Dường như đối với
ông, nói như nhà Phật, nợ trần chưa hết. Một ngày nọ, ông gặp cô nữ sinh Hoàng
Thị Bích Vân rồi đem lòng yêu mến. Sư trụ trì biết chuyện, đồng ý cho ông hoàn
tục. Lấy nhau, hai vợ chồng ông Thiền dắt nhau vào Vũng Tàu sinh sống, 5 đứa con
trai lần lượt ra đời.
Ân sinh ra, ông bà
Thiền đầu tắt mặt tối cũng không đủ cho 7 miệng ăn. Ân thường xuyên đau ốm. Một
ngày nọ, trụ trì của một ngôi chùa thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, người đã
từng học với ông Thiền ở Huế ghé nhà chơi.
Thấy cậu bé Ân với
khuôn mặt nhân hậu thì thích lắm. Nghe chuyện về Ân, trụ trì bảo gia đình hãy
giao Ân cho ông nuôi. Ân học xong lớp 6 đã phải khăn gói lên chùa để ở, vừa để
làm công quả vừa tiếp tục học hành. Trụ trì đặt cho Ân pháp danh là Nguyên
Viên...
Sau 6 năm cố gắng
làm việc ở chùa, vừa chuyên tâm học hành, Ân được thầy trụ trì khuyên về dự thi
đại học. Khi Ân có ý nguyện xuất gia, thầy trụ trì đã nói với Ân rằng: “Con hãy
cứ về với cha mẹ, tiếp tục học hành để trả cái ơn sinh dưỡng, rồi con phải ra
đời để nếm trải cuộc sống, khi nào con thực sự muốn thì về với thầy. Cửa chùa
lúc nào cũng rộng mở đón con”.
Nghe lời thầy trụ
trì, Ân lại khăn gói về quê làm hồ sơ thi đại học, nhưng đó cũng là thời điểm mà
mẹ Ân, bà Hoàng Thị Bích Vân bị ung thư giai đoạn cuối. Bà Vân là một phụ nữ
phúc hậu, cả đời bà chỉ quanh quẩn chuyện lo lắng cho chồng con và giúp người,
giúp được gì là bà dốc sức ra mà giúp.
Mẹ Ân chuyên làm
bánh bột lọc, đạp xe đi bán bánh, nuôi anh em Ân ăn học, có ngày bà phải đạp đi
xa gần 100km. Khi bà bị bệnh, chồng bà, cùng 5 người con đôn đáo đi vay mượn
khắp nơi, bán đi tất cả những gì có thể để có tiền đưa bà đến Trung tâm Ung bướu
chữa bệnh.
Không biết định
mệnh sắp đặt thế nào mà bà Vân lại nằm ngay trên chiếc giường mà bà Phẳng nằm ở
dưới. Những ngày cuối đời, bà Vân bị liệt nửa người, không thể tự lo sinh hoạt,
mấy cậu con trai thì bỡ ngỡ, mọi chuyện sinh hoạt của bà Vân đều do bà Phẳng
giúp. Hai người đàn bà coi nhau như chị em ruột thịt, hợp tính nhau, tâm sự quấn
quýt bên nhau cả ngày không chán.
Cùng là phụ nữ, bà
Vân hiểu được nỗi khao khát thầm kín của bà Phẳng, đó là một gia đình hoặc một
đứa con hiếu thảo chăm sóc. Có lần bà nói với Ân: “Mẹ không sống được mấy nỗi,
má Phẳng tội nghiệp lắm, không người thân thích, khi ốm đau không biết trông cậy
vào ai. Khi má chết, con hãy lo cho má Phẳng như con đã lo cho
mẹ”.
Rồi bà cũng bảo với
bà Phẳng rằng: “Tôi coi chị như chị em, tôi có 5 đứa con, đứa nào cũng hiếu
thảo. Chị hãy nhận thằng Ân làm con nuôi, coi nó như con của chị, nó sẽ đỡ đần
cho chị lúc tuổi già, ốm đau bệnh tật...”. Bà Vân mất, bà Phẳng đau đớn đến tột
cùng.
Bà Vân qua đời, anh
em Ân đưa mẹ về làm tang lễ. Khi ấy bà Phẳng cũng đột nhiên trở bệnh nặng, không
thể về quê bà Vân để đưa tiễn người chị em về nơi yên nghỉ. Bà chỉ biết nằm dưới
gầm giường phòng 204 mà khóc. Năm ấy, Ân thi rớt đại học.
Trong suy nghĩ của
mình, bà Phẳng nào dám nghĩ tới sự trở lại của Ân trong bệnh viện này. Nào ngờ,
lo tang cho mẹ xong, Ân trở lại bệnh viện, thấy bà Phẳng nằm liệt, người xanh
xao, chân không còn cử động được. Không đắn đo, Ân đã ở lại bệnh viện để chăm
sóc mẹ nuôi.
Ân kể, lần đầu tiên
chăm sóc cho mẹ nuôi, Ân cũng ngại, nhưng biết mẹ nuôi không thể tự làm, Ân thấy
đấy là bổn phận, và Ân đã giúp bà mọi việc. Giờ thì Ân đã quá quen rồi, Ân coi
đó là một việc bình thường, từ khi bà Phẳng bị liệt phải nằm một chỗ, mọi chuyện
sinh hoạt, ăn uống của bà Phẳng đều do một tay Ân chăm sóc, kể cả chuyện vệ
sinh, tắm rửa... Ân đều tự tay mình làm.
Bà Phẳng nghèo, gia
đình Ân cũng nghèo, không có tiền hóa trị cho mẹ nuôi, Ân phải xin bác sĩ thuốc
thừa của những bệnh nhân khác. Những lúc mẹ không có thuốc, Ân chạy đôn, chạy
đáo xin tiền ở hội từ thiện để mua thuốc cho mẹ. Mỗi khi bà Phẳng trở mình, đau
nhức, suốt đêm Ân xoa bóp chân tay, quạt cho bà yên giấc.
Năm 2003, Ân vừa
chăm sóc mẹ nuôi vừa ôn thi đại học ngay cái phòng 204 ấy, bà Phẳng cũng khuyên
Ân cố thi vào đại học để có tương lai. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc mẹ, ôn
bài, lúc rảnh, Ân lại đi phụ phát cơm cháo từ thiện của chùa Bảo
Vân.
Có khi, trong phòng
có một bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nặng phải thở bằng oxy, nằm một chỗ cả tuần
không người tới chăm lo. Ân, má Phẳng và các hộ lý thay nhau chăm sóc, làm vệ
sinh cho người bệnh tội nghiệp đó.
Cảm động vì lối
sống nặng nghĩa tình của Ân, một kiến trúc sư trẻ biết chuyện về Ân sau những
ngày vào chăm sóc mẹ mình trong bệnh viện, anh thường hay vào bệnh viện giúp Ân
ôn thi. Người ta kể rằng, những tháng ngày ôn thi đại học, Ân hay ngồi dưới chân
mẹ nuôi, không bật điện tránh làm phiền người khác, Ân chong đèn dầu leo lét
dưới chân mẹ.
Năm ấy, bà Phẳng
cũng thường xuyên bị cơn đau đến thấu xương tủy do căn bệnh quái ác hành hạ,
nhưng thấy Ân chăm chú học, bà cố cắn răng chịu đựng, bà đau đến nước mắt giàn
giụa Ân mới phát hiện.
Năm 2003, Ân thi
đậu vào khoa Đông Nam Á học của Đại học Mở Bán công TP HCM. Không kịp gọi điện
báo cho cha ruột, Ân chạy ào vào bệnh viện, ôm mẹ nuôi mà mừng. Khỏi phải nói bà
Phẳng vui đến mức nào. Bà khóc, và đó có lẽ là những giọt nước mắt hạnh phúc
nhất trong suốt cuộc đời đầy trầm luân của bà. Như một phép lạ, những cơn đau
của bà bớt dần, bà dần đi lại được.
Thời gian ấy, bệnh
viện cũng quá tải, nhường lại cái góc hẹp cho người bệnh khác, mẹ con Ân ra thuê
nhà trọ gần bệnh viện. Ân tính toán thu xếp chuyện học hành và công việc sao cho
không ảnh hưởng đến chuyện chăm sóc mẹ nuôi.
Năm 2005, khi phải
phân chuyên ngành, Ân tính chọn ngành văn hóa, nhưng ngành này phải học buổi
sáng mà khi đó mỗi sáng Ân phải thường xuyên đưa mẹ nuôi vào bệnh viện nên không
thể theo học, Ân chọn ngành du lịch, học buổi chiều để tiện chăm sóc
mẹ.
Mơ ước lớn nhất của
bà Phẳng là xây được ngôi mộ kiên cố cho mẹ. Ở cái phòng 204 ấy, mỗi khi trời
mưa, bà lại nhớ đến mẹ, lo sợ không biết ngôi mộ của mẹ xây tạm bợ trên ngọn đồi
bằng cát ấy có bị trôi đi không, có bị trâu bò phá hỏng không? Lo nghĩ ấy khiến
bệnh tình của bà ngày thêm nặng. Bà không có tiền, không có sức, đi làm sao nổi,
nhiều lúc bà muốn nói với Ân về nỗi lo ấy, nhưng thấy con vất vả quá, bà lại
thôi... Bà cứ giấu nỗi lo ấy trong lòng, thi thoảng dấm dứt khóc một
mình.
May mắn thay, khi
bà có thể tạm đi lại được, nhiều nhà hảo tâm nghe chuyện về bà và đứa con nuôi
đã giúp bà ít tiền để hóa trị. Bà chỉ dùng một nửa số tiền của ân nhân để hóa
trị, một ít còn lại bà cùng Ân về quê xây mộ cho mẹ. Khi bà trở về quê, người
trong làng đã hết sức bất ngờ.
Ngần ấy năm bà đi
biền biệt, người ta cứ ngỡ với bệnh tình như vậy bà đã chết, bấy nhiêu năm nay,
người làng vẫn thay nhau hương khói, chăm sóc mộ cho mẹ bà. Khi nghe bà có ý
định xây mộ cho mẹ, hàng xóm người góp công, người góp sức chung tay vào giúp
bà. Vậy là, mẹ bà đã có được một ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ, thỏa ước nguyện cuối
cùng của đời bà.
Nhưng căn bệnh quái
ác khiến bà cũng không thể ở lâu bên mộ mẹ, bà lại phải trở về bệnh viện. Lúc ra
đi, bà đã khóc ròng, bà sợ rằng, mình sẽ không thể trở lại thăm mộ mẹ lần nữa.
Bà sợ mình vĩnh viễn không thể trở lại nơi này.
Thời gian sau đó là
thời gian hạnh phúc, Ân có lúc đi học, lúc đi làm thêm. Còn bà ở nhà lo chuyện
ăn uống trong căn nhà thuê gần bệnh viện. Trước đây, bà Phẳng có nằm mơ cũng
không nghĩ đến bà sẽ có những ngày như thế.
Hạnh phúc viên mãn
ấy không kéo dài được bao lâu, đến đầu năm 2005, những cơn đau lại tái phát, bà
không thể đi lại, rồi liệt dần. Rồi từ đó, hằng ngày, Ân thức dậy từ 5 giờ sáng
làm vệ sinh cho mẹ. Sau đó, bế mẹ lên xe rồi đẩy đến bệnh viện cho các bác sĩ
khám, điều trị. Thế nhưng, sợ để mẹ ở nhà trọ thiếu thốn đủ thứ, lúc nguy biến
không biết xoay sở thế nào, hai mẹ con lại dọn vào trong bệnh
viện.
Phòng 204 hết chỗ,
bệnh viện bố trí cho mẹ con Ân sang bên phòng 206, hiểu hoàn cảnh của hai mẹ
con, bà Phẳng được bệnh viện bố trí nằm ngay lối đi căn phòng, rộng rãi hơn một
chút và tiện cho việc sinh họat.
Trưa, Ân đạp xe đến
giảng đường, giờ ra chơi 15 phút, Ân lại chạy về bệnh viện ngó qua mẹ nuôi, khi
thì dặn dò, khi thì lo chuyện vệ sinh, cho bà uống chút nước, ăn chút cháo rồi
lại tức tốc chạy vào giảng đường.
Giờ Ân đã là sinh
viên năm cuối, để có tiền đóng học phí và chữa bệnh cho mẹ, Ân xin đi phục vụ
các tiệc cưới ở nhà hàng Hoa Hồng, khách sạn Kỳ Hòa. Mỗi đám cưới, Ân được trả
công 30 nghìn đồng. Trung bình mỗi tháng Ân kiếm được khoảng 300 nghìn, tháng
nào nhiều việc, Ân thu nhập đến 500 nghìn. Nhưng số tiền nhỏ nhoi đó chẳng thấm
vào đâu so với tiền thuốc điều trị của mẹ nuôi.
Những lúc không có
thuốc, biết mẹ cắn răng chịu đau, Ân cứ ngồi hàng giờ bóp tay, bóp chân cho bà.
Khi bà ngủ ngon Ân mới học bài, nhiều khi Ân ngủ gật gù dưới chân mẹ, bà Phẳng
tỉnh dậy, cũng không dám trở mình, sợ con thức giấc.
Kể cho tôi nghe, bà
Phẳng rơm rớm nước mắt. Ân lấy khăn lau mắt cho mẹ, rồi nhắc khéo bà: “Mẹ đừng
khóc, có con rồi mà”. Tôi cảm thấy nghèn nghẹn trong cổ họng mình. Lúc Ân đi ra
ngoài, bà ghé tai tôi nói nhỏ, cả cuộc đời bà cơ khổ, trầm luân, chịu nhiều bi
kịch, bà có ngờ đâu cuối đời ông trời lại bù đắp cho bà đứa con hiếu thảo - đứa
con mà bà không có công sinh, cũng chẳng một ngày nuôi
dưỡng.
Được nếm trải hạnh
phúc làm mẹ, ngay ngày mai, bà có nhắm mắt ra đi, bà cũng mãn nguyện lắm! Tôi
hỏi bà có ước nguyện gì không, trầm tư một lúc rồi bà bảo, bà chỉ mong làm sao
được khỏe lại, để lo chuyện cơm nước cho thằng Ân, để bù đắp những ngày nó cơ
khổ vì bà, nhưng bà biết, ngày ấy có lẽ sẽ không bao giờ trở
lại...
Tôi chia tay mẹ con bà Phẳng mà trong đầu quẩn quanh nhiều suy nghĩ. Ở bệnh viện, nơi biết bao con người đang phải hàng ngày hàng giờ vật lộn, chống chọi với bệnh tật, cuộc đời bà Phẳng là hiện thân của niềm tin, niềm khao khát sống kỳ lạ. Còn Ân, em chính là người đã viết nên câu chuyện cổ tích thuyết phục nhất về hai chữ hiếu - sinh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự