Nhà
ở tận Bản Hu, cách trường tới 12km, chưa đến 5h sáng, em Hoàng Thị Vinh, học
sinh lớp 8 trường THCS Tĩnh Bắc đã phải dậy sửa soạn lên đường. Chớm đông, khi
mặt trời còn chưa ló rạng, vạn vật còn đang say giấc nồng, cô bé 13 tuổi nhanh
nhẹn với chiếc đuốc mà mẹ đã chuẩn bị từ hôm trước, ăn vội chút cơm buổi sáng
rồi bắt đầu guồng chân.
Từ nhà đến trường, Vinh phải qua một con suối cạn,
ngược vài con dốc, băng qua dòng Kỳ Cùng lạnh buốt, hành trình đó nếu đi quen thì
mất khoảng 3 giờ đồng hồ. “Leo đồi em không sợ, em chỉ sợ qua sông”, Vinh tâm
sự.
Tờ mờ sáng, cô bé hiếu học một mình dò dẫm băng sông, dòng Kỳ Cùng mùa này
hiền hoà thế mà nhìn cũng mênh mông đáng sợ, như chỉ chực nuốt chửng cái thân
hình bé nhỏ kia. Tới bên kia sông, quần xắn cao nhưng cũng đã ướt mất một nửa,
đôi môi tím ngắt bặm lại, lại guồng chân, ngược dốc. Trước kia học cấp I, Vinh
học tại phân trường ở thôn, lên cấp II gia đình tính cho ở trọ ngay ngoài xã
cho gần trường, nhưng Vinh không chịu.
Chị Hoàng Thị Nơi, mẹ Vinh xót xa: Nó bảo nó nhớ mẹ, nhớ em lắm không ở trọ được, ngày đầu tiên vào cấp II, nó ở trọ được 2 ngày mà khóc lên khóc xuống, nhất định đòi về, cũng mong sao nó học thành tài cho bớt cơ cực.
Mỗi ngày có cả trăm lượt học sinh ở Tĩnh Bắc (Lộc Bình) phải băng qua sông Kỳ Cùng để tới trường
Dòng
Kỳ Cùng thật “khéo” khi chia các thôn của Tĩnh Bắc thành 2 phần đều nhau chằn
chặn, bên này 5 thôn, bên kia 5 thôn. Thầy giáo Hoàng Việt Long, Hiệu trưởng
trường THCS Tĩnh Bắc tâm sự: Toàn trường có 173 em học sinh, thì một nửa trong
số đó phải vượt sông để đến trường, xa nhất cách trường tới 16km.
Đa phần các
em về trong ngày, chỉ một số ít trọ lại ở các gia đình cạnh trường. Cũng thật
dễ hiểu, ở cái xã vùng III này, đa phần đời sống của người dân còn khó khăn,
việc chu cấp cho con trọ học xem ra vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Mùa
khô còn tương đối dễ dàng, vào mùa mưa, khi dòng Kỳ Cùng thể hiện mình là dòng
cuồng lưu hung hãn thì việc dạy và học của thầy và trò ở Tĩnh Bắc còn khó khăn
gấp bội.
Nước lên cao, học sinh bên kia sông phải nghỉ dài ngày, kế hoạch giảng dạy của nhà trường lại phải thay đổi cho phù hợp và bố trí dạy bù ngay khi có thể, để các em có thể theo được chương trình. Năm nào cũng vậy, mùa nước lên nhà trường liên tục phải nhắc nhở phụ huynh phải đưa con em mình qua sông, không được để chúng đi một mình và cũng thật may mắn, nhiều năm qua chưa có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
Học
sinh cấp 2 phải lội sông đã đành, ngay cả những em cấp I cũng không tránh khỏi.
Trưởng tiểu học Tĩnh Bắc vốn có 3 phân trường và một điểm trường chính, như vậy
để tới trường vẫn có em phải qua sông. Ngày nào cũng vậy, gần giữa trưa, khi đã
tan học ở phân trường Tiểu học Bản Quyên, Nông Thị Nhung, học sinh lớp 1 lại bì
bõm qua sông về nhà mình ở thôn Tằm Hán.
Nước ngập đến đầu gối người lớn, thì các em, nước phải ngập đến bụng. Ngày thường cha mẹ đưa đi, hôm nay ngày mùa, mọi người trong gia đình bận rộn, Nhung về nhà một mình. Cô nhóc lũn cũn cố xắn quần thật cao, sách vở giơ ngang đầu cho khỏi ướt, cắm cúi, mải miết, dường như Nhung đã quen đường nên chẳng cần ngẩng lên nhìn. “Có gì đâu mà sợ hả chú, nước chưa ngập tới cổ, tới mũi mà”, cô nhóc ngây thơ nói, hai hàm răng va vào nhau lập cập vì ướt và lạnh.
Để
mang được con chữ đến với các em ở nơi đây, các thầy cô giáo cắm bản ở các phân
trường cũng chịu lắm gian truân. Như ở phân trường Bản Hu, có 5 cô giáo, nước
cạn thì mỗi tuần ra thị trấn Lộc Bình mua nhu yếu phẩm một lần, mùa mưa, các cô
dự trữ đủ dùng trong 1 tháng. Cô giáo trẻ Lương Thị Kiêm ở phân trường này được
1 năm, nhà cô ở tận xã Vân An (Chi Lăng), xa xôi cách trở thế nên về thăm nhà
là cả một điều xa xỉ với Kiêm.
Vào đến trong này, cô đã phải hy sinh rất nhiều
thứ, ngay cả hạnh phúc riêng tư cũng chẳng mấy khi nghĩ tới, 26 tuổi, xinh đẹp,
duyên dáng, cô giáo Kiêm vẫn chưa có một nửa của riêng mình. Mải miết với những
suy nghĩ mông lung, quá trưa, tôi vẫn quanh quẩn bên bến sông Tằm Hán, chợt có
tiếng gọi, thì ra là cô giáo phân trường Bản Hu, Vi Thị Pít, có đã có 6 năm gắn
bó với Tĩnh Bắc, trong đó 3 năm gắn bó với Bản Hu.
Hôm nay cô giáo Pít dạy xong rồi ra thị trấn để hội giảng, nào cặp sách và lỉnh kỉnh những thứ khác, loay hoay giữ chiếc xe máy cà tàng gọi người hộ đẩy qua sông, đến tội. Gió hai bên bờ ngày càng thổi mạnh, nước sông càng trở nên lạnh buốt, gò lưng cùng cô giáo đẩy xe qua sông, chợt nghĩ sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bỗng dưng thấy cay cay nơi sống mũi…
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự