Qua các vụ sai phạm về pháo bị bắt giữ từ đầu năm đến
nay, hầu hết các đối tượng đều khai nhận vận chuyển pháo về các tỉnh phía sau
tiêu thụ. Chủ đặt hàng mua pháo cũng phần lớn là người các tỉnh miền xuôi, thuê
cư dân biên giới, người buôn bán nhỏ vận chuyển pháo vào nội địa. Khi bị bắt
thì các cơ quan chức năng chỉ giữ được cái “đuôi con thằn lằn”.
Do lợi nhuận từ
pháo mang lại quá lớn, mỗi một dàn pháo nhỏ bằng 2 viên gạch giá 40 ngàn tại
biên giới, khi vận chuyển đến Hà Nội giá đã lên tới 200 ngàn. Những năm trước,
đến gần tết tình trạng vận chuyển pháo lậu mới gia tăng, nhưng năm 2010, ngay từ
những ngày sau tết Canh Dần, việc vận chuyển pháo lậu đã diễn ra khá rộ, đặc biệt
vào thời điểm nửa cuối năm.
Cho tới nay, việc vận chuyển pháo nhập lậu vào nội
địa đã diễn ra gắt hơn, nhiều thủ đoạn hơn và khối lượng vận chuyển cũng lớn
hơn. Tính từ đầu năm 2010, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 82 vụ, thu trên
10 tấn pháo các loại.
Những vụ vận chuyển pháo lậu ngày càng tinh vi hơn, thủ
đoạn trắng trợn hơn. Có đối tượng đã dùng xe ô tô vận chuyển tới 4,7 tấn pháo.
Điều đáng quan tâm hơn, ngay trong những ngày này, các vụ vận chuyển pháo nhập
lậu diễn ra nhiều hơn so với cùng kỳ.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 thu
giữ pháo nổ nhập lậu
Điển hình ngày 15/10/2010, Công an thành phố Lạng
Sơn đã giữ 5 thùng pháo nổ có tổng trọng lượng 225 kg, qua đấu tranh khai thác
đã bắt giữ 2 đối tượng: Hoàng Anh Tuấn trú tại 5/1 đường Trần Quang Khải, phường
Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn và Hoàng Công Việt, trú tại thôn Tòng Chu 1, xã
Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, là đối tượng điều khiển xe 12H 9475, chở pháo đến
nhà Hoàng Anh Tuấn.
Ngày 24 tháng 10, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Chi cục
Quản lý thị trường Lạng Sơn đã truy bắt hai đối tượng chở pháo nổ nhập lậu, đối
tượng đã chạy tháo thân, bỏ lại trên 180 kg pháo. Cũng trong tháng 10/2010, Trạm
Kiểm soát liên ngành Dốc Quýt đã bắt 313 kg pháo các loại.
Có thể nói, những
tháng này hầu như tất cả các đội liên ngành, lực lượng Công an, Quản lý thị trường...
đều bắt, thu giữ pháo nhập lậu, số vụ bị bắt trong nội địa khá lớn. Qua đó cho
thấy, một lượng pháo nổ nhập lậu đã được vận chuyển vào nội địa, phần thu giữ
được có thể chỉ là con số khiêm tốn. Để ngăn chặn nguy cơ pháo nổ nhập lậu được
vận chuyển vào địa bàn, Ban chỉ đạo 127, Ban chỉ đạo phòng chống các hành vi
sai phạm về pháo đã tích cực chỉ đạo ngay tại thời điểm hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 127 tỉnh, việc phòng, ngăn chặn pháo nổ nhập lậu không
chỉ diễn ra trên biên giới, tập trung vào các lực lượng chức năng, mà nó phải
là công việc của cả hệ thống chính trị, cũng không chỉ chống pháo ở Lạng Sơn mà
chống pháo cả các tỉnh phía sau, nơi các đối tượng sử dụng pháo khá lớn. Để
ngăn chặn có hiệu quả không còn cách nào khác là phải có sự đồng bộ, lo xa hơn,
phòng chống từ xa. Chống pháo không chỉ chống dịp tết mà nó là công việc thường
xuyên, liên tục.
Năm 2010, cùng với cả nước, Lạng Sơn có khá nhiều ngày
kỷ niệm trọng đại, như vậy nguy cơ sử dụng pháo, sai phạm về pháo sẽ lớn hơn. Sự
ngăn chặn từ xa bằng tuyên truyền, xét xử lưu động các vụ sai phạm về pháo, cả
hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc phòng chống pháo từ bây giờ, sẽ là biện
pháp tốt nhất để ngăn chặn pháo khi mà tết dương lịch, tết Nguyên đán Tân Mão
đang đến rất gần.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự