Và bây giờ chúng tôi lại có dịp đi tổ chức những buổi lễ HẰNG THUẬN cho tín đồ Phật tử.
Phái
đoàn của chúng tôi là những tăng ni trẻ của Học viện Phật giáo Việt Nam
tại thành phố Chí Minh, đặt chân xuống thành phố biển Phan Thiết vào
một sáng sớm mùa thu. Nhìn phong cảnh hữu tình thoáng đảng với những
đợt sóng rì rào ngàn năm còn vỗ của biển khơi, đã nói lên rằng con
người nơi đây thật hiền hòa chất phác, và chính đức tính giản dị thuần
lương đó mà nơi đây biết bao tâm hồn đã quay về hướng thiện, nương vào
ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng trở thành những người Phật tử nồng cốt hộ
trì đắc lực cho Tam bảo.
Đứng
dưới ngọn đồi nhìn ra biển cả, căn nhà ba tầng thật tráng lệ uy nghiêm
sừng sững giữa hai mùa mưa nắng. Dưới tầng trệt nhộn nhịp với những dãy
bàn dài đãi tiệc, những bản tình ca được vang lên bên những chiếc loa
đã dựng sẵn. Còn trên lầu ba, buổi lễ Hằng Thuận được diễn ra trong
không khí trang nghiêm và long trọng.
Trên
bàn chứng minh và hai bên tả hữu là quý thầy, quý sư cô. Cô dâu Mai
Trâm và chú rể Việt Tiến cùng gia đình thân thuộc hai bên cũng có mặt,
tất cả họ đang quỳ dưới chân đức Phật, chắp tay búp sen hướng lòng về
Tam bảo dâng trọn vẹn niềm tin. Lời kinh cầu nguyện vang lên như con
sóng ngoài khơi từng đợt vỗ vào bờ cát trắng. Lời dẫn chương trình của
ĐĐ Thích Tuệ Minh trầm ấm, nhẹ nhàng mà sâu lắng, như rót vào tai của
tất cả những người thân và cô dâu chú rể lời nguyện cầu hạnh phúc mai
sau.
“Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết gặp lại không!
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau”
ĐĐ
Thích Quảng Lợi đại diện cho chư tăng nói lời huấn thị. Ngôn từ chất
phác, hiền hòa của đại đức đã rót vào tai của những bậc làm cha làm mẹ,
làm vợ làm chồng qua từng bổn phận khác nhau. Như vợ đối với chồng phải
làm sao? Chồng đối với vợ phải như thế nào? Rồi bổn phận của người con
dâu đối với gia đình chồng, bổn phận của chàng rể đối với gia đình vợ…
Hôm
nay là ngày lành tháng tốt, gia đình phật tử Nguyên Hương cung thỉnh
chư tôn thiền đức tăng ni về tư gia để chứng minh cầu phúc cho hai cháu
là Việt Tiến và Mai Trâm.
Giờ này, Việt Tiến và Mai Trâm quỳ lắng nghe Thầy đại diện cho chư tăng có vài lời khuyên bảo nhân ngày Hằng Thuận của 2 con.
Đầu
tiên Thầy thành tâm cầu nguyện mười phương chư Phật, Bồ Tát gia hộ cho
đời sống của hai con được luôn luôn và vĩnh viễn an lành.
Bổn
phận làm cha mẹ, nuôi con khôn lớn, đến tuần cặp kê, định đôi bạn, lựa
chọn nhà có đức hạnh nhân từ, con hiền cháu thảo, để gây dựng hạnh phúc
cho gia tộc, duy trì dòng giống con Lạc cháu Hồng.
Vậy,
muốn lập nên gia nghiệp với đời, cần phải có chồng có vợ, đồng ưu cộng
tác, trên thuận dưới hòa, thì chắc chắn gia – nghiệp được thành tựu.
Nên sách có câu : “Phu Phụ hòa gia đạo thành”. Vợ chồng hòa thuận cùng
nhau đồng một lòng thì dù biển đông tát cũng cạn. Vậy, hai con làm sao
ăn ở cho có nhân, có nghĩa, có đức, có hạnh; chồng hòa vợ thuận thì
đường đời sẽ được vinh quang. Để xứng đáng là người Phật tử, trong đời
sống hằng ngày thì hai con phải tôn trọng danh dự nhau, nhắc nhở nhau,
lúc nào cũng phải chung thành với nhau, phải nghiêm khắc lấy mình và
khoan dung cho bạn.
Ngoài ra, phải tôn kính cha mẹ và các bậc trưởng thượng, thương yêu nâng đỡ cho đàn em, nhất là góp phần phụng sự Tam Bảo.
Giờ đây, thầy xin nhắc nhở Việt Tiến và Mai Trâm để biết bổn phận mà làm. Như trong kinh Thiện Sanh Đức Phật đã dạy :
- Bổn phận vợ đối với chồng nên như thế nầy :
Luôn
luôn phải kính yêu và hòa thuận với chồng. Khi chồng ra đi và lúc trở
về, vợ phải đón đưa niềm nở. Khi nào chồng có nóng giận nặng lời, vợ
không nên bừng mặt cãi lẫy, làm cho mất vẻ thuận hòa. Khi nào chồng có
lời khuyên dạy chánh đáng, vợ phải tuân theo, luôn luôn phải trung
thành nhau, giữ gìn tiết hạnh, không được ngoại tình. Đó là bổn phận
làm vợ đối với chồng.
- Bổn phận làm chồng đối với vợ phải nên thế này :
Khi
vợ ra đi và lúc trở về, chồng phải đón đưa niềm nở. Phải ăn uống có giờ
khắc để vợ khỏi phải phiền lòng, vì nấu nướng không chừng mực. Phải tùy
nghèo giàu phận mình, cho vợ được mua sắm áo quần và đồ trang sức vừa
theo sở thích, không nên hẹp lòng làm trái ý vợ. Phải tin cậy vợ mà phó
thác cho công việc nhà. Không được sanh tâm tà bậy, sớm mận tối đào,
làm cho vợ ghen tương sầu khổ. Đó là bổn phận làm chồng đối với vợ.
- Bổn phận làm dâu đối với cha mẹ chồng phải như thế nầy :
Phải
có lòng hiếu kính cha mẹ, tùy thuận lời cha mẹ dạy bảo, không được cãi
lại. Phải ngủ sau dạy trước, lo cơm nước chu đáo. Phải làm các công
việc nặng nhọc trong nhà cho cha mẹ. Phải luôn luôn nhớ đến công ơn
sanh thành dưỡng dục chồng mình, mà bổn phận làm dâu con có trách nhiệm
nối dòng dõi cho gia nghiệp chồng. Khi cha mẹ chồng có đau ốm, làm dâu
con phải chăm nôm thuốc thang, thay đổi thức ăn uống, cầu cho cha mẹ
chóng lành khỏi, để trong nhà được an vui. Đó là bổn phận làm dâu đối
với cha mẹ chồng.
- Bổn phân làm con rể đối với cha mẹ vợ, nên phải thế nầy :
Phải
có lòng kính yêu cha mẹ vợ như cha mẹ mình. Có mặt hay không có mặt cha
mẹ vợ không nên có một lời bất bình hoặc bất kính. Phải nhớ công ơn cha
mẹ vợ có công sanh thành dưỡng dục vợ mình, coi như vàng ngọc mà đem
ban cho mình. Khi cha mẹ vợ cần đến việc gì nhờ con rễ, hãy vui vẻ sẵn
sàng, không sợ khó nhọc. Đó là bổn phận làm con rể đối với cha mẹ vợ.
Vậy
có mấy lời thay mặt Chư Tăng, Thầy xin khuyên hai con nhớ gắng ghi mà
thực hành thì sẽ được vui vẻ suốt đời, bá niên giai lão, để nối truyền
gia nghiệp, được hiển Tổ vinh Tông, làm cho gia tộc sum vầy, vinh quang
cho hai họ.
Cô
dâu và chú rể phủ phục trước án tiền đón nhận lời huấn thị thân thương,
những lời pháp gắn kết lòng chung thủy, tình yêu thương mặn nồng cho
ngàn năm hạnh phúc còn vang mãi. Đối trước Phật Đà và chư tăng, cô dâu
chú rể đã đọc lời phát nguyện:
1. Chúng con nguyện suốt đời yêu thương nhau, đùm bọc nhau và luôn tôn trọng lẫn nhau.
2.
Chúng con nguyện cùng nhau nuôi dưỡng con cái đào tạo cho chúng nên
người tốt, hy sinh nuôi con cái như cha mẹ chúng con đã hy sinh nuôi
chúng con.
3.
Chúng con cùng nhau ghi nhớ công ơn dưỡng dục cao dày của cha mẹ. Kể từ
nay, cha mẹ của mỗi chúng con là cha mẹ chung. Chúng con xin nguyện
cùng nhau báo hiếu để đền đáp phần nào công ơn như trời cao biển rộng
của cha mẹ.
4.
Chúng con xin vâng theo lời Phật dạy, cùng nhau thực hiện hạnh từ bi,
giữ gìn cho nhau nếp sống lành mạnh, cố gắng làm những việc phước đức.
5.
Chúng con biết rằng có như thế chúng con mới tạo dựng được bầu không
khí thuận hòa trong gia đình, mới cùng nhau vượt qua được những khó
khăn trở ngại để đem lại hạnh phúc cho nhau. Xin nguyện đức Bổn Sư từ
bi chứng minh gia hộ cho chúng con.
Khi
nghe qua lời phát nguyện chân thành giản dị mà cô dâu chú rể dành cho
nhau, đâu đó trên khóe mắt của người mẹ đã lăn dài đôi giọt lệ hạnh
phúc yêu thương. Họ là những bậc làm cha làm mẹ một đời mòn mõi theo
bước chân con. Sanh con ra nuôi con nên vóc nên hình, con chưa đáp trả
thâm ân thì cha mẹ lo gầy dựng vợ chồng cho con. Niềm hạnh phúc lớn lao
của hai đấng sanh thành chính là lúc thấy con mình được vui vầy hạnh
phúc trăm năm. Lời nói của bà nghẹn ngào trong niềm vui hạnh phúc. “Mẹ không dám mơ ước cao sang, chỉ cầu mong hai con thương yêu nhau, đùm bọc nhau cho đến ngày răng long đầu bạc…”
Giây phút trao nhẫn diễn ra trong thiêng liêng, trang trọng. ĐĐ Thích Tuệ Minh nói về ý nghĩa trao nhẫn:
Thầy cầm nhẫn và nói:
Đây
là bảo vật, nó là chất vàng, vàng này có đặc tính kiên cố. Trong khi
tặng đây, thầy mong hai con đạo tâm kiên cố như chất vàng này.
Vàng này có đặc tính tốt đẹp, mong hai con có hành vi, ngôn ngữ tốt đẹp như chất vàng này.
Vàng này có đặc tính sáng suốt, mong hai con luôn luôn được sáng suốt trên đường đời cũng như trên đường đạo.
Đây, Thầy thay mặt cho tất cả tặng cho hai con bảo vật này để làm kỷ niệm trăm năm được tươi sáng và xinh đẹp.
Hai chiếc nhẫn này có ý nghĩa như sau:
1. Kỷ niệm ngày thành hôn của hai con.
2.
Biểu trưng cho lòng trung tín và bảo vệ cho hai con nhẫn nhục tuyệt đối
trong đạo vợ chồng. vậy hai con sau khi đeo nhẫn cho nhau phải tương
bái với nhau để tỏ lòng kính quý với nhau trong đạo phu thê.
Sau
khi nói xong ĐĐ Thích Quảng Lợi cằm nhẫn từ tay ĐĐ Thích Tuệ Minh trao
cho cô dâu và chú rể, hai vị đã thứ tự đeo nhẫn cho nhau dưới sự chứng
minh của chư tôn thiền đức Tăng Ni và sự chứng kiến của đông đủ hai họ.
Có lẽ cả cô dâu và chú rể đều hiểu: kể từ giờ phút này hai mãnh đời đã
gắn kết vào nhau bằng một sợi giây vô hình buộc chặt. Cả hai đứa từ đây:
“…Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở mỗi bên phải trái
Nhưng anh yêu em (và em cũng yêu anh) bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung”
Không
biết mai này cuộc sống của họ rồi sẽ ra sao! Cũng không ai dám chắc
được rằng chuyện trăm năm của họ là vĩnh hằng theo năm tháng. Nhưng hơn
bao giờ hết lúc này đây chính quý thầy đã tiếp sức cho họ định hướng
được cho mình một cuộc sống ở tương lai. Để nhận ra chuyện hai đứa có
trăm năm đầu bạc? Nguyện cầu cho tình yêu của họ mãi không phai qua năm
tháng dãi dầu. Nguyện cầu cho hạnh phúc của họ mãi xanh màu như mặt
biển mênh mông và mãi vững bền như trăm năm sóng vẫn vỗ và ngàn năm
sóng vẫn bạc đầu.
Có
thể nói, đạo Phật đi vào cuộc đời như ánh đuốc trong đêm xóa tan nguồn
mây tối. Hơn thế nữa, tinh thần hoằng pháp của đạo Phật đi vào đời và
làm cho đời tươi sáng. Lễ Hằng Thuận là một nét văn hóa đẹp trong muôn
ngàn phương pháp độ sanh của đạo Phật. Nếu ngày thành hôn của con chiên
ngoan đạo là quỳ bên chân Chúa rồi cha xứ trao nhẫn chúc phúc cho, thì
buổi lễ Hằng Thuận của Phật giáo cũng diễn ra trong trang nghiêm lắng
đọng. Tiếng kinh cầu nguyện, lời huấn thị, lời chúc phúc … của quý thầy
đã để lại cho hai bên gia đình ấn tượng đẹp, những chứng tích không
phai khi sự hòa hợp giữa hai tâm hồn có cả quý thầy chứng giám. Với cô
dâu chú rể thì đây là một kỷ niệm đáng nhớ, một điểm son khắc sâu trong
hai trái tim của cả hai người khi hạnh phúc lứa đôi đang được quý ngài
chăm cành bón gốc. Từ đó, niềm tin về đạo Phật trong họ vững bền hơn.
Phật, Pháp, Tăng luôn là lời thức tỉnh để họ hồi đầu hướng thiện.
Ấy
thế mà nhìn vào thực tại, nhìn vào mấy trăm, mấy ngàn ngôi chùa ở Việt
Nam đã được bao nhiêu ngôi chùa đã từng tổ chức lễ Hằng Thuận cho tín
đồ Phật tử? Dường như đây chính là điều mà Phật giáo bao năm dài vẫn
còn bỏ ngỏ!
Thế
thì những người con Phật chúng ta đều phải đặt lại cho mình một câu hỏi
lớn! Một câu hỏi về phương cách hoằng pháp lợi sanh – thay đổi và phát
triển như thể nào để Phật giáo luôn tồn tại và phát triển trong lòng
quần chúng?!
Xã
hội ngày càng phát triển, đổi mới, khoa học ngày càng đi lên nhưng nếu
đạo Phật cứ mãi ngủ quên trong mớ giáo lý thuần túy muôn đời thì làm
sao đạo Phật bủa khắp và hội nhập cùng nhân thế. Chúng ta không thể
thay đổi một chân lý mầu nhiệm mà đức Phật đã khai sinh nhưng nếu chúng
ta không biết dùng phương tiện hoằng pháp lợi sinh, cứ ngủ mãi quên
trong sương khói vĩnh hằng thì chắc chắn Phật giáo sẽ bị lạc hậu và
tình trạng mai một đó là điều không thể không xảy ra.
Một buổi lễ Hằng Thuận không tốn bao nhiêu thời gian nhưng nó lại là nét đẹp, nét duyên nhẹ nhàng mà đi vào lòng người vĩnh viễn. Chúng ta có vô vàn phương tiện để hoằng pháp và đây chính là một trong vô vàn phương tiện đó, dù không phải ngồi trên pháp tòa cao sang thuyết giảng nhưng những bài pháp không lời về thân giáo, khẩu giáo và ý giáo trong một buổi lễ Hằng Thuận cũng là một phương pháp khả thi cho những ai có tâm nguyện “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài”. Thật mong lắm thay, mong lắm thay.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự