Người Bố Của 110 Đứa Trẻ Mồ Côi

Thứ sáu - 23/01/2009 00:05
Ông Đỗ Dương Úy - dạy Toán trường THPT Ngô Quyền, Q.7 - TP.HCM sau khi về hưu được hòa thượng Thích Viên Giác mời vào coi sóc mảng giáo dục ở mái ấm Long Hoa (Q.7). Từ đó, ông vừa là thầy vừa là bố của hàng trăm trẻ mồ côi. Dạy con kiểu bố Úy, nắm được tâm lý của các em mồ côi, trước khi các em vào mái ấm thường có những chấn động lớn về tâm lý, rất nhạy cảm nên cách giáo dục của thầy Úy là phải mềm mỏng. Khi gặp các em buổi đầu tiên, ông thường tâm sự: "Bố thương các con, sẵn sàng dành cả quãng đời còn lại cho tương lai các con sáng đẹp".

Nói vậy, vì ông biết các em rất cần tình thương, cần một chỗ dựa tinh thần.

Hằng ngày, thầy Úy kiểm tra sổ sách, học bạ của các em nên nhớ tên, nhớ mặt và hoàn cảnh hơn trăm em. Ông bảo, nhớ hoàn cảnh mới hiểu các em cần gì, chỉ vài câu nói động viên cũng giúp các em có nghị lực sống tốt. Mỗi lần nhà trường liên lạc với mái ấm, ông là bố, phải đi họp hành và giải quyết trường hợp từng em.

14 năm qua, ông nhớ nhất là em Phạm Bá Thành. Thành rất lười học, hay gây gổ với bạn bè, quậy phá xóm giềng. Nhiều lần nhà trường mời lên nhắc nhở, bà con mắng vốn. Bản thân ông cũng răn đe nhiều lần nhưng Thành vẫn không thay đổi. Ông nhớ lại: "Tôi rất hiếm khi đánh các em, nhưng với Thành tôi phải đánh cho nhớ. Tôi gọi Thành lên Phòng giáo vụ bảo nằm sấp. Thành ngoan ngoãn làm theo. Vừa mới đánh Thành một roi thì hai hàng nước mắt tôi chảy dài. Thành bất giác quay lại thấy tôi khóc. Em tụt xuống giường quỳ xuống đất chắp tay lạy bố, xin bố tha thứ". Từ đó, Thành thực hiện lời hứa chăm học và ngoan ngoãn. Thành học xong chứng chỉ nghề, hồi gia được 6 năm. Hiện nay, anh đã là chủ một gara sửa xe ở Nha Trang. Mỗi dịp lễ, Tết là Thành lại về thăm mái ấm, thăm bố Úy.

Giáo dục kiểu mềm mỏng, nhưng luật lệ cơ bản trong mái ấm cũng phải nghiêm chỉnh. Ông đề ra 5 điều cấm (tắm sông, nghịch lửa điện, trèo cao, đánh bạc, nhậu nhẹt) và 7 điều phải (rửa tay sạch trước khi ăn, uống nước đun sôi, vứt rác đúng nơi quy định, ngủ mắc mùng, tắm rửa thường xuyên, tập thể dục thường xuyên, ăn cơm không nói chuyện). Nếu hỏi bất kỳ em nào đọc không trôi chảy những điều luật là ông nhắc nhở. Lỗi nặng là ông phạt, hình phạt là trộn chung gạo với lúa cho vào lon sữa bò, em nào đánh nhau, gây gổ, không tuân theo quy định... phải nhặt lúa ra khỏi gạo. Mức độ nặng nhẹ của lỗi tỷ lệ thuận với số lúa - gạo phải nhặt. Ông nói: "Trẻ con hiếu động. Bạn bè chơi ngoài sân mà mình ngồi nhặt thóc thì buồn lắm. Buồn hơn cả bị đánh. Thế nên, càng sợ thì càng không được phạm lỗi".

Có lỗi thì phạt, ngoan thì được thưởng. Kết thúc năm học, những em học lực khá, giỏi, hoặc chỉ cần hạnh kiểm tốt là có thưởng. "Phần thưởng chỉ là 50 - 70 nghìn đồng. Nhưng với các em cả đời chưa cầm tiền thì phần thưởng này cũng đủ làm cho các em mất ngủ mấy hôm liền. Thương lắm!" - ông ngậm ngùi.

"Con làm có tiền, con nuôi bố"

Trong mái ấm, nhiều trẻ em mang họ Đỗ của ông. Ông Úy cho biết, nhiều người mẹ trẻ bỏ rơi con, mang con đến bờ rào mái ấm. Những đứa trẻ được đón nhận, đặt tên. Những em lứa đầu tiên đã lớn, đi làm và tìm mái ấm cho riêng mình. Ngày 2.9 vừa qua, ông đại diện nhà trai tổ chức đám cưới cho anh Trần Minh Quốc và chị Trần Thị Ánh Tuyết tại Trung tâm văn hóa quận 7. Ông rất vui mừng, vì đây là đám cưới đầu tiên trong mái ấm này. Khi các bạn có việc làm, số tiền kiếm được của các bạn sẽ chia làm hai phần. Một để trang trải chi tiêu, một để vào tài khoản. Mỗi tháng, các bạn lãnh tiền lương, tự tay nạp tiền vào tài khoản tiết kiệm và mang sổ tiết kiệm về giao cho bố Úy giữ. "Tiền tiết kiệm là vốn để lo tương lai cho các em" - ông nói.

Đám trẻ đang chơi rồng rắn ngoài sân chùa. Ông gọi, cả đám đua nhau chạy vào. Ông hỏi: "Con lớn, con kiếm tiền nuôi ai?". Đám nhóc nhao nhao: "Con làm có tiền, con nuôi bố!". Ông xúc động: "Dẫu không mong các em đền đáp, nhưng chính vì câu nói này của các em mà tôi tự hứa với lòng mình gắn bó suốt đời vì tương lai các em".

Đến nay, nhiều đứa trẻ của mái ấm Long Hoa đã thành công bước đầu. Có 6 sinh viên đang và đã học xong ĐH, 3 sinh viên CĐ, 3 học viên dự bị ĐH, 5 bạn học hoàn thành chứng chỉ nghề... Đặc biệt, em Đoàn Quốc Hùng (sinh năm1989) đang là vận động viên Judo trẻ đầy triển vọng, đang tập huấn ở Hàn Quốc. Trong cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (khu vực Q.7) tháng 6 vừa qua, các em ở mái ấm Long Hoa đã giành 3 giải cao nhất.


Minh Hòa (theo TNO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây