Những cây dược liệu cộng với những cây rừng bị phá nhựa
còn ri rỉ như những giọt nước mắt thì người ta lại chuyển sang thu mua cây khác
làm những cánh rừng càng tàn tạ hơn.
Người dân xã Bằng Khánh (Lộc Bình) khai
thác cút mây
Hết cây rồi
sẽ hết rừng
Con đường lên Khu du lịch Mẫu Sơn mấy tuần nay sôi động
hẳn. Xe vừa trôi hết dốc Bản Tẳng đã phải dừng lại nhường đường cho những chiếc
xe máy, người gánh gồng. Họ cứ đi thành từng đoàn lầm lũi với gánh nặng trên
vai, gánh cây che kín cả người nhìn xa họ như những đám cỏ di động.
Dừng xe, trong tiếng râm ran của gió, cùng cái nắng xiên khoai như muốn đốt cháy đoàn người, thoảng trong gió là những tiếng loạt soạt lay động trong những lùm cây. Đến gần hơn, tiếng cây rừng bị kéo đứt kêu bùng bục, thi thoảng có tiếng cây đổ nghiêng vào trong gió như tiếng rít của vô vàn sợi dây đàn bị đứt.
Tất cả những
âm thanh ấy làm cánh rừng Mẫu Sơn sôi động, nó khác hẳn những gì vắng lặng trước
đây. Đang miên man với những suy nghĩ trước một hiện tượng khá lạ thì một bóng
người ẩn mình sau con dốc hiện ra như đội đất chui lên: “Chú gì chụp ảnh à,
thông cảm anh đi rừng quần áo thế này...” người đàn ông vừa nói vừa chỉ vào cái
gánh nặng chịch: “Cây cút mây đấy, anh làm từ trưa tới giờ chắc được 20 cân, thế
là có 40 ngàn rồi”.
Không đợi tôi kịp trả lời, anh Hoàng Văn Đài, thôn Bản Tẳng
(tên người đàn ông) cứ thao thao bất tuyệt. Qua câu chuyện tôi biết cả thôn Bản
Tẳng có trên 40 nóc nhà thì có tới trên 30 nhà đi lấy cút mây. Cút mây chẳng
biết tên khoa học, cũng chẳng ai biết tác dụng của nó là gì nhưng Trung Quốc
thu mua với giá 2.000 một kg, thế là cả làng đi vặt.
Cũng không riêng gì thôn Bản
Tẳng mà từ Đình Lập, Lộc Bình, Văn Quan, Cao Lộc người dân đều đổ xô đi vặt cút
mây làm những cánh rừng thêm trơ trụi. Theo chân anh Đài bước lên một ngọn đồi,
nơi cút mây mọc thành búi như những dây tơ hồng chằng chịt vắt ngang ngọn cây,
bò dưới đất, lan vào các khe đá.
Để lấy được 1 ngọn cút mây người ta phải kéo đổ
hàng loạt cây khác, nếu dây bò cao quá thì phải chặt cả cây, đã không ít loài
cây vô tội vì cái giá 2.000/1 cân cút mây mà phải chịu chết oan. Vung dao phang
sàn sạt vào một thân cây, anh Đài với cái dáng lênh khênh lúc này nhanh như một
chú sóc, vừa làm vừa ê a một bài then rồi nói với tôi: “Hôm nay làm có chú động
viên đỡ mệt nhiều”.
“Thế anh đi làm mấy ngày rồi”? tôi hỏi: “2 tuần rồi chú ạ,
mỗi ngày kiếm được 5 chục”. Nhìn cánh tay anh gai cào te tua, lá cút mây dính đầy
áo, trong tay anh nhựa bó cút mây chảy xuống long lanh như những giọt nước mắt làm
tôi thấy xót xa, xót luôn cho cả những vết gai cào trên tay anh. Nhưng xót hơn
có lẽ là những vạt rừng xác xơ còn lại. Để có một bó cút mây người ta phải đánh
đổi quá nhiều thứ.
Cách đấy không xa, chị Hà Thị Tập cũng đang vung dao hạ cây
để lấy cút mây. Vui miệng chị kể, ngày nào chị cũng đi rừng, cái may của chị là
đi cả tuần rồi mà chưa sao chứ hàng xóm của chị, có người vừa lên rừng, đã bị
ong đốt phải nằm viện, có người bị ngã gãy ngón tay.
Thấy tôi im lặng nhìn những
gốc cây còn ri rỉ nhựa, như đoán được ý chị Tập khẽ thở dài. Khắp các cánh rừng
dọc Quốc lộ 4B cứ đâu có cút mây thì ở đó thực bì xác xơ, cây dưới tán rừng héo
úa y như người ta đem rừng ra hơ lửa.
Cây dược liệu
không thể để bị vắt kiệt
Suốt mấy tiếng đồng hồ chứng kiến cảnh khai thác cút
mây, tôi cứ đặt dấu hỏi, liệu người ta có biết cây cút mây dùng để làm gì? giá
trị của nó là bao? Với anh Đài, chị Tập họ chỉ biết rằng mỗi cân của nó giá 2
ngàn, nhưng cái hại cho cả đám rừng thì sao?
Cầm một bó cút mây trên tay phả
mùi ngai ngái anh Đài tâm sự, cây này vặt gốc là nó chết, nhưng phải vặt cả gốc
mới nặng, mới dễ lấy và cứ thế anh lần hết từ cây này sang cây khác, sau mỗi gốc
cây bị hạ hàng loạt cây khác vạ lây, còn anh Đài như không để ý gì đến chuyện
đó, anh vừa ê a bài then vừa cùng hàng xóm thi nhau lôi, kéo, cuộn. Cả tán rừng
như quằn quại trước sức tàn phá của con người.
Trao đổi với chúng tôi anh Vi
Văn Kỷ, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lộc Bình cho biết, cây cút mây là cây bụi
nhưng không thể không quản lý vì chưa biết giá trị thực của nó. Đã từng có nhiều
loại cây người ta thu mua đến khi ngành dược liệu cần đến thì cái rễ cũng chẳng
còn. Người dân bóc ngắn cắn dài mất rồi.
Cũng theo anh Kỷ, dù chưa có văn bản
chính thức nhưng Hạt cũng đã tuyên truyền, không khai thác bừa bãi, hướng dẫn nhân
dân trồng chăm sóc để bảo tồn những cây dược liệu trong đó có cút mây. Sau nữa
sẽ đề nghị cơ quan thẩm quyền ra văn bản nhằm giữ rừng, đảm bảo tính đa dạng
sinh học. Không biết đề nghị của anh có được chấp thuận, cố gắng ấy có cứu được
rừng hay không, nhưng dù sao đấy cũng là một tia hy vọng sángtừ cái tâm của
người giữ rừng.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự