Một người làm lành ngàn người được nhờ

Thứ sáu - 23/01/2009 10:38
Được lưu truyền trong chốn thiền môn và nghe có vẻ hơi lý tưởng nhưng lại hết sức thực tế, câu nói: “Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng” (Một người làm lành ngàn người được nhờ). Người xưa đã thực nghiệm và phát biểu thế, tưởng đã sâu sắc vô cùng. Không phải tự dưng người ta nói như thế. Cũng không phải nhân danh tôn giáo nào người ta khuyên như thế. Đó là một thực nghiệm, lâu ngày trở thành một lẽ sống, rất minh triết, rất hiểu cuộc đời và thương cuộc đời.

Câu nói đơn giản chỉ để cho cuộc sống được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Người nào hiểu cuộc đời và thương cuộc đời thì đều nỗ lực làm phước và khuyến khích người khác làm phước.

Nhưng thế nào là làm phước và làm phước có tác dụng gì? Tưởng cũng không cần phải đào sâu ý nghĩa của từ này. Ai cũng hiểu rằng “phước” hay còn gọi là “phúc” trong chữ Hán có nghĩa là may mắn, tốt lành; đối lại với “hoạ” là bất hạnh, tai hoạ.

Do đó “làm phước” tức là làm điều tốt lành, làm điều khiến đưa đến may mắn, tốt lành, không đưa đến bất hạnh, tai hoạ. Như vậy “làm phước” căn bản là làm điều đúng, điều tốt, tránh làm điều sai, điều xấu. Theo nghĩa này, người Việt ta thường dùng từ “phước đức” hay “phúc đức” để ca ngợi nếp sống ăn hiền ở lành hay những việc làm mà họ tin sẽ đem lại điều may mắn tốt lành cho mình và cho người.

Người xưa chiêm nghiệm phúc hoạ ở đời rất tinh tường sâu sắc nên những điều họ nói ra đôi khi nghe có vẻ giản dị nhưng rất thực. Chúng ta thấy rằng một người sống làm phước tức là giúp cho nhiều người được may mắn an lạc, tựa như một cây trổ hoa thì cả rừng cây được thơm lây. (Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng. Độc thọ khai hoa vạn thọ hương).

Chúng ta hiểu rằng cuộc sống là một tổng hoà các mối quan hệ giữa con người và con người cũng như giữa con người và môi trường sống mà trong đó bất cứ hành vi nào của cá nhân, dù tốt hay xấu, đều có tác động và ảnh hưởng nhất định đến người khác.

Thí dụ, nếu mỗi người chúng ta chú ý tập một thói quen không xả rác trên đường phố thôi thì cả thành phố không chỉ sạch đẹp mà môi trường cũng bớt đi phần ô nhiễm. Sức khoẻ của con người và cộng đồng nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể.

Thử lấy một ví dụ: Nếu một người đi đường theo đúng luật giao thông, nghĩa là người ấy chỉ thuần tuý làm một việc đúng gọi là tuân thủ quy định về an toàn giao thông, thì sẽ không trực tiếp hay gián tiếp gây tai nạn cho mình hay cho người khác, cũng không trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cảnh ùn tắc giao thông mà đôi khi chỉ vì lý do người ấy không theo đúng quy định nào đó về giao thông khiến ảnh hưởng đến cả một đoàn người tham gia giao thông ở phía sau. Một nhận thức khá đơn giản như vậy về cuộc sống là đủ cho ta hiểu phần nào câu nói của người xưa: “Một người làm phước ngàn người được nhờ”.

Cuộc sống gắn kết và môi trường nhạy cảm của xã hội hiện đại càng khiến cho ta dễ thấy hơn tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn lao của mối quan hệ giữa con người và con người trong các sinh hoạt cộng đồng.

Một ví dụ khác dễ hiểu hơn: Một người không vì tham lam tiền của mà làm hàng giả hay buôn bán hàng giả: bia giả, rượu giả, thức ăn dễ ngộ độc hay dễ sinh bệnh, thuốc trị bệnh giả…, nghĩa là người ấy tuyệt nhiên không chấp nhận làm điều sai, điều xấu gây thương tổn bất hạnh cho nhiều người khác. Hành động có ý thức như vậy cũng được gọi là “làm phước” và hẳn nhiên sẽ không gây khổ đau trước mắt và lâu dài cho nhiều người khác hay cho cộng đồng, cả về sức khoẻ lẫn tâm lý.

Thông thường, chúng ta hiểu khái niệm “làm phước” như là một ước lệ mang tính đạo đức tôn giáo được đặc cách cho nhịp đập của con tim mẫn cảm nào đó mà không phải là một lẽ sống cần theo đuổi bởi tất cả mọi người.

Đúng là trong các tôn giáo người ta có khuyên và được khuyên như thế, bởi đó là nền tảng và cũng là biểu hiện của sự hiểu biết và tình thương yêu. Nhưng nếu ta hiểu “làm phước” cơ bản là một nếp sống làm lành lánh ác theo cách trên thì nó không chỉ dành cho những người có đức tin tôn giáo, mà còn dành cho tất cả những ai biết sống vì mình và vì người.

Bố thí, chia sẻ hay giúp đỡ cho người khác thứ này thứ khác mà họ cần đến thì được gọi là “làm phước”. Nhưng căn bản và trước hết, “làm phước” chính là nếp sống chân chính lương thiện, biết làm điều đúng, điều tốt, tránh làm điều sai, điều xấu.

Xem ra thì “làm phước” không nói nhiều gì đến tín ngưỡng hay đức tin tôn giáo mà nó là một lẽ sống của tất cả mọi người, một lẽ sống sáng suốt có từ tâm mà càng nỗ lực theo đuổi thì con người càng được may mắn hạnh phúc, cùng lúc giúp cho nhiều người khác được may mắn hạnh phúc. Nó đơn giản là lòng tốt, biết thương mình và thương người.

Xuất phát từ cái nhìn duyên sinh, đạo Phật đề nghị một lẽ sống rất minh triết: “Hộ trì mình là hộ trì người. Hộ trì người là hộ trì mình”. Vế thứ nhất có nghĩa là giữ mình khỏi làm các điều sai trái, cũng đồng nghĩa tránh cho người khác khỏi các hậu quả không tốt do việc làm sai trái của mình. Vế thứ hai là sống với tâm vô hại, có lòng từ và có lòng ai mẫn đối với người khác, do đó cũng có nghĩa là tạo điều kiện an ổn cho chính mình.

Cuộc sống là một tổng thể các mối quan hệ rất tế nhị giữa con người và con người cũng như giữa cá nhân và môi trường tự nhiên, xã hội mà bất luận một ý tưởng hay một hành vi nào của cá nhân cũng đều có tác dụng ảnh hưởng đến sinh thể của tổng thể ấy. Nhận thức cho thật đúng như vậy thì “làm phước” hay làm điều đúng, điều tốt, tránh làm điều sai, điều xấu không hoàn toàn là một ước lệ đạo đức, mà chính là một lẽ sống khôn ngoan đáng theo đuổi và cần được theo đuổi bởi tất cả mọi người.

Mỗi con người đều có sẵn lòng nhân mong muốn điều tốt lành cho mình và cho người. Do đó, nếu mỗi cá nhân chú ý phát huy tâm thái này ở trong chính mình bằng cách nghĩ đến khổ đau của người khác mà nỗ lực làm các điều đúng, điều tốt, tránh các điều sai, điều ác thì cuộc sống nói chung sẽ được may mắn và hạnh phúc rất lớn. Người nào lưu tâm “làm phước” như vậy tức là đã hiểu và thương cuộc đời nhiều lắm. Tự thân sống làm lành lánh ác rồi mà còn nỗ lực giúp đỡ cho người khác các điều kiện để họ được hạnh phúc an lạc thì càng hiểu và thương cuộc đời nhiều hơn.

Người Việt Namta có câu nói khuyên mọi người “làm phước” rất ý nhị: “Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Làm phúc chỉ để cứu cho một người thôi đã quan trọng lớn lao đến thế. Trong cục diện một xã hội và thế giới rất nhạy cảm và dễ thương tổn như xã hội và thế giới hiện tại của chúng ta thì chỉ một hành vi “bỏ quên phước đức” nhỏ thôi của người nào đó đôi khi gieo tai hoạ đau khổ cho hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người. Ngược lại, “làm phước” thì cứu được hàng vạn sinh linh. “Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng” xem ra rất đáng suy nghĩ vậy.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây