Học sinh trường Trung cấp nghề Việt Đức trong giờ thực hành
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặc biệt nhấn mạnh về trí thức hóa giai cấp công nhân (GCCN) trong thời kỳ CNH-HĐH. Cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường nhận thức rằng, mục tiêu, yêu cầu này phải được thực hiện từ trong nhà trường, trước hết là trường nghề.
Căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng của nhà trường, trong những năm qua, Trường Trung cấp nghề Việt Đức đã thực hiện 2 nhiệm vụ song song, đó là đào tạo nghề các hệ trung cấp, sơ cấp và dạy nghề cho lao động nông thôn. Với lưu lượng đào tạo 300 lao động có trình độ trung cấp, hàng trăm lớp sơ cấp, ngắn hạn và hàng ngàn lao động nông thôn mỗi năm, chất lượng “đầu vào” cũng còn yếu kém về mọi mặt, như tâm lý, thói quen của lối sống tùy tiện, tự do của học viên, nhất là học viên vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với họ, đến với nhà trường chỉ cần học được một nghề nhất định, coi đó là “chiếc cần câu cơm” trong cuộc mưu sinh. Họ đâu biết rằng, để hành nghề trong giai đoạn CNH-HĐH, người công nhân không chỉ giỏi về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, mà cần có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tác phong công nghiệp, kỹ năng giải quyết các vấn đề, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa (nhất là làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…) và khả năng thích nghi nhanh với các môi trường làm việc khác nhau.
Vì vậy, song song với dạy cho học viên đạt được một trình độ nghề theo hệ đào tạo, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, kỹ năng sống và làm việc… được nhà trường coi trọng. Theo chương trình của Tổng cục Dạy nghề, học viên có ít nhất 1/3 thời lượng dành để bồi dưỡng, giáo dục đạo đức pháp luật nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng.
Bởi vậy, dưới sự chỉ đạo của Sở Lao động- TBXH, nhà trường tiến hành đổi mới công tác dạy nghề ngay từ bước “tự thân” như lựa chọn và bồi dưỡng giáo viên, đổi mới giáo án giáo trình, tăng cường thực hành nghề và dạy học theo phương pháp tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, đến nay trên 80% giáo viên đã đạt chuẩn và các giáo trình đã được biên soạn theo chương trình chung của toàn quốc.
Đối với học viên mới tựu trường, song song với việc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho họ, nhà trường vừa quán triệt ý thức tổ chức kỷ luật, nội quy nhà trường, vừa động viên khuyến khích học viên, tạo cơ hội cho họ tự bộc lộ mình, trên cơ sở đó có những phương pháp phù hợp.
Vừa tiếp thu nghề, vừa được bồi dưỡng về đạo đức nghề, qua 3 năm học (đối với hệ trung cấp) học sinh của nhà trường đã trưởng thành về nhiều mặt. Họ không những đạt trình độ nghề theo yêu cầu, mà từng bước hình thành “văn hóa nghề”, tức là năng lực hành nghề, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, kỷ luật và tác phong công nghiệp.
Nếu những năm trước đây, tại các khu công nghiệp trong nước và lao động xuất khẩu, lao động Lạng Sơn nói chung và học sinh trưởng thành từ nhà trường nói riêng thường bị chủ doanh nghiệp kêu ca phàn nàn về ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, thậm chí cả về đạo đức lối sống, vì vậy thường bị “ mất điểm” đối với các nhà tuyển dụng. Thì hiện nay, sự tiến bộ đã và đang dần được ghi nhận.
Mỗi năm có trên 300 học viên trình độ trung cấp, hàng ngàn học viên các hệ sơ cấp, ngắn hạn… ra trường, đã có trên 90% được tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp phía nam và các tỉnh đồng bằng, xuất khẩu lao động hoặc tự vay vốn tạo việc làm với các nghề như điện công nghiệp, may, gia công kim loại, lắp ráp. Bằng nhiều kênh khác nhau, nhà trường theo dõi mỗi bước tiến bộ của học viên, đặc biệt là ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong, lối sống… để rút kinh nghiệm trong quá trình đào tạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Anh Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, với đặc thù của thanh niên miền núi, biên giới, dân tộc với nền sản xuất nông lâm nghiệp phân tán, lạc hậu theo tính chất tự cung tự cấp, sự tiếp cận với CNH-HĐH còn ít, thì việc đào tạo bồi dưỡng về học vấn, kỹ năng, khả năng tiếp cận và thích ứng với môi trường làm việc dây chuyền mang tính chuyên môn hóa cao, cũng như ý thức tổ chức kỷ luật… cho NLĐ còn gặp nhiều khó khăn.
Trước yêu cầu của việc đổi mới công tác đào tạo nghề, nhà trường còn nhiều việc cần làm. Trước hết cần nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo…Có như vậy, nhà trường mới bổ sung được cho giai cấp công nhân những người có đầy đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện công cuộc CNH-HĐH.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự