Ðáp: Vấn đề nầy, thú thật, chúng tôi cũng không thể trả
lời một cách xác quyết dứt khoát rõ ràng. Vì chúng tôi cũng chỉ y cứ vào những
dữ kiện, tài liệu chứng minh do các bậc Thầy truyền lại. Còn vấn đề tin hay không
là quyền của mỗi người.
Trong quyển Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi
xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ, do cư sĩ Tịnh Hải sưu tầm, có dẫn chứng ghi lại lời
của Thượng Tọa Như Điển nói về việc tôn thờ Xá Lợi Phật và chứng minh xác quyết
đâu là Xá Lợi Phật thật. Chúng tôi xin được trích dẫn một vài đoạn nguyên văn ở
trang 178 để chứng minh như sau:
“Theo Thượng Tọa Như Điển, một phần lớn di chuyển về
Thiên cung, một phần di chuyển về Long cung. Xá Lợi Phật có ba phần, một loại lớn
bằng mút đũa, một loại bằng hạt gạo, một loại bằng hạt mè. Xá Lợi bằng mút đũa
hiện không còn nữa. Xá Lợi bằng hạt gạo cũng không còn. Bây giờ duy nhứt còn Xá
Lợi bằng hạt mè.
Xá Lợi có ba đặc tính. Hiện chùa Viên Giác có 8 viên
Xá Lợi. Không phải ai cũng thấy được Xá Lợi. Có người phải đảnh lễ đủ ba ngàn lạy,
trừ người có phước duyên từ trước. Muốn biết thế nào là viên Xá Lợi thật, phải làm
bằng cách như thế nầy:
Đem hai bát nước để hai bên. Một bên để gạo, một bên để
mè. Đầu tiên để gạo vào nước, thì gạo sẽ chìm, rồi lấy Xá Lợi để vào nước, Xá Lợi
cũng chìm.
Lần thứ hai, lấy gạo ra và bỏ lại một nửa vào chén nước.
Gạo vẫn chìm. Nhưng lần thứ hai lấy Xá Lợi ra và bỏ một lần nửa như gạo, nhưng
lần nầy Xá Lợi không chìm.
Bây giờ lấy mè bỏ vào nước, ta sẽ thấy mè nổi trên nước
như Xá Lợi. Nhưng nếu để Xá Lợi cách nhau khoảng 10 ly thì Xá Lợi tự động di
chuyển. Điều nầy chứng tỏ pháp thân thanh tịnh Tỳ Lô Giá Na Phật vẫn còn tồn tại
trong cõi này.
Cho nên người nào có phước, thờ Xá Lợi thì Xá Lợi sẽ lớn
lên. Còn người nào vô phước mà thờ Xá Lợi thì Xá Lợi bay bổng đi nơi khác, mặc
dù đang được cất giữ trong một cái tháp. Đó là sự linh thiêng của xá Lợi, và cũng
là đặc tính thứ nhứt.
Còn đặc tính thứ hai là Xá Lợi tự động di chuyển. Nội
thấy đặc tính nầy thì quý vị cũng đủ đảnh lễ rồi. Không có một vật gì ở thế gian
nầy khi đã chìm rồi lại nổi, không có một vật gì tự động di chuyển hết.
Đặc tính thứ ba là Xá Lợi có năm màu. Đây là màu hào
quang của Đức Phật. Đó cũng chính là màu lá cờ Phật giáo do một Đại Tá Mỹ tên
là Henri Olscostt đề nghị. Ông này khi qua Tích Lan, thấy hào quang năm màu của
Phật, mới đề nghị lấy năm màu đó làm màu cờ Phật giáo. Năm màu này là:
Màu xanh ( lá cây và nước biển ) tượng trưng cho niềm
tin là Tín.
Màu vàng tượng trưng cho Tinh tấn.
Màu đỏ tượng trưng cho sự nhớ nghĩ tức là Niệm.
Màu trắng tượng trưng cho Định.
Màu cam tượng trưng cho trí tuệ.
Về việc xá Lợi có thể di chuyển không, thì theo ông Tịnh
Hải thuật lại lời của Thượng Tọa Như Điển kể lại như sau:
Tại rừng Câu Thi Na – nơi Đức Phật nhập Niết Bàn – có
một ngôi chùa tên là Song Lâm. Trước đây do một Ni Sư người Trung Hoa dựng lên,
sau nầy Ni Sư cúng lại cho Hội Phật Giáo Linh Sơn của Hòa Thượng Huyền Vi, do
Sư Cô Trí Thuận trụ trì chùa nầy. Chùa có ba viên ngọc Xá Lợi của Đức Phật.
Sau đó Sư Cô qua Mỹ, đến Houston, Texas, có mang theo một viên Xá Lợi cúng dường cho một chùa ở đây, cũng mang tên chùa Linh Sơn. Vị trụ trì bận việc nên đem viên Xá Lợi bỏ vào một tủ khóa lại; nhưng sau đó mở khóa ra xem lại thì viên Xá Lợi biến mất, tìm mãi không ra.
Ba tháng sau, Sư Cô Trí Thuận từ nước ngoài trở
về Ấn Độ thì thấy viên Xá Lợi kia đã nằm sẵn trong tháp. Tóm lại, Xá Lợi rất
quý, nhưng nếu không biết cách gìn giữ thì Xá Lợi sẽ tự động giã từ mà trở về
chốn cũ.
Còn hỏi Có mấy loại Xá Lợi? theo Phật Học Từ Điển của
ông Đoàn Trung Còn, ông có nêu ra Xá Lợi của Phật gồm có 2 loại chính:
Toàn thân Xá Lợi: Như Phật Đa Bảo đã tịch, nhưng
Xá Lợi của Ngài là toàn thân thể vẫn ngồi trong bảo tháp.
Toái thân Xá Lợi ( xá lợi nát ra ): như Xá Lợi Phật
Thích Ca hiện thờ trong các chùa tháp.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự