Người
con Phật đã được ý thức rất sớm về điều thiêng liêng ấy nhờ vào nền
tảng luân lý nhà Phật, như thế ai đó bất hiếu với cha mẹ sẽ chẳng bao
giờ được thấy Ðạo; thế nên những tuyên ngôn (Sanh đời không có Phật,
thờ cha mẹ tức thờ Phật”, bởi vì “Cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế”.
Bởi vậy “Ðiều kiện cao tột không gì ơn hiếu, điều ác tột cùng không gì
hơn bất hiếu”.
Tự
hào thay chúng ta đã có một vị Giáo chủ tuyệt vời đến thế–có gì đâu,
sinh ra trong cõi này ai cũng có cha mẹ, chứ không từ trên trời rơi
xuống hay từ đất nẻ chui lên! “Nước sông nọ có nguồn mới chảy, Hạt thóc
kia có cấy mới lên, Phàm phu cho đến thánh hiền, Ví không cha mẹ sao
nên thân người”, như một bài Sám văn đã viết.
Chỉ
tiếc rằng, người viết bài này không phải là một nhạc sĩ hay một nhà
văn, nhà thơ đề có thể đóng góp phần bé nhỏ của mình vào văn đàn và
nghệ thuật ca ngợi tình mẹ, nhất là nhạc sĩ của Phật giáo để diễn bày
qua đó bằng pháp thoại lung linh, mang chút tham vọng chuyên chở một
đạo lý tột cùng của con người từ lúc hãy còn chín tháng cưu mang.
Và
chỉ tiếc rằng không phải là một nhà hoạt động Văn hóa Phật giáo để nhìn
xuyên qua khe nắng trần gian, góp nhặt từng hạt ngọc đời, đánh giá,
tuyên dương văn-thơ-nhạc-họa đích thực của Phật giáo.
Có
hay chăng người viết vẫn chỉ là một chủng tử bé nhỏ trong rừng văn học
nghệ thuật từng ngày, từng giờ đang học đòi làm một Phật tử. Do đó,
những dẫn dụ được trình bày dưới đây không phải là công việc tổng hợp
hay đi tìm nhân tố điển hình, mà là theo chủ quan–cảm nhận mang tính
chất cá nhân. Còn lại–như đã nói–đó là công việc của các nhà hoạt động
văn hóa Phật giáo.
Trong
lãnh vực âm nhạc, đã có biết bao nhiêu bài ca về công ơn cha mẹ. Có bài
đã trở nên tiêu biểu, đã đi sâu vào lòng người nhiều thế hệ.
Ở
đây, chỉ xin xét đến khía cạnh khác đó là tính đạo lý Phật giáo và đạo
đức dân tộc trong một vài bài hát người viết có được trong “kho tàng”
CD, cassette hiếm hoi của riêng mình. Người trước tiên không thể không
nhắc đến là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhắc đến ông, không vì sự kiện ông
vừa tạm biệt “một cõi đi về”, mà trước hết qua một quảng đời niên thiếu
của người viết lúc còn sinh hoạt Phật tử, các bài hát “Da vàng” của ông
đã ghi đậm dấu ấn khó phai.
Và
qua rất nhiều tư liệu về cuộc đời cũng như sáng tác của ông, người ta
cũng đã hiểu thêm được nhiều điều. Phần lớn những điều đó được gắn liền
vào mỗi ca khúc trong hơn năm, sáu trăm ca khúc của ông, vì đó là sự
thật của chính cuộc đời cũng như của chính cảm nhận của ông “Khi cần
thì viết ra (sáng tác) không cần tưởng tượng chi cả”(1), đến nỗi nhạc
sĩ Xuân Khoát phải thốt lên “Chữ của Trịnh Công Sơn như sẵn từ trong
túi”. Qua đó, lần dỡ chúng ta sẽ thấy Trịnh Công Sơn sáng tác ban đầu
cho đến khi mất theo trình tự như sau:
1- Ngẫu hứng và ảnh hưởng (do yếu tố trưởng thành và môi trường giáo dục nhà trường và giáo dục bè bạn);
2-
Bắt đầu định hướng dân tộc, ý thức cuộc đời nô lệ (qua các sự kiện gia
đình, quân dịch, để có được những bài ca “phản chiến”);
3- Nhận thức rõ chân lý duyên sinh và rẽ ngoặc đi một đường thẳng cho đến ngày nhắm mắt.
Vì
mỗi sáng tác là một phần sự thật cuộc đời ông nên công chúng đều quý
yêu. Ðiều trân trọng quý yêu ấy dừng lại ngay tác phẩm đầu tay “Uớt mi”
năm 1958 của ông! Ướt mi là một tác phẩm trữ tình, lãng mạn, điều đó
quá rõ, nhưng vì là “một phần sự thật” nên ít ai còn biết thêm rằng
nguyên do ra đời bài hát ấy xuất phát từ lòng thương cảm của một đứa
con dành cho người mẹ đang mang bệnh lao giai đoạn cuối; mà người con
gái ấy hằng đêm đi hát để kiếm tiền nuôi mẹ hằng một bài hát “tủ”:
“Giọt mưa thu”, mỗi lần hát, cô đều khóc! Ðó là nữ ca sĩ Thanh Thúy–năm
ấy cô chỉ mới 16 tuổi đời. Trịnh Công Sơn cho đó là một “giọt nuớc mắt
rất thuần khiết của một người con gái”(2).
Một
người con trai 19 tuổi lần đầu cảm xúc để viết nên nhạc phẩm đầu tiên,
lại nói về sự hiếu thảo, sao không đáng trân trọng và quý yêu, nào phải
đâu đắm say lụy tình! Trịnh Công Sơn khóc cho mẹ người để nhiều chục
năm sau bên mộ cha ở Huế ông khóc cho “Một cõi đi về” và sau nữa bên mộ
mẹ mình ở Thủ Ðức ông khóc cho “Ðường xa vạn dặm”, trong đó bên mẹ ai
cũng vẫn là một đứa trẻ, vẫn nũng nịu mẹ qua lời ca như trách móc: “Gối
lệch chăn mềm–mẹ bỏ tôi đi, giấc ngủ chưa tròn–mẹ bỏ tôi đi. Mẹ bỏ tôi
đi, đường xa vạn dặm... ”
“Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi, theo cha dọc bờ sông trắng xóa. Hồng Hà mùa thu đẩy gió và tiếng súng... ”(3).
Con sáo ở đây, tức nỗi niềm người mẹ khi đưa “cha và anh hai vượt sông
Hồng ở những năm 30-40... ” nên lời ca sau đó là “thương cha, con sáo
thủy chung của me.
Thương
anh, con sáo bứt ruột chờ mong... ”, và vì nỗi lòng người mẹ nên “con
sáo sang sông bạt gió và sóng, con sáo thương ai, tìm ai... ”. Phải đợi
đến hơn mười năm sau, kể từ ngày nghe được bài hát này (1990-2000) đến
khi có trong tay CD “Tự họa” tôi mới thật sự cảm nhận những điều có
thật của người nhạc sĩ từng một thời vang tiếng “ngẫu hứng”
–Vâng, chúng ta đang nói đến Nhạc sĩ Trần Tiến mà bài hát “Phố nghèo”(4)đã để lại dư âm rất da diết và lắng đọng, đã khiến phải nhắc đến trong
bài viết này, trong khi âm nhạc Phật giáo chưa đủ sức tự khẳng định
mình và đó đây đã xảy ra tình trạng manh nha, ỷ lại, xa rời vốn dĩ nơi
mình sinh ra và lớn lên. Với Nhạc sĩ Trần Tiến, anh đã quay về từ câu
chuyện “Bắt đầu từ con phố ven sông chảy quanh kinh thành cổ...
Sau
30 năm du ca trở về thăm phố cũ, bỗng thấy mình cần dừng bước lãng du
để thực hiên một số đĩa nhạc, dẫu đã muộn nhưng cũng đủ ghi lại đôi nét
ký họa về những cơn đường đi qua, những người đã gặp chung cuộc hành
trình trong cuộc đời ngắn ngủi này. Ðó là bức thông điệp của người con
gởi mẹ quê nhà, của người con hàng vạn kiếp phôi pha... ”. Nhạc sĩ đã
thổ lộ như thế và CD này anh ví như một bức Tự họa đầu tiên mang tên:
Phố nhỏ ven sông. Rất thật rất gần gũi bởi đó là những chuẩn mực đạo
đức dân tộc đáng phải ca ngợi trước tiên.
Với
bài “Phố nghèo”, chúng tôi cho đây là ca khúc chính của CD Tự họa của
anh. Bởi vì nơi đó có mẹ, có tuổi thơ và những người thân của mình–phố
Hàng Buồm, Hà Nội. Ký ức của anh màu nâu; cái màu của đất, bằng ánh mắt
“Tâm Ðịa Quán” mang định chủ thể duyên sanh nhà Phật Chúng sanh chi tâm
địa như đại địa. Ngũ cốc ngũ quả tùng đại địa sanh.
Ngay
như tâm tam giới cũng mang tên đất: Dĩ thử nhân duyên tam giới, duy tâm
tam danh chi địa. Và cái màu nâu, chư Tổ sư chọn dùng may Tăng phục ý
nghĩa như thế nào, cũng như ông bà ta xưa nay chọn màu nâu làm đồng áng
ra sao hẳn chúng ta đã rõ.
Nhà
thơ Nguyễn Duy trong “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” có viết: “Mẹ ta không có
yếm đào, Nón mê thay nón quai thao đội đầu, Rối ren tay bí tay bầu, Váy
nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa”.
Vì
vậy, rất dân tộc, rất thâm thúy khi Nhạc sĩ Trần Tiến viết lời ca “Phố
buồn nâu, mái ngói buồn nâu, cà phê đắng rơi từng giọt nâu buồn... phố
của tôi, thơ ấu đời tôi... ”. Càng ray rứt hơn khi Nhạc sĩ thốt lên “Ở
nơi đó tôi còn nhớ mẹ của tôi, bao đêm trắng, nhìn về phía chân trời.
Mẹ cầu kinh đức Phật Quan Thế Âm, phù hộ cho con phiêu bạt trở về”.
Ðất
nước chiến chinh, bà mẹ nào cũng thế, cũng có nỗi đau riêng mình. Nhạc
sĩ Trần Tiến nhìn sang hàng xóm và nhớ lại: “Noel 1972, hai trái bom đi
sai mục tiêu, đã ném vào cái phố nghèo bé bỏng của tôi... Chỉ thương
anh hàng xóm đã ra đi không bao giờ trở về nữa. Nhớ về để nghe CD tình
ca này tôi viết tặng anh. Tặng cả tuổi trẻ chúng ta đã dàn hàng ngang
gánh đất nước trên vai... ”(5). Dù mẹ chẳng còn, bạn bè tan
tác nhưng phố cũ và kỷ niệm còn đó trong nghĩa tình đạo lý dân tộc, làm
nên nguồn cảm hứng bao la này qua bàn tay “họa sĩ” của anh.
Cũng
vậy, sẽ không còn những chốn dấu yêu để “trở về làng quê, bao tháng năm
xa xôi cách biệt (... ). Ngược dòng thời gian, bao dấu yêu xa xưa trở
về. Nhớ hoài năm nào mẹ gian nan dãi nắng dầm sương, nhọc nhằn chăm lo
cho đàn con, miếng ăn giấc ngủ từng đêm, những khi gió lạnh bên nhà
tranh nghèo ấm êm tình thương... ”(6). Dẫu rằng cảnh cũ làng xưa còn đó nhưng nó sẽ càng để lại dấu ấn sâu đậm hơn khi đấng sanh thành đã mất.
Vì
vậy thương sao lời thương tưởng “Hỏi từng bờ đê, gió hiu hiu mẹ tôi đâu
rồi. Mái tranh im lìm nhìn hàng tre ngơ ngác buồn hiu. Mẹ hiền yêu ơi
suốt đời con, mãi luôn khắc ghi ơn mẹ cha, sẽ không phai nhòa, tháng
năm êm đềm sống bên mẹ cha”(6). Người nhạc sĩ có những lời
ca rất đẹp này lại cũng là ca sĩ, còn rất trẻ. Ðó là Ngọc Sơn. Nhắc đến
Ngọc Sơn, người viết tự đặt câu hỏi: Nếu cũng với những ca từ đẹp về mẹ
ấy mà người sáng tác không là Ngọc Sơn thì chúng ta có liệt kê vào loại
nhạc “sến” không?
Có lẽ là không. Vì vậy nhân đây xin nói lên suy nghĩ chủ quan rằng cái gọi là “nhạc sến” ấy chỉ xuất hiện từ giữa thập niên 80 (7)nhằm ám chỉ cho loại nhạc “lụy tình–rên rĩ–ướt át... ” Khi những dòng
nhạc mới đang thịnh hành (Country, Pop, Rock, Rap... ) hoặc cách tân,
theo chiều hướng mode để chứng tỏ mình tiến bộ. Kỳ thật, chưa có một
luận cứ khoa học nào là “không phải sến”. Rõ ràng đây là vấn đề thuộc
về thị hiếu–thẩm mỹ âm nhạc theo từng sở thích riêng, mỗi một dòng nhạc
đều có một bộ phận công chúng khác nhau. Ðiều đó được thể hiện tại sao
nhạc “sến” vẫn tồn tại, và đặc biệt chính nó lại dễ dàng chuyền tải
tình cảm hơn bất cứ dòng nhạc nào, ngay cả với giới thưởng thức bình
dân nhất. Theo suy nghĩ riêng, chỉ có khác nhau chăng (“sến”) là ở từ
ngữ thể hiện trong dòng nhạc, chứ tự thân nhạc vốn đã là không “sến”.
Ngay
như bản thân chúng tôi, khi thư thả nghe nhạc giao hưởng, tình tứ hơn
thì nghe nhạc jazz, rộn ràng thì nghe Pop, Rock hoặc Rap,v. v... và còn
có các thể loại tình ca khác nữa nếu muốn có chút lãng mạn, trữ tình.
Trình bày sơ lược như trên để hiểu đôi chút về Ngọc Sơn, đặc biệt để
trân trọng về một tấm lòng dành cho bậc sanh thành qua ca khúc của anh.
Tấm lòng đó hoàn toàn hợp đạo lý dân tộc, không “sến” chút nào.
Anh
đi lên từ bài “Lòng mẹ” đầu tiên của anh, rồi đến “Tình mẹ” (chưa kể
những bài nói riêng về cha), để hôm nay thật bất ngờ khi nghe sáng tác
“Ðạo làm con”, chúng tôi trộm nghĩ chưa có một bài nhạc nào mạnh dạn
viết “Con quỳ con lạy mẹ cha, ơn cha nghĩa mẹ con đền được là bao... ”
Chỉ riêng từ “con quỳ con lạy mẹ cha... ” thôi cũng đủ nói lên trọn vẹn
đạo nghĩa dân tộc. Cái quỳ, cái lạy sao mà sâu xa đến vậy, không cần
phải diễn đạt nhiều lời hoa mỹ. Và chúng tôi thêm một lần trân trọng
Ngọc Sơn trong ý nghĩa báo ân cha mẹ qua âm nhạc. Chuyện riêng tư, danh
vọng, tiền tài ở anh không là mục tiêu bài viết này.
Tất
nhiên, “Hiếu thế tục chỉ hầu cơm nước. Hiếu Phật Đà giải thoát luân
hồi”, nên nếu có được những lời ca đặc thù Phật giáo như “Mẹ là Từ bi
Bồ Tát hiện xuống bên con, mẹ là hạt mưa hạt nắng rực sáng muôn hoa...
Mẹ là chuông chùa thắm đầm ấm muôn nơi, tình mẹ là hương ngàn hoa dịu
mát không gian... ” thì khó tìm được một nhạc sĩ như Giác An trong bài
“Mẹ” ấy.
Hơn thế nữa, để có một người mẹ trong Phổ Môn khi nhạc sĩ Bửu Ấn viết: “Mẹ tôi mẹ của muôn loài, không sinh không diệt, tên là Quán âm... ” (Bài “Quan Thế âm Bồ Tát”) lại càng hiếm hơn. Lấy thời điểm gần nhất là từ bài “Mẹ” của Nhạc sĩ Giác An, đến nay đã 10 năm, vẫn chưa có được bài nhạc nào tương tự để có thể đặt vấn đề phát huy âm nhạc Phật giáo. Câu hỏi đến nay vẫn còn nguyên giá trị thách thức trách nhiệm của các nhà hoạt động Văn hóa Phật giáo hiện thời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự