Từ khi tham gia Hội làm vườn huyện Bắc Sơn vào năm 2016, năm nào ông Dương Hữu Bắc, thôn Trí Yên, xã Bắc Quỳnh cũng được tham gia từ 1 đến 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi do Hội làm vườn phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức. Ông Bắc cho biết: Năm 2018, tôi chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng thanh long và bưởi da xanh. Nhờ được tập huấn, tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm để trồng, chăm sóc cây ăn quả với diện tích 7 sào. Cùng đó, năm 2019, tôi được Hội làm vườn huyện lựa chọn tham gia mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả. Theo đó, tôi được hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn của gia đình, từ đó, giảm sức lao động, tiết kiệm được thời gian. Từ năm 2020 đến nay, vườn đã cho thu hoạch quả, mỗi năm, tôi thu về khoảng 50 triệu đồng từ trồng thanh long và 15 triệu đồng từ trồng bưởi da xanh.
Hội viên Hội làm vườn huyện Bắc Sơn chăm sóc cây ăn quả
Ngoài hộ ông Bắc, thời gian qua, nhiều hội viên của Hội làm vườn huyện đã được hội lựa chọn để triển khai mô hình tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội làm vườn huyện đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hỗ trợ 50 hộ tham gia mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả có múi như: quýt, cam, bưởi, với diện tích 85 ha. Qua triển khai mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm được lượng nước tưới từ 40% đến 50% so với cách tưới truyền thống trước đây. Đồng thời, mô hình cũng tiết kiệm điện, hạn chế rửa trôi bề mặt đất, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm lượng phân bón và hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Hội làm vườn huyện Bắc Sơn được thành lập từ tháng 9/2016. Hiện hội có 135 hội viên ở các chi hội như: Nhất Hòa, Vũ Sơn, Chiến Thắng, Đồng Ý, Bắc Quỳnh. Trong thời gian qua, hội đã lựa chọn hội viên là những người sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tham gia thực hiện các mô hình có ứng dụng công nghệ để làm điểm tham quan và nhân rộng trong hội viên, nông dân. Đồng thời, làm đầu mối chia sẻ thông tin kỹ thuật, thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Từ năm 2016 đến nay, hội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tuyên truyền, tổ chức tập huấn (15 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật), vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất đem lại hiệu quả. Với một số mô hình hiệu quả như: mô hình cánh đồng mẫu gieo thẳng lúa bằng giàn sạ kéo tay, sử dụng phân viên nén nhả chậm tại xã Bắc Quỳnh, năng suất tăng cao hơn 20% đến 25% so với cấy và bón phân theo kiểu truyền thống; mô hình sản xuất quýt vàng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 174 ha; mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng theo quy trình VietGAP tại xã Bắc Quỳnh với 40 ha…
Ông Dương Đức Cường, Chủ tịch Hội làm vườn huyện Bắc Sơn cho biết: Cùng với việc phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế, hội đã tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, góp phần thay đổi nhận thức của hội viên trong sản xuất. Nhờ đó, phong trào phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đời sống của hội viên từng bước được cải thiện, một số hội viên đã có thu nhập cao, ổn định.
Hiện nay, Hội làm vườn huyện Bắc Sơn có trên 100 mô hình sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có trên 80 mô hình đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng trở lên, có những mô hình đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng như: mô hình trồng cây cam canh của ông Dương Đình Đồng (xã Bắc Quỳnh).
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Hội làm vườn huyện Bắc Sơn là hội tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên trong phát triển kinh tế. Từ đó, giúp hội viên áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao, giúp nâng cao đời sống hội viên.