14 năm tham gia hoạt động từ thiện xã hội, trong đó có mô hình đào tạo nghề, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trồng hoa quả và rau tại chùa Kỳ Quang (Gò Vấp) và quận 12- Tp Hồ Chí Minh đã góp phần mang lại thu nhập cho hàng trăm trường hợp cơ nhở đặc biệt khắp các tỉnh phía Nam, trong đó có hơn 200 người khiếm thị.
Từ uy tín của đại đức Thích Quang Hạnh, một số cá nhân hữu tâm đã tự nguyện cống hiến phần đất nói trên để xây dựng nên một cơ sở thoáng đẹp rộng rãi, toạ lạc ở một vị trí khá thuận tiện giáp quốc lộ 20.
Từ chân đèo Madaguôi đi nguợc về hướng phải vài cây số, chúng ta sẽ bắt gặp một trạm đỗ xăng nhỏ, cạnh đó vài mét là 03 tượng Phúc-Lộc-Thọ to và đẹp- nơi án ngự của cơ sở bảo trợ xã hội Madaguôi với sân bãi thoáng rộng nằm lưng chừng trên một ngọn đồi thơ mộng.
Hiện tại sau gần hai năm xây dựng, cơ sở đã hình thành các hạng mục chính như: nhà tiếp đón, nhà ăn, nhà nghỉ ngơi, nhà tập luyện sức khoẻ, các phòng học nghề, khu vệ sinh… với cách bài trí và xây dựng khang trang, ngăn nắp.
Toàn bộ kinh phí đều do các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đóng góp. Trong đó có cụ Phạm Hoàng Như năm nay 78 tuổi ở địa chỉ 33-35 Nguyễn Bảo, quận Gò Vấp Tp. Hồ Chí Minh. Chân đi không vững nhưng trong buổi khai trương cơ sở vào sáng mồng 04.01.2009 vừa qua, Cụ hân hoan lần bước theo lối dẫn vào từng khu vực để xem xét, tham quan với ánh nhìn mãn nguyện.
Cụ cho biết, hơn chục năm nay, qua theo dõi và cộng tác với đại đức Thích Quang Hạnh nên cụ và nhiều thân hữu rất tin tưởng để quyên góp kẻ công người sức xây dựng nên cơ sở mới này.
Còn ông Vũ Khắc Hiện vốn là một cán bộ đã về hưu, từng là Tổng giám đốc một Công ty trực thuộc bộ Thương mại tại văn phòng 02 phía Nam, hơn hai mươi năm trước đã có quan hệ hợp tác tiêu thụ sản phẩm của người khuyết tật, cơ nhỡ được nuôi dưỡng tại chùa Kỳ Quang.
Khoảng thời gian động hành cùng các nhà tu có tâm nguyện trong sáng ấy đã khiến ông không ngần ngại đứng ra chung tay tạo lập cơ sở này, với tư cách là giám đốc mới.
Còn bà Lâm Thị Kim Kiều- sáng lập viên cũng là một nhà hoạt động từ thiện đầy tâm huyết, tuy gia cảnh khác đặc biệt nhưng giờ đây bà cũng tình nguyện tham gia vào công việc quản lý trực tiếp ở cơ sở mới này.
Bà cho biết, trong nay mai cơ sở sẽ hình thành một điểm dừng chân dành cho du khách từ Tp. Hồ Chí Minh lên Đà Lạt và ngược lại, một nhà hàng nhỏ góc bên phải cơ sở nằm giáp mặt lộ sẽ trở thành nơi khách thưởng thức trà, súp chế biến từ các loại nấm và trưng bày các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do cơ sở sản xuất.
Dù là một cơ sở bảo trợ xã hội, hiện đang rất được nhiều sự quan tâm của chính quyền sở tại, sự ủng hộ của nhiều nhà Mạnh Thường Quân phía Nam, nhưng phương châm hoạt động chính của cơ sở đó là gắn kết giữa hoạt động xã hội với hoạt động đào tạo nghề và tiêu thụ sản phẩm để nuôi sống về lâu dài cho cơ sở.
Trước mắt đã có Công ty Nấm Đôna-Gò Vấp đứng ra tài trợ một nhà nấm trưng bày tại chỗ, tương lai sẽ phổ biến kỹ thuật nuôi trồng rộng rãi cho bà con địa phương, phần kinh phí thu được từ việc buôn bán công ty này sẽ trích lại một phần giúp cơ sở hoạt động.
Ban giám đốc cũng cho biết, sau khi cơ sở chính thức ra mắt, nhiều Mạnh Thường Quân sẽ trực tiếp tham gia đóng góp thêm về trang thiết bị dạy nghề, phục hồi chức năng, đồng thời tiêu thụ sản phẩm của cơ sở, như: đan lát, chổi, trái cây, rau quả…đối với các thành viên là người khiếm thị sẽ được học nghề bấm huyệt- massage chữa bệnh, phần lớn số em đã được đào tạo tại tp. Hồ Chí Minh sẽ trở thành cộng tác viên chính tại đây.
Cơ sở cũng đã quy tụ một đội văn nghệ gồm các thành viên khiếm thị, đàn và hát rất hay, có thể sẽ tham gia phục vụ giao lưu với các đoàn khách mỗi khi có dịp ghé qua. Nghe các em đàn và hát thật truyền cảm các bài hát về cha mẹ, quê hương và mùa xuân…, đông đảo quan khách là các nhà quản lý đến từ Bộ Lao động thương binh xã hội, UBND các quận, huyện tại Tp Hồ Chí Minh và huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, các nhà từ thiện không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
Cố vấn thành lập cơ sở- đại đức Thích Quang Hạnh cho biết: trừ những em khuyết tật không còn sức lao động hoặc quá hạn chế về trí não thì cơ sở sẽ nuôi lo vĩnh viễn, những trường hợp còn lại tuỳ theo yêu cầu và điều kiện sẽ được các doanh nghiệp hứa nhận vào làm việc sau thời gian được đào tạo nghề, học tập văn hoá. Ở đây chúng tôi cũng luôn chú trọng đến việc bồi bổ tinh thần, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ cho các em vì hơn ai hết các em là những ngưiơì rất thiếu thốn tình cảm.
Tết này, cơ sở cũng đã có kế hoạch cho các em vui chơi, đi tham quan ở một số nơi. Chính quyền địa phương cũng đã có nhã ý cho phép chúng tôi nhận thêm một số diện tích đất rừng để giao khoán quản lý bảo vệ, khi có quyết định chính thức, các doanh nghiệp là thành viên tán trợ của cơ sở chắc chắn sẽ sẵn sàng tham gia ủng hộ. Nguyện vọng và mục tiêu lớn nhất của cơ sở là mang lại tình thương, sự chia sẻ của cộng đồng cho những trẻ em bất hạnh, khó khăn ở vùng sâu vùng xa, trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Xuất phát từ mục tiêu sát đúng và uy tín lớn trong tổ chức hoạt động nên tới đây đại đức Thích Quang Hạnh còn được Nhà nước cấp cho 02 ha tại xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà, tỉnh KonTum để tiếp tục lập một cơ sở tương tự. Một mái ấm mùa xuân đang thành hình trên vùng đất phía Nam Lâm Đồng, mang lại bao nhiêu tia sáng hy vọng cho những cuộc đời nhỏ bé trong xã hội.
Em Hưng- một thành viên của cơ sở cứ nắm chặt tay tôi không rời: “Tết này các cô các chú nhớ xuống chơi với cơ sở của tụi con nghen”…
Một mùa xuân nhân ái đang thắp lên từ trong ánh mắt nhìn của một người khiếm thị như em làm tôi chợt nhớ lại một câu nói rất tâm đắc của thầy Thích Quang Hạnh: “Người hạnh phúc nhất là người mang lại nhiều hạnh phúc nhất cho người khác!”.
Chắc chắn từ mái ấm tình thân này, mùa xuân và niềm hạnh phúc sẽ đem đến cho nhiều cuộc đời không may mắn ở địa phương huyện Đạ Huoai nói riêng cũng như tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Hình ảnh tại buổi ra mắt cơ sở đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật
Hình ảnh tại buổi ra mắt cơ sở đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật
Những hạng mục của cơ sở đang tiếp tục được xây dựng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự