày.
Bác sĩ Tuấn đưa ra cảnh báo, phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không sử dụng cà phê bởi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non. Bên cạnh đó, không sử dụng cà phê với nồng độ quá đặc và kiểm soát lượng đường cho vào cà phê.
"Tránh uống cà phê sau 2 - 3 giờ chiều sẽ giúp cải thiện giấc ngủ. Bạn có thể thay thế cà phê bằng trà với hàm lượng caffeine thấp hơn.
Uống một lượng cà phê vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe, nhưng lạm dụng cà phê sẽ gây ra các tác dụng phụ" - bác sĩ Tuấn đưa ra lời khuyên.
Nguồn Laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự