Họ còn dẫn chứng những sự việc tiêu cực trong nhà chùa. Vì con sợ họ sẽ bị tội nên con dừng lại, không dám đề cập đến việc khuyên họ nữa. Trường hợp như thế, kính xin thầy cho con lời khuyên dạy để cho con được hiểu rõ hơn và phải làm sao?
Ðáp: Trước hết, tôi xin thành thật chúc mừng cho Phật
tử đã có chút ít tiến bộ trong việc tu hành. Vì đã có phần nào an lạc bớt khổ
hơn trước khi chưa tu. Không tu thì thôi, mà hễ tu thì đương nhiên là chúng ta
sẽ có ít nhiều kết quả lợi lạc.
Và đời ta dĩ nhiên sẽ bớt khổ đau nhiều hơn. Ðó là một sự thật. Nếu tu hành mà không được lợi lạc tiến bộ, thì chắc không ai bỏ công sức để tu hành làm gì. Theo luật nhân quả, hễ gây nhân tốt thì chúng ta sẽ gặt hái quả tốt. Ngược lại cũng thế. Vì vậy, chúng ta nên cố gắng gia công nỗ lực tu hành làm lành lánh dữ nhiều hơn nữa.
Phật tử tuy có tấm lòng vị tha nhân ái rất tốt, nhưng
rất tiếc, Phật tử hơi vội nóng lòng muốn cho người khác, nhất là trong thân
nhân ruột thịt của mình, cũng nên tu học để được lợi ích như mình. Do đó, nên Phật
tử mới bị phản ứng dữ dội. Muốn tu tập theo hạnh Bồ tát thì Phật tử phải nên cố
gắng gìn lòng an nhẫn.
Có gặp chướng duyên thử thách như thế, thì mới đánh giá
được sức tu tập nhẫn nại của mình. Song có điều, Phật tử nên nhớ rằng, căn
duyên nghiệp quả của mỗi người mỗi khác nhau. Dù đó là thân nhân ruột thịt
của mình cũng không ai giống ai. Vì mỗi người có những huân tập nghiệp tánh
khác nhau.
Sở dĩ có sự khác biệt nầy, phần lớn là do những tập khí đã được huân tập trong nhiều đời, nay trở thành thói quen sâu nặng và hiện hành trong hiện tại. Ðồng thời, cũng do sự hấp thụ huân tập bởi những môi trường sống chung quanh, tùy theo mỗi thời đại mà sự huân tập có khác nhau. Từ đó, mỗi người có những quan niệm, kiến thức, nhận định cách nhìn qua những vấn đề khác nhau.
Khi khuyên bảo ai tu hành hay làm những việc từ thiện,
Phật tử nên dè dặt cẩn thận. Vì Phật tử chưa phải là người có đầy đủ khả năng
kinh nghiệm trong lãnh vực của đời sống tâm linh. Cũng như chưa thật sự nắm vững
những hệ thống giáo lý Phật pháp mà mình đang hướng lòng tu học.
Chẳng qua Phật
tử cũng chỉ là người đang tập sự trên bước đường tu học mà thôi. Do đó, muốn
khuyên bảo chuyển hóa người khác theo hướng tu học của mình, ít ra, mình cũng
phải có khả năng thông hiểu phần nào trong lãnh vực nầy.
Nhất là phần đạo hạnh chân thật ở nơi chính mình. Hiện tướng của phần đạo đức nầy, được thể hiện qua những phong cách như: lời nói, giao tiếp, xử sự, hành động v.v… Phải chứng minh thật sự mình là người có đạo đức chân thật.
Ðược thế, thì dù Phật tử không khuyên, người ta cũng sẽ
tự tìm hiểu tu hành như Phật tử. Hãy để cho người ta tự tìm hiểu là tốt hơn. Phật
tử nên nhớ rằng, giáo pháp Phật dạy có vô lượng pháp môn tu. Không phải vì người
ta không đi chùa, hay ăn chay, tụng kinh, lễ bái giống như mình, mà mình vội
cho họ là người không biết tu hành.
Chúng ta không nên vội kết luận như thế. Tuy người ta không tu áp dụng giống như pháp môn của mình, nhưng biết đâu người ta đang hành trì ứng dụng một pháp môn tu khác. Thậm chí, người ta không theo một pháp môn nào hết, nhưng hằng ngày người ta vẫn tu tỉnh tự sửa lấy mình, như thế cũng là tốt lắm rồi. Vả lại, người mình khuyên, có chắc là họ đã quy y trở thành người Phật tử giống như mình hay không?
Ðừng bao giờ thấy người ta tu không giống mình, rồi
mình vội vã cho rằng người đó không biết tu. Như những câu hỏi trên trong tập
sách nầy, chúng tôi cũng đã có nói sơ qua về chữ tu. Tu có nghĩa là sửa đổi. Chúng
ta thấy, có người tuy họ không đi chùa ngày nào, nhưng mà ở nhà họ vẫn tu tâm sửa
tánh rất kỹ lưỡng.
Thế thì, mình cho họ là người không biết tu hành hay sao? Kết
luận vội vã như thế, e rằng không khéo chúng ta sẽ mắc phải cái lỗi là quá nông
cạn hàm hồ. Ngược lại, có người khuyên người khác tu hành, nhưng nhìn lại bản
thân của họ, thực sự họ chưa chứng minh được điều đó. Vì vậy, nên người ta khó
có thể cảm thông và tin theo lời khuyên bảo của họ.
Ðó không phải là lỗi của
người mình khuyên mà chính là lỗi ở nơi người khuyên. Người xưa nói: “Con đường
thành công nhứt trên đường đời là bạn hãy thật hành những gì mà bạn thường
khuyên bảo kẻ khác”.
Khuyên người ta ăn chay, mà bản thân mình chưa từng ăn một bữa nào. Khuyên người ta tụng kinh niệm Phật mà bản thân mình chưa thật hành tụng một thời kinh niệm Phật nào. Như vậy, lời khuyên đó thật là hư rỗng chẳng có mang lại bổ ích gì!
Trường hợp khác, cũng có người vì nghĩ tình thân thuộc trong gia đình, nên khi khuyên bảo người thân, họ không cẩn thận ở nơi lời nói, thốt ra những lời lẽ kém nhã nhặn ôn hòa, từ đó gây nên tình trạng bất hòa tranh cãi với nhau. Biến lời khuyên trở thành một cuộc tranh chấp cãi vả hơn thua với nhau kịch liệt. Rốt cuộc, cả hai đều chuốc lấy phiền muộn nặng nề và rồi mất đi tình thương yêu tương kính với nhau.
Ðây quả là một tai hại vô cùng. Tuy cái nhân ban đầu
là tốt, nhưng vì thiếu chánh niệm chăm sóc cẩn thận ở nơi lời nói hay thái độ,
nên hậu quả trở thành tồi tệ xấu xa như thế. Cho nên lòng tốt của mình khi thể
hiện cũng phải đặt định cho đúng chỗ, đúng nơi.
Và khi khuyên ai tu hành, ta phải hết sức cẩn trọng và phải biết dừng lại khi cần thiết. Những điều trình bày trên, chúng tôi chỉ muốn đóng góp chút ít thành ý chung, trong vấn đề khuyên bảo người khác tu học như mình.
Trở lại trường hợp của Phật tử, như Phật tử đã nói,
khuyên những người thân tu hành để cho họ được lợi ích. Chẳng những họ không
nghe theo, mà họ còn chống đối kích bác. Quả thật lời khuyên của Phật tử thật
không có tác dụng lợi ích chi cả. Thậm chí, họ còn cho Phật tử là mê tín mù
quáng.
Ngoài ra, họ còn dùng những lời lẽ công kích mạt sát thậm tệ mà Phật tử
không thể nói ra hết được. Ðối với những người nầy, theo tôi, thì chúng ta chẳng
những không nên trách móc họ, mà trái lại ta còn phải thông cảm và thương họ
nhiều hơn. Bởi vì chủng tánh, nghiệp thức vô minh của họ còn quá sâu dầy.
Vì thế, nên họ chưa có cơ hội tiếp xúc để học hỏi Phật pháp. Do đó, nên họ mới có những lời lẽ thiếu nhã nhặn và chống đối Phật tử. Ðó là vì họ chưa học hỏi biết cách sử dụng hai phương pháp: “Lắng nghe và ái ngữ” của Phật giáo đó thôi.
Phật tử nên nhớ, khi khuyên ai, chúng ta cũng nên tìm
hiểu sơ qua về nếp sống, cá tánh, khuynh hướng, tôn giáo, của đối tượng mà ta
khuyên. Lời khuyên tuy hợp lý, nhưng không phù hợp căn cơ, thì lời khuyên đó sẽ
trở nên thất bại vô hiệu quả.
Ðôi khi còn bị phản tác dụng và gây nên sự tranh luận hơn thua với nhau, như Phật tử đã nói. Hạt giống tuy rất tốt, nhưng gieo không đúng đất thích hợp, thì hạt giống kia tất sẽ bị thui chột đi. Muốn gieo hạt giống tốt, ta cần phải chọn lựa môi trường thích hợp. Không nên đụng đâu gieo đó, chẳng những không kết quả, mà còn bị thiệt hại nữa. Việc nầy, Phật tử muốn khuyên ai tu hành như mình, phải nên hết sức thận trọng.
Tuy nhiên, biết đâu lời khuyên của Phật tử tuy không
có hiệu quả hiện thực, nhưng chính đó lại là hạt giống tốt gieo vào tâm điền của
họ. Mong rằng, một lúc nào đó, khi họ gặp những điều bất trắc xảy ra không may,
bấy giờ, họ mới trực nhớ lại lời khuyên bảo chí tình hợp lý của Phật tử.
Và chừng đó, biết đâu họ sẽ làm theo những điều mà Phật tử đã hết lòng khuyên bảo họ. Như thế, thì sự khuyên bảo của Phật tử, thiết nghĩ cũng không bị thiệt thòi lỗ lã chi cả. Xin Phật tử chớ nên buồn phiền mà có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và cho sự tu hành của mình.
Kính chúc Phật tử luôn an nhẫn mãi mãi tiến bộ và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp trên bước đường tu học Phật pháp.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự